Người hồi sinh những trái tim ngừng đập

Thứ sáu, 03/04/2015 16:40 PM - 0 Trả lời

Người hồi sinh những trái tim ngừng đập

(NB&CL) - Sách tử vi trọn đời có viết: “Người sinh năm Bính Ngọ tốt bụng, đáng mến và tràn đầy nhiệt huyết, Bính Ngọ cũng có thể tỏ ra kiên quyết và nghiêm khắc khi cần. Khi ở cương vị người đứng đầu hay ông chủ, "ngựa lửa" được cấp dưới đánh giá cao và mến phục. Trái tim nhân hậu cùng những đòi hỏi khắt khe là sự kết hợp hoàn hảo, vừa khiến họ được nhân viên quý mến, vừa giúp hoàn thành tốt rất nhiều công việc…”. Tôi bắt đầu câu chuyện bằng việc “bắt vị” vu vơ thế mà quả thực cũng rất đúng với người đang ngồi đối diện- PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Báo Công luận 

Bác sĩ Tuấn tận tình khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Biến ngòi thành sông, tại sao không?

Từ lời mời của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội với chính sách “trải thảm đỏ cho nhân tài” cùng với sự động viên, khích lệ của bác sỹ Nguyễn Quốc Triệu – Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn rời Bệnh viện Bạch Mai về nhận nhiệm vụ là người chèo lái Bệnh viện Tim Hà Nội vào ngày 28/8/2012.

- Một bước chuyển từ Trung ương xuống… địa phương. Tôi thấy vẫn cần thiết hỏi rằng, tại sao đang từ đường lớn anh lại vào ngõ hẹp vậy?- tôi thắc mắc.

- Lúc đầu khi mới đưa ý kiến, anh Triệu bảo tôi rằng, hãy suy nghĩ kĩ đi, vì về Bệnh viện Tim Hà nội chẳng khác nào đi từ sông vào ngòi cả. Còn tôi thì quyết định rất dễ dàng bởi với nghề bác sỹ thì ở đâu cũng là cứu người mà. Sông hay ngòi, đường to đường nhỏ không quan trọng. Thay vào đó, ngay lúc đó, tôi bắt đầu có một khát vọng: biến ngòi thành sông, tại sao không?- PGS.TS Quang Tuấn khẳng định.

Và thế là, anh bắt tay vào sứ mệnh biến ngòi thành sông suốt gần 2 năm qua. Sự thay đổi từng ngày của bệnh viện là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của vị giám đốc đầy khát vọng và nhiệt huyết này. Điểm đột phá mang tính lịch sử mà Giám đốc Tuấn đã thực hiện ngay sau khi nhậm chức, ấy là sự thay đổi một cách căn bản về diện mạo, bộ mặt cũng như tầm vóc của bệnh viện. Câu chuyện “kiềng ba chân” trở thành mốc son khẳng định sự quyết đoán, thức thời và bản lĩnh của anh. Trước đây, Bệnh viện tim Hà Nội chủ yếu là ngoại khoa, nội khoa hồi sức là phụ, phục vụ cho ngoại khoa, ví von đơn giản là chỉ có duy nhất một cái chân trụ cột. Mô hình đó dần dần đã không còn hợp lý nữa với những thay đổi trong đời sống xã hội. Kinh nghiệm nhiều năm học ở nước ngoài, PGS.TS Quang Tuấn hiểu rằng, để đứng vững không thể tiếp tục con đường cũ mà phải có sự “thay da đổi thịt” bằng một nấc thang cao hơn, phải đi bằng cả…3 chân. 3 chân ấy có sự kết hợp hài hòa tạo nên một thế kiềng vững chãi: Nội khoa là nền tảng, tim mạch can thiệp với công nghệ ít gây tổn thương xâm lấn và ngoại khoa. Ba nhánh đồng hành phát triển thì mới điều trị toàn diện cho người bệnh được. Quả thực, khi áp dụng “kiềng ba chân” người bệnh được hưởng lợi toàn diện, nhiều chuyển biến về tổ chức, kỹ thuật trong bệnh viện tạo nên một vị thế, tầm vóc mới. Quan trọng nhất là Bệnh viện tim Hà Nội ngày càng nhận được sự hài lòng của người bệnh, người dân.

- Vậy còn các cộng sự của anh, họ có đồng thuận trong chuyện đang từ một cái chân duy nhất, “mọc” thêm 2 cái chân nữa không thưa giám đốc?- tôi hỏi lại

- Hài lòng chứ. Đó là cái khéo của người lãnh đạo. Giống như một người đàn ông đi tán gái vậy. Khéo léo nhất phải là không để cho người con gái biết mình đang tán mà để cho người ta ngạc nhiên rằng: không biết tại sao họ đổ? Hãy để những điều tự nhiên, gần gũi, dung dị, đơn giản đi vào lòng người. Mọi chiến lược của tôi đều bằng hành động chứ không đao to búa lớn, chắc bởi vì thế, đến bây giờ mọi sự rất ổn. Đấy, ngòi hay sông là ở mình mà...- Bác sỹ Tuấn đầy hài hước chia sẻ.

“Con người này quả thực là không nhàm chán”!

Nếu nói về anh, có quá nhiều điều, thậm chí có thể viết thành sách. Ít ai biết rằng PGS. TS Quang Tuấn từng có 4 năm trong quân ngũ ở chiến trường biên giới phía Bắc. Sau những năm trận mạc, anh lính trẻ ấy trở về giảng đường đại học với khát vọng được cứu người. Khi bắt đầu đi khám lâm sàng tại bệnh viện, chứng kiến các bác sĩ tim mạch mang đến sự hồi sinh kỳ diệu cho những trái tim đang dần nguội lạnh, anh như tìm thấy con đường đi cho đời mình. Cái duyên gắn bó với chuyên ngành tim mạch bắt đầu từ đó. Là người hồi sinh rất nhiều những quả tim ngừng đập, cứu sống những nhân vật tầm cỡ của quốc gia và là một trong số ít bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn ngang tầm với nhiều tên tuổi của lĩnh vực tim mạch thế giới… là những nhận xét của giới chuyên môn về vị bác sỹ suốt gần 20 năm gắn bó với nghề này. Còn bác sỹ Tuấn thì nhận xét về mình đơn giản là: Vừa giảng dạy, vừa chuyên môn, vừa viết sách và vừa quản lý nữa… Con người tôi luôn có hai thái cực: một là sự đôn hậu, nhạy cảm, nhiệt huyết của một lương y. Hai là trong vai một nhà doanh nhân, một giám đốc, tôi là điển hình của sự lạnh lùng đấy…

Cùng bác sỹ Tuấn xuống phòng khám, tôi có thời gian để quan sát về vị lương y trong công việc. Người đàn ông này có một phong thái lịch lãm, nhã nhặn, bình thản và cởi mở đến từng cử chỉ. Khám bệnh cho bệnh nhân liên tục hàng giờ nhưng nụ cười vẫn thường trực, gương mặt rạng rỡ. Câu đầu tiên hỏi người bệnh của anh luôn là: bác/ anh/ chị cảm thấy thế nào trong người ạ? Cái cách anh làm khiến bất giác một vài giây trong đầu tôi ngờ vực: đây là giám đốc – người chèo lái một con tàu lớn với núi công việc, với bộn bề lo toan, với sự lạnh lùng ư? Rồi tôi cũng tự trả lời bằng việc nhớ đến lời nhận xét của GS. Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam về anh: “Con người này quả thực là không nhàm chán”!

Khép lại buổi trò chuyện nhưng tôi vẫn cứ ấn tượng về con người ấy với sự thân thiện, nhân ái và tận tâm. Trong suốt cuộc hành trình “hồi sinh những trái tim ngừng đập” anh đầy nhiệt huyết và đam mê. Anh bảo có được “máu lửa” của nghề như thế không gì khác là ở khát vọng được cứu người, thương những mảnh đời gặp khó. Với một bác sỹ giỏi phải là bác sỹ giúp bệnh nhân phòng bệnh chứ không phải là chữa bệnh. Có lẽ vì thế, anh chuyên tâm viết nhiều sách và phát hành hàng nghìn cuốn để mang đến thông điệp: Ta có thể cứu mình nếu thực sự ta muốn! Ban đầu anh tặng bệnh nhân nhưng tiếc rằng bệnh nhân không mấy người đọc sách. Rồi anh nghĩ đến chuyện bán sách, với tư duy thực tế và thú vị rằng, vì “của đau con xót”, bỏ tiền ra mua người bệnh sẽ tiếc của mà… đọc sách để có kiến thức phòng bệnh. Chiến lược khá tinh tế này của anh đã thành công. Những cuốn sách cứ nối tiếp nhau ra đời và đáng nói là, tất cả số tiền bán sách đều được gửi vào quỹ từ thiện cho bệnh nhân nghèo bị tim bẩm sinh… Lòng trắc ẩn và trái tim người thầy thuốc, luôn là điều còn đọng mãi, đọng mãi.

HÀ VÂN

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục