Người một đời tha thiết với ảnh...

Thứ bảy, 25/08/2018 18:38 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Không phải là nhà báo chuyên nghiệp tham gia trong một cơ quan báo chí nào cụ thể nhưng cuộc đời làm nghề của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu lại gắn liền với những khoảnh khắc quý hiếm có một không hai về kháng chiến, về các văn nghệ sĩ, về những nhà báo, nhà văn trong những năm tháng chiến tranh. Những câu chuyện về cụ được người con trai Trần Chính Nghĩa chia sẻ đầy tự hào...

Nhiều câu chuyện của một thời qua ống kính

Chúng tôi đến căn nhà nhỏ ở phố Hàng Bông - nơi có rất nhiều những kỷ vật quý mà cố nghệ sĩ Trần Văn Lưu để lại cho con cháu như một giá trị tinh thần vô giá. Quả thực, nhiều năm nay tôi vẫn bắt gặp những bức ảnh báo chí về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là giai đoạn Cách mạng tháng 8/1945 được đăng tải trên các báo của tác giả Trần Văn Lưu nhưng hôm nay mới có dịp đến thăm gia đình cụ, tìm hiểu nhiều hơn về những bức ảnh có giá trị vượt thời gian ấy. 

Báo Công luận
Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu (trái) và Nguyễn Văn Tuất, người cộng sự của ông trong những năm kháng chiến (Ảnh: Đỗ Văn Thành). 
Câu chuyện ngược về quá khứ, sự nghiệp nhiếp ảnh của cụ Trần Văn Lưu được nhiều người ghi nhận ở mảng ảnh chụp các văn nghệ sĩ trong kháng chiến. Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta, cụ Trần Văn Lưu đã tham gia kháng chiến ngay từ đầu, đưa cả gia đình tản cư về vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên. Cụ không chỉ có mặt trong đội ngũ những văn nghệ sĩ tiên phong mà còn chính là người ghi lại qua ống kính của mình những hình ảnh ý nghĩa về họ, về một thời văn nghệ huy hoàng, đầy máu lửa cả trên mặt trận kháng chiến và mặt trận văn học nghệ thuật. 

Tháng 7/1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, cụ đã chớp được những khoảnh khắc đắt giá về các văn nghệ sĩ khi đó, như các nhà thơ: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Thế Lữ; các nhà văn: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng; các họa sĩ: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung… Đặc biệt, từ tháng 11/1949, khi Đoàn Nhiếp ảnh được thành lập, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được bầu vào Ban chấp hành, bên cạnh những tên tuổi hàng đầu của nhiếp ảnh Việt Nam như Vũ Năng An, Hồng Tranh, Đinh Đăng Định… Trong cương vị mới này, ống kính Trần Văn Lưu càng có điều kiện bám sát các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1949, khi cơ quan đầu não của Hội chuyển sang đất Thái Nguyên, nhà nhiếp ảnh đã chụp được bức ảnh đặc biệt quý giá, ghi lại hình ảnh bảy văn nghệ sĩ trước trụ sở của Hội. Bảy người đó là Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân – những tên tuổi hàng đầu của văn nghệ kháng chiến đồng thời cũng là những người có cương vị của Hội Văn nghệ Việt Nam. Những năm sau đó, ống kính Trần Văn Lưu còn lưu lại được những khoảnh khắc độc đáo về hội nghị Văn nghệ sĩ ủng hộ hòa bình, hội nghị Tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, Đại hội Văn công toàn quốc… Có thể nói, bây giờ nhìn lại, đó là những bức ảnh tư liệu đắt giá, có thể hình dung lại được nhiều câu chuyện của một thời. 

Báo Công luận
 Các văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở xóm Chòi, xã Yên Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên năm 1949. Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân – bức ảnh quý của NSNA Trần Văn Lưu.
Cụ Trần Văn Lưu chưa một ngày làm việc trong một tòa soạn báo nào nhưng những bức ảnh của cụ về văn nghệ sĩ trong kháng chiến thì khó có tay máy nào sánh bằng. Nhiều cơ quan báo chí sử dụng bức ảnh ấy trên báo để minh chứng cho những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Những văn nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng nổi tiếng một thời hầu hết đều được cụ chụp ảnh, gìn giữ trân trọng suốt cả cuộc đời. Gắn bó với văn nghệ sĩ, hiểu văn nghệ sĩ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ nên những tác phẩm của Trần Văn Lưu thật sống động và chân thật. Có thể khẳng định, bất cứ ai khi tiếp cận với kho ảnh mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã chụp, đều cảm thấy đang được chứng kiến một quá khứ sống động, một đời sống văn nghệ đang hiện ra, dù thực tế đã 73 năm trôi qua.

“Bộ sử” về văn nghệ sĩ 

Ông Trần Chính Nghĩa, con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu vẫn còn lưu giữ rất cẩn thận những tấm phim nhỏ xíu. “Cha tôi mất tháng 2/2003. Trước khi mất, điều ông căn dặn con cháu là bằng mọi giá phải giữ được hòm phim, ảnh ông đã chụp và khi điều kiện cho phép, thay ông in những bức đó thành sách để mọi người cùng xem, cùng biết về một thời khó quên của dân tộc. Và sau 15 năm cha tôi mất, sau nhiều lần “gõ cửa” nhiều nơi, tôi đã gặp được anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Khi tôi cho anh ấy xem những bức ảnh của cụ để lại thì gần như ngay lập tức anh đề nghị gia đình phối hợp với NXB Kim Đồng in thành sách…”, ông Nghĩa kể. 

Cầm cuốn sách ảnh “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” mà người con trai Trần Chính Nghĩa tâm huyết nhiều năm thực hiện theo ước nguyện của cha mình mà thấy như những năm tháng xưa vẫn còn đậm dấu ấn thời cuộc. Cuốn sách chẳng khác gì một “bộ sử” bằng ảnh đen trắng về các gương mặt văn nghệ sĩ kháng chiến cũng như đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp. Sách tập hợp gần 300 bức ảnh làm nên một nguồn tư liệu quý, ghi lại nhiều khoảnh khắc trong kháng chiến và sau hòa bình lập lại mà đến hôm nay vẫn đầy sức hấp dẫn. Những gương mặt hàng đầu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nhiều nghệ sĩ đã có mặt ở những tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp... đều là những người bạn thân tình, đồng thời đều được nghệ sĩ Trần Văn Lưu chụp ảnh chân dung và những sinh hoạt hằng ngày trong khói lửa chiến tranh. 

Báo Công luận
Nhà thơ, đạo diễn Thế Lữ và các cộng sự đang hóa trang chuẩn bị cho vở diễn tối ngày 14/4/1949 tại Hội nghị Văn nghệ bộ đội. Bức ảnh này về sau được Trần Văn Lưu gửi đi dự cuộc thi ảnh của tờ Réponses Photo - một tạp chí chuyên về nhiếp ảnh của Pháp và đã giành được giải Nhì. Bức ảnh này cũng được chọn làm bìa sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”. 
“Điều đáng quý là những bức ảnh đều được cụ bảo quản rất tốt và cẩn thận. Còn nhớ, mỗi lần tôi đi đâu về là phải mua cho cụ vài ba nghìn vôi để cụ cho vào hòm hút ẩm cho các cuộn phim ảnh. Mỗi bức ảnh, cụ đều ghi chú như những tư liệu quan trọng. Đặc biệt, cụ nâng niu từng bức ảnh bởi những năm tháng kháng chiến luôn là những tháng năm vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời cụ” – người con trai Trần Chính Nghĩa chia sẻ. Đặc biệt là, sau này khi đất nước không còn chiến tranh, khi cụ Lưu đã cao tuổi thì rất nhiều tờ báo, kể cả TTXVN cũng đều đến xin cụ những bức ảnh đó để đăng tải và cụ rất vui vẻ đồng ý để các tờ báo sử dụng những tư liệu “có một không hai” ấy. Khi cụ mất, công việc trao lại những bức ảnh cho các tờ báo hay như việc trao tặng chiếc cặp khi đi tác nghiệp thời chiến của cụ cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới đây cũng được người con trai Trần Chính Nghĩa thực hiện.  

Chính niềm đam mê ấy của cha mà Trần Chính Nghĩa sau này cũng đã nối nghiệp ảnh, mưu sinh bằng nghề chụp ảnh nhiều năm nay như một cách trân trọng tài năng, tâm huyết của cụ thân sinh ra mình. Theo người con trai của cụ thống kê, số lượng ảnh của Trần Văn Lưu chụp trong giai đoạn kháng chiến 9 năm còn lưu lại trên 300 bức. Trong số di sản này có nhiều đề tài khác nhau như về bộ đội, thiếu nhi, sinh hoạt văn hóa văn nghệ... Có thể nói, đây là những tài sản vô cùng quý giá, khối lượng không hề nhỏ của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. 

Và có lẽ vì thế mà đến hôm nay khi được xem những tác phẩm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đã viết đầy cảm xúc: “Tôi được biết danh tiếng nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu từ lâu, đặc biệt gần 40 năm qua được làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam, báo Văn nghệ và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tôi đã nhiều lần vinh hạnh được in lại những bức ảnh vô cùng quý giá của cụ. Đó là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, có một không hai, đã đi vào lịch sử. Và tên tuổi của cụ Trần Văn Lưu cũng đã đi vào lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam với tư cách nhiếp ảnh gia bậc thầy. Chẳng những có công lao to lớn đối với nền văn nghệ cách mạng mà còn có công lao xứng đáng với Tổ quốc, với nhân dân”.

Một vài năm trở lại đây, gia đình cụ Trần Văn Lưu đang tiếp tục tìm lại những kỷ vật, những giấy tờ, tư liệu để mong muốn có được sự ghi nhận thêm nữa của Đảng, Nhà nước về một tài năng cống hiến trên mặt trận văn hóa tư tưởng nghệ thuật. Có lẽ với cụ được sống với đam mê, được cống hiến cho kháng chiến, cho nền nghệ thuật và báo chí nước nhà đã là một niềm hạnh phúc lớn nhưng vẫn hy vọng là những ước nguyện của gia đình ấp ủ hôm nay sẽ có được kết quả tốt đẹp, xứng đáng.

An Vinh – Huy Hoàng

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo