Người phục chế tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay

Thứ sáu, 03/04/2015 14:16 PM - 0 Trả lời

Người phục chế tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay

(Congluan.vn) - Với sự ước đoán bằng mắt và hình dung bằng tư duy, các nghệ nhân thuộc Công ty Mỹ thuật Mỹ nghệ Long An đã phục chế thành công tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ quý với tỉ lệ thu nhỏ 1/5 so với tượng gốc ở chùa Bút Tháp – tỉnh Bắc Ninh và giống từ 95 – 98%. Năm 1982, Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của sự phục chế, tạo tiếng vang lớn được cả nước khâm phục, đánh dấu thành quả to lớn của ngành chạm khắc tỉnh Long An…

Từ pho tượng thật chùa Bút Tháp

Trong chuyến tham quan Bảo tàng tỉnh Long An đầu xuân, chúng tôi đã nhìn thấy một pho tượng gỗ Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được trưng bày trong tủ kính Phòng trưng bày mỹ thuật mỹ nghệ truyền thống, hỏi ra mới biết pho tượng ấy được sao chép, phục chế từ tượng nguyên bản của chùa Bút Tháp – xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

 
Báo Công luận
 
Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp

Chị Huỳnh Thị Nhành – Cán bộ Kho bảo quản Bảo tàng Long An cho biết thông tin sơ lược: “Tượng do các nghệ nhân họ Huỳnh – một trong những dòng họ điêu khắc gỗ truyền thống của tỉnh Long An nghiên cứu, chạm khắc trong thời gian từ tháng 10/1978 đến tháng 6/1979. Rất may là một trong ba nghệ nhân họ Huỳnh ấy là ông Huỳnh Chính Đức vẫn còn sống. Ba nghệ nhân mỗi người làm một công đoạn và chịu sự chỉ huy của ông Tám Định, tức nghệ nhân Huỳnh Văn Định”.

Gọi tượng Quan Âm nghìn mắt nhìn tay hoặc Phật Bà nghìn mắt nghìn tay hay Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát đều đúng. Để biết được sự phục chế của các nghệ nhân tỉnh Long An từ tượng gốc như thế nào, chị Nhành đã hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu tượng gốc tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, theo kinh Phật và những truyền thuyết dân gian thì Đức Quan Thế Âm Bồ Tát tu luyện được tất cả các phép thần thông quảng đại, thường hay biến hiện ra nhiều sắc tướng để trừ khổ ải cho chúng sinh.

Trong các vị Quan Âm Bồ Tát, theo danh hiệu và sắc tướng, có một số danh hiệu như: Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, Chuẩn Đề Quan Âm, Phật Bà Quan Âm, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Thế Âm Vô Úy, thì Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Phật thần thông quảng đại, hay rat ay cứu độ chúng sinh: không đâu Ngài không thấy, không việc gì Ngài không làm được. Do đó, Ngài có sắc tướng là vị Phật nghìn mắt nghìn tay. Khi vào viếng các ngôi chùa, người ta thường thấy các tượng Phật ngồi hoặc đứng mà có nhiều tay, nhiều mắt…, đó chính là những pho tượng thờ Ngài.

Theo những nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam và lịch sử Phật giáo thì pho tượng làm bằng gỗ chạm, sơn son thếp vàng đầu tiên thờ Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát (dân gian quen gọi là Quan Âm nhìn mắt nghìn tay) được nghệ nhân Trương Văn Thọ chạm khắc vào năm Bính Thân (1656). Tượng cao 3,7m, vành hào quang rộng 2,1m, bệ dài 1,15m, gồm có phần bệ tượng và thân tượng, đặt thờ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), đến nay vẫn còn.

Tượng được thể hiện trong dáng nữ, với gương mặt chính diện trông hiền hậu, ánh mắt nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười, mũi dọc dừa, dáy tai to dài, hoa tai hình bông sen. Tượng có 11 đầu, một nghìn tay, một nghìn con mắt. Từ khuôn mặt chính diện ở hai bên có hai khuôn mặt nữa (thể hiện tam thế) và trên đầu đội mũ hoa sen với thêm 8 khuôn mặt nhỏ xếp thành hình tháp 3 tầng (3 tầng trời), trên đỉnh là một pho tượng nhỏ A di đà (cõi Niết bàn). Tượng đặt trên tòa sen do rồng đội. Tượng bằng gỗ quý, toàn thể tượng có thể tháo rời ra từng bộ phận.

Toàn thể tượng muốn nói lên lòng nhân ái mênh mông của Bồ Tát Quan Thế Âm, thể hiện lòng tin tuyệt đối vào sự toàn năng của Phật Bà Quan Âm: nhìn thấy, xem xét được mọi sự việc, sự vật ở khắp mọi nơi, cứu vớt, cứu khổ mọi người trong mọi lúc… Nghệ nhân đã thành công trong cách bố cục và diễn tả để pho tượng được tự nhiên, cân đối giữa thân người và 21 đôi tay mềm mại xung quanh. Các đôi cánh tay lớn như đang múa, các cánh tay nhỏ được sắp xếp them vầng hào quang tỏa sáng xung quanh.

Trên mỗi lòng bàn tay đều có hình con mắt thể hiện “nghìn mắt”. Phần bệ tượng thể hiện “bể khổ trần gian” với nhiều sóng gió. Con ác thú đội tòa sen và người đội bệ tượng là những kẻ ác bị trừng phạt và được Phật Bà thu phục làm đệ tử. Riêng hoa văn chạm khắc trên bệ tượng mang nét đặc sắc của hoa văn trang trí thời Lê như “Lưỡng long chầu nhật”, “Song lân chầu nhật” – trong đó hình tượng Long (rồng) tượng trưng cho uy quyền của Vua và Lân là biểu tượng cho sự bền vững của triều đại, của quốc gia… Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được xem là cổ vật quý của nước ta và là niềm tự hào to lớn của nền mỹ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam trong tiến trình phát triển lịch sử Phật giáo dân tộc.

 
Báo Công luận
 
Bảo tàng tỉnh long An nơi trưng bày bản phục chế tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay

Tháng 7/1978, Công ty Mỹ thuật Mỹ nghệ Long An đã cử ông Nguyễn Đức Lưu là họa sĩ, nguyên Giám đốc Công ty, cùng 3 nghệ nhân Huỳnh Văn Định, Huỳnh Văn Măng và Huỳnh Chính Đức (con ông Huỳnh Văn Định) trong dòng họ Huỳnh – một trong những dòng họ điêu khắc gỗ truyền thống của tỉnh Long An, ra miền Bắc nghiên cứu và chép lại tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay từ tượng gốc với tỉ lệ thu nhỏ 1/5. Mỗi nghệ nhân làm từng bộ phận nhưng chịu sự kiểm soát của nghệ nhân Huỳnh Văn Định (quê ở chợ Đệm – huyện Bình Chánh – TP.HCM).

… đến chuyện kể của người phục chế

Tượng sao chép được làm bằng gỗ lát hoa, cao 0,69m, rộng 26 cm, là bản sao thu nhỏ của tượng gốc chùa Bút Tháp với tỉ lệ 1/5. Tượng gồm 3 phần; Thân tượng và tay chính do nghệ nhân Huỳnh Văn Định đảm trách. Thân tượng có 3 đầu và 6 cánh tay liền nhau. Phần chop có 9 đầu được lắp mão. Xung quanh được chạm 36 cánh tay rời (mỗi bên có 18 tay được chia làm 3 hàng lắp vào thân). Phần hào quang do nghệ nhân Huỳnh Chính Đức phụ trách. Hào quang tính từ đế lên đến điểm cao nhất có 958 cánh tay rời, mỗi tay được chạm trên đó một con mắt được sắp xếp cách đều nhau. Đế tượng (được tính từ tòa sen trở xuống) do nghệ nhân Huỳnh Văn Măng đảm trách. Đây là một khối gỗ chạm thủng không có lắp ghép. Phần đế tượng được chạm khắc nhiều hoa văn li ti rất công phu.

 Theo mách nước của các anh chị cán bộ ở Bảo tàng Long An, chúng tôi bắt đầu đi tìm những nghệ nhân phục chế pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát và chỉ còn có ông Huỳnh Chính Đức còn sống mà thôi. Chị Huỳnh Thị Thanh Hương – Cán bộ Trung tâm phát hành phim tỉnh Long An cho biết: “Ông Tám Định (Huỳnh Văn Định) là em thứ 8 của ông nội tôi – ông Huỳnh Văn Xuyến. Chú Huỳnh Chính Đức là con của ông Tám Định. Hồi đó ba tôi – ông Huỳnh Văn Măng – ra Bắc cùng ông Tám Định và chú Bảy Đức để sao chép, phục chế tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Sau giải phóng, ba tôi làm nghề chạm khắc gỗ.
 
Báo Công luận
 
Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay phục chế được trưng bày trong tủ kính Bảo tàng tỉnh Long An

Nghe ba nói khi ra Bắc sao chép, phục chế tượng khổ lắm. Ba tôi đi xe đạp chở gạo ở cầu Long Biên bị rớt bao gạo…, rồi ăn uống cũng khổ lắm. Tượng Phật có nhiều tay, phải làm nhiều tay rồi mới ráp lại, phải chuốt từng tay một. Nói nghìn tay chứ cũng hơn. Mình làm lại nhưng rất giống. Mà thôi, tôi chỉ biết có thế thôi, nhà báo muốn rõ hơn thì hãy tìm chú Bảy Đức. Chú ấy vẫn sống ở Sài Gòn đó!”.

Lần theo thông tin của chị Hương, trở về chốn Sài Thành hoa lệ, lần mò rồi chúng tôi cũng tìm được nghệ nhân Huỳnh Chính Đức. Trong một quán cóc nhỏ liêu xiêu phía trong con hẻm nhỏ đường Hậu Giang, quận 6 – TP.HCM, nhắc lại chuyện xưa, ông Đức không giấu nổi niềm tự hào. Ông kể rằng, năm 1976, cả gia đình ông tham gia vào Công ty Mỹ thuật Mỹ nghệ Long An (thuộc Sở VHTT – DL Long An, hồi đó là Ty văn hóa thông tin Long An) và ngày đó ông làm công tác mỹ thuật ít mà làm văn hóa thì nhiều. Năm 1978, ông Nguyễn Văn Chính – Bí thư Tỉnh ủy Long An có chủ trương mời 3 nghệ nhân điêu khắc gỗ truyền thống của Long An là cha con ông Đức và ông Măng ra Hà Nội công tác để sao chép, phục chế tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay – một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Tỉnh Long An bố trí đưa đoàn đi bằng máy bay. Thời điểm này ở Ấn Độ, người ta rất tôn sùng pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay này.

Cũng thời điểm này, Phủ Chủ tịch Phạm Văn Đồng có chủ trương phục chế tượng này. Tượng còn nguyên vẹn, cao 3 thước 70 cm, bằng gỗ quý chỉ có ở miền Bắc. Khi ra ngoài Bắc tìm hiểu, ông Đức mới biết lúc chiến tranh, máy bay oanh tạc, người dân bảo vệ tượng rất cực khổ, mỗi người ôm một cánh tay tượng chạy trốn.. Vì thế, sau thời bình, Nhà nước mới cho phục chế lại tượng. Đoàn của ông 4 người, gồm ông Nguyễn Đức Lưu – nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Mỹ nghệ Long An và 3 nghệ nhân họ Huỳnh nhà ông: Huỳnh Văn Định, Huỳnh Văn Măng và Huỳnh Chính Đức.

Ông Huỳnh Chính Đức cho biết: “Đoàn chúng tôi ở tại làng Bút Tháp, nơi tọa lạc của pho tượng nguyên mẫu ở huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh. Nơi này cách Hà Nội mấy chục cây số. nhờ Vụ mỹ thuật Hà Nội và Cục báo chí Việt Nam giúp đỡ, cùng công tác làm tác phẩm. Sau 8 tháng miệt mài, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ba chúng tôi phải phục chế tượng Phật bằng gỗ lát hoa – loại gỗ chỉ có ở miền Bắc, với cường độ cao, làm thủ công, dụng cụ chỉ có cưa, rìu, đục”. Trong 8 tháng thực hiện tác phẩm phục chế, các nghệ nhân tài hoa của tỉnh Long An đã gặp rất nhiều khó khăn từ sinh hoạt cho đến khí hậu. Là dân miền Nam ra Bắc, họ bị rét đến tê cóng cả tay với thời tiết 4 – 50 C, rồi ăn uống cũng kham khổ, họ ăn đậu hủ, mì, ăn cơm độn… Thế nhưng vì danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm được giao phó nên họ quyết tâm làm. Khi đó, ở ngoài Bắc cũng có nhiều người phục chế pho tượng này nhưng không thành công, xác suất chỉ có 47% chất lượng.

Báo Công luận
 
Nghệ nhân Huỳnh Chính Đức - một trong 3 nghệ nhân phục chế tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay

Sau 8 tháng miệt mài, tác phẩm được đưa về Hội đồng mỹ thuật quốc gia đánh giá. Có một bàn xoay để tác phẩm lên tại hội nghị với 60 người thẩm định. Thời điểm này, ông Huỳnh Phương Đông là Phó tổng thư ký Hội mỹ thuật TP.HCM và ông Diệp Minh Châu (sau này có tác phẩm chân dung Bác Hồ) là Tổng thư ký Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam. Hai ông này nhận định tác phẩm: “Tỉ lệ sản phẩm 98,7% giống pho tượng gốc! Đây là vấn đề rất khó. Không phải chúng ta có tiền bỏ ra là có được. Ai hiểu biết mới biết giá trị đích thực của nó!”. Phủ Chủ tịch cũng công nhận đây là một tác phẩm văn nghệ thuật mà ngày xưa tới giờ mang tính điêu khắc thuần túy của dân tộc Việt Nam.

“Theo đề nghị của bác Phạm Văn Đồng, đây là công sức của nhân dân Long An nên Bộ Văn hóa – thông tin không giữ bức tượng mà gửi bức tượng về cho nhân dân Long An. Đây thực sự là món quà rất quý giá đối với người dân Long An chúng tôi. Thời điểm này, Cục báo chí – Cục trưởng là cô Trần Thị Mỹ Châu, cô ấy muốn đưa tác phẩm đầu tiên chúng tôi làm ra giới thiệu cho toàn thế giới biết. Nước nào tín ngưỡng, có nhu cầu thì mình sẽ làm tượng (13.000 USD/tượng). Khi đưa pho tượng về Long An thì Tỉnh ủy Long An và Ty văn hóa thông tin Long An đã tổ chức một buổi lễ rước tượng về. Ty văn hóa thông tin Long An chịu trách nhiệm giữ tượng. Về sau Ty giao lại cho Bảo tàng” – ông Đức nói.

Khi làm phục chế pho tượng, ông Đức chỉ mới 18 tuổi, đã tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Sài Gòn và sớm là nghệ nhân điêu khắc gỗ truyền thống của tỉnh Long An. Trãi qua nhiều khó khăn, tưởng chừng như ý định phục chế tượng sẽ không thực hiện được, nhưng với lòng kiên trì học hỏi, sự yêu nghề cộng với khối óc thông minh và đôi bàn tay khéo léo, 8 tháng miệt mài, tích cực làm việc, những nghệ nhân Long An đã hoàn thành việc sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt nhìn tay từ tượng gốc chùa Bút Tháp – Bắc Ninh bằng phương pháp đo đạc bằng dây và ước lượng thu nhỏ bằng mắt thường. Bộ Văn hóa – Thông tin đã tặng cho 3 nghệ nhân Huỳnh Văn Định, Huỳnh Văn Măng và Huỳnh Chính Đức mỗi người một bằng khen đột xuất theo Quyết định số 36 ngày 19/1/1979 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ký).

Ông Vương Thu Hồng - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Long An cho biết: “Ấy cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam ta có một đơn vị và nghệ nhân sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt nhìn tay, mà đặc biệt là tượng thu nhỏ rất công phu. Đây là kết quả lao động miệt mài sáng tạo của các nghệ nhân Long An. Thực sự việc trưng bày, giới thiệu với du khách tham quan tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được sao chép thành công từ tượng gốc ở chùa Bút Tháp – Bắc Ninh đã làm phong phú thêm số lượng hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Long An và làm tăng thêm lòng tự hào về nghề chạm khắc gỗ truyền thống của tỉnh nhà!”.

  •     Hải Âu – Tiểu Tịnh

Tin khác

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra
Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

(CLO) Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đã trúng hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng ở hầu hết các Công ty Điện lực trên địa bàn TP. Hà Nội.

Điều tra
Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Điều tra