Nguồn tài nguyên quý giá của ngành giáo dục

Thứ ba, 20/11/2018 18:50 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhân ngày 20/11, phóng viên đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng nhà giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), người luôn đồng hành, sẻ chia cùng các nhà báo, phóng viên trong lĩnh vực giáo dục suốt nhiều năm qua...

Báo Công luận
Nhà giáo Trần Trung Hiếu luôn được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, kinh trọng (Ảnh: NVCC) 

Tôi không thể hình dung nổi nếu giới báo chí hoạt động mà không có sự sẻ chia, đồng cảm, giúp đỡ của các chuyên gia. Và với những phóng viên, nhà báo theo dõi mảng giáo dục thì ông là một địa chỉ “chọn mặt gửi vàng”?

Tôi cho rằng, trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục hiện nay, sẽ khó thành công khi thiếu sự đồng hành của truyền thông, báo chí. Tôi không phải là “một chuyên gia”, chỉ là một nhà giáo luôn nặng lòng với nghề, tận tụy với học trò, cởi mở, chân thành với các đồng nghiệp. Tôi đã 25 năm đi dạy và đã, đang và sẽ luôn gắng làm tốt thiên chức của mình, trong vị trí công tác của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trong bối cảnh nền giáo dục của đất nước đã và đang chuyển mình cùng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những việc đã làm được vẫn còn quá nhiều vấn đề giáo dục mà đội ngũ các nhà giáo, phụ huynh, học sinh trăn trở, lo lắng, Quốc hội bàn luận, báo chí đề cập. 

Từ vấn đề đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, thi cử, từ cơ chế, chính sách với nhà giáo đến văn hóa học đường còn nhiều bất cập đã tác động sâu sắc và toàn diện đến học sinh và đội ngũ thầy cô giáo.

Với góc độ là một nhà giáo, nhiều năm qua  bằng tâm huyết cùng một chút hiểu biết của mình về ngành, về nghiệp, tôi cũng đã và đang cùng trao đổi, sẻ chia những quan điểm phản biện với báo chí một cách cởi mở, thẳng thắn, cùng đồng hành với ngành giáo dục đào tạo trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Tất cả những gì mà tôi đã sẻ chia chỉ với một thiện chí, chỉ với một động cơ là muốn “sau cơn mưa trời sẽ sáng hơn hơn”, dẫu biết rằng có thể “một cánh én nhỏ” cũng chẳng làm nên nổi một mùa xuân.

Nếu gõ cái tên Trần Trung Hiếu trên Google thì sẽ thấy có vô số bài viết, bài phỏng vấn dẫn lấy ý kiến thẳng thắn, uyên bác, lý lẽ đanh thép, thuyết phục của ông. Tuy nhiên, ai cũng biết để trả lời những câu hỏi xung quanh mặt hạn chế, yếu kém, tồn đọng của ngành giáo dục mà nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng là điều không dễ với một nhà giáo. Ông đã vượt qua “vách núi” đó thế nào?

Trong công việc và cuộc sống, tôi luôn suy ngẫm, trải nghiệm nhiều sự trăn trở. Tôi luôn đồng thuận và thực hiện phương châm sống là: Trong cuộc đời, chúng ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn cách mình để sống, con đường mình để đi.  

Đã có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, học trò cũ của tôi nhiều năm qua vẫn bày tỏ sự băn khoăn đan xen nỗi niềm lo lắng trước những quan điểm, cách nhìn nhận và chính kiến của tôi trên truyền thông, báo chí. Người ta thường hay nói cái câu cửa miệng quen thuộc là: “Trực ngôn thì nghịch nhĩ”. Có thể rất nhiều người rất ngại, nhà giáo càng ngại, còn tôi thì không cho rằng là như vậy.

Thực trạng giáo dục nhiều năm gần đây, rất nhiều đồng nghiệp biết và hiểu, nhiều người băn khoăn, trăn trở nhưng ít người dám nói, dám viết, dám trả lời phỏng vấn trước giới truyền thông.

 

Báo Công luận
 Nhà giáo Trần Trung Hiếu sẵn sàng sẻ chia quan điểm của mình với báo giới. Ảnh: NVCC.

Xã hội ngày càng văn minh, dân chủ thì nên cần sự phản biện xã hội. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do “tế nhị” trong công việc, cuộc sống và chằng chéo nhiều mối quan hệ đã trở thành “vách núi” hạn chế những điều muốn nói. Tôi thiết nghĩ, góp ý, phản biện là luôn cần thiết, nhưng phải trên tinh thần thiện chí, xây dựng và có văn hóa.

 Nói thì nên phải chính danh, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng sẽ hiệu quả hơn nhiều việc mà người ta lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan quản lý nhà nước cũng như tính hai mặt của mạng xã hội để chửi bới, mạt sát, xúc phạm đến ngành, đến nghề, đến các đồng nghiệp.

Trong đời đi dạy của mình, tôi chỉ luôn tâm niệm và thực hiện một điều rất bình thường và bình dị là luôn gắng làm tròn vai, làm tốt thiên chức của mình trong khả năng của mình. 

Tôi cho rằng, làm một giáo viên thì việc dạy môn gì? dạy trường nào? bậc dạy nào? có học hàm, học vị như thế nào? không quá quan trọng.

 Quan trọng là 3 điều sau. Thứ nhất, dạy như thế nào. Thứ hai, kết quả ra sao. Thứ 3, cá nhân tôi cho rằng ý nghĩa nhất của một nhà giáo là có để lại những dấu ấn, những kỷ niệm đẹp trong tiềm thức và trái tim của các thế hệ học trò mà mình đã dạy không.

Bên cạnh chức năng phản biện, thì báo chí còn phải tích cực tuyên truyền, cổ vũ, động viên tấm gương những người giáo viên ngày ngày âm thầm, lặng lẽ “chở những chuyến đò sang sông”. Theo quan sát và đánh giá của ông, báo chí hiện nay đã làm tốt chức năng này chưa?

Do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, người làm báo hiện nay có nhiều lợi thế, nhất là trong khai thác thông tin, chỉ vài phút vào Internet là có thể biết cả thế giới có việc gì đang diễn ra. Do sự phát triển của các loại hình báo chí mà chúng ta có thể lựa chọn sử dụng bất kỳ một sản phẩm báo chí nào.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về quy mô, tính chất, mang nhiều tiện ích đến cho người đọc, người xem, người nghe, thì lòng tin vào báo chí cũng có mặt đang bị giảm sút đáng lo ngại. Đó là do không ít thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đề cập đến vấn đề giáo dục hiện nay thiếu trung thực, phiến diện một chiều, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật. Sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi các báo phải cạnh tranh. 

Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc. Đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền.

Tôi thiết nghĩ, những ai đã chấp nhận đi theo nghề dạy học là đồng nghĩa với việc sẽ đón nhận cái “nghiệp” nghèo khó từ đồng lương, thu nhập chính đáng ngoài lương. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang công tác, giảng dạy và cống hiến trên nhiều địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, ở những vùng kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn. Vậy mà họ vẫn tâm huyết với nghề, vẫn “cõng chữ lên non” để mưu sinh chứ không giám mưu cầu những điều cao xa.

Nhiều thầy cô giáo tận tụy, trọn đời cống hiến với nghề, với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hầu như chưa được một lần tôn vinh, không có cơ hội để được đón nhận sự ghi nhận các danh hiệu mà Đảng, Nhà nước và ngành trao tặng, được báo chí truyền thông để ý. Các đồng nghiệp của tôi ở những vùng miền như vậy đã và đang thiệt thòi hơn chúng tôi- những giáo viên ở đồng bằng, đô thị.

 

Báo Công luận
 Nhà giáo Trần Trung Hiếu hiện là giáo viên Lịch sử tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)

Vì vậy, tôi cho rằng, cứ đến dịp 20/11 hàng năm, các cấp lãnh đạo của ngành, của các địa phương nên giành nhiều thời gian hơn, nhiều nguồn lực hơn để quan tâm đến những trường học ở các vùng miền đặc biệt khó khăn để chia sẻ với đội ngũ các thầy cô giáo. 

Và đương nhiên, các cơ quan truyền thông báo chí nên “vi hành” nhiều hơn, tác nghiệp nhiều hơn để viết bài, đưa tin, để tuyên truyền, khích lệ những tấm gương sáng của “những người lái đò” lặng lẽ, miệt mài chở những con thuyền trí tuệ qua sông.

Tại lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” ngày 13/11/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có nhấn mạnh: “Chỉ có báo chí mới giải phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước, đó là năng lượng và trí tuệ”. Xin ông hãy phân tích rõ hơn về “nguồn tài nguyên” của ngành giáo dục, và báo chí cần làm gì để “giải phóng nguồn tài nguyên” ấy một cách tốt nhất?

Tôi cho rằng, trong các ngành, các lĩnh vực tạo ra của cải cho xã hội hiện nay, giáo dục và đào tạo là ngành có “nguồn tài nguyên” phong phú nhất về trí tuệ, điều mà người ta hay nói đó là một nền “kinh tế tri thức”. 

Ngành giáo dục và đào tạo đang có trong tay nhiều chuyên gia, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ, hiểu thực tiễn và tâm huyết, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo lão thành. Nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo lắng nghe, muốn thấu hiểu trên tinh thần cầu thị, cầu tiến thì đây chính là “nguồn tài nguyên” vô cùng quý giá và hiệu quả giúp lãnh đạo ngành có sự đồng thuận, sẻ chia trong việc thực thi những chủ trương, biện pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Có lẽ, viết về nghề giáo, tôi cho rằng không có câu nào hay hơn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người. Họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin kính chúc các nhà giáo, các anh chị em đồng nghiệp, những thầy cô giáo là học trò cũ của tôi luôn tận tâm với nghề, tận tụy với trò để làm tốt thiên chức cao quý mà xã hội đã ghi nhận, nhân dân đã tôn vinh./.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ngô Khiêm (thực hiện)

Tin khác

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục
Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

(CLO) Chiều 27/3, hàng trăm phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã không cho con em mình đi học, đồng thời kéo tới trường để phản đối khi hay tin huyện có thông báo việc sáp nhập trường.

Giáo dục
Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

(CLO) Ngày 27/3, tại Trường THPT Phù Cừ (Phù Cừ), Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hưng Yên, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hưng Yên tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên. Ngày hội thu hút hơn 1 nghìn học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia.

Giáo dục