(Congluan.vn) - Ngày 19/1/2015, hội thảo “Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức, diễn ra ngay tại trụ sở báo Nhân Dân (71 Hàng Trống)- nơi mà nhà báo Hoàng Tùng đã gắn bó với sự nghiệp làm báo của mình, với gần 30 năm làm Tổng Biên tập. Hội thảo khép lại nhưng những hồi ức, kỷ niệm vẫn còn đọng lại đối với nhiều đồng chí, đồng nghiệp và học trò của cố nhà báo Hoàng Tùng về hình ảnh chân dung của một nhà báo cách mạng bậc thầy, cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam…
Hội thảo Nhà báo Hoàng Tùng với báo chí cách mạng VN
Người viết sử bằng các tác phẩm chính luận
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; Thuận Hữu- Ủy viên TƯ Đảng, TBT báo Nhân Dân, Chủ tịch HNBVN; Các nhà báo lão thành: Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang… cùng các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các Ban- đơn vị của HNBVN, Báo Nhân Dân; đại diện thân nhân, gia đình nhà báo Hoàng Tùng và nhiều phóng viên báo chí. Đồng chí Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN và đồng chí Lê Quốc Khánh- Phó TBT báo Nhân Dân, chủ trì Hội thảo.
Nhớ về nhà báo Hoàng Tùng, trong phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Thuận Hữu- Ủy viên TƯ Đảng, TBT Báo Nhân Dân, Chủ tịch HNBVN, nhấn mạnh: “Nhà báo Hoàng Tùng từng giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng, là cán bộ cấp cao của Đảng, nhưng hầu như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí gắn bó sâu nặng nhất với công tác báo chí, công tác tư tưởng của Đảng. Với nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhà báo Hoàng Tùng được các thế hệ nhà báo vinh danh là nhà báo tầm cao, nhà báo bậc thầy, là cây đại thụ trong làng báo cách mạng nước ta. Hội thảo là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925- 2015) và kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà báo Hoàng Tùng (14/1/1920-14/1/2015)”
Là một trong những người học trò được kế cận sự nghiệp lãnh đạo phát triển báo Nhân Dân, công tác tư tưởng và HNBVN, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đã có những chia sẻ đầy xúc động về nhà báo Hoàng Tùng: “ Đồng chí Hoàng Tùng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí, tuyên truyền… Nhà báo Hoàng Tùng là một nhà báo bậc thầy, một cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông đã viết hàng nghìn bài báo, trong đó hầu hết là các bài xã luận, bình luận mang hơi thở nóng bỏng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những bài viết của ông hừng hực chất lửa, đanh thép, sắc sảo, lay động lòng người, bởi lập luận chặt chẽ, giầu hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, có dấu ấn rất riêng”.
“Suốt hàng chục năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những bài xã luận trên Báo Đảng thật sự là tiếng kèn xung trận bởi tinh thần phụ trách, sự kịp thời, sắc bén và sinh động. Bằng những tác phẩm báo chí chính luận, Hoàng Tùng luôn luôn xuất hiện ở thời điểm mang tính bước ngoặt, mang tính lịch sử. Ông là một nhân chứng lịch sử, một người viết sử bằng các tác phẩm chính luận, đồng thời góp phần vào sự phát triển của lịch sử bằng chính ngòi bút chiến đấu của mình, của tờ báo mà ông là người lãnh đạo cao nhất”- đồng chí Đinh Thế Huynh đúc kết.
Từ những bài báo viết trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đến những bài báo viết sau năm 1975, Hoàng Tùng luôn phát hiện những vấn đề mới, dự báo xu thế phát triển, thể hiện quan điểm, thái độ, khi còn những ý kiến khác nhau. Đó là các bài: “Nhiệt tình cách mạng và quy luật khách quan”; “Động lực tinh thần và lợi ích vật chất”…
“Bà đỡ” cho các tài năng trẻ báo chí
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến chia sẻ, tâm sự về kỉ niệm khó quên với nhà báo Hoàng Tùng của các nhà báo có thời gian cùng làm việc với người thầy, người đồng chí của mình. Từng nhiều năm được làm việc gần gũi và hiểu biết về nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Hà Ðăng khẳng định: “Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Xã luận, bình luận, hay chính luận nói chung, luôn là linh hồn sống của Báo Nhân Dân. Những bài chính luận của anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất. Giọng văn của anh hùng hồn, ngôn ngữ vừa hiện đại lại vừa rất dân gian, giàu hình tượng, đôi khi pha lẫn điển tích, rực lửa chiến đấu và đặc biệt hấp dẫn. Phong cách viết của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm báo Nhân Dân, mà cả giới báo chí, qua các bài viết, dù có ký tên hay không ký tên, đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng”
Nhớ về nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Hữu Thọ cho rằng: “Nhà báo Hoàng Tùng là người thầy giỏi nghề sắc sảo, người lãnh đạo nghiêm khắc. Ông thực sự là "bà đỡ" cho các tài năng trẻ, là người có công lớn trong xây dựng đội ngũ những người làm báo Nhân dân. Là một Tổng biên tập nhạy cảm, có nhiều sáng kiến và tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo nội dung tờ báo”…
Còn nhà báo Phan Quang thì khẳng định: “Những thành tựu, cống hiến của nhà báo Hoàng Tùng trong hơn 60 năm cầm bút là tổng hòa sự chỉ đạo của Đảng và tài năng, cá tính của một cán bộ cách mạng. Ông là linh hồn của Báo Nhân dân từ năm 1951 cho đến đầu năm 1987. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh, tài năng của nhà báo Hoàng Tùng và nỗ lực không ngừng của một tập thể hùng hậu đã đưa Báo Nhân dân thực sự trở thành ngọn cờ đầu của báo chí cách mạng Việt Nam”...
Là một người đồng nghiệp thế hệ sau được nhà báo Hoàng Tùng dìu dắt, dạy dỗ, Nhà báo Hồng Vinh- Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư cho biết: “Nhà báo Hoàng Tùng luôn là người kiến tạo và truyền ngọn lửa nhiệt huyết tới các thế hệ nhà báo tiếp bước của báo Nhân Dân, cũng như của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông có tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo định hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí. Đặc biệt là phóng viên trẻ bằng việc gắn giữa lý luận với thực tiễn để rèn luyện cán bộ, phóng viên; coi mảnh đất thực tiễn trở thành đề tài nóng hổi để báo chí ưu tiên viết và tuyên truyền trên báo, mặc dù khó khăn nhưng chính là chất bột mang hơi thở cuộc sống để mỗi cán bộ, phóng viên trẻ rèn luyện, trưởng thành…”
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, điều làm nên phong cách Hoàng Tùng không chỉ là phong cách tư duy, phong cách báo chí mà còn là phong cách sống giản dị của ông. Ông luôn làm việc một cách thận trọng, say mê, bảo đảm độ chính xác cao nhất. Nghiêm khắc phê bình, nhưng bao dung, ân cần, tin người giao việc.
Vị Chủ tịch Hội Nhà báo tài ba
Với nhà báo Hoàng Tùng, giới báo chí còn rất nhớ về ông khi ông đã có 25 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa III và IV, từ năm 1962- 1987). Trong lịch sử 65 năm của HNBVN có nhiều sự kiện đáng nhớ, trong đó có không ít sự kiện gắn với tên tuổi nhà báo Hoàng Tùng, khi ông là một trong số những người tham dự việc thành lập HNBVN (ngày 21/4/1950) và giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội suốt 2 nhiệm kỳ I và II. Và đến Đại hội Hội lần thứ III và thứ IV của Hội, nhà báo Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch. Với uy tín, bằng trí tuệ, kinh nghiệm và sự tâm huyết, ông đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của HNBVN. Trong suốt 25 năm, HNBVN dưới sự chỉ đạo và dẫn dắt của Chủ tịch Hoàng Tùng, đã là thời kỳ gặt hái được nhiều thành công rực rỡ. Đội ngũ những người làm báo yêu nước Việt Nam đã không ngừng được bổ sung, bồi dưỡng, lớn mạnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đồng thời bảo vệ tính nhân văn, yêu chuộng hoà bình. Báo chí Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn của sự thống nhất Nam- Bắc một nhà, giai đoạn của công cuộc xây dựng đất nước.
Xúc động trước những tình cảm, tâm huyết và sự trân trọng của các đại biểu dành cho cha mình, ông Trần Chiến Thắng- Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT& DL, con trai cả của nhà báo Hoàng Tùng đã thay mặt gia đình cảm ơn HNBVN, Báo Nhân Dân và các nhà báo đồng nghiệp đã góp phần làm nên thành công của cuộc hội thảo đầy ý nghĩa này.
Buổi hội thảo thực sự đã là một cách “khắc họa” chân dung rõ nét nhất về một nhà báo cách mạng bậc thầy Hoàng Tùng. Tiếp theo các Hội thảo về nhà báo Trần Lâm, nhà báo Đào Tùng thì đây là lần thứ ba HNBVN phối hợp tổ chức hội thảo về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cao cấp của Hội nói riêng và của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Góp phần vào việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ, thông qua việc học tập tấm gương và kinh nghiệm của các nhà báo tiền bối.
- Nhà báo Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 14/1/1920, tại xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1940 bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Sơn La và được kết nạp Đảng tại chi bộ nhà tù, học làm báo trong tù Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tuc tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 10/1945, khi mới 25 tuổi). Từ đó, đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng…Nhưng quãng thời gian dài nhất, ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Tùng là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và 25 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…
- Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã có dịp tham quan Nhà truyền thống báo Nhân Dân, nơi lưu giữ nhiều kỉ vật, hình ảnh, tư liệu sống động và phong phú trong quá trình trưởng thành và phát triển của báo Nhân Dân.
Ngọc Lành