(CLO) - Sự kiện một cơn lốc xoáy không lớn lắm bất ngờ xuất hiện chỉ chừng 5 phút (vào rạng sáng 15/9) tại Thị trấn Nông trường Việt - Trung (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), đã làm hơn 40 ngôi nhà bị nhà tốc mái, hư hỏng, hàng chục héc ta cao su, hồ tiêu và hoa màu gãy đổ, khiến cho dư luận đặt câu hỏi rằng phải chăng bây giờ, con người quá “mong manh” trước thiên tai ? Đây là điều thật đáng suy ngẫm, bởi trước đó không lâu, bão số 3 đã tan trước khi vào đất liền nhưng vẫn làm sạt lở hàng trăm mét bờ kè bờ biển ở Quảng Nam, khiến nhiều tàu cá bị chìm, hàng chục ngư dân gặp nạn trên biển. Và từ đầu năm đến nay, dù thực trạng thiên tai được giới chuyên môn đánh giá là không dồn dập và cực đoan bằng năm ngoái, nhưng cả nước vẫn có đến 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương hơn 1.100 ngôi nhà bị sập đổ, gây thiệt hại khoảng 5.500 tỷ đồng.
[caption id="attachment_45050" align="aligncenter" width="640"]
Con người quá mỏng manh trước thiên tai ( ảnh Internet)[/caption]
Từ những con số đáng buồn trên, có thể thấy dù việc bảo vệ tính mạng cho người dân đã được các địa phương đặt lên hàng đầu mỗi khi thiên tai xảy ra, song ở nhiều địa bàn xung yếu, phương án chuẩn đối phó với bão, lũ trên thực tế vẫn còn chung chung mà ít có phương án phòng chống rốt ráo, cụ thể và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, hướng dẫn, tổ chức tàu thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu trú bão cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đây là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện không vui dường như đang dần được chấp nhận một cách hiển nhiên là năm nào, trên dải đất hình chữ “S” này cũng phải có người chết, nhà sập, làng mạc tan hoang vì bão lũ. Việc này cũng đồng nghĩa với “kết luận”: Thiên tai đã trở thành thứ quá… quen thuộc đối với người Việt Nam ta. Và sau những cú “ngã nhào” đau thương vì lũ, bão, điềm tĩnh lại, mỗi người dân lại treo lên trước mặt mình câu hỏi xót buốt: Làm thế nào để chủ động phòng tránh thiên tai? Chẳng lẽ cứ năm nào cũng vậy, hễ đến mùa mưa bão, thì lại tiếp tục chết người, trôi nhà, lại tiếp tục tang thương mãi?
Thật khó có thể trả lời cặn kẽ câu hỏi trên một khi tại các hội nghị về công tác phòng chống thiên tai luôn xuất hiện các cụm từ “quen quen” theo kiểu hô hào như: “Sống chung với thiên tai”, “giảm thiểu hiệu quả”, “tăng cường công tác bốn tại chỗ”… Không rõ các chuyên gia, nhà khoa học dự những hội nghị này có biết rằng, mỗi khi thiên tai xảy ra, bao nhiêu cay cực đổ lên đầu người dân trong vùng bị ảnh hưởng, nhưng cũng chính người dân trong vùng bão lũ mới có thể nghĩ ra nhiều “kế” hiệu quả chống lại “ý trời”. Chẳng hạn như việc người Quảng Nam rủ nhau xây hầm chống bão, mà nếu nhìn vào những cái “tổ” đơn sơ trong lòng đất này, ít ai hình dung được đó là nơi an toàn cho những gia đình nghèo trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Nhiều người cho rằng, các Bộ, ngành chức năng nên thành lập một đoàn công tác đặc biệt với nhiều nhà quản lý tiến hành khảo sát Quảng Nam, lắng nghe ý kiến bà con để tạo ra ngay một giải pháp có tính khoa học và dễ thực thi nhất để từ năm sau, nếu có bão lớn thì sự đau thương mất mát sẽ giảm. Và nên chăng, dự án “Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” của thành phố Đà Nẵng vừa được Ban thư ký Công ước khung Liên Hợp quốc trao “Giải sáng kiến” cấp toàn cầu cũng cần được nhân rộng, triển khai đại trà ở những vùng trọng điểm thiên tai trong cả nước.
Tất nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt, còn trong dài hạn, phải làm sao bảo đảm các quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và khu dân cư phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống bão, lũ, thiên tai của từng vùng. Song song với đó, phải làm thế nào để cả bộ máy xã hội “thấm nhuần” một sự thật hiển nhiên là trong những hậu quả do thiên tai gây ra, trách nhiệm hoàn toàn không phải là “lỗi cố ý” của “ông trời” mà còn do “lỗi chủ quan” của con người góp phần cùng “cộng hưởng”. Do vậy, việc phòng chống thiên tai phải chú trọng vai trò cốt yếu của từng người dân, từng hộ gia đình, làm sao để họ phải biết cách tự cứu mình trước khi có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Chỉ khi bất cứ lúc nào, các cơ quan chức năng cũng như người dân thấm thía bài học về tinh thần cảnh giác trước thiên tai bất thường thì những câu hỏi xót buốt nêu trên mới không còn lặp đi, lặp lại năm này qua năm khác.
Thùy Anh