Nông nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Việt Nam?

Chủ nhật, 31/12/2017 05:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vài năm gần đây, nông nghiệp 4.0 với sự tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học và trí tuệ nhân tạo… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp của thế giới. Ở Việt Nam, với những khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt thì việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới để tạo ra sức bật mới cho ngành kinh tế quan trọng này càng trở nên bức thiết.

Xu thế không thể khác

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đang và sẽ đối diện với nhiều thách thức khi tài nguyên đất và nước trở nên khan hiếm hơn, dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn, thị trường sản phẩm nông nghiệp biến động nhanh, nhân lực ít được đào tạo, năng suất thấp… Đã đến lúc nông nghiệp phải chuyển từ xuất khẩu nhiều, giá rẻ, dựa vào tự nhiên, sức lao động của con người cũng như đầu tư rất lớn về thủy lợi, vật tư nông nghiệp, sang xu hướng của thời đại mới là sản phẩm phải chất lượng, an toàn. Nếu chúng ta không chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, dinh dưỡng cần thiết thì rất khó cạnh tranh trực tiếp về nông nghiệp, dù có nhiều sản phẩm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng nông nghiệp, nông thôn, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhận xét: Nông nghiệp Việt Nam với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; đầu tư cho nông nghiệp thấp, việc tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, thị trường, thương hiệu nông sản cũng như hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng vẫn còn rất yếu kém.

Báo Công luận

Cánh đồng nguyên liệu diện tích hàng ngàn ha, trồng cỏ Mom basa Ghine, cỏ mulato, cao lương và ngô lai giống Mỹ... của TH True Milk 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với cách thức canh tác và quản lý như hiện nay, nông nghiệp không thể bứt phá, bởi hàng loạt khó khăn, thách thức, đặc biệt là tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và những khó khăn nội tại trong nước... Muốn phát triển nông nghiệp thành công, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, cần tái cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp 4.0 cũng bắt đầu được đề cập tại Việt Nam. Theo một số chuyên gia, nông nghiệp 4.0 chính là áp dụng công nghệ kỹ thuật số, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Khác với nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 còn làm thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác tự động hóa mà người lao động, người quản lý không nhất thiết phải có mặt trực tiếp ở nông trại.

Thực tiễn đã cho thấy, nông nghiệp 4.0 giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng, đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp. Ở Mỹ, Braxin, Achentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu nông dân trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưng nước này không phải nhập khẩu gạo, mà còn xuất khẩu thịt bò, rau quả. Malaysia - nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt thu nhập tăng 129%.

Báo Công luận

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu nhà kính sản xuất rau bó xôi có thời gian từ ươm giống tới thu hoạch trong 15 ngày của HTX Tân Tiến, Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: VGP 

 

Tại Diễn đàn “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0” được tổ chức thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt, nhiều quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Ipsard (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng cho rằng, những lợi ích mà nông nghiệp 4.0 mang lại là rõ ràng và hết sức to lớn. Trước xu thế này, nông dân Việt Nam phải chủ động bước vào, bởi vì “cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 sẽ không vì nông dân Việt Nam chưa sẵn sàng mà dừng lại, nó vẫn quét qua và ảnh hưởng tới từng nông dân”.

Những thách thức

Tuy nhiên, để làm nông nghiệp 4.0 chúng ta cần những gì, cách làm ra sao trong khi trên cả nước chưa có một mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó?

Chưa nói đến những vấn đề cụ thể hơn, ngay cả khái niệm “nông nghiệp 4.0” cũng vẫn còn mới lạ với phần đông nông dân. Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, hiện ông đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu với doanh thu hơn 10 triệu USD/năm. Trong sản xuất đã áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và thiết bị tự động hóa... Vậy nhưng ông cũng thú thật là, dù đã nghe nói đến nông nghiệp 4.0, nhưng vẫn chưa thực sự hiểu đó là gì, nó có gì khác so với nông nghiệp công nghệ cao hay không…

Báo Công luận

Trang trại áp dụng các tiêu chuẩn và qui cách chuồng trại chăn nuôi tiên tiến nhất trên thế giới của TH True Milk.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, để bước vào nông nghiệp 4.0, nông dân cần phải trang bị rất nhiều thứ như kiến thức, thị trường, vốn, nhân lực… điều mà hiện nay nông nghiệp, nông dân đang rất yếu và thiếu. Đây cũng là điều mà các nhà quản lý, chuyên gia cũng như nông dân băn khoăn, trăn trở, nhưng thực tế đang còn những rào cản, điểm nghẽn.

Đặt vấn đề Việt Nam phải làm sao để tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng chúng ta tiếp cận nông nghiệp 4.0 một cách điềm tĩnh, lựa chọn khôn ngoan để đem lại hiệu quả, tránh nóng ruột, hình thức, làm theo phong trào. Theo Phó Thủ tướng, để phát triển nông nghiệp 4.0 phải phát huy hiệu quả của nhà nông, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học… Phải coi đây là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, chúng ta không thể triển khai nông nghiệp 4.0 trên toàn phạm vi lãnh thổ. Với 13,8 triệu hộ nông nghiệp, canh tác trên 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ thì việc chọn lựa đối tượng và quy mô là đặc biệt quan trọng. Theo đó, một số ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 là chăn nuôi bò sữa, lợn, gà; nuôi tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả, sản xuất nấm... Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, tính trên từng chu kỳ sản xuất, chấp nhận các rủi ro nhất thời, cục bộ, chứ không phải một nền nông nghiệp giải cứu, đau đâu chữa đó.❏

Thế Vũ

Tin khác

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thừa Thiên Huế: Yêu cầu các cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán

Thừa Thiên Huế: Yêu cầu các cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán

(CLO) Thừa Thiên Huế, sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 mà không chịu xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá xăng tăng lên 24.810 đồng/lít từ 15h chiều nay

Giá xăng tăng lên 24.810 đồng/lít từ 15h chiều nay

(CLO) Từ 15h ngày 28/3, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 410 đồng, còn xăng RON 95 tăng 530 đồng/lít.

Thị trường - Doanh nghiệp