Phát triển du lịch bền vững:

Cần có cách tiếp cận mới

Thứ năm, 21/02/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng: Du lịch được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng, nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng và tính bền vững.

Đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; Tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó, có 2 triệu việc làm trực tiếp; Nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; Đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; là những mục tiêu mà đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” đề ra.

5 câu hỏi của Thủ tướng cho ngành du lịch

Để phát triển du lịch bền vững, tại “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” vừa diễn ra tại TP. Huế, Thủ tướng đặt ra cho ngành 5 câu hỏi: Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu - “Ông Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Thủ tướng cho rằng, nhìn cách tổng thể, những năm qua, ngành du lịch đã trả lời được một số câu hỏi trên, như tỷ lệ khách đến Việt Nam đông hơn, thời gian lưu trú có cải thiện hơn, du khách chi tiêu nhiều hơn, những câu chuyện hay về Việt Nam bắt đầu được kể đến… Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc lắm và ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm.

Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Thay đổi tư duy, có chính sách đột phá

Chia sẻ về những “cú hích” giúp ngành du lịch có thể phát triển đột phá trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết chính sách cấp visa điện tử là khởi đầu cho những đột phá để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, sắp tới, ngành du lịch sẽ đề xuất một số chính sách mới tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển như đề xuất phát triển quỹ du lịch, đề xuất cho ô tô đưa khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam có thể xuất cảnh ở các cửa khẩu khác nhau, tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch. Đồng thời đề xuất mô hình quản lý hệ thống ngành du lịch, tập trung nâng cao năng lực quản lý.

Hiện nay Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên thuận lợi, nhiều danh lam thắng cảnh nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

“Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới trong hai năm từ 2015-2017 Việt Nam đã tăng 8 bậc trong năng lực cạnh tranh, là dấu hiệu tích cực nhưng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch để phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Để du lịch Việt Nam được nhiều người biết đến hơn nữa, ông Vũ Thế Bình  - Chủ tịch Hiệp hội Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần phải đổi mới nhận thức tư duy, có chiến lược xúc tiến tiếp cận từng thị trường cụ thể, gắn du lịch với phát triển bền vững.

“Các doanh nghiệp đừng chỉ nhìn đến các con số lãi thu được mà quên đi tính bền vững, ngành này cần nhất sự phát triển bền vững để giữ chân du khách, các doanh nghiệp phải cam kết cạnh tranh lành mạnh, không phá giá thị trường”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng mỗi doanh nghiệp nên dành riêng một ngân quỹ để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mở rộng du khách.

Những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, để triển khai Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục đã triển khai nhiều đề án, đồng thời đặt nhiều mục tiêu phát triển, trong đó tập trung phát triển các vấn đề: Cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực phù hợp với vùng miền, xây dựng hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.

Phố cổ Hội An Ảnh: T.L

Phố cổ Hội An Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần cơ cấu lại nguồn lực du lịch, phát huy giá trị tiềm ẩn của Việt Nam. Trong đó, cần chú trọng đến đầu tư, công nghệ, ứng dụng mạnh và phát huy công nghệ thông tin và truyền thông, dùng công nghệ để phát triển du lịch. Việc cơ cấu lại hệ thống quản lý, phát huy vai trò của hệ thống quản lý cũng cần được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Quang Tùng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), nhận xét: “Du lịch Việt được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng, tính bền vững. Nhiều khách quốc tế đến rồi một đi không trở lại”. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá. Đó chính là mục tiêu của Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đã được Thủ tướng thông qua. Đề án sẽ tập trung vào những yêu cầu cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch và ứng dụng công nghệ mà đặc biệt là những giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực cho du lịch trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, theo Đề án, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao.

5 vấn đề cần cải thiện cho du lịch Việt Nam

Giám đốc điều hành BCG Singapore - ông Olivier Muehlstein, cho biết, có 5 vấn đề chính Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2030:

Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, con người phải được nâng cấp. Việt Nam cần có cách tiếp cận mới và điều này thực sự mất nhiều thời gian, công sức, cần sự phối hợp từ nhiều bên.

Thứ hai, về ngắn hạn có một số vấn đề cần thay đổi, như làm sao để định vị Việt Nam trên thị trường đang có nhiều đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia... Làm sao để xây dựng thương hiệu quảng bá với tư cách quốc gia, đặc biệt từng điểm đến cụ thể. Cần có thông điệp để Việt Nam ít nhất phải bằng các quốc gia khác trong Đông Nam Á.

Thứ ba, làm thế nào nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam ngay từ khâu chọn điểm đến như vấn đề visa, chuyến bay... Đặc biệt, khi Việt Nam chưa phải nước đứng đầu danh sách họ nghĩ tới, cần làm sao để nâng cao hơn nữa trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Thứ tư là vấn đề quản trị, vai trò của hội đồng - làm thế nào để nâng cao vai trò của tổng cục, không chỉ ở khâu quản lý mà còn là hợp tác với các cơ quan khác từ trung ương, địa phương để cải tiến vai trò tổng cục giúp du lịch vận hành trơn tru.

Cuối cùng là nâng cao mức độ hợp tác. Không chỉ nói Vietnam Airlines tăng chuyến bay trong khi vấn đề khách sạn, hạ tầng chưa cải thiện. Phải làm sao để tất cả cùng hợp tác phát triển.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn