Ra đời và phát triển trên cơ sở hợp tác giữa UBND Thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội với Thành phố Toulouse, tổ chức Y tế Midi - Pyreneé và Viện trường Paul Sapatiers - Cộng hòa Pháp; có sự đóng góp tích cực của các nhà sáng lập là: TS Nguyễn Quốc Triệu nay là Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, nguyên GĐ Sở Y tế HN, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế, UBND thành phố, Bộ Y tế và GS Jean.J.Conte (Chủ tịch danh dự trường ĐH Paul Sapatiers, Toulouse, CH Pháp)
Công tác khám chữa bệnh
Những năm gần đây, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tăng đột biến đã gây sức ép rất lớn đối với các cơ sở y tế. Để đảm bảo chất lượng chữa trị và phục vụ người bệnh được tốt nhất, các bệnh viện tại Hà Nội đã phải gồng mình hoạt động. Bệnh viện Thận Hà Nội là một minh chứng rõ nét: là bệnh viện chuyên khoa hạng II có diện tích 5.355m2 chỉ đáp ứng khoảng 50 giường bệnh, nhưng do yêu cầu cấp thiết Bệnh viện đã nâng cấp tối đa để thực hiện kế hoạch giao là 100 giường bệnh, thực kê là 110 giườngQua 17 năm hoạt động, Bệnh viện đã có bước phát triển không ngừng: từ chỗ chỉ có 04 khoa, phòng; 25 Giường bệnh và biên chế 40 người, đến nay đã có 10 phòng, khoa; 130 biên chế và số giường bệnh đạt 100 giường (cả nội trú và ngoại trú).
Bệnh viện đã lần lượt đưa vào hoạt động có hiệu quả các mặt công tác chuyên môn về chuyên ngành thận học và lọc máu ngoài thận. Số người khám bệnh chuyên khoa tăng dần hàng năm, từ chỗ chỉ có 5.500 lượt/năm (năm 2003), đã lên hơn 55.000 lượt (năm 2014). Bệnh viện đã điều trị thành công cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân mắc các bệnh về thận, là địa chỉ tin cậy điều trị bệnh thận cho bệnh nhân ở thủ đô và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, các bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn đầu được Bệnh viện theo dõi định kỳ hàng tháng, can thiệp kịp thời, do vậy đã kéo dài thời gian tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng đã tăng từ 77 bệnh nhân (năm 2004) lên gần 1000 bệnh nhân (năm 2014), công suất sử dụng giường bệnh luôn trên 95%. Hầu hết các bệnh về thận – tiết niệu nội khoa đều được điều trị tại Bệnh viện như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, viêm thận bể thận, viêm bàng quang... Ngoài ra, Bệnh viện còn điều trị thành công nhiều lượt bệnh nhân thận nhân tạo với các biến chứng nặng như suy tim nặng, phù phổi cấp, thiếu máu nặng, tăng huyết áp, tăng kali máu, xuất huyết tiêu hóa….
Số lượng bệnh nhân điều trị thận nhân tạo tăng từ 68 bệnh nhân (năm 2003), đến nay Bệnh viện đang điều trị gần 400 bệnh nhân. Số lượt điều trị thận nhân tạo tăng từ 5.600 lượt (năm 2003) lên hơn 50.000 lượt (năm 2014). Bệnh viện đã triển khai nhiều trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị thận nhân tạo như hệ thống máy thận, hệ thống lọc nước RO đạt tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống rửa quả lọc tự động, hệ thống kiểm chuẩn, hệ thống cách ly chống lây nhiễm viêm gan, hệ thống máy thẩm tách siêu lọc máu HDF online... Bệnh viện đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng lọc máu với 05 tiêu chí tương đương mặt bằng của các nước trong khu vực và luôn đạt được mục tiêu đề ra.
Nghiên cứu khoa học:
Hằng năm Bệnh viện triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) từ cấp cơ sở đến cấp thành phố được đông đảo CBNV trong Bệnh viện tham gia. Trong đó đáng chú ý nhất, có 01 đề tài NCKH cấp nhà nước (năm 2009), 01 đề tài cấp thành phố (năm 2012), 02 đề tài của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (năm 2012, 2014) và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều được tổ chức nghiệm thu theo đúng tiến độ, đạt kết quả tốt, sau khi nghiệm thu đều được triển khai áp dụng có hiệu quả tại Bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Trang thiết bị y tế do nước ngoài tài trợ chuẩn bị đưa vào sử dụng
Chỉ đạo tuyến chuyên môn kỹ thuật
Thực hiện chương trình hợp tác về chuyên môn nghiệp vụ với các đơn vị lọc máu tại Hà Nội, những năm qua Bệnh viện đã hỗ trợ đào tạo nhân lực (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) cho các đơn vị như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Bắc Thăng Long và đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa Ba Vì - là một trong những cơ sở lọc máu đầu tiên tại khu vực phía Tây thành phố Hà Nội.
Năm 2012 được Sở Y tế giao nhiệm vụ chuyên khoa đầu ngành Thận học và Lọc máu cho Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện đã triển khai rà soát, đánh giá điều kiện các đơn vị mạng lưới. Hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật với các đơn vị triển khai thận nhân tạo (gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Ba Vì, Bệnh viện Bắc Thăng Long), hiện tại các Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật tương đối tốt. Hằng năm, tổ chức đi tuyến tất cả các đơn vị có kỹ thuật thận nhân tạo trong mạng lưới; hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị khắc phục các khó khăn, tồn tại. Với 11 đơn vị màng lưới triển khai (Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Đống Đa, Hòe Nhai, Hà Đông, Ba Vì, Bắc Thăng Long) đã thu dung được hơn 800 bệnh nhân thận nhân tạo mỗi năm, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho bệnh nhân tại Thủ đô.
Công tác phòng bệnh
Chiến lược phát triển chung của Bệnh viện là thực hiện hoạch định chế độ chính sách, nhằm nâng cao và bổ sung năng lực khám, phát hiện, sàng lọc và quản lý bệnh thận trong cộng đồng (phòng bệnh từ xa).
Để thực hiện tốt việc phòng bênh từ xa, hằng năm Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Ngành phù hợp với đặc thù của Bệnh viện chuyên khoa. Tổ chức truyền thông trực tiếp công tác phòng chống dịch bệnh (cúm A, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ…) tại các buổi sinh hoạt Hội đồng người bệnh. Triển khai công tác phòng bệnh tại chỗ thông qua công tác khám định kỳ bệnh nhân bệnh thận mạn phòng suy thận nặng lên; tổ chức phòng tư vấn dinh dưỡng; xây dựng băng hình truyền thông (phát hàng ngày) để tuyên truyền công tác phòng chống bệnh thận, nâng cao nhận thức của người bệnh về tự chăm sóc sức khỏe và phối hợp với nhân viên y tế nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân... Thực hiện tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện đề phòng lây nhiễm chéo.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, khắc phục những bất cập, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, Bệnh viện Thận Hà Nội đã có chiến lược phát triển trên tinh thần phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng bệnh viện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: tập trung xây dựng, cải tạo cơ sở 1 (tại 70 Nguyễn Chí Thanh) để có đủ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại và đội ngũ con người đủ trình độ năng lực; có phương pháp, kỹ thuật khám, chữa bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời nhân rộng mô hình ra các quận huyện trong thành phố. Giai đoạn 2: Hoàn thành xây dựng cơ sở 2 (tại Yên Nghĩa, Hà Đông) trên cơ sở thành công và mở rộng mô hình cơ sở 1. Triển khai chương trình nhằm ngăn chặn bệnh từ tuyến dưới bằng cách chuyển giao kỹ thuật, giao việc và theo dõi, kiểm soát quá trình phát triển của bệnh, không để cho bệnh nặng thêm phải chuyển lên tuyến trên. |
Hợp tác quốc tế
Bệnh viện luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với “Viện - trường” Toulouse III và tổ chức Y tế Midi-Pyré Nees (Cộng hoà Pháp) để tranh thủ sự giúp đỡ về trang thiết bị, đào tạo cán bộ, học tập chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức và quản lý vận hành Bệnh viện hiện đại và đặc biệt là chiến lược phát triển của Bệnh viện trong giai đoạn sắp tới. Bệnh viện cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trung tâm lọc máu hiện đại của Nhật Bản, Singapore và Seoul (Hàn Quốc), Thái Lan, đồng thời đã cử nhiều lượt cán bộ tham dự các buổi Hội thảo khoa học, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực về thận học và lọc máu tại các nước trên nhằm gắn liền định hướng phát triển của đơn vị hòa hợp với quốc tế và các nước phát triển trong khu vực.
Tổ chức Y tế Midi-Pyrénees (Cộng hoà Pháp) luôn là nhà tài trợ hàng đầu cho bệnh viện với 08 đợt viện trợ trang thiết bị Y tế, tổng số gồm 119 máy thận nhân tạo và linh kiện, trị giá (tính đến thời điểm hiện tại) là hơn 24 tỷ đồng . Các trang thiết bị trên đều được đưa vào vận hành, sử dụng có hiệu quả cho các bệnh nhân nghèo - đang điều trị thận nhân tạo tại Bệnh viện.
Ngoài ra, Tổng công ty Hàng không VietNam (Vietnam Airlines) và tập đoàn Airbus(Pháp) vận chuyển miễn phí nhiều tấn trang thiết bị Y tế cho Bệnh viện. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc đem lại cơ hội chữa bệnh tốt hơn cho bệnh nhân mắc bệnh thận, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân thủ đô.
Ngoài ra, hằng năm Bệnh viện còn tự đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên khoa, chuyên sâu để nâng cao chất lượng điều trị người bệnh từ 3 đến 5 tỷ đồng, Bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và sẵn sàng thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập khi có văn bản hướng dẫn của các cấp các ngành.
Bệnh viện đã xây dựng và ban hành hàng trăm quy trình kỹ thuật và các quy chế chuyên môn, cải tiến quy trình khám bệnh, thực hiện nghiêm chỉnh quy chế bệnh viện. Kết quả kiểm tra cuối năm của Sở Y tế theo “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng Bệnh viện” năm 2013 Bệnh viện đạt mức đánh giá: 3,27/5, đặc biệt là năm 2014 Bệnh viện đạt mức 3,51/5 đứng thứ 2 sau Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (nhóm các bệnh viện chuyên khoa).
Nguyễn Quân