Tổng Cty XD Trường Sơn: Dấu ấn trên những công trình trọng điểm

03/04/2015 12:10

Tổng Cty XD Trường Sơn: Dấu ấn trên những công trình trọng điểm



Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng Cty XD Trường Sơn.


Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. “Đây là một bước nhảy dài hơn tất cả của Trường Sơn" – Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng Cty XD Trường Sơn, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung khẳng định: "Bước nhảy này chính là minh chứng cho khả năng và năng lực ngày càng lớn mạnh của thương hiệu Trường Sơn trên mọi phương diện”.

Binh đoàn 12 (Tổng Công ty XD Trường Sơn) là đơn vị kế thừa truyền thống bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay, bộ đội Trường Sơn với nòng cốt là Binh đoàn 12 (Tổng Công ty XD Trường Sơn) chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, đã tham gia xây dựng hàng trăm công trình lớn, trọng điểm trong nước và quốc tế.

Ông có thể điểm qua một số dấu mốc quan trọng về hoạt động của Tổng Công ty XD Trường Sơn sau khi chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng?

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của người lính Trường Sơn sau khi đất nước thống nhất là tham gia xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam và đại công trình thủy điện Hòa Bình. Tại công trình này, Trường Sơn được giao cho phần việc chính và khó khăn nhất: đục núi, xuyên hầm để lắp đặt, đưa các tổ hợp máy vào trong núi phát điện. Một lần nữa, người lính Trường Sơn để lại dấu ấn trên công trình thế kỷ này, Đoàn 565 của Trường Sơn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp đến, Trường Sơn tham gia xây dựng con đường cao tốc đầu tiên của cả nước: Bắc Thăng Long - Nội Bài, mở rộng đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, QL 1A đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL 18... Các công trình này Binh đoàn 12 được Bộ Giao thông Vận tải tặng Huy chương Vàng công trình chất lượng cao thập kỷ 90, thế kỷ 20.

Thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập kéo theo phát triển về cơ sở hạ tầng, giao thông. Trường Sơn cùng với liên doanh nhà thầu Việt Nam - Nhật Bản tham gia mở rộng, nâng cấp QL 1A đoạn Vinh – Đông Hà (Quảng Trị) dài 300 km. Đây là dự án đi qua vùng đất miền Trung, có địa hình địa chất rất phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Dự án đã thành công tốt đẹp trong việc kết hợp liên doanh giữa các nhà thầu Việt Nam và Nhật Bản, gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm từ mô hình quản lý, điều hành công việc của các Công ty Nhật Bản.

Trên công trường đường Hồ Chí Minh giai đoạn I, cũng là nơi khó khăn nhất của miền Tây Quảng Bình, Trường Sơn thi công tuyến đường với chiều dài 138 km, được Đảng và Chính phủ tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhất.

Trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, kinh tế phát triển, vấn đề an ninh năng lượng là rất cấp thiết. Đây cũng chính là thời kỳ đánh dấu những bước nhảy vọt của Trường Sơn.

Bắt đầu từ năm 2003, đồng loạt các dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện được triển khai trên khắp cả nước, cũng là lúc người lính Trường Sơn lại bắt đầu cho việc chinh phục những đại công trình trọng điểm quốc gia. Tại Tây Nguyên là thuỷ điện Buôn Kuốp, thuỷ điện BuônTua Srah, Srêpôk3. Ở phía Bắc, Trường Sơn là một trong 4 nhà thầu lớn tham gia xây dựng các hạng mục chính của thuỷ điện Sơn La (lớn nhất Đông Nam Á, công suất 2400MW), thuỷ điện Bản Chát – Lai Châu (220MW) và gần đây nhất là thuỷ điện Lai Châu (công suất 1200MW)… Cùng thời gian này, Trường Sơn còn tham gia xây thi công nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường biên giới, sân bay, bến cảng: Cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường Trường Sơn Đông, QL 80 Đồng Tháp, QL 78 – Campuchia, sân bay Savanakhẹt (Lào)…

Đó là nhiệm vụ không dễ dàng vượt qua trong cùng một thời điểm. Theo ông, những yếu tố nào đã đưa Trường Sơn có thể hoàn thành được khối lượng công việc lớn như vậy?

Là đơn vị xây dựng, xây lắp, chúng tôi luôn ý thức được muốn lớn mạnh thì trước tiên phải có một đội ngũ người lao động hùng hậu, tay nghề cao và phải luôn đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại. Hiện nay Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn có trên 6000 cán bộ công nhân viên biên chế chính thức, trong đó có đến 67% lao động có chuyên môn kỹ thuật cao.

Để thi công các công trình thuỷ điện có khối lượng rất lớn, nhưng thời gian thi công ngắn, địa hình địa chất phức tạp. Do đó, mỗi lần được thắng thầu giao thầu các công trình, đặc biệt là công trình thuỷ điện chúng tôi phải cụ thể hoá bằng việc khảo sát thực địa, địa hình, địa tầng, địa chất, khí hậu, thuỷ văn….Đặc biệt là địa tầng đào sâu đất đá để tiên lượng khối lượng và cam kết mốc tiến độ với chủ đầu tư và đặt ra bài toán khả năng của mình đang có để đầu tư trang thiết bị.

Khó nhất của các công trình thuỷ điện là hệ thống khoan nổ, đòi hỏi phải có thiết bị máy móc tối tân, tiên tiến với chiều khoan có thể xuống sâu qua các tầng đá đến mấy chục mét. Từ năm 2004 đến nay bình quân mỗi năm Trường Sơn đầu tư trên 100 tỷ đồng thiết bị mới. Nếu không có công nghệ và tái đầu tư cho công nghệ thì sẽ không bao giờ có thể thi công được những công trình, cho dù đó là công trình nhỏ. Chúng tôi xác định đã đầu tư thì phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được kiểm nghiệm.

Thi công đồng loạt 6 công trình thuỷ điện trọng điểm quốc gia và kéo dài trong nhiều năm, đây lại là giai đoạn đỉnh điểm của cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế nước ta và hiện tại là vấn đề lạm phát, vốn vay… Đối mặt với những khó khăn này, Trường Sơn đã có những biện pháp nào để vượt qua, thưa ông?

Hiện nay, Trường Sơn đang thi công thuỷ điện Lai Châu trong tình hình cả nước đang ra sức chống lạm phát, lãi suất tiền vay thì cao, trong khi nguồn vốn cho công trình mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ từ 10-20%. Trong khi lợi nhuận trong xây lắp chỉ đạt 2,5 đến 3% không đủ để trả lãi suất cho ngân hàng. Nếu sản xuất không được nghiệm thu, thanh toán kịp thời đảm bảo vốn mà tiếp tục vay ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận lỗ, đó là áp lực với những nhà thầu như Trường Sơn.

Trên những công trình thuỷ điện mà Trường Sơn thi công trong điều kiện rất khó khăn, vì các công trình này đầu bắt đầu từ thượng nguồn Sông Đà có các thuỷ điện Sơn La, Bản Chát, Lai Châu dòng nước vốn rất hung dữ, lắm thác, nhiều ghềnh; đường xá, mặt bằng chật hẹp, dốc núi khúc khuỷu, dựng đứng, hiểm trở gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển thiết bị máy móc, vật tư. Đặc biệt, trên các công trình thủy điện khí hậu rất khắc nghiệt, về mùa khô thì nóng bức, mùa đông rét thấu da thấu thịt đã ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động…

Mặc dù đứng trước mọi khó khăn trở ngại, nhưng với truyền thống của bộ đội Trường Sơn, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đề cao phát huy nội lực tự có của bản thân để duy trì sản xuất, đảm bảo tiến độ cam kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ, các Bộ ban ngành cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn từng bước về vốn cho các công trình trọng điểm, có gỡ được những công trình này thì mới đảm bảo được ổn định nền kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng đang ngày càng thiếu hụt trầm trọng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Kiên

minhmeo