Bao giờ giải quyết xong mâu thuẫn?!
Đã hơn 4 năm, sau khi Trường ĐH Hùng Vương bị Bộ GD-ĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh vì lý do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo, dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng uy tín của trường và môi trường giáo dục...
(NBCL) Đã hơn 4 năm, sau khi Trường ĐH Hùng Vương bị Bộ GD-ĐT ra quyết định ngừng tuyển sinh vì lý do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo, dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng uy tín của trường và môi trường giáo dục... Đến nay, việc trường khắc phục những vấn đề trên dường như vẫn là một bài toán… nan giải! Mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, nếu đến ngày 31/8/2016, Trường ĐH Hùng Vương vẫn không thể khắc phục được các vấn đề trên thì trường sẽ có nguy cơ bị giải thể.
[caption id="attachment_101970" align="aligncenter" width="500"]Mâu thuẫn kéo dài nhiều năm!
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 703/QĐ - TTg chuyển Trường ĐH Hùng Vương từ loại hình dân lập sang loại hình trường tư thục. Cũng từ giai đoạn này, trường liên tục nảy sinh nhiều bất cập. Năm 2012, Thanh tra Sở GD-ĐT TP. HCM đã tiến hành thanh tra toàn diện trường và phát hiện có nhiều sai sót về tài chính, bổ nhiệm nhân sự, mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng trong nhà trường...
Sau đó, ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT; ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng. Tháng 3/2012, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Hùng Vương. Sau hơn 4 năm, Trường ĐH Hùng Vương vẫn không thể khắc phục được tình trạng mâu thuẫn trên nên trường vẫn không được tuyển sinh.
Thu không bù được chi, nguồn tài chính của trường ngày một thâm hụt. Và “đỉnh điểm” mâu thuẫn gần đây, khi ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương đã ký quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với toàn bộ giảng viên của trường từ ngày 5/4/2016.
Trong khi đó, có 26 người không đồng ý quyết định trên và đã khởi kiện ra tòa án. Trước vụ việc trên, PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương đã quyết liệt phản đối: “Ông Đặng Thành Tâm ký quyết định sa thải là bất hợp pháp vì ông không có tư cách pháp nhân khi không còn là Chủ tịch HĐQT từ ngày 16/5/2015. Quyền này thuộc về Hiệu trưởng trường. Nếu ông Tâm cho rằng có thẩm quyền thì tại sao trước đó, khi Tòa án mời lên giải quyết vụ kiện thì ông chỉ đạo bà Tạ Thị Kiều An (Phó Hiệu trưởng thường trực) gửi văn bản trả lời Tòa án rằng trường hiện không có người có tư cách pháp nhân đại diện pháp luật…”?!
Ông Trịnh Vũ Dũng, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Hùng Vương bức xúc: “Ông Đặng Thành Tâm không có chức năng đơn phương ra quyết định chấm dứt HĐLĐ. Việc lấy lý do “không được tuyển sinh 4 khóa nên không có tiền chi trả lương…” nên phải chấm dứt HĐLĐ là hoàn toàn không đúng theo quy định của Bộ luật Lao động (Điều 98). Không chỉ vậy, việc chấm dứt HĐLĐ với Chủ tịch Công đoàn đang trong nhiệm kỳ và HĐLĐ đang còn thời hạn là hoàn toàn sai với Bộ luật Lao động…”.
Đại hội cổ đông có đúng luật?
Mâu thuẫn tại Trường ĐH Hùng Vương vẫn không dừng lại, vừa qua, ngày 9/5/2016, trường này đã tổ chức Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) bất thường và đang chờ cơ quan chức năng công nhận. Ngay sau đó, ông Trịnh Vũ Dũng, nguyên thành viên Ban Kiểm soát HĐQT, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Hùng Vương đã có đơn kiến nghị khẩn gửi các cơ quan chức năng và báo chí để yêu cầu xem xét không công nhận kết quả ĐHCĐ bất thường nêu trên.
Trong Đơn kiến nghị, ông Dũng cho rằng việc tổ chức ĐHCĐ bất thường ngày 9/5/2016 là sai Luật Giáo dục Đại học và quy chế hoạt động của trường; gạt bỏ vai trò của cổ đông là nhà sáng lập; gạt bỏ vai trò của cổ đông đại diện vốn sở hữu không phân chia của trường… Ông Dũng cho biết: “Là Phó Ban Kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ IV bầu ra, tôi xét thấy việc tổ chức ĐHCĐ đột xuất vừa qua của ông Đặng Thành Tâm là hoàn toàn không đúng với Luật tổ chức và hoạt động của Trường ĐH ngoài công lập và Quy chế hoạt động của ĐH Hùng Vương TP. HCM, cụ thể:
Thành viên Ban Kiểm soát là đại diện phía nhà trường không được mời tham dự; HĐQT không có đủ trên 75% để ra Nghị quyết về tổ chức ĐHCĐ đột xuất; ĐHCĐ đột xuất không có báo cáo tài chính đã được Ban Kiểm soát kiểm chứng; ĐHCĐ đột xuất vừa qua không có thành viên hợp pháp của các nhà sáng lập trường, không có đại diện hợp pháp của CBNV – GVCH của trường”. PGS.TS Nguyễn Mộng Giao phân tích và nhấn mạnh:“ĐHCĐ ngày 9/5 vừa qua là bất hợp pháp. Vì ông Đặng Thành Tâm đã loại bỏ vai trò của cổ đông là nhà sáng lập và vai trò của cổ đông đại diện vốn sở hữu không phân chia của trường là sai luật. Cần xem xét việc có hay không “âm mưu” chiếm nguồn vốn sở hữu không phân chia (gần 20 tỷ đồng) và tài sản vô hình là thương hiệu nhà trường…”.
Ông Nguyễn Phước Hiền, nguyên Trưởng phòng Tổ chức pháp chế nêu quan điểm ủng hộ việc tổ chức ĐHCĐ để sớm ổn định bộ máy nhưng phải đúng luật: “ĐHCĐ nhất thiết phải có báo cáo tài chính được HĐQT và Ban Kiểm soát HĐQT khóa IV thông qua; có hiệp thương và sự tham dự của đại diện nhà sáng lập trường và vốn sở hữu không phân chia của trường… Qua đó nhằm tạo sự đồng thuận, giúp cho cơ quan chức năng xem xét công nhận HĐQT khóa mới, tránh tình trạng mất đoàn kết kéo dài bấy lâu nay, đồng thời cũng là 1 trong 3 nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh cách đây 4 năm mà Bộ GD-ĐT đã đề nghị khắc phục để xem xét cho phép trường được tuyển sinh trở lại: Cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên và đoàn kết nội bộ” – ông Hiền nói.
Để rộng đường dư luận, PV báo NB&CL đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với TS Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương và ông Bùi Trúc Lam, Thư ký HĐQT để xác minh vụ việc nhưng bà An và ông Lam không bắt máy.
PV cũng trực tiếp đến trụ sở trường tại địa chỉ 736 Nguyễn Trãi, Q.5 để liên hệ làm việc nhưng cũng “bất thành”! Một giả thuyết đặt ra ở đây, nếu Trường ĐH Hùng Vương giải thể thì điều quan trọng nhất đó là “số phận” những cử nhân với tấm bằng do trường này cấp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Mặt khác, nếu trường tồn tại và với những nhà đầu tư mới, liệu có đảm bảo không phát sinh những bất cập như hiện nay?
Khi lúc này, tiền bạc dường như đã thao túng môi trường giáo dục và những nhà đầu tư chiếm cổ phần lớn sẽ xem mình như một “ông chủ” và có quyền quyết định hầu hết mọi việc!?
An Dân - Phú Ngọc