Quan tòa đòi "quản" báo chí?

Thứ sáu, 03/04/2015 09:03 AM - 0 Trả lời

Quan tòa đòi "quản" báo chí?

(NB&CL) - TAND Tối cao vừa công bố dự thảo Thông tư của Chánh án TAND Tối cao ban hành Nội quy phiên tòa. Theo đó, khoản 5 Điều 2 Nội quy phòng xử án quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh khi được sự đồng ý của Chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”. Quy định này đã khiến dư luận lo ngại bởi “nếu tòa không thích thì phóng viên miễn… tác nghiệp”.
 
 
Báo Công luận
Phóng viên đang tác nghiệp 
 
Theo dự thảo thì nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh thì phải được sự đồng ý của chánh án tòa án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa. 
 
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: Tiêu chuẩn cụ thể nào để chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa chấp thuận hay từ chối cho nhà báo, phóng viên tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh? Dự thảo thông tư không hề đề cập. Giả sử nhà báo, phóng viên đến xuất trình thẻ nhà báo đúng quy định (chậm nhất 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa) mà chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa “ghét”, không đồng ý cho nhà báo, phóng viên đó tham dự phiên tòa thì sao?
 
Theo luật sư Đức, tòa án là một trong những địa điểm tác nghiệp của nhà báo (không thuộc danh mục cấm). Pháp luật về tố tụng cũng quy định tòa xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự, theo dõi (trừ trường hợp xử kín). Ai cũng biết báo chí là kênh thông tin tuyên truyền pháp luật quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay nên cần phải tạo điều kiện cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Việc bắt buộc nhà báo, phóng viên chỉ được tham dự sau khi đã xin phép và được chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa đồng ý chẳng khác nào là một kiểu “giấy phép con”. Tốt nhất là chỉ nên quy định như sau: “Các nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh thì phải xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”. 
 
“Vấn nạn” ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính khả thi, thậm chí trái luật, vênh với các văn bản luật khác lại được nhắc đến khi TAND Tối cao đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định “Nội quy phiên tòa” với một điều khoản gây nhiều băn khoăn: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa”. 
 
Chưa biết dự thảo này sẽ được “quyết” như thế nào, tuy nhiên đã có nhiều văn bản ra trước đó - cũng liên quan đến hoạt động tác nghiệp báo chí – bị phản ứng mạnh mẽ, bị “tuýt còi”. Ví dụ, tháng 8/2013, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã có công văn gửi cấp dưới quy định khi phóng viên tác nghiệp chụp ảnh, quay phim cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ phải… xin phép. Công văn này rút cục bị hủy không lâu sau đó. 
 
Nhiều bộ ngành khác cũng từng gây “hốt hoảng” khi xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính mà trong đó cho phép rất nhiều người cũng có quyền phạt báo chí. Như, Điều 28 Nghị định 138/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, một ông chủ tịch cấp xã cũng có thể phạt báo chí đến 5 triệu đồng.
 
Hay Nghị định 79/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê cũng cho phép chủ tịch UBND cấp huyện được phạt “người đưa tin” tới 15 triệu đồng nếu phạm sai sót về số liệu… Bộ Tư pháp sau này đã phải báo cáo Chính phủ để làm rõ những nội dung này trước bức xúc của dư luận.
 
Một vấn đề khác, dự thảo thông tư quy định nhà báo, phóng viên muốn tham dự phiên tòa thì phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa...
 
Theo quy định hiện hành thì chỉ có thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứ không có loại nào gọi là “thẻ phóng viên” cả. Theo đó, các phóng viên muốn đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo thì phải có thời gian công tác liên tục tại một cơ quan báo chí trong vòng ba năm liền và không bị vi phạm kỷ luật. Trên thực tế, trong trường hợp phóng viên chưa đủ điều kiện để được cấp thẻ nhà báo (như chưa đủ thời gian làm việc) thì cơ quan báo chí quản lý phóng viên đó sẽ cấp giấy giới thiệu để phóng viên liên hệ với các cơ quan chức năng khác khi làm việc. Trên giấy giới thiệu sẽ ghi rõ cơ quan báo chí, tên phóng viên, liên hệ với cơ quan nào, nội dung làm việc, thời hạn giấy giới thiệu có giá trị… có chữ ký của lãnh đạo cũng như con dấu cơ quan báo chí.
 
Thời gian qua, cũng có một số cơ quan báo chí tự ý làm thẻ cho người của mình, gọi đó là “thẻ phóng viên” nhưng thẻ này hoàn toàn không có giá trị pháp lý và đã bị cơ quan quản lý báo chí cấm phát hành.
 
Như vậy dự thảo thông tư đã lỗi thời khi không cập nhật thuật ngữ giấy tờ của nghề báo để đưa vào quy định của mình. Ban soạn thảo thông tư cần sửa lại cho phù hợp với thực tế là “thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí”.
 
N.Huy 
 
Ông Nguyễn Thái Thiên- Phó Cục Trưởng Cục Báo Chí- Bộ Thông tin & Truyền thông: Bảo đảm quyền tác nghiệp của Báo chí theo đúng quy định của pháp luật
 
Tôi không trực tiếp tìm hiểu về Dự thảo này, nhưng thông qua thông tin của báo chí đưa tin về Dự thảo Thông tư quy định của Tòa án nhân dân tối cao với việc nhà báo- phóng viên tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh phải được sự đồng ý của chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa, điều này đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận xã hội cũng như báo giới. 
 
Theo tôi, nội dung của dự thảo chưa phù hợp với quy định của Luật Báo chí, cũng như không phù hợp với Nghị định 51/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí. Bởi vì, trong NĐ 51 có 2 quy định cụ thể tại Điều 8, khoản 1 có nói: “Nhà báo, phóng viên được đến các cơ quan tổ chức, thư viện, bảo tàng để mà thu thập thông tin và tra cứu tài liệu liên quan làm nghiệp vụ báo chí. Khi phóng viên đến làm việc chỉ cần xuất trình Thẻ nhà báo. Các cơ quan Nhà nước không được từ chối cung cấp thông tin cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước” Điều này sau đó được bổ sung vào Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí- tại Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc các cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nếu thông tin đó không thuộc phạm vi trong pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Thêm nữa, Khoản 3, Điều 8, Nghị định 51 cũng nói rõ: “Phóng viên, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. 
 
Nếu đối chiếu với các quy định của Nghị định 51 với nội dung của dự thảo quy định của TAND tối cao có nhiều điều không phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, một số phiên tòa mặc dù công khai nhưng có tính chất nhạy cảm thì chủ tọa phiên tòa vẫn có những quy định cụ thể để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như bảo đảm về an ninh trật tự trong phiên tòa ấy.
 
Thời gian qua, báo chí đã có nhiều bài viết đề nghị TaND Tối cao xem xét lại nội dung quy định, tôi cho rằng cần thiết. Nhưng cũng lưu ý các cơ quan báo chí cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để từ đó có tiếng nói phản biện phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm làm cho nhà báo được bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí theo đúng quy định của pháp luật.
 
Ngọc Lành (Ghi)
 
TAND Tối cao vừa gây chú ý dư luận với dự thảo Thông tư về Nội quy phiên tòa, trong đó có quy định nhà báo tác nghiệp phải được chánh tòa hoặc chủ tọa đồng ý. Trong đó, Khoản 5 Điều 2 của dự thảo Thông tư về Nội quy phiên tòa của quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, ảnh khi được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa”. Điều đáng nói nhất là, dự thảo Thông tư của TAND Tối cao “vênh” với Luật Báo chí liên quan đến quyền tác nghiệp của nhà báo. Về vấn đề này, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- khẳng định: Cần phải tuân thủ Luật Báo chí, đảm bảo quyền của nhà báo, quyền được thông tin của nhân dân.
 
Nội quy của Tòa phải đảm bảo đúng pháp luật!
 
Theo tôi, xây dựng nội quy là cần thiết, nhưng phải dựa trên luật pháp đã có. Quy định của Nội quy này có nghĩa là nhà báo phải “xin phép” Chánh án Tòa án hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Nhưng Nghị định 51/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí đã quy định nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Đến nơi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo đương nhiên có trách nhiệm xuất trình Thẻ nhà báo- thẻ hành nghề- do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp và chịu sự điều hành về trật tự của phiên tòa. 
 
Phóng viên phải được quyền tác nghiệp ở những nơi pháp luật quy định, không cấm, đặc biệt là phiên tòa xử công khai. Báo chí được giao sứ mệnh là theo dõi, thông tin đến công chúng diễn biến vụ việc. Tòa án có trách nhiệm cung cấp đủ thông tin để báo chí thực thi nhiệm vụ, vì báo chí của chúng ta là công cụ của Đảng và Nhà nước. 
 
Theo tôi, Tòa án cần khuyến khích hoạt động báo chí, vì báo chí là một công cụ quan trọng, thông tin về các quyết định của Tòa án. Tất nhiên báo chí, các nhà báo cũng phải tuân thủ pháp luật, không gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xâm hại lợi ích của cá nhân. Báo chí đã có quy tắc hoạt động nghiệp vụ, có quy định về đạo đức nghề nghiệp, ai vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Hoạt động thông tin là cần thiết đối với bất kỳ hoạt động xã hội nào, thông tin là chức năng, nhiệm vụ của báo chí được Hiến pháp, Luật Báo chí, Điều lệ của Hội Nhà báo Việt Nam quy định rõ ràng. 
 
Đảng, Nhà nước ta cũng như chính quyền ở bất cứ nước nào khác, đều coi trọng báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Ở nước ta, báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì vai trò, chức năng và nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của báo chí được quy định rất rõ. Báo chí nói chung, những người lãnh đạo cơ quan báo chí, những người làm báo chúng ta nhận thức đầy đủ điều đó, luôn cố gắng thực hiện đầy đủ nhất, hiệu quả nhất và trách nhiệm nhất. 
 
Trở lại Dự thảo Nội quy của phiên tòa. Thực ra, đây mới là dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến. Trước đây đã có một số văn bản pháp luật về hoạt động báo chí, xử lý vi phạm hành chính đối với sai phạm của báo chí do các cơ quan chuyên môn soạn thảo quy định khá khắt khe với báo chí, nhưng sau khi được góp ý, đã được sửa đổi theo đúng quy định của pháp luật. 
 
Cuối cùng, tôi xin đề xuất sửa Khoản 5 Điều 2 của Nội quy này như sau: “Các nhà báo, phóng viên đến dự phiên tòa để đưa tin, ảnh phải xuất trình Thẻ nhà báo, Giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa tại bàn Thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa. Tác nghiệp báo chí phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
 
Ngọc Lành
Nhà Báo NGUYỄN BÁ KIÊN- TỔNG BIÊN TẬP BÁO GIAO THÔNG:Tôi hết sức bất ngờ khi TANDTC lại đề xuất quy định như trên. Hiện nay, báo chí tham dự phiên tòa chỉ cần trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của Tòa soạn cho chủ tọa phiên tòa là được tác nghiệp. Quy định như Dự thảo là gây khó dễ cho báo chí. Nếu phải xin Chánh án, rồi phải được chấp nhận bằng văn bản là điều không khả thi, vì Chánh án bận trăm công ngàn việc, thời gian đâu để trả lời văn bản của cơ quan báo chí. 
 
Theo tôi, chỉ nên quy định với những phiên tòa xét xử công khai thì trước khi mở phiên tòa, phóng viên có mặt phải trình giấy giới thiệu hoặc thẻ nhà báo cho chủ tọa phiên tòa để được tác nghiệp. Đồng thời để tránh lộn xộn, phá vỡ sự tôn nghiêm thì Tòa án nên có quy định thời điểm tác nghiệp và khu vực các phóng viên được tác nghiệp, tránh tình trạng phóng viên đi lại lộn xộn làm ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa. Và như vậy, chỉ nên quy định trong nội quy phiên tòa, không cần thiết phải quy định trong dự thảo Pháp lệnh nêu trên.
LUẬT SƯ NGUYỄN TIẾN DŨNG (VP LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI- ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI): Dự thảo của TAND Tối cao vênh khá rõ với Luật Báo chí hiện hành. Theo Nghị định 51/2002 hướng dẫn luật này, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Một cơ quan như TAND Tối cao càng phải đưa ra các quy định đúng luật, ban soạn thảo nên cân nhắc lại các quy định đề xuất, để tránh đưa ra các văn bản vừa thiếu khả thi, vừa trái luật như nhiều bộ, ngành khác đã từng làm.
 
ÔNG NGUYỄN VĂN HIẾU- TRƯỜNG PHÒNG PHÁP LUẬT CHÍNH SÁCH - CỤC BÁO CHÍ, BỘ 
THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG: 
Điều 8 Nghị định 51/CP ngày 26/2/2002 đã quy định rõ quyền của nhà báo là: “được hoạt động tác nghiệp lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Đây là quy định gốc nhằm đảm bảo thông tin phiên tòa xét xử công khai đến công chúng. Tuy nhiên, thực tế do phòng xử không rộng, có thể số lượng các nhà báo vào dự không được nhiều nên có sự giới hạn. Do vậy, tòa án có thể quyết định số lượng nhà báo vào phòng xử cho phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không nên có quy định xin phép - cấp phép tham dự phiên tòa. Mặt khác, Luật Báo chí hiện hành chỉ quy định duy nhất một loại thẻ nhà báo, không có loại thẻ nào khác như thẻ phóng viên. Nếu dự thảo nội quy phiên tòa có quy định về thẻ phóng viên thì không phù hợp, cần phải sửa đổi.
 
ÔNG HOÀNG HỮU LƯỢNG- CỤC TRƯỞNG CỤC BÁO CHÍ, BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG: Về nguyên tắc, nếu phiên tòa xét xử công khai thì các nhà báo, PV được quyền vào dự để tác nghiệp. Theo tôi, PV muốn đưa tin một cách chuẩn xác thì họ phải có quyền ghi âm, ghi hình theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hoạt động của báo chí đều tạo điều kiện để nhà báo, PV tác nghiệp, trong đó có quyền tác nghiệp tại tòa án.
 
Chẳng lẽ Thông tư cao hơn Luật !?
 
Việc TAND Tối cao vừa công bố dự thảo thông tư 2014/TT-CA ban hành nội quy phiên tòa đã khiến dư luận lo ngại “nếu tòa không thích thì phóng viên (PV) miễn… tác nghiệp”. Quyền của thẩm phán “to” vậy nhưng còn quy định “không ai được cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” thì sao. Không lẽ thông tư của quý tòa còn “to” hơn luật? 
 
Điều 2 nội quy phòng xử án trong dự thảo quy định: “Các nhà báo, PV được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”. Với cách quy định chung chung này thì kể cả những phiên xét xử công khai các PV vẫn không được tác nghiệp nếu thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc chánh án tòa án nói “không” mà không cần biết lý do. 
 
Dư luận đang đặt câu hỏi: Một trong những nhiệm vụ của báo chí là giám sát, chống các biểu hiện tiêu cực, vậy tại sao quý tòa phải đưa ra những quy định gây khó dễ để ngăn cản PV tác nghiệp đúng luật? Trên thực tế, báo chí đã góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, tạo tính răn đe khi đưa tin về vụ án tại các phiên tòa. Bên cạnh đó, không ít bài báo cũng đã mổ xẻ, phân tích, phản ánh việc một số thẩm phán điều hành phiên tòa chưa tuân thủ Bộ luật Tố tụng hình sự, thậm chí là xử bừa, xử ẩu… (nhiều vụ án bị kháng nghị hoặc bị hủy án - PV) để góp phần nâng cao chất lượng xét xử tại Việt Nam. Phải chăng vì những điều này mà TAND Tối cao đã đưa ra dự thảo thông tư trên để được một mình một sân? 
 
Trước đó, vào giữa năm 2013, Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND cũng từng gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, tại điểm e khoản 1 Điều 17 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”. Với quy định này, nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa (người sử dụng phương tiện để ghi âm, ghi hình nhiều nhất tại phiên tòa) bị quản lý gắt gao, gây phiền toái trong tác nghiệp. 
 
Còn nhớ, vào tháng 8/2013, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Bộ CA đã ký Văn bản số 1042/C67-P3/2013 gửi tới các trưởng phòng CSGT, CA các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Trong công văn này có quy định khi PV tác nghiệp chụp ảnh, quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ phải… xin phép?! Ngay sau khi văn bản này được ban hành, báo chí và dư luận đã phản ứng mạnh mẽ vì trái luật. Cuối cùng, ngày 23/8/2013, Cục CSGT đường bộ, đường sắt ra Công văn 2315/PC67-P6/2013 gửi trưởng phòng CSGT các địa phương trên cả nước, nội dung công văn này khẳng định công văn 1042 ban hành trước đó có nội dung chưa chuẩn xác nên phải hủy bỏ. Dự thảo thông tư của TAND Tối cao có đoạn, các PV dự tòa phải xuất trình thẻ “thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa”. Đến đoạn này thì thấy rõ ràng “quý tòa” chưa hiểu Luật Báo chí?! Trong Luật Báo chí chỉ có thẻ nhà báo chứ không hề có thẻ… PV. Sự kém hiểu biết hay cẩu thả của người soạn thảo văn bản này thật khó chấp nhận! Cũng theo quy định của Luật Báo chí, thì chỉ các PV có thời gian công tác nhất định tại tờ báo mới được cấp thẻ nhà báo. Vậy không lẽ cứ phải có thẻ nhà báo mới được tòa cho tác nghiệp? Vậy còn các PV của các cơ quan báo chí thì sao? Dự thảo Thông tư mà không chuẩn xác như vậy, liệu có nên hủy bỏ? 
 
Thêm nữa, trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định nào ngăn cản báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai nên quy định trong Thông tư của TAND Tối cao là rất khiên cưỡng và khó chấp nhận.
 
K.An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn