Số gỗ tang vật của vụ án.
Từ bản Cà Xen, nhóm phóng viên cùng lực lượng chức năng tìm đến khu vực lên rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 19, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - địa điểm được xác định xảy ra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Bình.
Tại hiện trường, rất nhiều cây rừng đã bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ thành khối để vận chuyển đến các điểm tiêu thụ.
Ông Trương Khánh Bằng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lý giải: “Địa hình nơi đây đồi núi hiểm trở xa khu dân cư lên tới 20 cây số tính từ đường đi bộ. Từ khu dân cư đi vào địa điểm khai thác này đi mất cả 1 ngày mới tới nên khi lâm tặc đốn hạ khó phát hiện”.
Theo thống kê, số gỗ tang vật là 429 hộp, có chiều dài đều trên 3 mét, các loại gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 6, trong đó chủ yếu là gỗ táu, tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép lên tới 97m3. Có thể thấy rằng đây là vụ phá rừng phòng hộ có quy mô lớn cần được điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, cũng như cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng .
Ông Nguyễn Minh Yên, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa
Ông Nguyễn Minh Yên, Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sau khi phát hiện sự việc đã báo cáo UBND huyện Tuyên Hóa, để UBND huyện thành lập đoàn bảo vệ hiện trường và giao cho BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa lập phương án đưa số gỗ này về tại trạm bảo vệ rừng, quản lý bảo vệ và xử lý theo quy định”.
Việc khẩn trương đưa số gỗ tang vật này ra khỏi rừng để phục vụ công tác điều tra, xử lý, đang được các cơ quan chức năng huyện Tuyên Hóa triển khai. Tuy nhiên, với địa hình hiểm trở và phức tạp, dự kiến khoảng 1 tháng nữa, công việc này mới có thể hoàn thành.
Hiện chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Bình đang tích cực điều tra, làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan khi để xảy vụ việc phá rừng có quy mô lớn ở khu vực rừng phòng hộ của địa phương này.
Một số hình ảnh tang vật của vụ án
Cái Văn Long - Phùng Hiệp