Quy định phòng cháy chữa cháy Việt Nam cao nhất thế giới: Các doanh nghiệp xây dựng điêu đứng

Chủ nhật, 03/07/2022 17:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mới đây, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu ra một số khó khăn của ngành xây dựng Việt Nam.

Trong văn bản này, VACC cho biết, kết quả 6 tháng đầu năm 2022 so với 6 tháng đầu năm 2021 là một bước tiến dài, có doanh nghiệp tăng doanh số và sản lượng đến 300% so với cùng kỳ năm trước. 

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết: Năm 2021, cả nước phải đối mặt với đại dịch COVID-19, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, đương nhiên các công trình xây dựng cũng sẽ bị tạm dừng thi công, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng. Do đó, mức tăng 300% của 6 tháng đầu năm 2022 là không đáng kể.

quy dinh phong chay chua chay viet nam cao nhat the gioi cac doanh nghiep xay dung dieu dung hinh 1

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC).

Đặc biệt, ông Hiệp tiết lộ: về tổng thể, so với yêu cầu kế hoạch đặt ra thì vẫn chưa đạt, phần lớn các doanh nghiệp chỉ đạt 20-40% kế hoạch cả năm. Chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp xây dựng có lãi.

Theo Chủ tịch VACC, ngành xây dựng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngay cả trong bối cảnh hậu COVID-19, các khó khăn này vẫn đang cản trở sự tăng trưởng của ngành xây dựng.

Thứ nhất, giá vật liệu xây dựng đang tăng bình quân 15% - 30% so với cuối quý IV/2020. Đơn cử như giá thép tính từ cuối năm 2020 tới nay đã tăng từ 20% - 60%, giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg đến nay là 1.980 đồng/kg; giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối 2020 đến nay là 15.500 đồng/kg…

"Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18-30%. Như vậy, khi doanh nghiệp xây dựng nhận các dự án đầu tư công, đã khoán chi phí chắc chắn sẽ bị lỗ”, ông Hiệp nói.

Đơn cử như Vinaconex, nhà thầu thi công gói thầu cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm đó đã thấy lỗ 46% so với giá gói thầu được chủ đầu tư ký hợp đồng.

Chính vì tình trạng giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng, hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay, hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc - Nam đang lâm vào tình trạng "sống dở chết dở". Nhiều nhà thầu hiện không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường.

“Với mức độ thua lỗ như vậy, các doanh nghiệp xây dựng, các nhà thầu hiện sợ nhất là nhận các dự án đầu tư công”, ông Hiệp nói.

Vấn đề thứ hai theo VACC là thủ tục pháp lý đầu tư dự án bất động sản chưa được tháo gỡ, do đó số dự án mới chưa đủ nhiều để cung cấp công ăn việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng.

Bên cạnh đó, tâm lý e dè, ngần ngại, né tránh khá phổ biến trong bộ máy hành chính khi giải quyết các thủ tục cho các dự án nên số dự án mới ngày càng ít hơn. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh phá giá ở một số doanh nghiệp để cố gắng tồn tại, nhưng do cố gắng thắng thầu bằng mọi giá nên khi thực hiện đều đổ vỡ, công nợ.

“Có thể nói, trong tất cả các ngành nghề, thì ngành xây dựng là khổ nhất, vì phải phục vụ nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề. Thủ tục trong xây dựng cũng rất phức tạp và rất nhạy cảm”, ông Hiệp cho biệt.

Trích lời một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng, ông Hiệp tiết lộ: “Chính vì có nhiều thủ tục phức tạp, nên khi đi qua các cửa, chúng tôi phải mất ít nhất 5% giá trị để đi qua. Đây là nỗi khổ của doanh nghiệp xây dựng, nhưng không biết kêu ai”.

quy dinh phong chay chua chay viet nam cao nhat the gioi cac doanh nghiep xay dung dieu dung hinh 2

Trước những thách thức bủa vây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam mong được "giải cứu".

Vấn đề thứ ba theo VACC là ngành xây dựng có đặc thù là 70% số lao động từ nông nhàn, nhưng sau Covid-19, việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn.

Thứ tư là về tài chính, theo VACC, đây đang là một sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20-25% cuối của dự án.

Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng siết room tín dụng cho vay làm các nhà thầu đã khó khăn lại càng thêm "điêu đứng" về tài chính.

Vấn đề thứ năm là các thủ tục pháp lý về giao nhận thầu còn nhiều rắc rối phức tạp, đối với các nhà thầu vừa mất nhiều thời gian, nhiều chi phí về thủ tục và cơ chế thanh quyết toán cũng còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, theo VACC, việc phải tuân thủ quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) với những tiêu chí đặc biệt cao so với khu vực bằng nguyên vật liệu độc quyền nhập khẩu khiến chi phí tăng quá cao.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Hiệp cho biết: Việt Nam là một nước đang phát triển, nhưng quy định PCCC còn cao hơn nhiều nước phát triển. Có thể nói, quy định PCCC của Việt Nam đang gần như cao nhất thế giới.

“Quy định PCCC của chúng ta có nhiều điểm tương đồng với Mỹ, nhưng thêm thắt thêm nhiều quy định, khiến cho quy định này còn cao hơn Mỹ”, ông Hiệp nói.

Bên cạnh đó, trong Luật PCCC còn một số quy định khiến các doanh nghiệp xây dựng vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian để đúng luật.

“Ví dụ như cửa chống cháy. Hiện chỉ có một số ít đơn vị làm được cửa chống cháy. Đáng nhẽ, cơ quan chức năng phải cấp tiêu chuẩn chống cháy cho đơn vị sản xuất. Sau đó, chúng tôi thi công là hợp lệ. Nhưng không, quy định của PCCC là chúng tôi, các nhà thầu, các doanh nghiệp xây dựng phải lấy 1 mẫu cửa ra đứng đốt, từ đó mới lấy được chứng chỉ”, Chủ tịch VACC nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp nói: Có những thời điểm, nhiều doanh nghiệp xây dựng phải đứng xếp hàng để chờ đốt, như vậy là vừa tốn thời gian, vừa tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp.

“Về vấn đề này, chúng tôi đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng, nhưng Bộ không có ý kiến, nên chúng tôi mới có đơn thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét”, ông Hiệp nói thêm.

Cuối cùng, lãnh đạo VACC cho rằng công tác thanh kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo giữa các ngành liên quan, khiến các doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian.

"Tình trạng hồi tố của công tác kiểm toán, thanh tra gây khá nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp, có dự án đã quyết toán xong cả chục năm, kiểm toán vẫn yêu cầu truy thu tiền nọ tiền kia thì doanh nghiệp lấy đâu ra để nộp", ông Hiệp nói.

Với những khó khăn nêu trên, VACC cho rằng các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần. Hiện khá nhiều doanh nghiệp xây dựng tập trung tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của các dự án này hợp lý, bám sát giá thị trường vật liệu, cơ chế đấu thầu minh bạch và cơ chế thanh toán sòng phẳng.

"Tuy vậy, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy có thể nói đa số các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều đứng trước thách thức hết sức khốc liệt", lãnh đạo VACC nhấn mạnh.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Giá dầu có thể tăng đột biến trên 100 USD

Giá dầu có thể tăng đột biến trên 100 USD

(CLO) Các nhà quan sát thị trường cho biết giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng và hơn thế nữa sau khi Iran tiến hành một cuộc tấn công trên không nhằm vào Israel làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực.

Thị trường - Doanh nghiệp
MobiFone đặt mục tiêu doanh thu gần 26.000 tỷ đồng trong năm 2024

MobiFone đặt mục tiêu doanh thu gần 26.000 tỷ đồng trong năm 2024

(CLO) MobiFone dự kiến mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn doanh thu, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, không gian mới theo xu thế của các doanh nghiệp viễn thông trên thế giới.

Thị trường - Doanh nghiệp
TP HCM chuẩn bị tổ chức Lễ hội sông nước lần thứ hai

TP HCM chuẩn bị tổ chức Lễ hội sông nước lần thứ hai

(CLO) Đây là nội dung nằm trong chuỗi các sự kiến xúc tiến du lịch của TP HCM diễn ra trong quý II/2024, vừa được Sở Du lịch TP HCM công bố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ukraine cố gắng ép buộc phương Tây về giá dầu

Ukraine cố gắng ép buộc phương Tây về giá dầu

(CLO) Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine tiết lộ, Kiev sẽ dễ tiếp thu hơn những lời kêu gọi từ Mỹ và các đồng minh ngừng tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga nếu phương Tây tăng cường viện trợ quân sự.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lý do CEO Apple bất ngờ đến Việt Nam?

Lý do CEO Apple bất ngờ đến Việt Nam?

(CLO) Hôm 15/4, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã đến Hà Nội khi gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ tìm cách tăng doanh số bán hàng tại các thị trường mới.

Thị trường - Doanh nghiệp