Rùng mình những chuyến câu ôm với gái sinh thái

Thứ sáu, 03/04/2015 14:14 PM - 0 Trả lời

Rùng mình những chuyến câu ôm với gái sinh thái

(Congluan.vn) - Hữu cùng bè bạn rất thích đi câu cá sông vào ban đêm. Nhiều lần “ngẫu hứng”, Hữu và đám bạn “gọi" hẳn mấy “đào” (gái bán dâm) đi “câu” thâu đêm cùng mình. Và thú câu sông hóa thành những cuộc “câu ôm”, “câu tình” xa xỉ của những người không nhiều tiền nhưng… thích sinh tật!

Cuộc hẹn… nhớ mang "bảo hộ" theo!

Vốn cũng là dân thích câu cá sông nên tôi vô tình được biết Hữu và Đương (bạn cùng phòng Hữu) trong một lần đi câu đêm ở một con kênh nhỏ thuộc phường Thạnh Xuân, Q.12. Hữu 29 tuổi, quê miền Tây, là công nhân bốc “xà bần” (bê tông), lương dao động 5 - 6 triệu một tháng.

Báo Công luận
 
 Mỗi người một góc riêng câu sông
 
Biết bạn câu làm nghề viết, Hữu “khoái” và bảo: “Vậy chứ nào giờ anh có thấy ai viết thú “câu ôm” chưa?". Không đợi trả lời, Hữu giải thích: “Là đi câu cá nhưng dắt gái “bao” theo “vui vẻ” đó”! Rồi Hữu hẹn một ngày không xa cho tôi mãn nhãn và không quên dặn: “Anh nhớ mang “bảo hộ” theo nghe”, rồi cười lớn cảm thán: "Thú câu cá với gái đồng quê, tha hồ tăng cảm giác!"

Đúng hẹn, 5 giờ chiều tôi có mặt tại ngõ vào nhà trọ Hữu thuộc phường Thạnh Xuân, Q.12. Lúc này Hữu và đám bạn đã chờ sẵn. Hữu vỗ vai giới thiệu thêm 2 “cần thủ” hào hứng: “Đêm nay 4 anh em mình sẽ tổ chức cắm trại tới bến luôn nghe”. Cả nhóm cười khà khà rồi tiến hành chất hành lý lên xe: 3 thùng bia, bao đá cây, bọc khô, mận xoài cóc ổi, bó củi, mấy tấm bạt, đè pin, kem chống muỗi…

4 người chúng tôi cỡi trên 3 xe máy băng qua những con lộ đất gập ghềnh, chênh vênh vách sông. Những con kênh thủy lợi chạy dài và giao nhau uốn lượn. Nắng ngã về tây, những chiếc bóng đổ dài. Cánh đồng trồng hoa màu bát ngát, thơm tho trong mênh mang gió… Cảnh vật thoáng đãng làm cho con người ta có cảm giác thảnh thơi, nhẹ nhàng, như rũ sạch đi mọi sự chật vật, ồn ào của một Sài Gòn phồn hoa, cám dỗ...

Báo Công luận
 
 Hữu và Đương chuẩn bị món “nhái nướng mọi” đãi các “đào”

Sau 20 phút băng đồng, bãi đáp của chúng tôi là một con kênh thủy lợi nằm giữa cánh đồng trồng hoa màu bao la. Kênh rộng chưa đầy 15m, chạy dài hàng cây số và cách xa khu dân cư. Bèo tây, cỏ mọc kín những đoạn sông. 4 cầu câu tay lần lượt được tra nhợi, gắn phao sáng và những chú dế đất mập mạp làm mồi. Cuộc “săn” cá bắt đầu khi mặt trời vừa khuất dạng. Hữu bảo: “Anh em mình gắng tóm được con cá lớn nghe, mình nướng nhậu lấy le với mấy nàng chơi…”.

7g30 theo giờ hẹn, hai người bạn Hữu lấy xe hướng ra lộ hộ tống 4 “em” vào. Trong khi chờ đợi, chúng tôi nhóm “lửa trại”, bày tiệc ra, vừa làm Hữu vừa dặn dò: “Anh thích em nào thì cứ chọn. Anh em mình cứ lai rai tới khuya. Khi nào muốn “vui vẻ” thì cầm tấm bạt rồi dắt một em đi xa xa một tí”. Hữu cũng cho biết sơ qua về “tiểu sử” của các “đào”: Các em này chẳng phải gái quê hay gái... sinh thái đâu, các chú phải cảnh giác! Từng là “gái” phục vụ trong mấy quán bia ôm, hết thời nên dạt ra làm ở mấy quán café “đèn mờ” rẻ tiền dọc quốc lộ 13. Do "mối ruột” và đều là dân thích “nhậu” nên giá cả cho cuộc vui thâu đêm từ 3 đến 5 "xị" tùy "hàng.

Nước mắt thân phận “gái bao” hết thời

8 giờ hơn, hai “ma cô” cõng 3 về đến. 4 “ cô đào” tuổi từ 25 đến 30 nhảy phóc xuống xe, không thèm “ngó” ai, hí hửng chạy ùa lại vớ mấy cần câu. Tất cả trong trang phục áo thun, áo ấm và quần jean dài rất “lịch sự”. Chúng tôi bắt đầu ngồi vào “mâm” và các nàng cũng lần lượt ngồi xen k “bắt cặp”.

Theo thứ tự, mọi người giới thiệu tên, quê quán cho tôi làm quen. Ngồi gần tôi tên Hà, nhà An Giang, “đào” Hữu tên Mai quê Long An, “đào” Nhân tên Ngọc quê Khánh Hòa, “đào” Tí tên Thủy nhà Bình Phước. Cuộc “nhậu ôm” bắt đầu, những lon bia bật nắp, “lửa trại” cháy bập bùng và… 1… 2… 3… dzô… vang vọng trong đêm.

Báo Công luận
 
 Món đồng “nướng mọi”

Khi vỏ bia vứt đầy, cuộc nhậu mỗi lúc trở nên tưng bừng, rộn rả, những động tác trìu mến cũng đã “nhiệt tình”. Thùng hai lôi ra mà các nàng vẫn tỉnh “queo”. Những gương mặt đánh phấn những làn môi thoa son lúc này bắt đầu hoán đổi màu sắc cho nhau. Không thể “hòa nhập” bầu không khí có phần “dung tục”, tôi xin đi thăm câu. Có lẽ Hà cảm nhận tôi không “chuyên” vì sau vài lần “lấp lửng” nựng “yêu”, thấy tôi hơi "hờ hững" nên cô cũng đứng dậy nắm tay theo chân tôi rút khỏi cuộc chơi. Cả nhóm cười ồ lên ghẹo: “Thăm câu thôi chứ không có “cắn câu” à nghe…”.

Đi một đoạn, Hà buông tay ra, cô nắm lấy cần câu kéo lên cho tôi thay mồi. Lúc này, ánh đèn pin hắc lên gương mặt Hà làm lộ rõ khóe mắt hằn dấu chân chim, ánh mắt vàng vọt, làn môi không được hồng hào. Dấu ấn của ngủ ngày “cày” đêm, hút thuốc chờ “khách”. Biết tôi đang nhìn mình, Hà thẹn thùng ngoảnh mặt sang hướng khác bâng quơ: “Cảnh này sao làm em nhớ quê quá”!.

Câu nói thật nhẹ nhàng và chân tình của Hà làm dân chơi nào cũng có thể... xúc động: “Sao em không về quê sống?". Như thể mọi sự chịu đựng của phận gái tha hương kiềm nén bấy lâu chỉ chờ có vậy bật ra, nghẹn giọng: “Về quê thì có việc gì làm ra tiền hả anh!… Em làm ở đây hàng tháng còn có chút ít tiền gửi về cho ba má". Nói rồi, Hà lại ngoảnh mặt sang hướng khác và… khẽ khàng đưa tay áo lên má.

Tôi nhìn con dế đã được móc vào lưỡi câu mà thấy sao nó giống thân phận Hà bây giờ quá! Tôi liền trút hết bọc dế đi. Đôi mắt ngấn đỏ của Hà mở to ngạc nhiên: “Sao anh thả hết đi vậy?". Nhìn những chú dế nhanh chóng thoát thân, tôi bảo: “Một ngày nào đó Hà cũng được như những chú dế này”. Hà nhìn những chú dế lao vào bụi cỏ rồi nhìn tôi… thở dài.

Những tâm sự buồn

Chúng tôi quay về “buổi tiệc”, mọi người lúc này khăng khít nhau hơn, bá vai, quàng cổ, vừa uống vừa “mớm” mồi cho nhau thắm thiết. Chợt thấy mồi nhậu đã hết, Hữu đề nghị cùng tôi đi soi nhái về nướng làm mồi “đãi” mấy em. Nghe vậy mọi người vỗ tay hoan hô, duy có hai em trừng mắt thảng thốt, méo mặt: “Hả! Có món nhái nướng mọi nữa hả?”.

Báo Công luận
 
 Giây phút chạnh lòng khi nghe tâm sự của những phận gái “ăn sương”

Tôi và Hữu đi dọc trên những bờ mương người ta dùng để dẫn nước tưới tiêu hoa màu. Chỉ bằng đèn pin và một cây gậy gỗ ngắn, chẳng mấy chốc Hữu đã “săn” được nào nhái, nào cua, nào rắn… Chúng tôi mang chiến lợi phẩm về trong sự hò reo, khoái chí của mọi người. Và những chú mồi xấu số lần lượt cho vào đống than hồng rực lửa. Thế là cả nhóm tiếp tục bật bia và thưởng thức món “nhái nướng mọi” chấm muối ớt.

Quá nửa khuya, các cô gái bắt đầu ngà say. Mai, “tình hờ” của Hữu than thở: “Nhìn cảnh này nhớ quê quá tụi mày à!”. Ngọc cũng thở dài thốt lên: “Tao thì nhớ thời học sinh đi cắm trại”!... Trong men say và giữa cái lạnh của đêm trường, những người con gái “ăn sương” bắt đầu “bật” ra những lời tâm sự từ tận đáy lòng chôn dấu. Và mọi người lần lượt nghe những tự sự chân tình của 4 cô gái tha hương. 

Sau hôm đó, chúng tôi còn gặp lại Hà và Mai. Cuộc gặp gỡ diễn ra ở bến xe miền Tây. Hai người về quê. Trước lúc lên xe Hà có bảo tôi: “Em về sống với ba má thôi anh, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo”. Tôi hỏi hai người bạn còn lại. Hà buồn buồn: “Tụi nó muốn kiếm thêm ít tiền nên ở lại làm đến hết tết này mới về anh ạ”…

Vì cái nghèo mà tất cả phải rời bỏ quê nhà để mưu sinh. Họ đều thương cha nhớ mẹ. Họ đều có tình yêu đẹp của thuở xuân xanh đầu đời, đều mong muốn có một tấm chồng và sinh con. Họ đều khát khao thoát khỏi cảnh sống dưới tận cùng nhục nhã của đời con gái và có một cuộc sống lương thiện, bình yên…

Hà, Mai, Ngọc, Thủy, 4 cô gái lúc này không còn ngồi xen k với chúng tôi nữa, họ một bên và chúng tôi một bên. Họ ôm nhau và khóc nức nở. Đêm trường nơi đồng ruộng, bầu trời chỉ có mấy vì sao le lói, gió lạnh cứ miên man hiu hắt, tiếng côn trùng nỉ non não ruột. Tự dưng bốn thằng đàn ông cũng buồn “lây”. Chúng tôi không “thèm” uống bia nữa mà hướng về đống lửa, nơi đó có những “con mồi” đang phơi xác...

Đêm ấy, không một cuộc mua vui “thân xác” nào diễn ra. Các cô gái được chúng tôi đưa vào một chòi canh đồng gần đó trải bạt ngủ. Còn chúng tôi, mỗi người một cần câu, một góc bờ kênh và lặng lẽ. Chắc ai nấy đều có tâm sự của lòng mình và những tâm sự đó có chút tình nào đồng cảm cho thân phận những cô gái… “ăn sương”?!

Theo yêu cầu tên các nhân vật đã được thay đổi

                                                                                                           Nguyễn Võ Nguyên Pháp

  

Tin khác

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

(CLO) Trong quá trình thi công dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Điều tra
Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

(CLO) Những năm qua, Công ty TNHH Quyết Thắng đã trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng... nhưng tỷ lệ tiết kiệm ngân sách sát mức 0%.

Điều tra
Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

(CLO) Mới đây, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã ra công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp giải quyết ngay các vấn đề phản ánh của người lao động, đặc biệt phải tổ chức trao quyết định nghỉ hưu cho bà Vy Thị Hồng Cứu.

Điều tra
Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

(NB&CL) Mặc dù người dân đã gửi đơn khiếu nại về việc bị Công ty CP Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập khai thác đá trên núi Thị Vải, tiểu khu Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chồng lấn trên 24 héc ta đất rừng phòng hộ, nhưng BQL Rừng phòng hộ Bà Rịa - Vũng Tàu suốt một thời gian dài vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

Điều tra
Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên lập trạm sản xuất bê tông trái phép?

Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên lập trạm sản xuất bê tông trái phép?

(NB&CL) Trên địa bàn phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên cho nhiều doanh nghiệp vào lắp đặt, sản xuất bê tông trái phép suốt nhiều năm nhưng chính quyền địa phương có dấu hiệu bao che, không quyết liệt xử lý, khiến dư luận nhân dân bức xúc.

Điều tra