Sẽ khắc phục được bất cập của kiến trúc Việt?

Thứ năm, 16/08/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dự án Luật Kiến trúc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 26. Đây là dự án Luật được giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam mong mỏi suốt 20 năm qua bởi kiến trúc là một lĩnh vực khoa học nghệ thuật đặc thù, rất cần thiết đối với xã hội cũng như đời sống. Giới chuyên môn đang hy vọng dự án Luật Kiến trúc nếu được thông qua, sẽ khắc phục được những bất cập cũng như thiếu bản sắc của kiến trúc Việt Nam.

Luật kiến trúc: Rất cần thiết!

Trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật – kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội và tổ chức không gian sống của con người và xã hội.

Ở nước ta, quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nền kiến trúc nước nhà có bản sắc, hiện đại, hội nhập quốc tế và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ năng lực và điều kiện hành nghề tốt.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...

Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân về thể chế, cụ thể là đã có một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: Chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nhấn mạnh đến nhiều chủ trương, các nghị quyết của Trung ương chỉ đạo về phát triển nền kiến trúc Việt Nam, đồng thời cho biết ngày 3/9/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 góp phần nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo Công luận
 
Đồng thời sau khi dẫn chiếu các quy định pháp luật liên quan đến kiến trúc hiện nay có ở một số luật, nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn có liên quan, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng các quy định mới chủ yếu tập trung về nội dung kỹ thuật, các quy định liên quan đến kiến trúc còn thiếu, chưa có tính hệ thống, chưa làm rõ tính đặc thù cao của kiến trúc, sáng tạo kiến trúc, quản lý kiến trúc, hành nghề của kiến trúc.

“Thực tiễn phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, dự thảo Luật Kiến trúc được xây dựng với bố cục gồm 4 chương với 37 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Tạo công cụ pháp lý, môi trường thuận lợi cho hoạt động kiến trúc

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Theo ông Phan Xuân Dũng, kiến trúc mang tính khoa học, nghệ thuật, sáng tạo ra các sản phẩm là các công trình kiến trúc, môi trường cảnh quan phục vụ con người. Sáng tạo của kiến trúc sư ảnh hưởng rất lớn đến xã hội từ văn hóa đến nguồn lực kinh tế. Các công trình kiến trúc góp phần thể hiện sắc thái văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy việc ban hành Luật Kiến trúc là tăng cường công tác quản lý nhà nước và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo ông Phan Xuân Dũng, dự thảo Luật về cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo đánh giá mức độ cam kết, tính tương thích nội dung Hành nghề kiến trúc (Chương III) trong dự thảo Luật với Khuyến nghị hành nghề kiến trúc do Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) ban hành và đã được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) công nhận; với Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN và Cam kết chung của Việt Nam trong WTO có dịch vụ kiến trúc (CPC 8671)…

Về tính khả thi của dự thảo Luật, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, dự thảo Luật được xây dựng từ yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quản lý hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Về cơ bản, dự thảo Luật có tính khả thi.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết: Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy có một số quy định về “Quản lý kiến trúc” (Chương II) cần cụ thể hơn. Các quy định về “Hành nghề kiến trúc” (Chương III) tương đối rõ các quy phạm cần thiết, song vẫn cần nghiên cứu kỹ các nội dung quy định về chứng chỉ hành nghề, tổ chức hành nghề kiến trúc, trách nhiệm quản lý nhà nước để đảm bảo quy định thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn. 

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng làm rõ các đối tượng cần quản lý kiến trúc; tính kết nối của các công cụ quản lý phát triển kiến trúc; cụ thể hóa thêm một số quy định, thu hút những quy định cụ thể trong các Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật mà đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn để có thể áp dụng ngay, nâng cao tính khả thi của Luật.

Về hồ sơ dự án Luật, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, về cơ bản, hồ sơ dự án Luật Kiến trúc của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về kiến trúc của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành Luật; đã có dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động kiến trúc.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật, nhiều ý kiến phát biểu của các thành viên UBTVQH nhận định, dự án Luật được xây dựng phải tạo được công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Đồng thời, phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc. Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội...

Cùng với đó, các thành viên UBTVQH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án Luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; tính khả thi của luật; vai trò quản lý nhà nước về kiến trúc; hành nghề kiến trúc; những hành vi bị cấm trong hoạt động kiến trúc...

Khánh An

 

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn