Siết chặt kỷ cương, kỷ luật; khắc phục tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’

Chủ nhật, 24/06/2018 12:28 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

“Sự khác biệt” từ Nghị quyết 19

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện.

Nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã đạt được những kết quả tích cực; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. 

Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.

Báo Công luận
 Ảnh minh họa

Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 19/CP “đã tạo ra sự khác biệt”. Đó là, môi trường kinh doanh Việt Nam được thăng hạng trên tất cả các khía cạnh. 

Nhưng quan trọng hơn là nâng cao được ý thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Trước đây, bộ, ngành và địa phương thường rất thụ động nhưng giờ đây, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện hàng loạt giải pháp thuộc thẩm quyền của mình để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đã có một sự thi đua giữa các tỉnh và các bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh”- ông Cung nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thường xuyên, liên tục có chỉ thị, chỉ đạo và đánh giá việc cải thiện môi trường kinh doanh. Trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương cũng trở nên rõ ràng hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc cải cách hành chính, cải thiện thể chế...

“Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao mỗi năm lại cần phải có 1 nghị quyết riêng biệt. Đó là bởi để làm mới cách thức điều hành của Chính phủ, cách thức chỉ đạo của Chính phủ”- ông Cung nhận định.

Theo vị Viện trưởng CIEM, việc liên tục ra nghị quyết như vậy, để duy trì áp lực và kỷ luật hành chính đối với các bộ và địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, mỗi năm sẽ có những bước rút kinh nghiệm, cụ thể hoá hơn về các mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ và địa phương.

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới những năm qua cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang được cải thiện, song vẫn còn chậm và ở mức thấp.

 Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém, gây cản trở đến việc rút ngắn khoảng cách trên mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội giữa Việt Nam với các nước trên thế giới và nhất là trong khu vực ASEAN.

TS Nguyễn Đình Cung đưa ra dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ phải mất tới 6- 7 tháng mà vẫn không xin được giấy phép kinh doanh.

 Cơ quan chức năng vài hôm lại gọi lên sửa giấy phép, có hôm chỉ sửa vài từ, có khi chỉ dấu phảy nhưng vẫn bị gọi lên. TS Cung cho rằng, mục tiêu của cải thiện môi trường kinh doanh là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, song nhiều cơ quan không những không cắt giảm mà còn “đẻ” thêm.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phải khẩn trương bổ sung, cập nhật ngay vào Nghị quyết 19 để thực hiện, nhất là đối với những chỉ số có thứ hạng thấp, nếu không chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 có thể sẽ bị tụt hạng.

“Điều quan trọng là phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật thì mới khắc phục được tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ trong thực hiện Nghị quyết 19. Tôi đề nghị cần làm bảng theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của từng bộ, ngành trong Nghị quyết 19”- bà Lan nêu ý kiến.

Chỉ số môi trường kinh doanh tăng 8- 18 bậc năm 2018

Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Nghị quyết 19/2018 cũng yêu cầu bãi bỏ và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm 50% danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn 10%, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 

Quan trọng hơn, Nghị quyết 19-2018 lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch để tạo thuận lợi, giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do CIEM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia có chung nhận định, những mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19 năm 2018 là không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực, quan trọng là người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh theo nguyên tắc một mặt hàng xuất, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan quản lý.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan cải thiện thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định; tăng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh thêm ít nhất 40 bậc trên bảng xếp hạng; kết hợp công bố thông tin doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp; kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp.

T.Toàn

Tin khác

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(CLO) Về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức
KEIDANREN và các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản

KEIDANREN và các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) và các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên.

Tin tức
Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Vương Đình Huệ dự chỉ đạo buổi Lễ.

Tin tức
Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tin tức
Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

(CLO) Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Tin tức