Sự việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra 38/204 dự án của Hà Nội và ra Kết luận số 1203/KL-TTCP Về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2014 đã được chúng tôi thông tin trong nhiều kỳ báo trước tới bạn đọc.
Sai phạm của các dự án dẫn đến tình trạng rất nhiều quy hoạch bị phá vỡ, gây ra những hậu quả nặng nề và người dân chính là người gánh chịu. Để xảy ra tình trạng này, ngoài chủ đầu tư ra, cần phải quy rõ trách nhiệm từ việc buông lỏng quản lý, từ sự yếu kém của các cơ quan có chức năng tham mưu cho UBND TP, trong đó có Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để xảy ra nhiều sai phạm tại các dự án được Thanh tra Chính phủ kết luận
Theo Thanh tra Chính phủ, kiểm tra một số dự án đầu tư cho thấy việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết chất lượng của các đồ án quy hoạch chưa cao, độ chính xác dự báo về nhu cầu phát triển đô thị thấp, do đó phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng tại một số dự án của cơ quan chức năng và chủ đầu tư còn nhiều vi phạm, chưa ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiện đã và đang diễn ra nhiều vi phạm quy hoạch trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra một số dự án cho thấy những sai phạm.
Cụ thể: Kiểm tra 10 dự án, có 10/10 dự án vi phạm quy hoạch, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng; trong đó 03 dự án phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 nhưng một số chỉ tiêu về quy hoạch không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000, không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt như: số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.
Trong quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn có tình trạng không tuân thủ về chỉ tiêu quy hoạch; một số dự án phê duyệt không có tầng hầm, tầng kĩ thuật, tuy nhiên, Sở Quy hoạch – Kiến trúc vẫn chấp thuận phương án kiến trúc có cả tầng hầm và tầng kĩ thuật.
Điển hình như “Dự án KĐTM Dịch Vọng” do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc công trình nhà ở cao tầng NO9-B1 và NO9-B2 thêm tầng kĩ thuật tại văn bản số 1100/QHKT-P1 ngày 3/8/2007 và công trình nhà NO-10 điều chỉnh tăng quy mô từ 32 tầng lên 34 tầng (bao gồm cả tầng kĩ thuật và tầng tum) tại văn bản số 1176/QHKT-P8 ngày 1/4/2014 là không phù hợp với QHCTXD tỷ lệ 1/500 và QHCTXD tỉ lệ 1/2000 đã phê duyệt, vi phạm Khoản 2, điều 7 Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ.
Dự án KĐTM Dịch Vọng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phê duyệt không phù hợp với quy hoạch
Chủ đầu tư đã xây dựng 3 tầng kĩ thuật diện tích hàng nghìn mét vuông nhưng lại cho thuê làm văn phòng kinh doanh là không phù hợp quy hoạch xây dựng, sử dụng không đúng mục đích, vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 36 Luật Xây dựng năm 2003. Việc xây dựng sai quy hoạch đối với các tòa nhà trên chưa được cơ quan quản lý về quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị xử lý theo quy định, vi phạm Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Dự án KĐTM Kim Văn – Kim Lũ do Vinaconex 2 làm chủ đầu tư. Tại đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể tỉ lệ 1/500 là không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và mật độ xây dựng 40,5% là không phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008, tại bảng 2.7A mật độ xây dựng tối đa là 37%, tăng 3,5% so với quy chuẩn xây dựng.
Dự án KĐTM Kim Văn - Kim Lũ do Vinaconex2 làm Chủ đầu tư cũng để xảy ra vi phạm quy hoạch nghiêm trọng khiến người dân bức xúc bởi hạ tầng quá tải
Việc Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, điều kiện sinh hoạt khu dân cư.
Một số quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 ở một số dự án không đúng, nội dung điều chỉnh chưa phù hợp với quy định quản lý quy hoạch đô thị như Dự án Thành phố Giao lưu, khu cách ly đã điều chỉnh thành khu nhà liền kề để bán và làm bãi đỗ xe.
Tiếp đó là “Dự án đầu tư xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, nhà ở và trường học tại 310 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng”; dự án này được liên danh giữa Vinaconex 3 và Công ty TNHH MTV Mai Động và làm chủ đầu tư. Quy hoạch Tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 do Công ty Vinaconex 3 lập, được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 134/QHKT-P1 ngày 27/1/2006 có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất vượt chỉ tiêu cho phép, cụ thể: Theo quy hoạch mật độ xây dựng 24,6% (Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 1997 mật độ xây dựng tối đa là 23%), hệ số sử dụng đất là 3,1 lần (theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 1997 hệ số sử dụng đất tối đa là 2,89 lần).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội ra văn bản chấp thuận Phương án kiến trúc sơ bộ của Cty Đầu tư Lạc Hồng là không phù hợp với quy hoạch chi tiết KĐT Nam Thăng Long giai đoạn III đã được TP phê duyệt (Ảnh: intenet)
Một dự án khác là “Dự án xây dựng nhà ở chung cư cho CBCC quận Tây Hồ và các cơ quan của Thành phố tại ô đất CT03B thuộc quỹ đất 20% Khu đô thị Nam Thăng Long” do Công ty Cổ phần Xây dựng Lạc Hồng làm Chủ đầu tư. Trong quy hoạch Tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Phương án kiến trúc sơ bộ do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng lập, được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tại Văn bản số 551/QHKT-P1 ngày 8/3/2012 không phù hợp với Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn III, tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 26/12/2008.
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư quận Nam Từ Liêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phải chịu trách nhiệm ra sao đối với những sai phạm phá nát quy hoạch? (Ảnh:TN)
Trong khi đó, một số dự án chủ đầu tư tự ý xây dựng sai quy hoạch về tầng cao, tầng hầm kể cả đất cây xanh công cộng... do khâu hậu kiểm quy hoạch không thực hiện, nên không phát hiện được lỗ hổng; đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước không xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Nhiều trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng không đúng quy định, nhưng các cơ quan chức năng quản lý nhà đất, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị cũng không ngăn chặn và xử lý những sai phạm đó.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội liệu có trách nhiệm thời kỳ còn làm Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc? (Ảnh: ANTĐ)
Kết luận về việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng hầm, tầng kĩ thuật, nâng chiều cao tầng nhà...). Tình trạng này là khá phổ biến ở các dự án đầu tư được thanh tra; hậu quả là các dự án sau đầu tư đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã phê duyệt; tình trạng tùy tiện đó tạo ra cơ chế xin cho; ảnh hưởng đến trật tự kỉ cương; ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước; những vi phạm này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi cho chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách Nhà nước, kiểm tra ở 09 dự án với số tiền là 205.950,23 triệu đồng...
Ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã từng kinh qua chức Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội có trách nhiệm gì đối với những sai phạm của Sở này? (Ảnh:ANTĐ)
Như vậy, Sở Quy hoạch – Kiến trúc giai đoạn 2002 – 2014 đã có nhiều sai phạm được nêu rõ qua hàng chục dự án. Điều mà dư luận quan tâm, sau kết luận thanh tra, Hà Nội đã xử lý trách nhiệm lãnh đạo và cán bộ của Sở này ra sao? Vì sao không công khai cho cử tri và công luận? Trong khi đó, nhiều năm qua và cho đến nay, quy hoạch Hà Nội vẫn đang từng ngày bị phá vỡ và trách nhiệm lớn thuộc Sở này.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần