Nhà báo, NSƯT  Phạm Đông:

"Với tôi, phát thanh, truyền hình là mối lương duyên khó dứt..."

Chủ nhật, 24/03/2019 08:33 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với sự thông minh, uyên bác cùng với chất giọng truyền cảm, phong cách trẻ trung, lịch lãm, nhà báo, NSƯT Phạm Đông đã chiếm trọn cảm tình của khán, thính giả qua những chương trình phát thanh, truyền hình ấn tượng. Đến tận bây giờ, ông vẫn cho rằng “báo nói”, “báo hình” đã vận vào ông và là mối duyên khó dứt.

Thương hiệu “Các đồng chí ạ”

Đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nếu nhìn vẻ bề ngoài thì nhà báo, NSƯT Phạm Đông còn rất trẻ trung, phong cách. Khác hẳn phong cách lên hình với quần áo là lượt, chỉnh tề thì về đời thường ông lại quần jean, áo sơ mi rực rỡ. Và có một điều đặc biệt là khi ra khỏi nhà bao giờ ông cũng xịt nước hoa thơm lừng. Chả thế mà cái hồi ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Phạm Đông vẫn được tiếng là hơi đỏm dáng, chải chuốt đến nỗi, nhiều cô phóng viên kháo nhau “Đi vào thang máy, ngửi mùi là biết sếp Đông đã đến chưa”. Nói thì ông chỉ cười bảo: “Mình làm được như vậy là mình tôn trọng khán, thính giả đấy chứ!”

Có lẽ, trong giới quân đội và đông đảo công chúng cả nước không ai là không biết đến cái tên Phạm Đông. 36 năm gắn bó với chương trình phát thanh “Chuyện kể ở đại đội” dành cho các chiến sĩ trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, Phạm Đông đã kể gần 2.000 câu chuyện sinh động, có hồn và gây cảm giác thích thú cho người nghe. Đó là những câu chuyện đời thường như: Chuyện mình, chuyện đồng đội, chuyện tình yêu của lính, chuyện khắp nẻo đường chiến trường, chuyện ở hậu phương… nhưng qua giọng đọc của ông lại vô cùng hấp dẫn, thú vị.

Một câu chuyện có nhiều nhân vật nhưng Phạm Đông cứ thế, độc chiếm diễn xuất tất cả các vai, bền bỉ, say sưa trong mấy chục năm qua. Sóng phát thanh nhờ thế mà có phần “ăn khách” hơn. Và cũng chương trình đó tạo nên “thương hiệu” cho Phạm Đông. Ông luôn mở đầu chương trình bằng câu “Các đồng chí ạ!” và trở nên quen thuộc đến nỗi từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hay những người lính tráng bình thường khi nhắc đến Phạm Đông là nhớ ngay đến cái ông hay “Các đồng chí ạ!”.

Nhà báo Phạm Đông (Ảnh” NVCC)

Nhà báo Phạm Đông (Ảnh” NVCC)

Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt khó trộn lẫn với các giọng kịch khác. Nghe đọc trên Đài, cùng một lúc thể hiện mấy loại giọng: một cô gái tuổi 18- 20 ngọt ngào, tiếng của một anh lính trẻ, rồi tiếng của ông già 70 tuổi và tiếng của một sĩ quan chỉ huy “hét ra lửa”, không ai là không bật cười vì thích thú. Bên cạnh giọng nam, anh còn diễn xuất được nhiều giọng nữ với sự tài hoa đặc biệt. Có thể là giọng một nữ chiến sĩ hồn nhiên, lại có thể là giọng một con phe ngoa ngoắt… giọng nào cũng sinh động và đáng nhớ.

Còn nhớ những năm lên 4,5 tuổi cậu bé Phạm Đông từng chỉ vào chiếc radio và hỏi cha mình: “Tại sao cái hộp gỗ này lại nói được?”. Cha cậu nói vui: “Lớn lên con sẽ nói vào đấy”. Thật không ngờ câu nói chơi của người cha lại “vận vào” người con trai mình. Những năm 1956-1957, đội kịch thiếu nhi phố Triệu Việt Vương được Đài Truyền thanh Hà Nội mời lên thu thanh vở kịch do chính các cậu diễn. Đó cũng chính là lần đầu tiên cậu bé Đông được nghe thấy giọng nói của mình được phát ra từ “chiếc hộp gỗ”.

Rồi cứ thế 10 năm sau, chàng thành niên Phạm Đông, khi ấy đang là diễn viên của Đoàn Kịch nói Hà Nội chính thức cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam ở các chương trình như “Chuyện kể ở đại đội” rồi “Sân khấu truyền thanh”, “Binh vận”, “Phụ nữ” “Thanh niên”…. Hỏi ông cơ duyên đến với nghề “báo nói”, thì ông bảo: Đó là khoảng năm 1983, có hai biên tập viên của Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân tìm đến nhà mời ông cộng tác với chương trình “Chuyện kể ở đại đội” sắp được lên sóng. Bởi từng có thời gian dài đi lính nên khi có lời đề nghị, Phạm Đông vui vẻ nhận lời ngay.

Nhà báo Phạm Đông trong một chương trình lên sóng (Ảnh” NVCC)

Nhà báo Phạm Đông trong một chương trình lên sóng (Ảnh” NVCC)

 “Tả xung hữu đột” với nghề

Nếu như thời gian ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tên tuổi Phạm Đông gắn bó với “Chuyện kể ở đại đội”, “Câu chuyện cảnh giác” thì khi sang Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Phạm Đông lại lao vào làm báo và viết kịch bản phim. Suốt mấy chục năm, ông làm phóng viên thể thao tường thuật bóng đá, làm ban Văn xã, phóng viên văn nghệ, phóng viên chiến tranh… Chắc chẳng ai như Phạm Đông, mỗi lần được cất nhắc lên làm quản lý, ông lại nằng nặc xin xuống để làm nghề. Nhưng rồi ông vẫn “phải” giữ chức Trưởng ban Văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trước khi về nghỉ hưu.

Cầm cuốn sổ hưu, cứ tưởng Phạm Đông sẽ đủng đỉnh lui về vui thú tuổi già nhưng không, người ta lại thấy ông vẫn “tả xung hữu đột” hết lặn lội tham gia công tác đào tạo MC cho các Đài địa phương, đến mày mò viết kịch bản, đạo diễn các chương trình truyền hình. Và như “cá lớn về với đại dương”, Phạm Đông gia nhập Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là điều dễ hiểu. Càng làm, càng hăng, ở ông người ta vẫn thấy sự say nghề như tuổi đôi mươi. 

Về VTC, ông được giao cho chương trình truyền hình trực tiếp “Nhà báo và những người bạn”, vừa làm chủ nhiệm vừa là tác giả kịch bản, thỉnh thoảng kiêm luôn công việc… “hiện hình” rồi “Hồ sơ X”. Đồng thời, Phạm Đông cũng nằm trong Hội đồng Nghiệm thu của Đài, chủ yếu duyệt các chương trình phim truyện, phim tài liệu. Ngoài ra, ông cũng được giao trọng trách duyệt trực tiếp trên sóng 2 bản tin của kênh VTC14 là “Cuộc sống 24h” và “Giao thông an toàn”. Riêng “Cuộc sống 24h”, Phạm Đông được lãnh đạo kênh tin tưởng mời làm cố vấn đồng thời là MC mỗi tuần một lần cho mục “Câu chuyện buổi sáng”.

Đây là chuyên mục chính của bản tin, đòi hỏi có bình, có luận, có phê về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện nay. Để công việc suôn sẻ, ngay từ chiều hôm trước, ông đã nhận kịch bản và dành cả buổi tối nghiên cứu đồng thời tham khảo thêm tư liệu, chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho sáng hôm sau. Bởi, ông cho rằng: Mình không phải là người thợ, không phải là cái máy để đến là xông vào ngay được. Công việc nào cũng đòi hỏi phải lao động nghiêm túc và cần sự đầu tư.

Nhà báo Phạm Đông (thứ 4 từ trái sang) với các đồng nghiệp ở Đài VTC (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Phạm Đông (thứ 4 từ trái sang) với các đồng nghiệp ở Đài VTC (Ảnh: NVCC)

Thể hiện phong cách của riêng mình, trong quá trình bình, Phạm Đông luôn lồng vào những chi tiết nho nhỏ, những mẩu chuyện giản dị mà cuộc đời ông đã thu nhặt, chiêm nghiệm được, giúp cho vấn đề sinh động và hấp dẫn hơn. Có một nguyên tắc mà ông luôn ghi nhớ, đó là không bao giờ áp đặt hay phủ nhận các vấn đề. Ông đặt mình vào vị trí người xem truyền hình để nói và bình. Một vấn đề có thể nhiều người nhìn nhận khác nhau và cái gì chắc chắn thì ông mới nói, không bao giờ nói những điều chính mình vẫn còn hoài nghi.

Có thể thấy rằng, thời gian và tuổi tác không là chướng ngại vật cản trở được tình yêu, sự say nghề của nhà báo, NSƯT Phạm Đông. Vẫn miệt mài lên sóng, ông như truyền thêm “lửa nghề” cho thế hệ nhà báo trẻ chúng tôi trong sự nghiệp mang “món ăn” thông tin tới công chúng./.

Thiên An

Nhà báo, NSƯT Phạm Đông (tên thật là Phạm Ngọc Đông), sinh năm 1946 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Nam Định. Ông từng giữ chức Trưởng ban Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Hiện ông là thành viên của Hội đồng Nghiệm thu các chương trình phim truyện, phim tài liệu của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo