Tết này nhớ Nhà báo Trần Công Mân

Thứ hai, 19/02/2018 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đã tròn 20 mùa xuân, vị tướng, người anh quý mến của làng báo Việt Nam từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Trần Công Mân về với “cõi hiền”. Song cái tâm trong sáng, ngòi bút chiến đấu sắc sảo của nhà báo tài ba ấy vẫn còn đọng mãi trong ký ức chúng tôi, những người từng gắn bó với anh một thuở.

Tôi vinh dự được biết và quen anh từ những năm 70. Hồi đó tôi là biên tập viên thời sự quốc tế Tạp chí Quân đội Nhân dân (nay là Quốc phòng toàn dân) anh Mân đã là Phó Tổng Biên tập của báo Quân đội Nhân dân.

Vì nhiều năm là TTV của báo Quân đội Nhân dân, lại say mê thể thao, có khiếu viết về bóng đá nên những năm này tôi được các anh ở toà soạn cho giữ chân bình luận chính các trận bóng đá quốc tế trên báo Quân đội. Gặp nhau ở toà soạn, biết tôi là đồng hương Hà Tĩnh, anh càng thân quý hơn. Tôi nhớ mãi vóc dáng cao gầy, nụ cười hiền khô khi anh vỗ vai, khen bài của tôi vừa đăng mục trên mục: “Ống kính chụp nhanh”, số báo ra hôm qua với cái tít khá dí dỏm “Cho nhà em xin lại chiếc đòn gánh”.

Những năm 90, khi tôi chuyển ngành về báo Hà Tĩnh làm công tác quản lý kiêm lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, anh Mân cũng đã chuyển về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, tôi lại càng có nhiều dịp đến với anh.

Còn nhớ, hồi báo Hà Tĩnh kỷ niệm 30 năm ngày ra số đầu tiên, chúng tôi vinh dự được đón anh và người anh con bác ruột là Đại tá Trần Công Hàm - một chuyên gia lão luyện về Lào, cùng chị Mùi vợ anh về dự.

Hôm đó là ngày 14/9/1992, tôi thấy anh Mân rất vui. Anh bảo lâu lắm rồi, nay mình lại được về thăm quê, về lại cái nơi mà cách đây 47 năm, anh xung phong gia nhập vào Trung đoàn 130 bộ đội địa phương Hà Tĩnh với một tâm trạng đầy háo hức.

Báo Công luận
Nhà báo Trần Công Mân 
Nói chuyện với các đồng nghiệp đàn em, đàn cháu song anh rất cẩn trọng, ghi hẳn các ý định nói lên một tờ giấy. Vốn bản tính kiệm lời, không dài nhưng bài nói của anh rất sâu sắc, đầy trí tuệ và trách nhiệm với xã hội của một nhà báo lão thành. Về cái Tâm và cái Tầm của người làm báo, anh cho rằng: Làm một nhà báo cách mạng, trước hết là làm chính trị. Hành động, việc làm, bài báo của anh phải hướng đến lợi ích của đất nước, của nhân dân. Trong khi viết, anh phải bỏ cái tôi ra ngoài; cái tâm sáng thì bài viết mới có tầm trí tuệ, sức thuyết phục, cảm hoá người đọc. Đã hơn 25 năm qua, những lời căn dặn của anh với những người làm báo chúng tôi không hề cũ đi mà vẫn nguyên giá trị.

Khoảng giữa năm 1994, tôi cùng anh Lê Xuân Thụ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh đến thăm anh tại nhà riêng ở phố Nhà binh nhân chuyến ra công tác tại Hà Nội. Biết Hội Nhà báo tỉnh nhà mới chia tách còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, anh rất thông cảm. Tự tay anh viết hai lá thư cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ký và Tư lệnh Quân khu Bốn - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhờ quan tâm, giúp đỡ. Nhờ đó, Hội chúng tôi có được thêm những cơ sở vật chất rất quý giá, phục vụ cho hoạt động những ngày đầu. Chị Mùi người bạn đời chung thuỷ của anh cũng rất nặng tình với những đứa em ở quê nghèo ra Thủ đô. Là một nha sĩ, có hiệu làm răng ngay trong nhà, chị bắt cả 3 anh em chúng tôi ngồi lên ghế để chị “bảo dưỡng” bộ răng cho từng người thật hoàn hảo mới cho về. Trước khi ra xe chị còn dặn thêm: “Bận gì thì bận, 3 tháng các chú phải đi lấy cao răng và làm vệ sinh một lần. Nếu không, chưa già đã phải xa Cu - đơ quê ta thì tiếc lắm”. Sự ân cần, chăm chút của anh chị với Hội, với những đứa em quê nhà làm chúng tôi vô cùng xúc động, nhớ mãi.

Những năm tháng làm báo trong quân đội và sau này về làm báo ở địa phương, tôi vẫn đọc đều đặn các bài anh viết. Dưới bút danh Tuấn Minh, Trần Công, bài viết nào của anh cũng rất sâu sắc và đầy tính chiến đấu. Từ những bài viết về đời thường như:  Xa lộ lọng đỏ; Xe ô tô biển trắng; Làng trong  phố xá… đến các bài bình luận mang tầm quốc gia, quốc tế, cái anh đem đến cho người đọc không chỉ thông tin mà chính ở sự uyên thâm, sắc sảo, đầy tính thuyết phục của những vấn đề mà anh đề cập.

Quãng thời gian làm Tổng Biên tập  báo Quân đội Nhân dân là quãng thời gian anh có điều kiện thể hiện đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của một người lính, người con xứ Nghệ trên lĩnh vực đấu tranh không khoan nhượng với quan điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội, những hành vi tham nhũng, vụ lợi của một số cán bộ cấp cao của Đảng.

Báo Công luận
Nhà báo Trần Công mân (thứ 2 từ phải sang) 
Còn nhớ, ngay trước những ngày Liên Xô tan rã, trên báo Quân đôi Nhân dân xuất hiện loạt bài bình luận quốc tế. Đặc biệt, Bài “Mở cửa” số ra ngày 02/10/1989 của tác giả Tuấn Minh đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư khen: “Sau Nghị quyết Trung ương 7, có một số cán bộ sợ ta nói mạnh, lên án Mỹ thì họ sẽ không làm ăn với ta và cản trở các nước tư bản khác nữa. Bài báo Mở cửa” và việc khẳng định những nguyên tắc XHCN của Tuấn Minh đã giải đáp rất rõ, rất đúng với những e ngại trên. Gửi lời hoan nghênh tới Tuấn Minh, hoan nghênh BBT Báo Quân đội Nhân dân từ sau ngày Hội nghị Trung ương 7 đã có một số bài tốt”.

Nhà báo lão thành Bùi Biên Thuỳ, nguyên Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, người nhiều năm gần gũi, làm việc với vị thủ trưởng đáng kính của  mình kể lại: Là một nhà báo có uy tín cao trong và ngoài quân đội, Tổng biên tập một tờ báo lớn, nên đã hai lần tại Đại hội đại biểu quân đội, ông được các đoàn giới thiệu ra ứng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cả hai lần ông đều từ chối, kiên quyết xin rút khỏi danh sách. Lý giải về vấn đề này, ông nói: “Vị trí của tờ báo Quân đội Nhân dân là do quân đội tạo nên. Cơ quan cấp trên của tờ báo là Tổng Cục Chính trị, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có nhiều đồng chí rất tài năng và đức độ tham gia Trung ương. Mình phải thấy vị trí của mình ở đâu để đừng làm phiền tổ chức”.

Trong khi hiện nay, hiện tượng chạy chức, chạy quyền, thoái hoá biến chất diễn ra khắp nơi trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, cái tâm sáng, lòng trong của nhà lãnh đạo, nhà báo Trần Công Mân nói lên nhiều điều, làm chúng ta phải tự vấn lòng, suy ngẫm.❏

❀ Khắc Hiển             

Tin khác

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

Báo Hải Phòng khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử

(CLO) Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Báo Hải Phòng tổ chức khai trương Tòa soạn điện tử và ra mắt giao diện mới Báo Hải Phòng điện tử (tại tên miền baohaiphong.vn). Dự khai trương có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nghề báo
Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo