Thầy giáo làng viết chữ bằng...miệng

Thứ tư, 06/03/2019 06:32 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mắc chứng teo cơ từ nhỏ, tứ chi gần như bị liệt hoàn toàn, thế nhưng với tinh thần ham học, bền bỉ không nản chí, anh Phan Văn Trường đã luyện chữ đẹp thành thạo bằng miệng. Hơn thế, suốt nhiều năm nay, anh còn mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh ở trong làng.

Căn phòng nhỏ, nơi hàng ngày thầy và trò vẫn miệt mài luyện chữ, học toán. Ảnh: Huyền Trang

Căn phòng nhỏ, nơi hàng ngày thầy và trò vẫn miệt mài luyện chữ, học toán. Ảnh: Huyền Trang

Hành trình đi tới con chữ

Cách trung tâm Hà Nội không quá xa, mất khoảng hai tiếng chúng tôi tìm được đến nhà anh Phan Văn Trường. Đó là căn nhà nhỏ tại thôn Nhân Lý - xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đây là nơi mà anh Trường ngày ngày miệt mài dạy chữ cho trẻ em trong thôn.

Căn nhà cấp 4 đơn sơ, chỉ có vài bộ bàn ghế, không có bảng đen hay phấn trắng, xung quanh nhà là những giá sách cũ kĩ chứa những bộ SGK các lớp, còn các em nhỏ đang ngồi quây quần xung quanh người thầy giáo tật nguyền của mình, vừa nghe giảng vừa cặm cụi viết. Trong không gian ấy, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng cười đùa của thầy trò, một lớp học gợi lên sự gần gũi, ấm áp và đầy ắp tình thương.

“Thầy giáo viết chữ bằng miệng”, đó là biệt danh mà người dân trong thôn đặt cho anh Trường. Là con cả trong gia đình có năm anh chị em, mới 2 tuổi anh đã bắt đầu có dấu hiệu của bệnh teo cơ, khiến cho mọi việc sinh hoạt trở nên khó khăn và phải phụ thuộc vào bố mẹ, người thân giúp đỡ.

Khi đến tuổi đi học, con đường tới trường của anh gắn liền với tấm lưng của cha mẹ và bạn bè, dù khó khăn nhưng anh rất nỗ lực và 8 năm liền đều đạt học sinh giỏi.

Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã khiến cho chân tay của cậu bé Trường ngày càng yếu dần đi theo năm tháng, tới năm lớp 8 thì anh gần như bị liệt, không thể cầm bút nữa và phải gắn bó với chiếc xe lăn.

Anh Trường buộc phải di chuyển bằng chiếc xe lăn để đi lại ngay từ rất sớm. Ảnh: Khánh Như

Anh Trường buộc phải di chuyển bằng chiếc xe lăn để đi lại ngay từ rất sớm. Ảnh: Khánh Như

“Thương cha mẹ vất vả và cũng không muốn làm phiền bạn bè thêm nữa, tôi đành nghỉ học dù trong thâm tâm vẫn rất muốn được học tiếp”, anh Trường chia sẻ.

Sau khi nghỉ, anh Trường xin bố mẹ ra ngoài để đi làm bán hàng phụ giúp gia đình. Bươn chải từ khi còn nhỏ, anh mới thấm thía được nỗi khổ cực khi không thể viết.

Nhưng số phận không thể đánh gục được nghị lực của chàng trai này. Sau một lần tình cờ xem phim Bao Công thấy có một nhân vật không thể viết được bằng tay mà phải ngậm bút vào miệng để viết, anh Trường lấy điều đó làm động lực, hạ quyết tâm ngậm bút tập viết bằng miệng. 

Nhớ lại những ngày đầu khi mới tập viết, anh kể: “Tôi tập viết năm 2010, lúc đó phải rất khổ sở khi cho bút vào miệng. Để điều khiển khiến nét bút, tôi phải cúi thấp xuống, hai mắt nhìn lâu vào trang giấy trắng bị hoa mắt, cán bút làm họng khó chịu, buồn nôn. Thậm chí, lưỡi tôi phồng rộp, cổ đau nhức, hai vai mỏi cứng mấy tuần liền không ăn nổi.”

“Phải mất tới hàng tháng trời kiên trì cố gắng, tôi mới có thể ngậm vững được chiếc bút để đi được những nét chữ đầu tiên. Có lẽ đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi, khiến bản thân vẫn không thể kìm được cảm xúc khi gợi nhớ lại”, anh Trường tâm sự.

Người thầy với tấm lòng nhân ái

Chưa dừng lại ở đó, anh Trường còn quyết tâm luyện viết chữ thật đẹp vì ước muốn dạy học cho các em nhỏ trong làng. “ Mình muốn dạy học được thì chữ phải đẹp mới rèn được cho các cháu, các cháu mới nghe theo.”

Sau thời gian tập viết, anh Phùng Văn Trường nhận hướng dẫn các cháu nhỏ học viết chữ, học Toán. Dưới sự chỉ bảo ân cần của người thầy tật nguyền, học sinh của anh học ngày một tốt hơn, và đó như là một cơ duyên vậy, phụ huynh trong thôn đưa con em tới nhờ anh kèm cặp ngày một nhiều và anh đều nhận cả.

Anh quan niệm: “ Với kiến thức và khả năng viết của mình thì tôi luôn cố gắng hết sức để truyền dạy được cho các em, kể cả những cháu nhỏ bị khuyết tật hay trí tuệ kém không thể tới trường. Các em biết đọc, biết viết là tôi thấy vui, đó là món quà báo đáp mà tôi mong nhận được.”

Chị Thương, mẹ của một học sinh lớp thầy Trường chia sẻ, trong xóm, nhà nào có con đi học cũng đều tin tưởng gửi gắm đến nhờ học thầy Trường. Thầy không những dạy học nhiệt tình mà còn không bao giờ thu bất kỳ khoản học phí nào.

Em Hạnh, học sinh lớp 4, đã theo học lớp thầy Trường được 6 tháng nói: “Em rất thích tới lớp học của thầy Trường. Thầy rất hiền và dạy chúng em rất ân cần, bài nào thầy giảng cũng dễ hiểu. Em còn muốn viết chữ đẹp giống như thầy”

Ban đầu thì lớp học của anh chỉ có vài tấm phản, tấm cửa kê cho các em ngồi. Sau đó, anh cố gắng dành dụm tiền, đóng thêm bàn thêm ghế để có thể phục vụ cho việc học của các em.

Thời gian thấm thoát trôi đi, đã gần 10 năm kể từ ngày anh Trường hạ quyết tâm học viết bằng miệng. Ngày ngày trong căn nhà nhỏ của anh vẫn vang lên tiếng học sinh đọc bài, tiếng thầy trò cười đùa với nhau, khiến cho người dân nơi đây cảm thấy ấm lòng.

Đối với thấy Trường, lớp học mở ra không phải để kiếm tiền mà là để giúp đỡ mọi người, và nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.

Với nghĩa cử cao đẹp của anh Phan Văn Trường, các nhà hảo tâm đã quyên góp sách truyện, tạo nên thư viện Hallo World – Tủ sách Ước Mơ ngay chính căn nhà nhỏ của anh để giúp các em nhỏ có thể đọc, mượn sách miễn phí mỗi ngày.

“ Nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm, các em nhỏ đã có sách để đọc. Tôi mong rằng, tủ sách sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để cho các em học sinh có cơ hội được đọc sách nhiều hơn”, anh Trường chia sẻ.

Hạnh phúc trọn vẹn

Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Sau buổi sáng lên lớp, anh Trường lại trở về với vợ con mình, nơi mà anh tìm được sự bình yên và là chỗ dựa vững chắc cho bản thân.

Cậu con trai được đặt tên là Phùng Thiên Trường Quảng như một lời cảm tạ ông trời, cũng như mang theo bao hy vọng của anh về nghị lực biết vươn lên trong cuộc sống, sống tốt và giúp đỡ người khác.

Anh Trường cùng con luyện đọc chữ. Ảnh: Huyền Trang.

Anh Trường cùng con luyện đọc chữ. Ảnh: Huyền Trang.

“Tôi vui vì mình đã sống có ích với mọi người chứ không phải là người tàn mà bị phế bỏ. Mình cố gắng học tập theo lời Bác Hồ dạy, người ta có thể tàn về thể xác nhưng tâm hồn vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Phải sống có ích cho mình, cho đời, không thể sống lay lắt bi quan vô nghĩa được. Với tôi, có các em học sinh ngày ngày tới lớp học tốt, có vợ, có con yêu thương là điều hạnh phúc trọn vẹn nhất”, anh Trường chia sẻ.

Giữa nhịp sống hối hả bận rộn của xã hội như hiện nay, việc có một lớp học đặc biệt, một người thầy đặc biệt như anh Phùng Văn Trường quả là món quà tuyệt vời và đầy ý nghĩa của cuộc sống...

Huyền Trang

Tin khác

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục
Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

(CLO) Theo lãnh đạo trường THCS Lạc Nghiệp (Lâm Đồng), nguyên nhân ban đầu dẫn tới việc nữ sinh bị bạn đánh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Giáo dục