Thế giới 2017: Mịt mùng trong giông bão

Chủ nhật, 31/12/2017 05:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thế giới năm 2017 không mấy yên ả và không nhiều niềm vui. Những sự kiện nổi bật nhất đã diễn ra trong 365 ngày qua phần lớn đều là những sự biến: Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, đối đầu ngoại giao Nga - Mỹ, khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, bất ổn ở Zimbabwe, những vụ khủng bố kinh hoàng ở Anh, khủng hoảng Catalonia… Đáng quan ngại là hầu hết những cuộc khủng hoảng đó, đến tận ngày cuối cùng của năm, vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Căng thẳng liên tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Hàng loạt nghị quyết được thông qua, nhiều lần được đề nghị họp khẩn, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên là một trong những mối bận tâm lớn nhất trong năm 2017 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Việc HĐBA ngày 2/6 bỏ phiếu công khai nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên dường như không cản nổi nước này trong tiến trình tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa, nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 đêm 28/7. Bên cạnh đó, cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục leo thang khi các bên liên tục đe dọa “hủy diệt” lẫn nhau. Đáp lại những cảnh báo từ Mỹ, Triều Tiên cho biết sẽ cân nhắc “đáp trả mạnh mẽ nhất trong lịch sử”

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cảnh báo, việc Triều Tiên bắn tên lửa tới Mỹ là điều “không thể tránh khỏi”. Về phía Mỹ, giới quan sát nước này e ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang nôn nóng chạy đua hướng tới ít nhất một cuộc chiến tranh thảm khốc với Triều Tiên. Tuy nhiên, tháng 9/2017, trả lời phỏng vấn hãng tin ABC News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: “Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng, ưu tiên số 1 của Tổng thống (Donald Trump) là sự an toàn của người dân Mỹ và của các đồng minh. Chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để đảm bảo điều này sẽ không xảy ra”. Nhưng đó mới dừng lại ở những tuyên bố. Không thể lường trước được điều gì một khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không hẹn ngày kết thúc.

 

Báo Công luận

Những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

 

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

Vùng Vịnh, vùng đất dầu lửa giàu có nhưng chưa bao giờ thực sự bình yên. Năm 2017 lại một lần nữa chứng kiến sự chia rẽ lớn, nếu không muốn nói là cuộc khủng hoảng ngoại giao được xem là trầm trọng nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Mọi căng thẳng bùng nổ thành cơn khủng hoảng ngoại giao vào tháng 6 khi 4 nước Arab bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, phong tỏa các tuyến vận tải đường không, đường biển và đường bộ với Doha, cáo buộc Qatar ủng hộ các phần tử cực đoan và tài trợ cho khủng bố, làm mất ổn định khu vực. Qatar đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này và gọi đây là hành vi can thiệp vào đường lối ngoại giao độc lập của Doha. Tuy nhiên, nguồn cơn khiến các nước vùng Vịnh “đoạn tuyệt” với Qatar còn được cho là từ mối quan hệ thân thiết của nước này với Iran - kình địch trong khu vực của Saudi Arabia. Tới tận những ngày cuối cùng của năm 2017, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đã tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.

 

Báo Công luận

Ả rập vùng Vịnh đe dọa sự đoàn kết, thống nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC.

 

 

Nga - Mỹ: Cuộc đối đầu không lối thoát

Bước vào năm 2017, dư luận từng kỳ vọng sự kiện ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ sẽ giúp làm “tan băng” trong quan hệ giữa Moskva và Washington, vốn dưới thời người tiền nhiệm Obama đã bị đẩy xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong 365 ngày qua cho thấy, đó vẫn chỉ dừng lại ở kỳ vọng. Liên tiếp giữa hai cường quốc này là hàng loạt hành động “ăn miếng trả miếng”. Nếu Mỹ tiến hành cái gọi là cuộc điều tra “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm  2016” với lập luận “Moskva lũng đoạn đời sống chính trị ở Washington”, hai viện Quốc hội Mỹ thông qua luật siết chặt trừng phạt Nga thì phía Moskva cũng ra quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga tiếp tục sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Moskva. 

Đáp lại, lập tức Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco, cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York. Việc Tổng thống Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahok xuống một căn cứ quân sự của Syria hồi tháng 4 với cái cớ “trừng phạt một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nghi do chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện” đã đưa hai nước vào những tranh cãi gay gắt khi Moskva coi hành động này là xâm lược một quốc gia có chủ quyền. 

 

Báo Công luận

Căng thẳng ngoại giao Nga- Mỹ làm đau đầu hai nhà lãnh đạo hai quốc gia này. 

Trên địa hạt kinh tế, Mỹ áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng và xuất khẩu vũ khí. Căng thẳng nhất là trên địa hạt truyền thông. Nếu Mỹ buộc các cơ quan báo chí Nga như Russia Today (RT), Sputnik đăng ký hoạt động ở Mỹ với tư cách “văn phòng đại diện nước ngoài”, tước quyền tác nghiệp của các nhà báo RT tại quốc hội Mỹ, gây sức ép để Twitter cấm tài khoản của các hãng tin RT và Sputnik quảng cáo… thì Nga cũng thông qua luật về các hãng truyền thông nước ngoài, liệt một loạt cơ quan báo chí Mỹ vào danh sách phải đăng ký hoạt động như “văn phòng đại diện nước ngoài” “cấm cửa” tất cả các nhà báo làm việc cho các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ đến Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga.

 

Theo các nhà quan sát quốc tế, quan hệ giữa hai cường quốc này trong năm 2018 sẽ còn ảm đạm, thậm chí còn có thể xuất hiện những căng thẳng, đối đầu mới. Và như vậy, chừng nào quan hệ giữa hai cường quốc sở hữu tới 95% kho vũ khí hạt nhân của thế giới còn là những căng thẳng không lối thoát thì chừng ấy, nỗi âu lo về những hệ lụy khôn lường đối với an ninh, hòa bình và ổn định trên toàn thế giới còn hiện hữu.

 

Năm kinh hoàng của nước Anh

Năm 2017 cùng với việc nhọc nhằn vượt qua những thủ tục cần thiết trong “cuộc ly hôn” lịch sử với EU, cũng là năm nước Anh phải đối mặt với nhiều thảm họa. Đêm 22/5, buổi biểu diễn của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande ở sân vận động Manchester Arena (Anh) cũng trở thành thảm kịch kinh hoàng khi một vụ nổ bom khiến ít nhất 22 người chết, gần 60 người bị thương và hàng ngàn người tháo chạy tán loạn. Vụ khủng bố mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thừa nhận là thủ phạm - một lần nữa lại đặt nước Anh và nhiều quốc gia vào những biện pháp an ninh gắt gao nhất.

 

Báo Công luận

Khủng bố tại Anh.

 
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố. Điều đau buồn với nước Anh là vụ nổ ở Manchester không phải là thảm kịch duy nhất mà người Anh phải chứng kiến trong năm 2017. Ngày 14/6, Tòa tháp Grenfel cao 24 tầng ở phía tây thủ đô London với khoảng 120 căn hộ đã bất ngờ bốc cháy khi các cư dân trong tòa nhà vẫn đang chìm trong giấc ngủ khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, hơn 70 người bị cho là không thể tìm thấy thi thể, trở thành một trong những vụ hỏa hoạn kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Anh. Trước đó, chiều ngày 22/3 nước Anh đã một phen náo loạn khi kẻ khủng bố lái chiếc ô tô lao điên cuồng vào những người đi bộ trên cầu Westminster ở London và hàng rào bên ngoài trụ sở quốc hội gần đó khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 29 người bị thương. 

Năm 2017, châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng còn “đau đầu” bởi cơn khủng hoảng tại xứ Catalonia. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha đã bùng phát kể từ khi Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập ngày 1/10 vừa qua. Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tuyên bố tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21/12. Vấn đề Catalonia đòi độc lập đã trở nên không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với Liên minh châu Âu (EU) bởi nguy cơ đe dọa đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng như của EU. 

Báo Công luận

Vấn đề Catalonia đòi độc lập không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với Liên minh châu Âu (EU)

 


Chuyển giao quyền lực tại Zimbabwe

Ồn ào và gây sự chú ý nhiều nhất trong năm 2017 còn là sự giã từ quyền lực của vị Tổng thống đã 93 tuổi của Zimbabwe. Dưới áp lực ngày càng lớn, sau nhiều ngày “cố thủ”, rốt cuộc, tối 21/11, khi các nghị sĩ của hai viện Quốc hội Zimbabwe còn đang hăng say tranh luận tiến trình luận tội, Tổng thống Robert Mugabe đã chính thức tuyên bố từ chức. 

Một động thái hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên, với những ai thông rõ những gì đã diễn ra ở quốc gia châu Phi ngày càng nghèo khó này suốt gần 40 năm qua kể từng ngày ông Mugabe làm Thủ tướng, làm Tổng thống, thì đó là hệ quả tất yếu của vô số quyết sách điều hành đất nước sai lầm của ông cùng sự ham hố quyền lực và  hàng hiệu quá mức của vợ ông - bà Grace Mugabe. Dù vậy, trái với dự đoán, cuộc chuyển giao quyền lực tại Zimbabwe rốt cuộc lại diễn ra rất mực êm thấm.

Ngày 24/11, ông Emmerson Mnangagwa, người được cho là nhân vật chính đứng sau kế hoạch của quân đội và đảng cầm quyền buộc ông Mugabe từ bỏ quyền lực, sẽ đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2018. 

Trong diễn văn nhậm chức, ông Emmerson Mnangagwa cam kết sẽ vực dậy nền kinh tế và tạo công ăn việc làm tại Zimbabwe trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức 90%. Đó thực sự là những mục tiêu không dễ thực hiện. Chưa kể, nếu muốn vững vàng trên ngôi vị Tổng thống, ông Mnangagwa còn phải nhanh chóng xốc lại nội bộ vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, ổn định tình hình đất nước và đề ra con đường phát triển mới cho Zimbabwe.

 Tương lai nào cho cuộc nội chiến Syria? - Vẫn là câu hỏi lớn

Ngày 15/3/2017 là vừa tròn 6 năm diễn ra cuộc nội chiến ở Syria. 6 năm bom rơi đạn nổ, cuộc nội chiến Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu cũng như khiến “Lục địa già” rơi vào nỗi kinh hoàng khi thực tế nhiều phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là phiến quân thuộc IS, lợi dụng trà trộn vào dòng người này để tràn vào các nước mục tiêu ở phương Tây, gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng. Bước sang năm thứ 7, đáng tiếc là cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi những bất đồng giữa các bên liên quan vẫn chưa thể hóa giải. 

Tuy nhiên, đến những tháng cuối cùng của năm 2017, cuộc khủng hoảng Syria được xem là đã le lói những tín hiệu chuyển biến tích cực khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi Syria. Ngay sau đó, các bên liên quan đã liên tiếp tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh song phương, đa phương bàn về các giải pháp chính trị cho Syria thời kỳ hậu chiến. Dù vậy, những tiến bộ đạt được tại các cuộc họp giữa các bên liên quan về Syria chỉ là bước đầu. Cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết thực sự chừng nào các bên có lợi ích tương quan dung hòa được những mâu thuẫn đã bám rễ quá sâu ở đất nước này.

Tổng thống Donald Trump và những quyết định gây “bão”

 Chỉ gần một năm sau ngày chính thức trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịp có cho mình hàng loạt những quyết định khiến dư luận “nổi sóng” và gây “bão” trên các phương tiện truyền thông, cộng đồng quốc tế cũng như chính tại nước Mỹ. Ngày 23/1, chỉ 3 ngày sau khi tuyên bố nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cho rằng sắc lệnh này là “điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ”. 

Động thái này của lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất TPP đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc “khai tử” hiệp định. 4 ngày sau, ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh mang tên “Bảo vệ quốc gia khỏi khủng bố nước ngoài xâm nhập vào Mỹ”, thực chất, là một sắc lệnh hành pháp ngừng tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria và hạn chế dòng người tị nạn vào nước Mỹ. Ngay khi vừa được ban hành, sắc lệnh đã tạo nên cơn “bão” tranh cãi gay gắt, cho rằng sắc lệnh dù không cấm toàn bộ người Hồi giáo vào Mỹ nhưng nó vẫn mang tính phân biệt đối xử. Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khiến quốc tế nghi ngại khi chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. 

 

Báo Công luận

Người dân Palestine biểu tình phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Quyết định này được cho là sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn, gây trở ngại cho các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mới đây nhất, ngày 6/12, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã khiến khu vực Trung Đông “dậy sóng” khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống Trump cho rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ, cũng như việc tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. 

Tuy nhiên, hàng loạt nhà lãnh đạo Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích động thái này, coi hành động của Tổng thống Trump là lời tuyên chiến tại Trung Đông. Trung Quốc, Nga và Pháp bày tỏ quan ngại bước đi này có thể sẽ gây bất ổn hơn nữa khu vực Trung Đông. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phản đối mọi hành động đơn phương liên quan đến thành phố Jerusalem có thể gây ảnh hưởng tới giải pháp cho xung đột Israel-Palestine. Các cuộc biểu tình đụng độ bạo lực liên tục diễn ra giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel tại Dải Gaza, Đông Jerusalem, các thành phố thuộc khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.

 

Tân Tổng thống nước Pháp và sự xuất hiện của thế hệ nguyên thủ trẻ

Sau kỳ bầu cử đầy kịch tính, với tỉ lệ số phiếu áp đảo hơn 65%, chính trị gia Emmanuel Macron đã trở thành ông chủ mới của điện Elysee. Ngoài việc kỳ vọng vào những thay đổi tốt đẹp mà tân tổng thống mang lại cho đất nước, người dân Pháp còn rất hãnh diện khi giờ đây họ có cho mình một nguyên thủ đúng chuẩn “soái ca” khi ông sở hữu vẻ ngoài không hề thua kém các ngôi sao điện ảnh. 

 

Báo Công luận

Tổng thống PhápEmmanuel Macron  

Chưa hết, Emmanuel Macron đắc cử khi ông mới chỉ bước qua tuổi 39, đồng nghĩa với việc trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Ngoài tân Tổng thống Pháp, thế giới cũng đang chứng kiến một thế hệ nguyên thủ tuổi đời còn rất trẻ. Sebastian Kurz, 31 tuổi trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới khi ông vừa được bầu làm Thủ tướng của Áo tháng 10 năm 2017; Bà Jacinda Ardern đã chính thức nhậm chức Thủ tướng New Zealand và trở thành nữ nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới thời điểm hiện tại khi mới 37 tuổi; Volodymyr Groysman - năm nay 39 tuổi - là Thủ tướng trẻ nhất của Ukraine; Jüri Ratas - năm nay 38 tuổi - là tân Thủ tướng kiêm lãnh đạo Đảng Trung ương của Estonia; Emil Dimitriev - năm nay 38 tuổi - là Thủ tướng nước cộng hòa Macedonia; Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani 36 tuổi, là Quốc vương của Qatar; Kim Jong-un 33 tuổi, là lãnh đạo tối cao của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, 37 tuổi, vị vua thứ năm của Bhutan…❏

 

Anh Thư


Tin khác

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

(CLO) Thời gian học tập, vui chơi bên bạn bè của trẻ em Gaza đã biến mất kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra 6 tháng trước. Với các em, những điều tưởng như bình thường đó giờ lại là nỗi ước ao mịt mờ.

Thế giới 24h
Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

(CLO) Lực lượng phòng không Nga tuyên bố đã bắn hạ 5 khinh khí cầu của Ukraine trong đêm ngày 17/4. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có sự thay đổi về phương thức chiến đấu của Kiev trong cuộc xung đột với Nga, nhất là trong bối cảnh họ đang thiếu hụt tên lửa do nguồn viện trợ từ Mỹ bị đình trệ.

Thế giới 24h
Triều Tiên và Belarus thắt chặt quan hệ ngoại giao

Triều Tiên và Belarus thắt chặt quan hệ ngoại giao

(CLO) Các lãnh đạo Triều Tiên đã đón tiếp phái đoàn đến từ Belarus và cam kết tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trên trường quốc tế trong các cuộc hội đàm diễn ra vào thứ Năm (18/4), theo hãng thông tấn KCNA đưa tin.

Thế giới 24h
Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

(CLO) Hệ thống phòng không lỗi thời khiến Iran dễ bị Israel tấn công nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định phớt lờ áp lực toàn cầu để trả đũa trực tiếp bằng loạt tên lửa và máy bay không người lái.

Thế giới 24h
Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

(CLO) Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine đã bị bắt hôm 17/4 trong khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ), sau khi cảnh sát New York giải tán một khu trại do sinh viên dựng lên để biểu tình chống lại hành động của Israel ở Gaza.

Thế giới 24h