“Thu giá”, “Thu phí” hay là những trò cười của Bộ GTVT?

Thứ năm, 24/05/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng việc các trạm BOT tư nhân đồng loạt đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” khiến dư luận cười ra nước mắt suốt những ngày qua.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, việc đổi tên “Trạm thu phí BOT” thành “Trạm thu giá BOT” là căn cứ quy định của Chính phủ. BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, việc điều chỉnh phí cần sự cho phép của HĐND, Quốc hội. Còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình. Ông cho rằng: “Từ khi chuyển sang giá, chúng ta mới giảm giá cho cân đối tài chính, còn để thông qua các Bộ thì rất chậm…”

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn (!?).

1. Trước đó, theo lý giải của ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT: Việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương. Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

Sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Trên báo chí, diễn đàn, các chuyên gia, luật sư và người dân đều đánh giá cả hai thuật ngữ “thu phí” và “thu giá” đều chỉ việc thu phí sử dụng công trình đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT giao thông. Và việc cho đổi tên các “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá” là cách “lách luật” của Bộ GTVT để nhằm tiếp tục nắm quyền quyết định mức thu đối với các dự án BOT giao thông tư nhân (?).

Vì thực tế, ai cũng hiểu “phí” là khoản tiền phải trả khi sử dụng một dịch vụ, còn “giá” là biểu hiện được tính bằng tiền của một vật hay một thành quả của lao động. Lẽ nào “thu giá”, là các doanh nghiệp BOT thực hiện thu đi cái thuộc tính “đáng bao nhiêu” của dịch vụ họ cung cấp?

Như vậy thì, “sáng tạo” trên của Bộ GTVT không những không làm thay đổi bản chất vấn đề, mà còn có dấu hiệu đánh tráo khái niệm, coi thường người dân, coi thường ngôn ngữ mẹ đẻ.

Báo Công luận
Một số biển hiệu “trạm thu phí” nay đã được đổi thành “trạm thu giá” - Ảnh: An Long. 

2. Nói với báo chí về các dự án BOT giao thông tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, bản chất nhà đầu tư kinh doanh thì phải có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước. Thu cao thì thời gian ngắn, thu thấp thì thời gian dài, tất cả đều theo quy định của Nhà nước. Quản lý Nhà nước thì điều tiết làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.

Phát ngôn này lại tiếp tục khơi lại một mâu thuẫn mà Bộ GTVT chưa nỗ lực để hài hòa: Ở đâu có quyền được lựa chọn sử dụng dịch vụ và từ chối sử dụng dịch vụ của người dân? Người dân có đang bị bắt buộc phải sử dụng dịch vụ BOT? Việc người dân chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT, thậm chí không sử dụng vẫn phải đóng phí, có phải là bất công?

Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT” của Bộ GTVT thực ra đã đồng thời xác nhận: Các dự án BOT giao thông là hoạt động dịch vụ tư nhân. Quan hệ giữa người tham gia giao thông với doanh nghiệp đầu tư BOT là quan hệ dân sự. Và khi đó, người dân có quyền: Từ chối trả tiền khi cảm thấy dịch vụ đó không xứng đáng; Yêu cầu công khai minh bạch các điều khoản; Yêu cầu có sự cạnh tranh… Trong quá trình sử dụng dịch vụ, mâu thuẫn về quyền lợi, các bên có quyền khởi kiện để các cấp tòa thụ lý, phán xử.

Có nghĩa, người dân có thể đã và đang tính tới các biện pháp “từ chối dịch vụ” mạnh mẽ hơn cả “chiến thuật câu giờ” từng áp dụng trước đây như tại BOT Cai Lậy, BOT QL51, BOT T2 QL91… Cũng có nghĩa, giao thông qua các dự án BOT ở Tiền Giang, Đồng Nai, Cần Thơ,… đang đứng trước nguy cơ ùn ứ, tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đi lại, sinh hoạt của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Giải bài toán BOT giao thông, Bộ GTVT cần phải đưa các dự án tư nhân về đúng vị trí, đúng giá trị thực, không tước bỏ quyền đi lại, lựa chọn dịch vụ của người dân…, thay vì gắn một từ “thu giá” vô nghĩa lên các trạm BOT một cách hời hợt, tầm thường, thành trò cười cho dư luận như hiện tại.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn