Thu hút FDI thế hệ mới: Tầm nhìn mới, chiến lược mới

Thứ bảy, 25/08/2018 06:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 31 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), diện mạo kinh tế VN có nhiều đổi thay. Các doanh nghiệp FDI đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, tăng trưởng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm... FDI đã qua thời thu hút bằng mọi giá và trải thảm đỏ bằng sự ưu ái. Sự bùng nổ của cách mạng 4.0, của một nền kinh tế hội nhập sâu rộng đòi hỏi FDI phải có một cuộc cách mạng toàn diện.

1. Năm 2017 đánh dấu mốc thời gian tròn 30 năm Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với những thành công và hạn chế đan xen. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, sau 30 năm vốn FDI thu hút được đã đạt gần 313 tỷ USD với hơn 24.000 dự án, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính theo tỷ lệ % GDP hoặc theo đầu người, dòng FDI của Việt Nam đã vượt Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các quốc gia ASEAN lớn.

Báo Công luận 
Việt Nam đã thu hút được một số dự án giá trị cao từ các tập đoàn toàn cầu hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, hình thành nên một số mạng sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng phần lớn FDI vào Việt Nam mới tập trung trong các ngành mang tính khai thác thị trường nội địa và sản xuất giá trị tương đối thấp. Đó là chưa kể nhiều hạn chế khác như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu… Điều này cho thấy chính sách thu hút FDI đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Hơn 30 năm Đổi mới và 30 năm kể từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực FDI ngày càng và hiện đã khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Những con số về đóng góp của khu vực FDI đối với GDP (trên 20%) và tăng trưởng GDP, sản lượng công nghiệp (trên 50%), kim ngạch xuất khẩu (gần 70%), và tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp (khoảng 12-13 triệu, theo một số nghiên cứu) chứng minh cho nhận định đó.

Tuy vậy, phần thưởng lớn nhất mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài chính là sự khẳng định FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, thành công của FDI cũng là thành công của Việt Nam. Và người Việt Nam, nhất là đội ngũ doanh nhân và người lao động Việt Nam, đã học hỏi được không ít từ FDI.

Đi cùng dòng vốn FDI, đi cùng cái được, còn là nhiều điều chưa được, rất cần suy ngẫm. Thử xem xét qua những chiều cạnh đáng quan tâm nhất đối với tác động của FDI và đó cũng chính là những bài học đáng lưu tâm.

Nhận định về những yếu tố tác động đến FDI trong thập kỷ tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là trào lưu có tính thách thức và đột phá nhất. Tiếp đó là các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Các hiệp định này có khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP và giúp Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc sẽ đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đòi hỏi tiếp tục mở cửa lĩnh vực logistics.

Các ngành gia công, vận tải, dịch vụ tài chính, khách sạn - nhà hàng và hàng loạt ngành khác chịu ảnh hưởng của các công nghệ đột phá do CMCN 4.0 mang lại. Chính phủ đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện cải cách và cân đối các cơ chế ưu đãi liên quan theo hướng ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo.
Như vậy, vốn FDI “thế hệ mới” sẽ tập trung chảy vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tối đa hóa giá trị gia tăng.

2. 30 năm thu hút FDI cho Việt Nam nhiều bài học chính sách đáng giá. Song đó là chưa đủ trong bối cảnh mới. Việt Nam đang ở vào giai đoạn có tính bước ngoặt trong phát triển, rất cần cải cách thể chế mạnh mẽ, rất cần một khu vực tư nhân đủ năng lực cạnh tranh, lớn mạnh. Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), kể cả các FTA chất lượng cao, cùng thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và/hoặc chiến lược với các đối tác chủ chốt. Thế giới lại đã và đang chuyển đổi sâu sắc, nhất là trong tương tác giữa các khu vực và các nước lớn dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0).

Báo Công luận
 
Dù rằng vốn và cạnh tranh thu hút vốn giữa các nền kinh tế vẫn rất cần quan tâm; dù rằng nguồn nhân lực giá còn ít nhiều cạnh tranh về chi phí vẫn còn là lợi thế so sánh (tĩnh) của Việt Nam trong một số năm tới; dù rằng một số tài nguyên có thể vẫn cần được khai thác (theo cách mới) song bài toán quan trọng nhất đối với Việt Nam là tránh được “bẫy chi phí lao động thấp”, “bẫy thu nhập trung bình” và tạo xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và phát triển nhanh, bền vững. Một hướng đi hết sức quan trọng ở đây là tối đa hóa hiệu quả trong thu hút FDI. Điều này phức tạp hơn nhiều mục tiêu tối đa hóa lượng vốn FDI.

Trong thời gian tới, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam vẫn cần thu hút FDI nhằm lấp đầy những lỗ hổng cơ bản trong chuỗi cung ứng trong nước, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành.

Để tiếp cận được các phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp (nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp thuê gia công quốc tế) và điều chỉnh mục tiêu thu hút FDI. Các cơ hội thu hút FDI sẽ bị bỏ lỡ nếu khung pháp lý, chính sách không được củng cố.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện phụ thuộc quá nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, miễn thuế có thời hạn một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu... Rõ ràng, cần thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Cần tiếp tục nghiên cứu sâu và thực hiện các phân tích chi phí - lợi ích để cải cách chính sách ưu đãi căn cứ trên các tiêu chí chặt chẽ về bổ sung giá trị và tương xứng giữa giá trị và chi phí.

Phân tích sơ bộ về các cam kết CPTPP của Việt Nam cho thấy, các thủ tục đầu tư vào các ngành viễn thông, logistics, giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính còn rườm rà hơn các nước thành viên CPTPP khác, do vậy có thể làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút các dòng vốn FDI mới.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh - một địa phương thu hút được lượng FDI rất lớn cho rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những mắt xích quan trọng để hút FDI thế hệ mới. Tuy nhiên, hiện liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, liên kết theo cụm ngành, gắn kết công nghiệp cốt lõi với sản phẩm hỗ trợ còn lỏng lẻo. Các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn yếu, chưa tận dụng được hiệu quả thu hút FDI...

3. 30 năm thu hút FDI với nhiều mảng “sáng” đáng trân trọng cùng những gam màu “xám” đáng suy ngẫm. FDI đã và sẽ vẫn là một khu vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và tiến trình phát triển của Việt Nam.

Song trong bối cảnh mới, Việt Nam rất cần “tư duy lại”, “thiết kế lại” “xây dựng lại” cả về cách nhìn nhận và cách thu hút FDI. Vấn đề chính yếu nằm ở chỗ Việt Nam có đủ hay không bản lĩnh, sự đau đáu nghĩ suy, và hành động quyết liệt vì một Việt Nam tăng trưởng có chất lượng, khu vực tư nhân lớn mạnh và phát triển bền vững.

Báo Công luận 
FDI đã qua thời thu hút bằng mọi giá và trải thảm đỏ bằng sự ưu ái. Sự bùng nổ của cách mạng 4.0, của một nền kinh tế hội nhập sâu rộng đòi hỏi FDI phải có một cuộc cách mạng toàn diện. Chiến lược thu hút FDI thay vì đưa ra các ưu đãi phải dựa trên sự chọn lọc nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên, từ đó thu hút được thế hệ FDI mới, có chất lượng và sức lan tỏa đến kinh tế trong nước.

DN FDI cần môi trường kinh doanh minh bạch, thủ tục đầu tư thuận lợi chứ không phải chi phí bôi trơn. DN FDI cần các DN vệ tinh với nhân công chất lượng cao, kỹ năng mềm giỏi, đào tạo bài bản chứ không phải nhân công giá rẻ, chất lượng thấp. Nếu chính sách ưu đãi dễ dãi, thiếu căn cơ... được đưa ra thì chúng ta cũng sẽ chỉ nhận lại những đồng vốn FDI “đầu cơ”, vào nhanh ra nhanh theo kiểu hết ưu đãi rồi đi mà thôi.

An Phát

Tin khác

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

(CLO) Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng, do nhu cầu yếu, trong khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài khiến hoạt động ở Thái Lan bị đình trệ.

Thị trường - Doanh nghiệp
VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

(CLO) Ngày 19/4/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – “TIN”) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

(CLO) Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm sắp tới, trong đó lĩnh vực này sẽ nắm bắt cơ hội để lấy lại phong độ trước đại dịch Covid-19 và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đất nước thông qua đợt tiêu dùng lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

(CLO) NHNN thông báo sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng SJC ngay trong chiều nay.

Thị trường - Doanh nghiệp