Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS

Thứ sáu, 30/03/2018 20:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hôm nay (30/3), tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6), Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS lần đầu tiên được tổ chức.

Đây là sáng kiến nổi bật của Việt Nam trên cương vị chủ nhà Hội nghị lần này nhằm tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Sáng kiến này nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự.

Báo Công luận
 Các nhà lãnh đạo GMS, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

Đây cũng là lần đầu tiên một diễn đàn quy mô lớn được tổ chức nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác GMS và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV).

Tham dự Diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Phó Tổng thống Myanmar Henry Van Thio, Ủy viên Quốc vụ CHND Trung Hoa Vương Nghị, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và gần 2.600 doanh nghiệp…

Trong phiên khai mạc sáng nay, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS; Các mô hình kinh doanh mới- Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Phát biểu tại phiên đối thoại, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự tham gia đông đảo của gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực và nhấn mạnh lực lượng này chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong.

Thủ tướng cho biết, GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu tính tổng quy mô kinh tế của tất cả, thì quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD. Điều này cho thấy nếu các quốc gia, đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS, sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung; mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, nằm ở trung tâm của cả khu vực châu Á phát triển năng động, khu vực GMS đang trỗi dậy, trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu trong thế kỷ 21. Theo đó, một tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022, đó là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.

Báo Công luận
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại đối thoại

Để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học các nền kinh tế thành viên, cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do.

Bên cạnh đó, ngoài vai trò kiến tạo phát triển của các Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò chất xúc tác và hỗ trợ của các định chế quốc tế như ADB, WB thì nhóm hành động không ai khác hơn chính là cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn hôm nay chính là nơi để thúc đẩy các sáng kiến và khơi nguồn kết nối không chỉ giữa chính phủ, chính quyền các cấp với nhau mà còn với các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là đề cao vai trò của kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực GMS và CLV.

Giới thiệu về tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, năm 2017, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất, tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến nay đạt trên 60 tỷ USD.

Theo WB, chỉ số môi trường kinh doanh (DB 2017) của Việt Nam tăng 14 bậc lên mức 68/190; theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI 2017) tăng 5 bậc lên 55/137, và theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII 2017) tăng 12 bậc lên 47/127. Tất cả điều đó, phần nào thể hiện lòng tin, niềm hứng khởi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.

Trước cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, những thành quả ban đầu đó là động lực để Việt Nam tiếp tục tự tin thúc đẩy cải cách. Việt Nam phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của Nhóm OECD. Tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách chính sách thuế và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm còn 15- 17%.

Cùng với đó là tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và CLV, đồng thời xác định trọng tâm trong 2018- 2019 là ký kết, phê chuẩn đưa vào hiệu lực 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA Việt Nam- EU, đồng thời đẩy mạnh thực thi hiệu quả 10 FTA đã có hiệu lực, thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP và một số hiệp định khác. Chỉ với hiệu lực của CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường lớn của gần 40 nước phát triển- đó là điều mà các nhà đầu tư quốc tế không thể bỏ qua.

Thủ tướng khẳng định, đối với giao thông, với tư cách là một trong 3 trụ cột quan trọng của GMS, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch. Việt Nam cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc đầu tư vào giao thông trên các hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC), Bắc-Nam (NSEC) và hành lang phía Nam (SEC)...

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có những chuyển đổi sâu sắc, GMS phải có những động lực mới mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình. GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình; mỗi nền kinh tế cần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân. Một nguồn lực mới quan trọng xuất phát từ khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghệ. Thủ tướng cho rằng, những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, chúng ta cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững phải là yêu cầu hàng đầu, là mệnh lệnh của các thế hệ tương lai đối với mỗi quyết định, hành động của chúng ta. Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong quý báu. “Hài hòa” là giá trị truyền thống của châu Á, mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên chính phủ, doanh nghiệp, người dân.

Báo Công luận
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha

Chiều 30/3, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao; tiếp Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, Hong Kong và lãnh đạo 4 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam (Trung Quốc) sang Việt Nam dự Hội nghị.

Ngày mai, 31/3/2018, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

P.V

Tin khác

Hà Nội tiếp thu, chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hà Nội tiếp thu, chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

(CLO) Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và hơn 130 ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, UBND Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, giải trình đầy đủ, dự kiến tiếp thu đối với nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tin tức
Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10

Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10

(CLO) Chiều ngày 28/3, tại Họp báo của UBND thành phố Hà Nội quý I năm 2024, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2024-2025 có 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.  

Tin tức
Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

(CLO) Ngày 28/3, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tin tức
Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

(CLO) Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hằng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”

Tin tức
Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng.

Tin tức