Tiễn ông Táo, rùng mình nhớ chuyện..."đâm Hà bá"

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Tiễn ông Táo, rùng mình nhớ chuyện..."đâm Hà bá"

(Congluan.vn) - “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá" là hai  nghề được xem là hạ bạc, cơ cực, bị người đời lên án nhiều nhất. Ngày cận Tết, người viết có dịp theo chân những “sát thủ” chích cá bằng điện. Mới thấy những con người này cực chẳng đã mới phải mưu sinh bằng cái nghề nguy hiểm này. Cũng bởi  nghèo...
 
 
Nhập môn

Người dân xã Suối Dây và xã Tân Thành, thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh không lạ gì với cái nghề chích cá bằng điện. Để vào nghề, phải kiếm ra ít nhất 2 triệu đồng để sắm một “bộ đồ nghề”, bao gồm: bình ắc quy từ 12 - 24V, máy chích sò hoặc riệp (đơn vị tính của dân quấn máy lậu), một cặp càng chích tự chế gồm hai cọng thép dài khoảng 2,2m và tay cầm bằng gỗ chống dẫn điện, một bình nhựa đựng đồ nghề (cõng trên lưng) hoặc chậu nhôm lớn (lôi trên mặt nước).
Báo Công luận
Bao vây, dồn cá vào...đường cùng.
 
Tùy theo địa hình hoạt động là vùng nước nông hay sâu mà sử dụng loại máy có công suất phát điện lớn hay nhỏ. Nước sâu thì đi chích bằng ghe cào, dùng loại máy từ 12 đến 16 sò, với bình ắc quy là 24V, dòng điện được biến thế lên đến 350V. Địa hình bắt cá phổ biến ở 2 xã này thuộc loại nước trung bình tầm ngực, nên thường dùng máy 8 sò hoặc 12 riệp, với bình ắc quy 12V, điện thế đầu ra 220 - 250V là đã “tận diệt” được rồi!
Báo Công luận
  “Dót” hỗ trợ giật mạnh trong các loại nước dẫn điện kém
 
Dân chích điện có kinh nghiệm cho biết, tùy theo vùng nước mà điện phát ra giật mạnh hay yếu, thường thì nước bị nhiễm phèn hay chất thải của các nhà máy khoai mì, mủ cao su điện sẽ giật yếu. Cho nên, để hoạt động trên mọi địa hình, dân quấn máy đã “nghiên cứu” gắn thêm một tụ kích điện (dân chích gọi là “dót”) có thể giật mạnh trong tất cả các loại nước có cá. Tưởng đơn giản, hóa ra để có được “dót” ngon, dân chích phải lên tận nhà “đệ nhất sát ngư” tên Hiệp ở gần cửa số 6, Tòa Thánh Tây Ninh đặt hàng, chứ các tiệm thông thường mà làm thì chỉ nửa con trăng đã phải xếp xó.

Cũng thật lắm công phu

"Đồng rộng, sông dài nhưng cá vẫn lội biệt tăm..." - dân chích cá điện Tây Ninh giờ nghêu ngao câu này một cách... buồn thảm.

Trước đây, nơi này cá vô số kể, còn bây giờ muốn bắt được cá thì phải dùng thủ thuật. Có 5 cách bắt cá hiệu quả nhất ở đây: Ghe cào điện, kéo lưới điện, chích cõng, chính lôi và chích lặn. Ghe cào và lưới điện (hoạt động chủ yếu ở hồ Dầu Tiếng) là hai phương tiện “tận diệt” hiệu quả nhưng ít người dùng do "ngốn vốn".
 
Báo Công luận
Chích lôi là đây
 
Dân nghèo ở xã Suối Dây và Tân Thành thường dùng 3 cách sau: “Chích cõng”, tức mang đồ nghề trên lưng để “chọt” cá, chỉ áp dụng cho những vùng nước cạn đứng tới lưng quần. “Chích lôi” là cách được mọi người hay dùng, đồ nghề được để trong một cái chậu lớn bằng nhôm nổi trên mặt nước, buột dây ngang bụng dính với chậu để lôi đi chích, áp dụng cho vùng nước ngập tới ngực.
 
Hai cách này thấy “dễ ăn” nhưng nếu không có kinh nghiệm thì coi như “đói trắng”. Đây là 2 cách bắt cá chủ yếu dựa vào kỹ năng nhìn tăm cá. Khi cá “ăn điện” sẽ nhả bọt khí và sủi tăm, tay nào cứng nghề có thể đoán được loại cá gì, lớn hay bé, nằm ở chỗ nào dưới lớp nước ngầu đục.
 
Báo Công luận
 Tại một hố bom, dân chích lặn phải lặn sâu xuống dưới đáy
 
Báo Công luận
Ngót một phút mới trồi lên
 
“Chích lặn” là cách “đâm Hà Bá” nguy hiểm nhất, thường được áp dụng ở các hầm bom hay khúc sông, đoạn suối có nước ngập quá đầu. Cách này buộc người “đâm lao phải theo lao”, đánh liều với dòng điện, dài hơi, lặn giỏi mới mong bắt được cá. Người chích phải vừa bám chậu để thở, vừa dìm ngập hai càng điện dưới nước “e” liên tục, vừa phải bơi đứng sao cho nước ngập quá hai tai để nghe mang cá nổ khi trúng điện.
 
Tùy theo cá lớn hay bé mà tiếng nổ mang cũng khác nhau. Khi đó, người chích phải trồi lên khỏi mặt nước, ném cặp càng chích sang một bên, lấy hơi lặn xuống thật sâu để mò cá. Lúc đang lặn, cặp càng có thể bị nước cuốn trôi đến phía trên người lặn. Nếu xui xẻo, máy chích sẽ “tự làm le” khi công tắc (buộc cố định vào càng) vướng phải cỏ hay bất cứ vật gì trôi nổi trên mặt nước… coi như anh ta làm bạn vĩnh viễn với Hà Bá vì điện giật!
 
Dòng điện phát ra từ hai loại máy tự chế này là vô cùng nguy hiểm. Anh NTT ngụ tại Bến Cửu Long, suối Bà Chiêm xã Tân Thành kể, một lần khi đang chích cá thì một con trâu đực to lớn đến lai vãng làm phiền. Tức mình, anh bạn đứng gần liền “e” cho một cái, con trâu đổ sầm, sủi bọt mép chết lâm sàng trong 2 phút. “Trâu mà còn phải ngã ngửa chứ huống chi là người hay cá!” anh T kết luận.

Xuân này cũng lại… ướt quần!
Được biết, về mặt khoa học khi vùng nước có dòng điện “hỗn” này đi qua sẽ làm giảm chất lượng, do hàng loạt các phản ứng điện hóa, kèm theo sự chết hoặc thoái hóa các sinh vật phù du, sinh vật đáy, thảm thực vật, đất nơi đó cũng bị xấu đi, kéo theo nhiều ảnh hưởng đến môi trường sinh thái dưới nước. Hơn nữa, bài học chết người từ các loại ngư cụ này cũng đã trải dài trên mặt báo. Vậy mà họ vẫn cứ chấp nhận lao vào “giỡn mặt” với tử thần vì chén cơm manh áo…

Từ mờ sáng đầu xuân, tôi đã theo chân 5 người đàn ông chích cá chuyên nghiệp vào tận Hà Lãng của người Chăm (một dạng cánh đồng bán ngập), thuộc ấp 6, xã Suối Dây để tận mắt chứng kiến cách họ làm ăn. Mỗi người một cảnh, nhưng họ đều có điểm chung là nghèo khó. Xuân về gió lạnh sớm mai, nước như băng giá, nhưng ai cũng chuẩn bị sẵn sàng để nhảy xuống “đánh trận”. Họ cùng nhau lặn hụp, dí điện e e, đập càng ầm ầm xuống nước dọa cá, dàn thế trận bao vây cá vào đường cùng để “hốt ổ” đến tận giữa trưa. Tàn cuộc vây ráp, con cá nào bị trúng nặng điện mà không bắt được, trưa hôm sau quay lại sẽ thấy nổi trắng bụng.
 
Báo Công luận
 Những con cá bé nhỏ này làm sao giúp họ thay đổi phận nghèo ?!
 
Ngâm người dưới nước quá lâu nên tay chân họ đều run rẩy. Họ ngồi thừ ra dưới gốc cây trâm bầu cạnh Hà Lãng, chia nhau điếu thuốc trong im lặng.

Quả thật, lòng trắc ẩn của tôi lúc này đã dành hết cho họ, mặc dù biết cách để họ tồn tại là phạm pháp. Tôi hỏi đùa: "Sao mấy “đại ca” không làm việc nào khác cho đỡ mệt mà phải đi đâm Hà Bá”? Anh N.V,L, một tay chích giỏi nhất trong nhóm buồn giọng: "Quanh năm làm bạn với sông nước, sống bằng cái nghề ăn của Hà Bá này bị tử thần rước đi là chuyện thường gặp. Biết là bị cấm, nhưng cùng đường nát thế mới làm, chứ sung sướng gì đâu với công việc ngày nào cũng ướt quần mới có tiền. Nếu có thể chuyển sang nghề khác mà nuôi sống được vợ con chúng tôi sẽ bỏ nghề ngay."

Người ngồi cạnh, tay chân vẫn còn run, gật gù tiếp lời: "Nó nói đúng đó. Có ai muốn làm nghề cơ cực và bị cấm đâu. Nếu được Nhà nước hỗ trợ vay vốn hay công ăn việc làm khác có thu nhập, chúng tôi sẽ nghỉ!"
 
Đây là công việc mà họ phải làm hàng ngày. Nếu “trúng mánh”, mỗi người kiếm được khoảng 150 nghìn đồng, trừ chi phí xăng xe, sạc bình ắc quy, ăn uống, còn lại khoảng 100 nghìn đồng. Số tiền bé nhỏ không đủ để lo cho nhiều miệng ăn trong mỗi gia đình. Đa số những ai làm nghề này, đều không có đất đai canh tác, không đủ trình độ để xin làm công nhân cạo mủ cao su hay xin vào các KCN.
 
Mang những âu lo, trăn trở ấy, tôi đi tìm ông Bùi Văn Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành. Ông Nhẫn trần  tình: "Chính quyền cơ sở chỉ được phép tịch thu ngư cụ chứ không xử phạt hành chính. Việc quản lý cũng trở nên khó khăn khi địa bàn hoạt động của họ là liên xã... Đa số là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu muốn xử lý dứt điểm để họ đổi nghề, tôi nghĩ chúng ta cần phải tính đến bài toán an sinh xã hội thật sự có hiệu quả cho họ..." Bài toán này, chắc là chính quyền đã tính, nhưng "tính" mãi ?!? Chưa thỏa, tôi dằn lòng chắc phải làm gì đó quyết liệt hơn để dẹp cái nghề nguy hiểm, tai hại này.

Chia tay ra về bằng một bữa cơm đạm bạc, vài ly rượu ở một quán nghèo. Thật ngọt cá lóc nấu canh chua, nhưng tôi bỗng đắng lòng khi thoảng nghe câu hỏi của đứa con nít: "Tết này đi chích đâu ba?". Cha đứa trẻ cười gượng: "Năm nay tụi mình“ướt quần” ăn tết với Hà Bá ở suối Bà Chiêm nhen" rồi lướt nhìn "đồng đội".
 
Đôi mắt ủ ê buồn...
 
Quốc Sơn

Tin khác

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

(CLO) Trong quá trình thi công dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Điều tra
Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

(CLO) Những năm qua, Công ty TNHH Quyết Thắng đã trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng... nhưng tỷ lệ tiết kiệm ngân sách sát mức 0%.

Điều tra
Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

(CLO) Mới đây, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã ra công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp giải quyết ngay các vấn đề phản ánh của người lao động, đặc biệt phải tổ chức trao quyết định nghỉ hưu cho bà Vy Thị Hồng Cứu.

Điều tra
Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

(NB&CL) Mặc dù người dân đã gửi đơn khiếu nại về việc bị Công ty CP Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập khai thác đá trên núi Thị Vải, tiểu khu Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chồng lấn trên 24 héc ta đất rừng phòng hộ, nhưng BQL Rừng phòng hộ Bà Rịa - Vũng Tàu suốt một thời gian dài vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

Điều tra
Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên lập trạm sản xuất bê tông trái phép?

Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên lập trạm sản xuất bê tông trái phép?

(NB&CL) Trên địa bàn phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên cho nhiều doanh nghiệp vào lắp đặt, sản xuất bê tông trái phép suốt nhiều năm nhưng chính quyền địa phương có dấu hiệu bao che, không quyết liệt xử lý, khiến dư luận nhân dân bức xúc.

Điều tra