Tìm góc tiếp cận mới ở những đề tài không mới

Thứ ba, 23/06/2020 10:19 AM - 0 Trả lời

(CLO) “Tìm được ý tưởng, đề tài theo góc tiếp cận riêng của mình và đi đến tận cùng vấn đề thì tác phẩm báo chí đó sẽ luôn có tính phát hiện, sự sáng tạo và tác động sâu sắc đến độc giả, thính giả, tạo nên hiệu ứng xã hội tốt” – Nhà báo Hương Lan khẳng định.

Bài liên quan
Nhà báo Hương Lan đại diện nhóm tác giả nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2018

Nhà báo Hương Lan đại diện nhóm tác giả nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2018

Với 15 năm làm báo phát thanh ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhà báo Hương Lan - Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều năm đoạt giải cao tại Giải báo chí Quốc gia.

Theo chị, việc lên ý tưởng, tìm đề tài cho bất kỳ một thể tài báo chí nào đều là việc đầu tiên và quan trọng bậc nhất trong quá trình viết một bài báo, quyết định đến 50% giá trị tác phẩm. Nhưng trong dòng chảy sự kiện diễn ra hàng ngày, trong rất nhiều thông tin, nội dung mà nhà báo thu lượm được, làm sao để lựa chọn và chắt lọc, tìm ra được một đề tài, một góc tiếp cận khác biệt, mới lạ cho bài báo của mình lại không hề đơn giản.

Đề tài về nông nghiệp, nông dân như ngọn lửa âm ỉ cháy

Quả thực, những tác phẩm mang tính phát hiện, tìm ra những đề tài mới, có trọng lượng vẫn luôn là một công việc khó, không chỉ chắt lọc từ dòng chảy thông tin mỗi ngày, từ thực tế sinh động ở cơ sở mà còn là sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm, nhất là ở lĩnh vực mà mình theo dõi nhấn mạnh.  Nhà báo Hương Lan chia sẻ: 15 năm làm báo gắn bó với chương trình phát thanh Nông nghiệp và Nông thôn của Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho tôi những trải nghiệm, những kiến thức, và thực tế sinh động ở nhiều vùng nông thôn, với những nông dân, ngư dân, từ đó tìm tòi, phát hiện ra những đề tài cho các tác phẩm báo chí của mình. Nông nghiệp xét về kinh tế chỉ là một lĩnh vực nhỏ; nhưng về xã hội nông thôn, về con người nông dân lại mở ra chân trời rộng lớn cho nhà báo khai thác.

Rõ ràng muốn viết về đề tài gì thì phải tìm hiểu về điều đó; đặc biệt, muốn viết được tác phẩm hay và có sức nặng thì hơn thế, càng phải hiểu sâu sắc, thấu đáo về nội dung mình cần viết. Đối với mảng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các sự kiện diễn ra không nhiều, liên tục, sôi động như mảng pháp luật, giao thông, kinh tế… Thế nhưng các vấn đề thuộc mảng đề tài này vẫn có sức nóng riêng của nó, như ngọn lửa âm ỉ cháy; nếu kéo dài sẽ bùng lên hết sức dữ dội và ảnh hưởng lớn đến ổn định chính trị - xã hội.

Nhớ lại tác phẩm chị từng viết về việc thu hồi ruộng đất làm khu công nghiệp cách đây hơn 10 năm. Người dân trồng cấy ở những bờ xôi ruộng mật ở một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… hết sức bức xúc, khi ruộng đất của họ bị thu hồi, định giá đất thì rẻ, bị thu hồi hết ruộng rồi họ không biết sống ra sao?! Mấy chục triệu tiền đền bù tiêu vù là hết; con em nói là được tuyển vào công ty, nhà máy làm việc nhưng sau đó doanh nghiệp tìm cách thải loại, nhà nông phải vất vưởng lên thành phố tìm việc...

“Chúng tôi lập tức về địa phương tìm hiểu thực tế, gặp gỡ bà con nông dân để phản ánh và đây chính là đề tài nóng để viết lên phóng sự: “Nhà máy về làng, nhà nông ra đi”. Tác phẩm này không chỉ đơn thuần phản ánh thực tế của người dân, mà từ đó được mở rộng ra cả một quyết sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau 20 năm đổi mới, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ câu chuyện này, sau đó, chúng tôi đi tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề nảy sinh trong sản xuất nông nghiệp, trong đời sống nông dân sau 20 năm đổi mới và phát triển, mở rộng đề tài hơn, hoàn thiện thành một loạt phóng sự 3 kỳ: “20 năm và những điều mất ngủ”. Sau đó, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành TW Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 26 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để có những điều chỉnh, định hướng phát triển cho lĩnh vực quan trọng này” – nhà báo Hương Lan cho biết.

Thậm chí, có những đề tài mà nhà báo Hương Lan thực hiện lại xuất phát từ các tin tức của các đồng nghiệp ở các cơ quan thường trú địa phương. Năm 2010, thủy điện xả lũ, lũ chồng lên lũ ở các tỉnh miền Trung liên tục được các phóng viên thường trú của Đài đưa về. Tiếp nhận thông tin phản ánh từ thực tế, Hương Lan và các đồng nghiệp đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Thủy điện có lợi chứ sao lại có hại? Ai cho phép xây dựng ồ ạt hàng trăm công trình thủy điện nhỏ như vậy ở các tỉnh miền Trung, đánh giá tác động môi trường ra sao, quản lý nguồn nước như thế nào…? Làm thế nào để thủy điện không thành thủy hại? Từ đó, nhóm tác giả  hình thành nên đề tài cho tác phẩm: “Lạm phát thủy điện và những hệ lụy” để trả lời cho các câu hỏi này. Tác phẩm đạt giải B (không có giải A) Giải Báo chí quốc gia năm 2010”.  

Vừa viết, vừa bổ sung những ý tưởng mới

Nhà báo Hương Lan phỏng vấn nông dân tại An Giang.

Nhà báo Hương Lan phỏng vấn nông dân tại An Giang.

Để viết một bài phản ánh hoặc phóng sự chỉ hơn 1.000 từ hay vài ba phút phát sóng trên phát thanh, truyền hình, có lẽ không khó với mỗi nhà báo. Nhưng để có một tác phẩm báo chí dài hơi, có sức nặng, đi đến tận cùng vấn đề và có những tác động lên dư luận xã hội thì không hề dễ dàng. Chính bởi vậy, với nahf báo Hương Lan, có những tác phẩm từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thiện, chị và đồng nghiệp phải mất đến 6 tháng triển khai, vừa làm vừa bổ sung các tư liệu, và nảy sinh thêm những ý tưởng mới. Rõ ràng, đây không phải là những bài báo có tính chất tin tức, thời sự cần thông tin ngay lập tức mà đó là những đề tài mang tính vấn đề lớn, được phân tích sâu, tác động sâu rộng đến đời sống của đông đảo người dân và liên quan đến cơ chế chính sách của Đảng, nhà nước, nhưng cũng vẫn nóng hổi tính thời sự.

Nhà báo Hương Lan kể: Loạt phóng sự : “Tích tụ, tập trung ruộng đất – đòi hỏi từ cuộc sống”, đạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2017 là một tác phẩm như thế. Xuất phát từ câu chuyện thực tế của những nông dân mà chúng tôi ghi nhận được trong các chuyến công tác ở nhiều vùng miền trong cả nước. Thực tế cho thấy: chỉ có những nông dân làm ăn lớn, thuê ruộng hoặc liên kết ruộng với nhau thành thửa lớn, thành cánh đồng lớn thì sản xuất mới hiệu quả; còn nếu vẫn chia nhỏ ra, mỗi hộ mấy thửa, mỗi thửa mấy trăm m2 thì vẫn quẩn quanh với đói nghèo. Rồi ở tỉnh Hà Nam, chính quyền tỉnh, huyện phải đứng ra thuê ruộng của nông dân cho doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp mặc dù xét về pháp luật thì có có quy định…. Thực tế sinh động đã đi trước, mở đường cho chính sách, đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu và có cơ chế chính sách phù hợp cho vấn đề này, thậm chí có một Nghị quyết riêng như Khoán 10, không phải chia ruộng đất như trước kia mà là tích tụ, tập trung ruộng đất, như thế mới đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế sản xuất của nông nghiệp, nông dân hiện nay.

Có bột mới gột nên hồ...

Hầu hết các đề tài của các tác phẩm nhiều kỳ, phân tích sâu, nhà báo đều tìm hiểu xuất phát từ thực tế sinh động, từ những chuyến công tác, từ tin tức của đồng nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, theo nhà báo Hương Lan, phải có “bột”, nghĩa là những kiến thức tích lũy về lĩnh vực mình theo dõi trong nhiều năm thì mới gột được nên “hồ”. Bởi có những đề tài phải hiểu tường tận được bản chất vấn đề, phải phân tích được căn nguyên của nó rồi mới có những lập luận, phỏng vấn, đưa ra những giải pháp, kiến nghị xác đáng. Đề tài có thể không mới, nhưng qua góc nhìn, phân tích của mình, chúng ta sẽ tìm ra góc tiếp cận mới cho đề tài.

Nhà báo Hương Lan đưa ra ví dụ: Về vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã được nói đến rất nhiều, dễ đến cả chục năm nay. Thế nhưng năm 2018, chúng tôi vẫn theo đuổi đề tài này để thực hiện thành loạt phóng sự 3 kỳ: “Liên kết – động lực để nông nghiệp bứt phá”. Trong vấn đề không mới đó, chúng tôi tìm ra điểm mới, trả lời cho những vấn đề đang bức xức, là nút thắt khó khăn nhất hiện nay của nông nghiệp là vấn đề tiêu thụ nông sản, khi được mùa thì mất giá, điệp khúc “giải cứu” liên tục diễn ra…. Để nông nghiệp bứt phá trong thời kỳ hội nhập, để nông sản vươn xa hơn trên thị trường toàn cầu, để nông dân không phải khóc ròng trên ruộng lúa vườn dưa của mình, sản xuất nông nghiệp cần nhất là sự liên kết cả chiều dọc và chiều ngang…

“Tìm được ý tưởng, đề tài theo góc tiếp cận riêng của mình và đi đến tận cùng vấn đề thì tác phẩm báo chí đó sẽ luôn có tính phát hiện, sự sáng tạo và tác động sâu sắc đến độc giả, thính giả, tạo nên hiệu ứng xã hội tốt. Dù báo chí viết ở lĩnh vực nào thì thực tế luôn dẫn dắt, khai thông cho mỗi nhà báo để có những đề tài tốt, đáp ứng đúng và trúng sự quan tâm của dư luận” – Nhà báo Hương Lan khẳng định.

Bảo Minh (ghi)

Tin khác

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo
Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

(CLO) Ngày 23/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu 'Hành trình chinh phục bầu trời'

Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình Giao lưu "Hành trình chinh phục bầu trời"

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Hành trình chinh phục bầu trời”. Chương trình nhằm chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày truyền thống của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (1/5/1959 - 1/5/2024).

Nghề báo
Đồng chí Lê Quốc Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Báo Nhân Dân thăm và làm việc tại Trung Quốc

Đồng chí Lê Quốc Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Báo Nhân Dân thăm và làm việc tại Trung Quốc

(CLO) Ngày 22/4, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, đồng chí Lý Thư Lỗi - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiếp thân mật đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Đoàn đại biểu Báo Nhân Dân.

Nghề báo
Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

(CLO) Ngày 22/4, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tập huấn về phát ngôn, giao tiếp báo chí và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách năm 2024. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Nghề báo