(NBCL) Phát biểu trước Quốc hội (QH) khóa XIV, kỳ họp thứ nhất, sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: “Tôi sẽ cùng với các đại biểu QH phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, để QH thực sự là một QH đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước”. QH khóa XIV đã trải qua 2 kỳ họp mang đậm dấu ấn của một QH đổi mới, vì dân. QH đã tiến hành giải quyết nhiều nội dung thuộc thẩm quyền, chức năng của QH và được cử tri đánh giá cao. Có thể xem như đây là sự hé mở về một QH mong muốn và biết hành động vì trách nhiệm trước cử tri của mình.
[caption id="attachment_140758" align="aligncenter" width="780"]
QH khóa XIV đã trải qua 2 kỳ họp mang đậm dấu ấn của một QH đổi mới, vì dân- ảnh T.L.[/caption]
Từ QH tranh luận...
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, trọng tâm của QH trong nhiệm kỳ này là: Tiếp tục làm thật tốt ba chức năng cơ bản: lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, về những dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm tác động lớn tới kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp... cử tri mong đợi và đòi hỏi QH có những quyết sách kiên quyết, kịp thời, sáng suốt trước những vấn đề hệ trọng, nhằm bảo vệ và phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước ta.
Và cử tri đang bắt đầu nhìn thấy hình ảnh một QH hành động khi việc chuyển từ tham luận sang tranh luận không chỉ thấy trong hoạt động lập pháp. Tại Kỳ họp thứ 2, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà QH, QH đã tổ chức khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn có tính tranh luận cao. Đây là Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH khóa XIV tiến hành hoạt động này theo quy định của Luật hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, cách thức tiến hành chất vấn lần này được kế thừa và đổi mới theo hướng lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành của “ai thì người đó sẽ trực tiếp trả lời”. Việc chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng nhằm giải quyết vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân. Ngoài ra, các chất vấn khác mà nằm ngoài vấn đề, Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ cũng sẽ tiếp nhận và trả lời bằng văn bản sau cho đại biểu QH. Như vậy, vấn đề chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi; các đại biểu đã tập trung hỏi những vấn đề rất cốt lõi, “nóng bỏng” của đất nước và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã trả lời cô đọng, đầy đủ, trách nhiệm. Ngoài ra, sau hoạt động chất vấn, QH còn ban hành Nghị quyết để nâng cao năng lực điều hành, thi hành Nghị quyết của QH và có cơ sở để các đại biểu QH, các Đoàn đại biểu QH giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Phiên chất vấn sôi động được cử tri cả nước theo dõi. Đó là phiên chất vấn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, quyết tâm và hành động, phần báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ được các đại biểu đánh giá cao. Chất vấn của đại biểu (ĐB) QH dành cho Thủ tướng Chính phủ đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, những vấn đề nóng và phạm vi rất rộng, từ câu chuyện kỷ cương kỷ luật công vụ lỏng lẻo, sử dụng lãng phí tài sản công cho tới quan điểm của Chính phủ trước khả năng Mỹ có những thay đổi trong chính sách đối với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề ô nhiễm môi trường Formosa... [caption id="attachment_140757" align="aligncenter" width="780"]
Các ĐBQH làm việc trên tinh thần nghiêm túc, hiệu quả cao. (Trong ảnh là Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bấm nút thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi)- ảnh T.L.[/caption]
Đánh giá phần trả lời chất vấn, ĐB Dương Trung Quốc (Thái Bình) cho rằng, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn rất thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề ĐB nêu. Theo ĐB Quốc, đây là phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của nhiều vị tư lệnh ngành cũng như Thủ tướng nhưng có thể thấy, không có hiện tượng câu giờ, kéo dài thời gian mà các thành viên Chính phủ đã trả lời rất thẳng thắn vào từng vấn đề. Có thể thấy các ý kiến ĐB đều rất rõ và phản ánh rất đúng những vấn đề nổi cộm của xã hội, tất cả sự hồi âm của các thành viên Chính phủ đều rất trúng. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: “Tôi cũng như các ĐB thấy rằng phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nghiêm túc, rất trách nhiệm và ngắn gọn từ báo cáo giải trình đến từng câu trả lời các vị đại biểu QH, Thủ tướng vừa cung cấp thông tin, vừa nêu thực trạng tình hình, đặc biệt là đã đưa ra các giải pháp, đồng thời yêu cầu giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của vấn đề ĐB nêu”.
... Đến QH hành động
QH hành động, Chính phủ liêm chính! Hãy coi đây là tuyên ngôn của một nhiệm kỳ mới - một nhiệm kỳ phát triển kinh tế bền vững, đẩy lùi tham nhũng. Đương nhiên đây là công việc vô cùng khó khăn.
Bế mạc kỳ họp thứ hai của QH khóa XIV để khép lại một số nhiệm vụ nhưng cũng mở ra những trọng trách mới cho các ĐBQH trong những kỳ họp mới, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: Sau kỳ họp này, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục tinh thần “đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động”, kịp thời báo cáo cử tri kết quả kỳ họp; tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Lời đề nghị ấy cũng như một mệnh lệnh của hành động, để các ĐBQH quyết liệt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa khi trở về với những công việc ngoài nghị trường, trong vai trò của người giám sát thực tiễn. Từ những bộ luật, nghị quyết được thông qua sau kỳ họp là việc vận dụng thực tế sao cho hiệu quả trong mỗi đơn vị, mỗi ngành nghề, lĩnh vực. Vẫn mong, những quyết sách đúng, trúng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, rút ngắn con đường từ chính sách đến đời sống, trong đó vai trò của người ĐBQH là trọng yếu.
Mong là thế, và tin vào một QH hành động đang thật sự thành hình!
Khánh An
ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG – PHÓ HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN - ĐOÀN ĐBQH HÀ NỘI:
Trách nhiệm hơn nữa trong giám sát thực tiễn
Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trong vai trò ĐBQH nhưng tôi cảm nhận thấy rằng QH khóa XIV lần này đã bước đầu hành động theo tư tưởng của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo. Kể cả những ĐBQH còn rất trẻ, rất mới cũng tham gia nhiệt tình với ý chí khẳng khái, các ý kiến đóng góp trực diện vào các vấn đề cử tri quan tâm. Tôi rất hài lòng về tinh thần của các phiên chất vấn trên nhiều phương diện, điều đó đã thể hiện được tinh thần hành động của QH. Trên phương diện tổ chức, tôi thấy có sự đổi mới rất lớn khi các ĐBQH quản lý tốt thời gian chất vấn, các nội dung định hướng về chất vấn cũng rõ ràng, bám sát các vấn đề mà xã hội quan tâm, có khảo sát trước ý kiến của cử tri. Không khí kỳ họp hết sức cởi mở, sôi động, trách nhiệm trong hoạt động của QH. Đây là kỳ đầu tiên tiến hành chất vấn của QH khóa XIV, nhưng cũng có thể thấy đây là một kỳ họp hiếm hoi vì với mỗi một vấn đề, mỗi một lĩnh vực đều có rất nhiều ĐBQH nêu câu hỏi rất thẳng thắn, có tranh luận trao đi đổi lại. Không khí ấy còn thể hiện trên tinh thần làm việc của ĐBQH, cho đến ngày cuối cùng việc góp ý cho các dự án Luật vẫn rất sôi nổi, trách nhiệm, nhiều câu hỏi của ĐBQH còn không đủ thời gian để trả lời trên nghị trường... Điều này tạo ra khí thế, tạo đà thúc đẩy cho những hoạt động thực tiễn của ĐBQH sau khi kết thúc kỳ họp.
Và điều tôi suy nghĩ nhiều hơn, đó là câu chuyện từ nghị trường đến thực tiễn dưới vai trò giám sát của các ĐBQH. Đối với những ĐBQH chuyên trách thì luôn dành 100% thời gian hoạt động thường xuyên cho công việc của QH nên không cần bàn. Nhưng với những ĐBQH kiêm nhiệm thì theo quy định vẫn cần phải dành 30% thời gian cho hoạt động QH. Do đó, khi ở nghị trường, ĐBQH nắm chắc được các vấn đề quan trọng của đất nước thì khi về thực tiễn địa phương sẽ tích cực trong định hướng, giám sát tốt hơn nữa các hoạt động, tiếp tục đem được hơi thở cuộc sống, bức xúc của cử tri vào diễn đàn QH. Đó cũng chính là sự hành động thiết thực được lan tỏa. Hy vọng là các ĐBQH sẽ tiếp tục dám nói thẳng, dám nói thật trong những kỳ họp tiếp theo. Tôi tin là các ĐBQH sẽ quyết liệt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa khi trở về với những công việc ngoài nghị trường, trong vai trò của người giám sát thực tiễn.
ĐBQH PHẠM TẤT THẮNG- ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QH – ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH LONG:
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội với Chính phủ
Qua hai kỳ họp đặc biệt là kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV đã có rất nhiều đổi mới. Trước hết, đó là sự đổi mới trong phương thức hoạt động, cụ thể nhất là về lập pháp, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa QH với Chính phủ giữa cơ quan trình dự án Luật với cơ quan thẩm tra Dự án Luật. Sau khi các ĐBQH có ý kiến đóng góp thì Bộ trưởng (Trưởng ban soạn thảo) sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH.
Nói đúng hơn là, từ người thực tiễn làm, điều hành về công việc đó sẽ tiếp thu những ý kiến phù hợp để điều chỉnh Luật. Còn có ý kiến nào chưa sát, chưa hợp, khó khả thi trong thực tiễn thì dưới góc độ người điều hành sẽ giải trình để các ĐBQH hiểu hơn. Và từ đó, quá trình thực hiện luật đi vào cuộc sống cũng sẽ nhanh, hiệu quả hơn. Tôi cho đó là một sự đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Đổi mới đó chắc chắn gắn với QH hành động, giúp Chính phủ có điều kiện thực hiện những bộ luật khả thi.
Bên cạnh đó, công tác giám sát được đổi mới, rõ nhất là việc đổi mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp. Thứ nhất, không chọn cụ thể một đồng chí Bộ trưởng mà chọn theo nhóm vấn đề và điều này liên quan đến sự phối hợp ngang giữa các Bộ trong Chính phủ. Qua chất vấn đã tìm ra hướng để tháo gỡ bất cập trong phối hợp công tác giữa các Bộ, chồng chéo giữa chức năng nhiệm vụ giữa các Bộ. Đó là việc mà QH hành động chỉ ra và giúp Chính phủ tháo gỡ trực tiếp khó khăn trong điều hành của Chính phủ. Thứ hai, tinh thần hành động của QH cũng đã có “cộng hưởng” rất tốt với phương châm hành động của Chính phủ. Có thể nói, trong trả lời chất vấn, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ đã trả lời đúng tinh thần hành động, đặc biệt là Thủ tướng đã có các câu trả lời cụ thể, rõ ràng, tập trung, đúng trọng tâm các câu hỏi của ĐBQH nêu ra...
ĐBQH HOÀNG THỊ HOA – PHÓ CHỦ NHIỆM UBVH GIÁO DỤC THANH NIÊN THIẾU NIÊN NHI ĐỒNG CỦA QH – ĐOÀN ĐBQH AN GIANG: Tinh thần hành động thấm nhuần vào từng ĐBQH Qua hai kỳ họp, phải nói rằng, từng công việc của QH, từ việc làm luật, cho đến giám sát cũng như các hoạt động trên diễn đàn QH như các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các phiên thảo luận về các luật... đều được các ĐBQH tham gia tích cực, các bài tham luận ở diễn đàn đã đem hơi thở cuộc sống, đem những vấn đề từ thực tế cuộc sống vào nghị trường. Tinh thần này được thấm nhuần vào từng đại biểu QH, mỗi ĐBQH xác định rõ hơn các trách nhiệm của mình khi tham gia phát biểu, chất vấn. Trong mỗi phiên họp đều được các ĐBQH thể hiện rất thiết thực bởi có những phiên họp về kinh tế-xã hội có tới hơn 80 đại biểu đăng ký phát biểu thảo luận, thậm chí còn hơn thế. Khi cần một sự ưu tiên, phản biện các vấn đề trái quan điểm, cần nói rõ hơn, hoặc Bộ trưởng trả lời chưa đầy đủ, chưa thấu đáo, cần tranh luận thì ĐBQH giơ biển. Điều đó thể hiện sự tranh luận ở các phiên thảo luận có sự dân chủ hơn, các ĐBQH đã phát huy cơ chế này một cách tuyệt đối. Và điều này góp phần tạo cho cách làm việc trong nghị trường có sự chuyên nghiệp, sôi nổi hơn. Người phát biểu phải thận trọng, Bộ trưởng trả lời cũng phải kĩ càng, chuẩn mực hơn. Đấy chính là sự đổi mới cần phát huy hơn nữa. Có thể nói rằng, đi sâu vào việc làm luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng thì ĐBQH đã ngày càng quan tâm, tập trung trí tuệ, làm chủ kiến thức các lĩnh vực, các ĐBQH đã hành động nhiều hơn, trách nhiệm hơn, nhiều đổi mới hơn. Tôi tin là với những cách thức này, những kỳ họp tới các vấn đề sẽ được xem xét thận trọng, hiệu quả hơn nữa.