Toàn cảnh báo chí đưa tin về việc CSGT Hàng xanh vạch ví

Thứ sáu, 03/04/2015 09:02 AM - 0 Trả lời

Toàn cảnh báo chí đưa tin về việc CSGT Hàng xanh vạch ví

(Congluan.vn)- Vụ việc CSGT Hàng Xanh vạch ví người đi đường đăng tải trên Congluan.vn chiều ngày 4/3 đang gây xôn xao dư luận. Báo Thanh Niên, Infonet, Pháp luật TP.HCM, Công an TP.HCM...đã cùng congluan.vn viết về vụ việc này. 
 
Báo Công luận CSGT Hàng Xanh vạch ví người đi đường. Hình cắt từ clip quay tại hiện trường
Xem các bài viết:
 
Sau khi bài báo được đăng thì Trưởng phòng CSGT Thượng tá Trần Thanh Trà cho biết:
 
Báo Công luận 
Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng CSGT Công an TPHCM
 
Ông được báo cáo sự việc vào tối ngày 4/3, ngay sau đó ông đã xem lại đoạn phim lan truyền trên mạng.
 
“Sáng nay tôi đã chỉ đạo Đội chính trị hậu cần làm thông báo đề nghị các đồng chí này giải trình. Trước mắt là đình chỉ không phân công công tác, sau đó chúng tôi sẽ báo cáo với Công an thành phố” (CATP) – thượng tá Trà khẳng định.
 
Chiều ngày 5/3, ông đã có cuộc làm việc với Báo Nhà báo và Công luận liên quan đến vụ việc nêu trên.
 
Ngoài ra, lãnh đạo PC 67 Công an TP.HCM cũng đề nghị, người dân và báo đài khi có băng ghi hình hãy mang đến phòng CSGT. “Chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý nghiêm sau đó báo cáo lại, không để con sâu làm rầu nồi canh” ông Trà nói.
 
Luật sư nói gì
 
Ở góc nhìn pháp luật, theo phỏng vấn của  PV Infonet với Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) đăng tải trưa ngày 5/3 thì:
 
Báo Công luận 
Luật sư Phan Công Út (ảnh Infonet)
 
Theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30 tháng 10 năm 2012 thì các cảnh sát giao thông trong video này chưa thể hiện đúng tác phong tuần tra.
 
Ngoài ra trong video có đoạn một CSGT được một người (tạm cho là vi phạm) đưa điện thoại để nghe, sau đó vị CSGT này trả giấy tờ và thả đi. Luật sư cho biết thêm, theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA thì không có điều khoản nào quy định hoặc cho phép thả người vi phạm mà không cần biên bản sau khi nghe điện thoại từ người vi phạm. Do đó, viên cảnh sát giao thông ấy đã vi phạm ngay chính quy định tuần tra.
 
Về vấn đề “móc ví”: “Có những hành vi ám muội mà người xem có thể suy diễn là người vi phạm móc bóp lấy tiền, cảnh sát nhanh chóng nhận tiền và giao trả giấy tờ xe. Nhưng nếu khẳng định đó là đưa và nhận hối lộ thì sẽ khó có câu trả lời chính xác mỗi người đưa bao nhiêu? Tổng cộng 1 ca tuần tra các cảnh sát ấy "thu hoạch" được bao nhiêu?
 
Do đó, sự khẳng định này cần chuyển giao cho thủ trưởng cơ quan của họ hoặc cơ quan thanh tra công an hoặc cơ quan cảnh sát điều tra... Chắc chắc những vị ấy đủ năng lực để kết luận một cách khá chính xác để loại trừ sâu mọt trong nội bộ ngành cảnh sát giao thông.”
 
Nếu xác định là nhận hối lộ thì mức xử phạt sẽ như thế nào? Nếu số tiền từ 2 triệu trở lên sẽ bị khởi tố theo điểm c, khoản 2, điều 279 Bộ luật Hình sự với mức án từ 7 đến 15 năm. (2 triệu là tổng số tiền của các CSGT thu được trong 1 ca trực chứ không phải của 1 người đưa hối lộ). Nếu dưới 2 triệu họ vẫn có thể bị truy tố theo khoản 1, điều, 279 BLHS do họ có hành vi "phạm tội nhiều lần".
 
“Đây là vi phạm điều lệnh, quy chế ngành, có thể cho ra khỏi ngành nếu họ nhiều lần vi phạm; Hoặc chính cơ quan ấy luôn nghiêm khắc với những hành vi vi phạm điều lệnh quy chế ngành để làm gương dù rằng chỉ phát hiện vi phạm một lần duy nhất” luật sư cho biết thêm.
 
Báo Pháp luật TP.HCM khẳng định hành vi Sai quy trình của tổ CSGT. 

Theo những hình ảnh ghi nhận có thể khẳng định nhiều người đi xe máy từ đường số 17 rẽ phải đường Phạm Văn Đồng đã không bật xi nhan và theo Điều 6 Nghị định 171/2013 mức phạt cho vi phạm này là 300.000 đồng. Dấu hiệu vi phạm đã rõ nên việc dừng xe có thể cho là hợp lý.

Tuy nhiên, qua hình ảnh trong đoạn clip có thể khẳng định ngay tổ CSGT đã có nhiều vi phạm về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm do Bộ Công an ban hành. Đầu tiên, vài CSGT trong tổ không có bảng hiệu tuần tra kiểm soát trên ngực trái (thường gọi là thẻ xanh) nhưng vẫn ra hiệu lệnh dừng xe là sai quy định Thông tư 45/2012 của Bộ Công an.
 
Báo Công luận
 CSGT cứ nhìn chằm chằm vào ví người dân (Ảnh do báo Pháp luật cắt từ clip)
 
Báo Pháp luật TP.HCM yêu cầu: Làm rõ hành vi lục ví dân

Như vậy có thể xác định việc một CSGT xông xáo dừng, kiểm tra, xử lý cùng lúc nhiều xe theo clip đã không đúng quy trình. Cạnh đó, quá trình “xử lý” của nhóm CSGT này cho thấy hầu hết không lập biên bản vi phạm mà chỉ là “thỏa thuận” qua lại giữa CSGT với người dân và động tác rút ví từ phía người dân lại càng không đúng so với Thông tư 65/2012 của Bộ Công an.

Đặc biệt, báo Nhà Báo & Công Luận còn xác định trong số những người dân bị dừng xe có một người đàn ông bị dừng xe đưa tờ 100.000 đồng nhưng CSGT không đồng ý mà thò tay vạch ví tiền của người này xem rồi buộc đưa thêm mới được đi.

Trưa qua (5-3), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng PC67, cho biết sau khi nghe thông tin vụ việc, sáng 5-3, ông đã yêu cầu Đội CSGT Hàng Xanh xác định cụ thể bốn CSGT. Từ đó ngưng bố trí công việc để yêu cầu viết giải trình. Cũng trong buổi sáng cùng ngày, PC67 đã cử một tổ công tác làm việc với Đội CSGT Hàng Xanh và những cá nhân liên quan, làm rõ vụ việc, báo cáo Ban giám đốc Công an TP.
 
Báo Công An TP.HCM có bài viết Trưởng phòng CSGT - Công an TPHCM: Kiên quyết xử lý nghiêm CBCS sai phạm

Hai ngày qua, trên Báo điện tử Nhà báo & Công Luận có đăng bài, đính kèm đoạn video clip phản ánh một số hình ảnh phản cảm của bốn CSGT thuộc Đội CSGT Hàng Xanh – Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt - CATP.HCM trong việc lập chốt dừng xe xử lý người vi phạm vào ngày 4-3-2014 có biểu hiện tiêu cực. Chiều 5-3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thượng tá Trần Thanh Trà – Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt xung quanh vụ việc trên. Ông Trà cho biết:Thời gian qua, Ban chỉ huy Phòng CSGT đừơng bộ - đường sắt CATP đã có nhiều biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện nhằm nâng cao văn hóa ứng xử trong thi hành công vụ của CBCS làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý các vi phạm về TTATGT, nhằm xây dựng hình ảnh lực lượng CSGT trên mọi mặt công tác. Chúng tôi quán triệt tới từng CBCS thực hiện đúng quy trình, điều lệnh CAND về văn hóa ứng xử, tiếp xúc với nhân dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm của CBCS, nhất là lực lượng tuần tra thường xuyên tiếp xúc với người dân bằng cách cho mỗi CBCS phải học tập, rèn luyện cam kết không vi phạm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy cấp đội, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí, tự kiểm tra xử lý, nơi nào có CBCS vi phạm thì cấp ủy, chỉ huy bộ phận đó cũng liên đới trách nhiệm. BCH Phòng đã triển khai các đội điều lệnh vừa công khai vừa ghi hình bí mật để chấn chỉnh lại tư thế, tác phong trong công tác của CBCS. Kiên quyết xử lý khiển trách hoặc điều chuyển vị trí công tác, thậm chí chuyển ra khỏi lực lượng đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Chỉ trong tháng 2-2014, Phòng cũng đã xử lý 9 trường hợp vi phạm theo các mức độ khác nhau. Thông qua báo đài, chúng tôi kêu gọi người dân khi phát hiện được những hành vi sai phạm của lực lượng CSGT hãy đến trực tiếp gặp chỉ huy Phòng để bộ phận thanh tra tiếp nhận và xử lý nghiêm khắc, thông báo kết quả cho người dân biết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong nhân dân chấp hành tốt luật khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm không đưa tiền cho CSGT.

Đối với trường hợp bốn chiến sĩ CSGT Đội Hàng Xanh mà Báo điện tử Nhà báo & Công luận đề cập ngày 4-3, ngay thời điểm báo ra, BCH Phòng đã chỉ đạo xác minh tổ này gồm 4 đồng chí: thượng úy Trần Lê Công Thành (tổ trưởng); trung úy Nguyễn Thanh An, thiếu úy Nguyễn Chí Nam và thiếu úy Đặng Thanh Phúc đã có những sai phạm cụ thể như: không chào người vi phạm; đeo không đúng bảng tên; dừng tại một điểm quá lâu và nhiều phương tiện hơn quy định; không lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm giao thông. Hiện các đồng chí này đã bị tạm đình chỉ công tác để viết tường trình báo cáo Ban giám đốc CATP để xử lý một cách khách quan.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp với Thanh tra CATP gửi văn bản đến Ban Biên tập Báo điện tử Nhà báo & Công luận xin cung cấp băng hình liên quan đến vi phạm của tổ công tác trên để có cơ sở xử lý theo quy định và thông báo rộng rãi cho người dân biết.
 
Đời sống và Pháp luật online ngày 6/3/2014 có bài viết CSGT Hàng Xanh không còn lập chốt
Khu vực góc giao lộ Phạm Văn Đồng và đường số 17 (thuộc địa phận Q. Thủ Đức, TP.HCM) hôm nay (6/3) đã trở lại bình yên khi không có bóng dáng của lực lượng CSGT lập chốt xử lý vi phạm nữa.
Báo Công luận
 Đường số 17 ngày 6/3 trở nên thông thoáng (Ảnh Đời sống pháp luật online)
 
 Trở lại vị trí nơi 4 CSGT của Đội CSGT Hàng Xanh đứng chốt để thực hiện hành vi "vạch ví, lấy tiền người đi đường" như báo chí đã đăng tải, PV Đời sống và Pháp luật ghi nhận, khu vực góc giao lộ Phạm Văn Đồng và đường số 17 (thuộc địa phận Q. Thủ Đức, TP.HCM) đã trở lại bình yên khi không có bóng dáng của lực lượng CSGT lập chốt xử lý vi phạm nữa.

Theo quan sát, tuyến đường số 17 chỉ có độ dài chưa đầy 40 mét, nối liền giữa đường Kha Vạn Cân và đại lộ Phạm Văn Đồng. Đây chính là đoạn đường tắt để người dân lưu thông từ hướng Kha Vạn Cân qua đại lộ Phạm Văn Đồng mỗi khi xảy ra kẹt xe ở giao lộ Kha Vạn Cân - Quốc lộ 13.

Tuy nhiên tình trạng đường ngắn lại có hai khúc cua liền nhau nên người dân thường xuyên vi phạm về lỗi bật đèn xi nhan.
 
Ngày 5/3 trên báo Pháp luật TP.HCM tiếp tục có bài viết Bốn CSGT Hàng Xanh sẽ bị xử lý như thế nào?
 
Trước những hình ảnh quá rõ về hành vi nhận tiền từ người tham gia giao thông của các CSGT Hàng Xanh, người dân mong muốn có một hình thức xử lý rõ ràng cho vấn nạn tồn tại lâu nay của ngành giao thông.

Trưởng phòng CSGT Thượng tá Trần Thanh Trà cho biết đã chỉ đạo Đội chính trị hậu cần làm thông báo đề nghị các CSGT trong clip làm bản giải trình. Trước mắt, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ không phân công công tác bốn CSGT trên và báo cáo với Công an thành phố để tiếp tục có cách xử lý đúng quy định.

Sau vụ việc này, lãnh đạo PC 67, Công an TP.HCM nêu quan điểm khuyến khích người dân cũng như các cơ quan báo đài cung cấp những clip hình ảnh ghi lại các hiện tượng tiêu cực như trên để làm căn cứ xử lý những cán bộ trong ngành có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, “nhân vật chính” trong clip là những CSGT Hàng Xanh không có phát biểu gì về vụ việc này.

Căn cứ trên quy định của Pháp luật, Thông tư số 65/2012/TT-BCA không có điều khoản cho phép thả người vi phạm mà không lập biên bản xử lý. Những hình ảnh trong clip cho thấy người bị yêu cầu dừng xe đưa giấy tờ xe kèm tiền mặt trực tiếp cho CSGT và được trả lại giấy tờ rồi cho đi. Để xác định hành vi này của các CSGT này là nhận hối lộ thì cần phải làm rõ được số tiền họ nhận được để làm căn cứ buộc tội cũng như định tội.

Với tội nhận hối lộ từ hai triệu trở lên, người vi phạm sẽ bị khởi tố với mức án từ 7 đến 15 năm, trong đó cần hiểu hai triệu là tổng số tiền các CSGT thu được trong một ca trực. Nếu số tiền này dưới hai triệu, người nhận tiền vẫn có thể bị truy tố vì có hành vi phạm tội nhiều lần.
 
Ngày 6/3 báo điện tử VietNamNet đã xuất bản bài Đình chỉ tổ CSGT 'vạch ví' người đi đường
 
Tổ công tác của Đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ các sai phạm có liên quan đến đoạn clip do báo chí tác nghiệp.

Thượng tá Trần Thanh Trà – Trưởng phòng PC67 - Công an TP.HCM cho biết, ban chỉ huy phòng này vừa chỉ đạo Đội CSGT Hàng Xanh tạm thời không bố trí công tác đối với 4 cán bộ chiến sĩ thuộc tổ công tác làm nhiệm vụ trong sáng 4/3 vì có nhiều dấu hiệu vi phạm.

4 cán bộ CSGT bao gồm: thượng uý Trần Lê Công Thành, trung uý Nguyễn Thành An, thiếu uý Nguyễn Chí Nam và thiếu uý Đinh Thanh Phúc. Trong đó thượng uý Thành là tổ trưởng tổ công tác.
Theo đó, trong ngày 4/3, trên trang điện tử của 1 tờ báo có đăng bài viết kèm theo đoạn clip có thời lượng hơn 19 phút, tựa đề “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường”.

Nội dung thể hiện, sáng 4/3, tổ công tác của Đội CSGT gồm 4 cán bộ chiến sĩ đã lập chốt tại góc đường Phạm Văn Đồng – đường số 17, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức để xử lý người vi phạm giao thông.

Theo thông tin từ bài báo và hình ảnh từ clip, tổ CSGT đã có hành vi “vòi” mãi lộ một cách trắng trợn.

Thượng tá Trần Thanh Trà cho biết, ngay sau khi báo chí phản ánh, ban chỉ huy phòng PC67 đã chỉ đạo Đội Tổ chức chính trị và đội CSGT Hàng Xanh có báo cáo giải trình.
Báo Công luận

Theo giải trình của Đội CSGT, tổ công tác 4 cán bộ chiến sĩ trên được điều động tuần tra trong ca từ 6 – 10h sáng 4/3.

Khoảng 6h20 tại góc đường Phạm Văn Đồng – đường số 17, tổ công tác phát hiện nhiều phương tiện tham gia giao thông vi phạm nên dừng lại kiểm tra, xử lý đến 8h sáng cùng ngày.

Qua đó tổ đã lập biên bản vi phạm hành chính 15 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 6 trường hợp.

8h sáng 4/3, trung tá Trần Văn Thương – Đội trưởng đội CSGT Hàng Xanh đi kiểm tra trên đường phát hiện tổ công tác xử lý nhiều xe nên đã mời về làm việc. Phía phòng PC67 thông tin, việc trung tá Thương mời tổ công tác về làm việc có xác lập biên bản kiểm tra.

Phòng PC67 cũng thông tin, qua đoạn clip phản ánh và tường trình ban đầu của tổ công tác, đã xác định tổ công tác đã có 1 số vi phạm như: không chào người vi phạm; đeo bảng tên không đúng quy định; dừng lại 1 điểm quá 15 phút để kiểm soát, xử lý các phương tiện giao thông; dừng kiểm soát, xử lý cùng lúc từ 3 phương tiện giao thông trở lên; không lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm giao thông…

Bước đầu, tổ công tác trên đã tạm thời bị đình chỉ công tác. Phòng PC67 cũng có văn bản đề nghị cơ quan báo chí cung cấp tài liệu bài viết, băng ghi hình liên quan để có căn cứ xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
 
Ngày 7/3 báo điện tử giaoduc.net.vn có bài 4 CSGT phủ nhận vạch ví người đi đường
 
Bốn CSGT Hàng Xanh đã được cho xem lại clip “thản nhiên vạch ví người đi đường”, tuy nhiên, tất cả đều khẳng định họ không có hành vi như phản ánh. 
 
Đề nghị cung cấp chứng cứ

Trả lời báo chí Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường sắt – đường bộ (PC 67) Công an TPHCM cho biết, trong thời gian tiến hành xác minh, PC 67 TP.HCM đã yêu cầu Ban chỉ huy Đội CSGT Hàng Xanh tạm đình chỉ công tác 4 CSGT nói trên. Riêng đối với cơ quan phát tán clip “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví tiền người đi đường”, PC67 TP Hồ Chí Minh đã có công văn số 311/CSGT-TCCT ngày 5/3/2014 gửi đến đề nghị cung cấp clip để có cơ sở vào cuộc điều tra. Sau khi có kết quả cuối cùng, phòng PC67 sẽ có báo cáo gửi Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TP.HCM xem xét chỉ đạo xử lý.
 
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa phân tích, sau khi đọc và xem video trang báo mạng có đặt tít “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường”, tôi thực sự sốc với cách đặt vấn đề như vậy, nếu như bài báo nói thì kết luận này được hiểu lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ có hành vi công nhiên và tự ý chiếm đoạt tài sản của người đi đường, đây là một kết luận hoàn toàn sai so với bản chất khách quan của sự việc, sẽ gây nên sự hiểu nhầm của người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Báo chí chỉ được quyền phản ánh, đưa tin đúng sự thực khách quan của vụ việc chứ không có được quyền kết luận một người nào đó có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác nếu không có bằng chứng chứng minh theo quy định của pháp luật, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tòa án nhân dân mới có quyền phán quyết được một người nào đó có hay không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Báo Công luận Hình cắt từ clip

Đồng tình với ý kiến này, Đại tá – Nhà báo Trần Danh Bảng, nguyên Trưởng Phòng điện tử Báo Quân đội Nhân dân bình luận, cách viết của trang báo mạng như vậy là “hàm ngôn”, hướng người đọc hiểu thế nào thì hiểu, như vậy đối với phát ngôn của một cơ quan báo chí như vậy thì rất nguy hiểm, gây sự hiểu lầm cho dư luận xã hội hiểu sai về lực lượng cảnh sát giao thông. Tôi thấy việc Công an TP HCM tạm đình chỉ 4 CSGT là cần thiết và nghiêm minh, tuy nhiên khi xem toàn bộ clip trên tờ báo mạng, bước đầu cho thấy những cảnh sát giao thông Hàng Xanh chỉ mới có biểu hiện sai quy trình nghiệp vụ, xem toàn bộ clip tôi chưa hề thấy có hình ảnh nào rõ nét hành vi “vạch ví lấy tiền người đi đường” cả.

Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Trần Văn Đức, Đoàn Luật sư Hà nội nói, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên mời đại diện cơ quan báo mạng và người phóng viên viết bài đến làm việc để điều tra xác minh rõ sự việc, nếu đúng cơ quan CGST có hành vi “thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường” thì phải xử lý nghiêm minh và thông báo rộng rãi cho dư luận được biết, còn nếu không có bằng chứng chứng minh việc CGST có hành vi “thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường” thì cũng phải xem xét rõ hành vi vi phạm của cơ quan báo chí và phóng viên viết bài trên và cũng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7) cho biết: Ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh về vụ việc Cảnh sát giao thông (CSGT) Hàng Xanh, TP Hồ Chí Minh có biểu hiện vi phạm, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng Cục 7 và Công an TP Hồ Chí Minh xác minh, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Về phía Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, ông đã nhiều lần nhấn mạnh “Bộ Công an đã chỉ đạo nhiều biện pháp phòng ngừa tiêu cực trong CSGT. Tuy nhiên, cho rằng những nỗ lực từ trong ngành là không đủ, Đại tướng Trần Đại Quang kêu gọi nhân dân cả nước và báo chí tiếp tục cung cấp thông tin về những hiện tượng CSGT vi phạm tiêu cực để lãnh đạo Bộ kịp thời xác minh và xử lý. Bộ trưởng cũng kêu gọi mọi người không nên dùng tiền, đưa cho CSGT nếu như mình vi phạm. Nếu CSGT vòi vĩnh và đòi hối lộ thì kiên quyết đấu tranh và tố cáo với cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý".

Qua vụ việc CSGT Hàng Xanh lần này thiết nghĩ, người dân và cơ quan báo chí cùng phối hợp với cơ quan chức năng (CSGT và Bộ Công an) trong việc cung cấp chứng cứ như lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Công an. Biết rằng, trong ngành nào cũng có thể có “con sâu làm rầu nồi canh”, tuy nhiên không vì một việc chưa có kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng mà đã vội vàng quy kết, gây hoang mang cho dư luận. 
 
 
Tổng hợp

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn