Truyền thông 2018: Vực dậy niềm tin từ độc giả!

Thứ hai, 31/12/2018 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chưa bao giờ câu hỏi về trách nhiệm của báo chí trước xã hội, trước độc giả lại đặt ra gay gắt như hiện nay. Truyền thông, báo chí 2018, trong dòng chảy ào ạt của công nghệ, trong sự xói mòn lòng tin của công chúng, bằng chính chức năng nội tại của mình, một lần nữa nỗ lực vực dậy niềm tin nơi độc giả!

Trong khi chúng ta đang thảo luận, loay hoay về ứng xử với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) thì Thung lũng Silicon đang thao tác chuẩn bị cách mạng 5.0. Báo chí trong cách mạng 4.0, cần có tư duy và làm nghề thích hợp, trong đó nếu thiếu phản biện và tương tác xã hội sẽ mất sức sống, mất công chúng và đương nhiên khó hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền chính trị.

1. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho nghề báo ngày nay khác hẳn so với trước kia, vừa thuận lợi lại như một thách thức. Intenet cho phép nhà báo truy cập để tìm tư liệu rất nhanh và dễ dàng. Vài chục năm trước để làm việc ấy, người ta có khi phải dùng nhiều giờ trong thư viện, trước các đống tài liệu đồ sộ, còn bây giờ có khi chỉ là cú click chuột 5-10 phút. Mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin béo bở nhưng cũng là một cái bẫy. Mà khó khăn nhất, thách thức lớn nhất là cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội, một cuộc chạy đua thông tin đôi khi không cân sức về độ nhanh và tính thiếu kiểm chứng. Và trong cuộc đua tranh ấy, đáng tiếc thay, báo chí đang mất dần độc giả. Khi thông tin được người ta tiếp nhận rất nhanh qua các nguồn khác, thì báo chí không còn có “thẩm quyền” về thông tin nữa. Điều này kéo theo cả việc “lu mờ” vai trò của báo chí trong xã hội. Trước đây, công chúng được thông tin chủ yếu từ báo chí, vì vậy báo chí được coi như một “quyền lực”, việc hành nghề cũng được xã hội tôn trọng, tạo điều kiện hơn. Tất cả những điều đó, buộc báo chí để tồn tại phải chứng minh được rằng “tin của nhà báo thì khác tin trên mạng xã hội”, không phải bằng việc làm khác đi sự thật, né tránh sự thật, mà là một sự thật đã được kiểm chứng và có lợi cho xã hội, cho đất nước. Nhà báo không phải chỉ là người dùng công cụ để đưa tin, mà nhà báo là người biết xử lý thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Tin của báo chí khác tin trên mạng xã hội ở chỗ phải có trách nhiệm của tòa soạn báo, của nhà báo trong mỗi dòng tin. 

Mạng xã hội có làm mất thị phần của báo chí? Đó từng là một lo ngại nhiều năm trước và đến nay câu trả lời là nó đang diễn ra. Trong dòng chảy đầy thách thức ấy, không thể không thẳng thắn nhận ra đâu đó trong hệ thống đã có sự xen lẫn của những luồng thông tin thiếu kiểm chứng, đã thấy thấp thoáng nguy cơ a dua, thiên lệch về quan điểm, đặc biệt là xu hướng giật gân câu khách tạo ra một phần tâm lý bi quan về hiện thực xã hội trong dư luận… Trong cuộc gặp gỡ chúc mừng báo chí nhân 93 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra hiện tượng một số tờ báo, nhà báo chạy theo yếu tố thương mại, giật gân, câu khách, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, gây bức xúc xã hội... Thủ tướng thậm chí đã đề cập đến một sự thật: “Những người làm báo chân chính rất bất bình trước những trường hợp “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin trên báo chính thống mà viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội”.

Báo Công luận
 

2.“Các nhà báo không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi chúng ta còn khoác trên mình trách nhiệm to lớn với xã hội”. Đây là nhấn mạnh của Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh khi đề cập đến một đề tài thời sự nóng bỏng của báo chí: Cuộc chiến chống lại fake news (tin giả).

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống bởi sự dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc mạng xã hội. Fake news thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống. Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện ra rằng, fake news hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử của một quốc gia hàng đầu thế giới, trong khi tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh thế giới như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.

Ở Việt Nam, ban đầu, tin giả chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sỹ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín. Rồi đến những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh tận bên kia thế giới, xảy ra từ khá lâu trong quá khứ... để rồi nhân vật trong hình nhận đủ loại “gạch đá” mà không một ai quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Đã có một số trường hợp đăng tải nội dung bịa đặt bị xử phạt, nhưng dường như tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Có thể ai đó sẽ yên tâm khẳng định rằng, người dùng tin vào báo chí. Oái oăm thay, báo chí cũng mắc bẫy tin giả - không chỉ ở Việt Nam mà nhiều báo lớn của nước ngoài cũng vậy. Đó là chưa kể nhiều nhà báo vô tình chia sẻ các thông tin giả hoặc không rõ nguồn gốc, và góp phần phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thậm chí sai lệch đó. Tệ hại hơn là tình trạng giả mạo các cơ quan báo chí chính thống bằng các website có tên miền gần giống, hoặc các fanpage, các tài khoản mạng xã hội.

Trong khi fake news khuynh đảo xã hội và có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo và thật đáng buồn khi không ít tòa soạn thậm chí áp dụng cách làm nguy hiểm “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết”. Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không được kiểm chứng, không đảm bảo công bằng và cân bằng - giá trị cốt lõi của báo chí. Fake news, cùng với những sai lầm của nhiều cơ quan báo chí trong cuộc chạy đua tuyệt vọng với mạng xã hội để giành giật độc giả và nguồn thu quảng cáo, đã khiến cho sự tín nhiệm của công chúng với báo chí giảm sút...

Báo chí cũng phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật, chờ các công ty công nghệ thay đổi thuật toán hay chờ người dùng trở nên thông minh hơn để tự xa lánh fake news. Chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay. Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là một câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn và bản thân các nhà báo. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí mà nó còn quan trọng với sự ổn định xã hội.

Báo Công luận
 

3. Câu chuyện về báo chí tạo dựng niềm tin cho xã hội không phải bây giờ mới được nhắc đến. Cũng không phải vô tình mà tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiều lần: “Báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên chúng ta phải là người được tin cậy nhất trong xã hội” bởi trong khi hoạt động tác nghiệp báo chí, sự tương tác với bạn đọc thay đổi so với truyền thống, thì có một vấn đề báo chí vẫn giữ nguyên, bất biến xuyên suốt quá trình phát triển của báo chí, đó là “đạo đức nghề nghiệp”. Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội, không ngẫu nhiên mà từ rất lâu rồi, dân ta có câu “Nói hay như đài”, hay “Báo đăng đây này”. Câu nói mộc mạc ấy có hàm ý tích cực: Đã là đài nói, báo đăng thì chỉ có đúng, trung thực, chính xác. Thế nên có một thời người dân từng động viên, cổ vũ nhau học tập, làm theo những điều đài nói, báo đăng. Niềm tin mà đông đảo thính giả, khán giả, độc giả dành cho các cơ quan báo chí từng là niềm vinh dự, tự hào của những người cầm bút chân chính! Nhưng trước guồng quay nghiệt ngã của cơ chế thị trường, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo có xu hướng chạy theo thị trường, các báo điện tử muốn tồn tại đòi hỏi phải lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm thông tin - thậm chí là “cuộc chiến” cạnh tranh thông tin - vô cùng quyết liệt.

Trong cuộc chạy đua đó, có người tỉnh táo, minh mẫn, biết giữ “đạo cầm bút”“lòng thẳng dạ ngay” nên vẫn còn đủ sức bền để bước tiếp con đường đã chọn. Tuy nhiên, cũng có người hấp tấp, vội vàng, lại thiếu kiên tâm giữ “lửa nghề” và bị chuếnh choáng, liêu xiêu bởi “cái bả” vật chất, danh lợi nên đã “sa chân, lỡ bước”, tự đào thải chính mình và “phản bội” cái nghiệp đã một thời từng thiết tha say đắm. Thật lòng mà nói, nghề báo tuy có tổn thất dăm bảy người cầm bút vì bản lĩnh non, phẩm chất kém, trách nhiệm tồi... cũng chả sao. Nhưng mất mát lớn hơn, đấy chính là niềm tin của công chúng với giới báo chí bị lung lay, chao đảo!

Tôi vẫn tin rằng những người làm báo chân chính mà Thủ tướng nhắc tới vẫn đủ niềm tin trong sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay, báo chí càng cần có mặt để làm nơi neo đậu niềm tin cho xã hội, với điều kiện người làm báo phải thực hiện bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình. Nếu không làm được điều đó, độc giả không cần báo chí nữa. Nếu thông tin trên mạng và trên báo chí không khác gì nhau, độc giả chỉ cần mạng xã hội là đủ thì báo chí không còn lý do tồn tại. Báo chí muốn tồn tại, phải để độc giả tìm được niềm tin ở đó. Vị trí của nhà báo trong xã hội do chính các nhà báo tạo ra. Nhà báo giỏi, có tâm, có đức, phụng sự lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội thì được xã hội tôn trọng, đánh giá cao. 

Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng - thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình - để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu. Vị trí của nhà báo trong xã hội do chính các nhà báo tạo ra. Không thể đòi hỏi xã hội coi trọng nếu nhà báo không phụng sự xã hội, phụng sự đất nước và nhân dân mình.

Khánh An

Tin khác

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

(CLO) Ngày 18/3, Trung tâm Báo chí TP.HCM khai giảng lớp bồi dưỡng người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức từ ngày 18 đến 25/3. Tham gia tập huấn có 300 học viên là cán bộ các sở ngành, UBND quận huyện, phường xã.

Nghề báo
Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

(CLO) Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.

Nghề báo
Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, sáng 16/3 đã diễn ra buổi lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày Chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024: 99 chuyện nghề.

Nghề báo
Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

(CLO) Nhận định chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng "cơ hội chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra".

Nghề báo
Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

(CLO) Tiếp tục nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, sáng 16/3, phiên thảo luận về “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” đã được diễn ra.

Nghề báo