Truyền thông thế giới 2017: Khi những “ông lớn chịu “sửa mình”

Chủ nhật, 31/12/2017 16:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Công nghệ, mạng xã hội, chủ đạo là Facebook tiếp tục là chủ thể “khuấy động” đời sống truyền thông thế giới năm 2017. Nhưng năm 2017 cũng là năm, dưới áp lực của những chỉ trích ngày càng gay gắt từ nhiều phía, các “ông lớn” mạng xã hội đã phải đồng loạt tiến hành hàng loạt những động thái “sửa mình”.

Facebook: Tiếp tục “lấn sân” để củng cố vị thế

Tới giờ này, “ông Vua” mạng xã hội Facebook đã không thể che giấu mưu đồ thôn tính cả thế giới truyền thông tin tức của mình. Bởi, nhìn lại những gì mà Facebook đã làm: từ việc cho ra đời ứng dụng Live Stream Video, Instant Articles khiến hàng tỷ người trên thế giới phải tìm đến để xem tin tức, hàng loạt tờ báo phải tìm đến cậy nhờ như một “cầu nối” hữu dụng để tiếp cận độc giả, đến những “liên đới” trực tiếp tới bê bối tin tức giả mạo… đã cho thấy Facebook đã trở thành một thế lực truyền thông mạnh nhất hành tinh.

Báo Công luận
"Cha  đẻ" Facebook Mark Zuckerberg. 
Tuy nhiên, những gì đã sở hữu trong tay vẫn chưa thể làm “đức Vua” thỏa mãn. Năm 2017 chứng kiến nhiều động thái “lấn sân” để củng cố vị thế  thống trị trên địa hạt truyền thông của Facebook. Được chú ý nhiều nhất là việc mạng xã hội lớn nhất hành tinh bắt đầu sản xuất các series truyền hình và trò chơi truyền hình chất lượng cao để trình chiếu trên nền tảng mạng xã hội. Kế hoạch lấn sân sang địa hạt truyền hình của Facebook được manh nha từ năm 2016 và lan truyền rộng rãi từ tháng 5/2017. 

Theo đó, Facebook đã chuẩn bị 24 chương trình truyền hình chia thành 2 loại nội dung khác nhau. những nội dung tầng cao sẽ tập trung vào các chương trình TV truyền thống, có thời lượng dài hơn và chiếm nhiều ngân sách. Những nội dung tầng thấp sẽ gần giống với các chương trình đã có trên những nền tảng truyền thông mạng xã hội hiện nay như các đoạn clip ngắn từ 5 đến 10 phút, có ngân sách nhỏ với các tập mới cập nhật gần như hằng ngày. 

Chưa hết, trước đó, báo chí đã rộ lên thông tin Facebook Inc đàm phán với các hãng phim Hollywood (Mỹ) để sản xuất chương trình truyền hình, phim, game show chất lượng cao trình chiếu trên mạng xã hội của họ. Trong cuộc “lấn sân” truyền hình này, Facebook không phải là người tiên phong nhưng tham vọng, nhiều tiềm lực, giàu lợi thế, Facebook hoàn toàn có thể tự tin về hành trình chinh phục mới của mình.

Lợi nhuận khổng lồ và những lời phán xét

Ngoài nỗ lực “lấn sân” để củng cố vị thế trên địa hạt truyền thông, năm 2017 chứng kiến việc Facebook tiếp tục giành về cho mình những chiến tích mà bất cứ đối thủ nào cũng thèm muốn: Doanh thu đạt kỷ lục, số lượng khách hàng doanh nghiệp trả tiền quảng cáo cao kỷ lục, tốc độ tăng trưởng và mở rộng kỷ lục. Chỉ riêng Qúy 3/2017, lần đầu tiên Facebook đạt doanh thu vượt quá con số 10 tỷ USD, cụ thể là 10,33 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, năm 2017 cũng là năm Facebook cũng như các mạng xã hội, các trang chia sẻ phải hứng chịu vô số những chỉ trích gay gắt, trong đó “tâm điểm” của mọi chỉ trích là nạn tin tức giả, thông tin, hình ảnh xấu độc, phản cảm lan tràn trên các trang này, gây nên những hệ lụy tiêu cực tới cộng đồng xã hội. Chamath Palihapitiya, một cựu lãnh đạo cấp cao của chính Facebook đã phải chua chát thừa nhận ông cảm thấy “vô cùng tội lỗi” về những gì ông đã làm để xây dựng “các công cụ đang xé nát cơ cấu vận hành của xã hội”, tạo nên những “thông tin sai lệch, niềm tin sai lệch”, thậm chí ông còn khuyên mọi người nên nhanh chóng… cắt đứt dứt khoát với mạng xã hội này. 

Báo Công luận
 
Uỷ ban các tiêu chuẩn đời sống công cộng Anh đã kêu gọi Thủ tướng Anh hỗ trợ pháp luật “chuyển cán cân trách nhiệm về các nội dung không hợp pháp sang các công ty truyền thông xã hội”. Đức đã thông qua một điều luật yêu cầu các mạng xã hội phải loại bỏ các nội dung kích động thù địch ngay lập tức hoặc đối mặt với án phạt. Nỗi bất bình lớn đến mức, cả những doanh nghiệp, những người tưởng như chỉ quan tâm đến lợi nhuận cũng đã phải lên tiếng và có động thái đáp trả gay gắt. Tháng 3/2017, hơn 250 doanh nghiệp đã từ chối quảng cáo trên YouTube sau khi tờ The Times đăng tin về việc quảng cáo của hàng loạt công ty lớn xuất hiện bên cạnh các video của các phần tử khủng bố. Tháng 11/2017, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt ngưng quảng cáo trên YouTube sau khi quảng cáo của họ xuất hiện trên những video ấu dâm vô cùng phản cảm…

“Các “ông lớn” cầu thị “sửa mình”

Cũng chính bởi những phản ứng, chỉ trích ấy, sau những lẩn tránh,  cả Facebook, Google- chủ sở hữu của website chia sẻ video trực tuyến YouTube, và nhiều trang mạng khác đã buộc phải thể hiện sự cầu thị. “Cha đẻ” Facebook - ngài Mark Zuckerberg - đã phải lên tiếng tuyên bố: “Bảo vệ cộng đồng và người sử dụng là sứ mệnh quan trọng hơn việc tối đa hóa lợi nhuận”. Một trong những lãnh đạo cấp cao của Google cũng lên tiếng: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi các đối tác và nhà quảng cáo, những người có thể đã bị ảnh hưởng bởi quảng cáo của họ xuất hiện trên các nội dung gây tranh cãi”, đồng thời hứa hẹn sẽ có cuộc kiểm tra dịch vụ toàn diện.

Hứa là buộc phải làm và làm ngay. Tháng 12/2017, Facebook tuyên bố triển khai kế hoạch “xử” những nội dung được đăng tải lên mạng xã hội với mục đích “câu” Like, “câu” tag, “câu” share và “câu” comment. Cũng trong tháng 12, Facebook đã tuyên bố sẽ bắt đầu thử nghiệm một hệ thống cho phép người dùng đánh dấu bằng một lá cờ đối với các tin tức mới trên bảng tin của mình nếu họ nghi ngờ đây là thông tin thất thiệt. Trang mạng xã hội này sẽ hợp tác với các tổ chức như trang web chuyên về việc kiểm tra thông tin giả Snopes và 2 hãng tin lớn là ABC News và AP để thẩm định tính xác thực của tin tức hay các câu chuyện. Nếu một thông tin đăng trên Facebook bị các tổ chức trên xác định là bịa đặt, nó sẽ bị đánh dấu là “tin nghi vấn” và dẫn liên kết đến bài viết tương ứng giải thích về điều này.

Năm 2017 có thể coi là năm vẫy vùng trong scandal của kênh truyền hình Mỹ CNN. Đầu tiên là quan hệ căng thẳng với Nga khi kênh này tung ra những thông tin cho rằng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.  Nhưng ồn ào hơn cả là những cuộc “đối đầu” ồn ã giữa CCN và Tổng thống Donal Trump. Làng báo thế giới vẫn còn nhắc đến cuộc họp báo đầu tiên với tư cách Tổng thống đắc cử Mỹ ngày 11/1/2017 tại New York. Tại đây, ông Donald Trump đã thẳng thừng nói CNN là “hãng tin vịt”, một “tổ chức tồi tệ” và từ chối trả lời phỏng vấn phóng viên kênh truyền hình này.

YouTube cũng có những động thái cương quyết không kém. Tháng 12/2017, Youtube cắt quảng cáo trên 50.000 kênh vì nội dung tiêu cực với trẻ em, chấm dứt hoạt động của hơn 270 tài khoản và loại bỏ hơn 150.000 video trên nền tảng của họ. YouTube cũng tắt chế độ bình luận của hơn 625.000 video là mục tiêu quan tâm của những đối tượng có ý đồ xấu với trẻ. 

Cùng với những động thái “dọn dẹp” các nội dung video, bình luận không phù hợp, YouTube cũng tiến hành điều tra nguyên nhân xảy ra tình trạng các lệnh tìm kiếm tự động điền thêm vào những từ ngữ liên quan tới ấu dâm. Cũng theo chuỗi động thái “sửa mình” này, cũng trong tháng 12/2017, gã khổng lồ công nghệ Google cũng tuyên bố sẽ áp biện pháp ngăn chặn, không cho những trang web tin tức mạo nhận nguồn gốc xuất xứ hay quốc gia xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm trên công cụ Google News.

Đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu bởi làn sóng tẩy chay từ các nhà quảng cáo, cả Google lẫn Facebook đều tung một lượng lớn nhân sự vào công việc sàng lọc, xóa bỏ thông tin xấu, giả mạo, phản cảm. Tháng 12/2017, Ban lãnh đạo Google quyết định thành lập một nhóm chuyên trách gồm khoảng 10.000 nhân viên, có nhiệm vụ sàng lọc các nội dung xấu và cực đoan được đăng tải trên YouTube. Cũng trong tháng 12/2017, luật sư Colin Stretch của Facebook cho biết công ty sẽ tuyển dụng thêm 10.000 nhân viên trong năm 2018, nhằm xóa bỏ các tin tức giả mạo và thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng tới dư luận trên toàn thế giới.

Chống tin tức giả mạo: Cuộc “đại chiến” vẫn tiếp diễn

Tin tức giả mạo từ lâu đã được xem là “vấn nạn” toàn cầu với những hệ lụy khôn lường. Vì thế xử lý “vấn nạn” này như thế nào không dừng lại ở những nỗ lực của riêng các trang mạng xã hội như Facebook mà đã trở thành cuộc “đại chiến” đầy cam go, diễn ra tại nhiều quốc gia trong năm 2017. Đức là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới mạnh tay xử lý tình trạng tin tức giả mạo, thất thiệt trên mạng xã hội. 

Sau hai năm thành lập một nhóm đặc nhiệm để theo dõi và xóa bỏ các “phát ngôn thù hận bất hợp pháp trên Internet”, Chính phủ Đức đã đề xuất xử phạt các mạng xã hội không chịu kiểm soát và xóa các thông tin giả, thất thiệt. Cụ thể, chính phủ Đức ngày 5/4 đã thông qua khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro (53 triệu USD) đối với các tập đoàn truyền thông xã hội lớn như Twitter và Facebook nếu những tập đoàn này không xóa đi những tin tức giả mạo và những phát ngôn gây thù hận được người dùng báo cáo trong vòng một tuần.

Philippines và Indonesia trở thành quốc gia châu Á tiên phong trong việc ban hành đạo luật phạt tội tung tin giả mạo. Đạo luật này được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký ngày 31/8. Theo đó việc truyền bá các thông tin giả mạo tại nước này bị coi là phạm tội hình sự và hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD). Đúng ngày Báo chí Indonesia - National Press Day - ngày 9/2/2017, Hội đồng Báo chí Indonesia, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Indonesia sau một thời gian dài “hợp sức” nghiên cứu, đã chính thức tung ra một giải pháp chống tin tức giả mang tên “barcode system - hệ thống mã vạch truyền thông”

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã cho củng cố cái gọi là đội đặc nhiệm về truyền thông nhằm tăng cường nỗ lực chống lại vấn nạn phát tán và truyền bá thông tin giả mạo trên internet. 

Báo Công luận
Thương vụ ATT&T thâu tóm Time Warner gây ồn ào suốt năm qua. 
Ngày 28/2/2017,  dưới sự phối hợp điều hành của hai gã khổng lồ công nghệ là Facebook và Google cùng Hiệp hội phi lợi nhuận First Draft News, khoảng 250 nhà báo đến từ 37 đơn vị truyền thông tại Pháp và nhiều nước trên thế giới đã bắt tay vào việc triển khai dự án “CrossCheck”.  Theo đó, bất kỳ độc giả nào có mong muốn “CrossCheck” kiểm chứng thông tin mà họ đọc hoặc nghe được thì đều có thể điền vào mẫu trực tuyến dưới hình thức ẩn danh, trên trang web https://crosscheck.firstdraftnews.com hoặc trên các website riêng của các đơn vị đối tác tham gia dự án này.  Nếu được phê duyệt là tin tức chính thống, hệ thống sẽ cho phép cập nhật các thông tin này lên các trang báo. Ngày 3/4/2017, liên minh Sáng kiến Minh bạch Tin tức với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ và đơn vị học thuật toàn cầu đã công bố kế hoạch hợp tác chống nạn “tin tức giả” (fake news) cũng như thúc đẩy hiểu biết của công chúng về báo chí.

Năm của những thương vụ “tỷ đô”

Làng truyền thông thế giới năm 2017 rộn rã bởi hàng loạt những thương thương vụ mua bán lớn. Những ngày cuối cùng của năm, giới truyền thông giải trí được phen chấn động khi gã khổng lồ giải trí Mỹ Walt Disney tuyên bố mua lại mảng kinh doanh giải trí của công ty truyền thông đa quốc gia 21st Century Fox với giá 52,4 tỷ USD. Việc ông Murdoch chuyển hướng từ bành trướng sang bán bớt tài sản của hãng 21st Century Fox được xem là một quyết định bất ngờ, bởi ông được kỳ vọng sẽ trao lại quyền điều hành công ty cho hai con trai mình là James và Lachlan. 

Trước đó, giới truyền thông cũng choáng váng trước thông tin Tập đoàn truyền thông Mỹ Meredith đồng ý “móc hầu bao” tới 2,8 tỷ USD để sở hữu Time Inc. Tập đoàn Meredith đang nắm trong tay hàng loạt những tờ tạp chí thuộc hàng “top” như Parents, Shape, Better Homes & Gardens… Time Inc sở hữu hàng loạt những tờ tạp chí cực danh tiếng như People, Sports Illustrated, Fortune and Entertainment Weekly. Vì thế, có được Time Inc trong tay, Tập đoàn Meredith không khác gì “hổ mọc thêm cánh”.

Nếu như toàn cảnh thế giới 2017 ghi một “điểm nhấn” là cuộc khủng hoảng vùng Vịnh thì truyền thông thế giới 2017 cũng có “điểm đỏ” Al Jazeera. Kênh truyền hình danh tiếng này được xem là tác nhân gây nên cuộc khủng hoảng này. Hầu hết các nước thành viên của Hội đồng Vùng Vịnh đều coi Al Jazeera là công cụ trong chính sách ngoại giao của Qatar nhằm gây bất ổn khu vực trong đó có việc thúc đẩy các phong trào Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là Anh em Hồi giáo. Thậm chí, Al Jazeera bị coi là “kẻ phản bội” trong thế giới truyền thông Arab. Tất nhiên, về phần mình, cả Qatar và Al Jazeera đều phủ nhận mọi cáo buộc.

Ồn ào không kém là việc ngày 20/11 Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện phản đối thương vụ nhà mạng AT&T mua lại Time Warner. Tuy nhiên, phía AT&T không hề chùn bước, thậm chí còn công khai tuyên bố sẽ đấu tranh tới cùng để bảo vệ thương vụ sáp nhập đã được họ thúc đẩy từ tháng 10/2016. Đơn giản, thương vụ này là “canh bạc” quá đỗi hấp dẫn với AT&T. 

Bỏ ra tới 85 tỷ USD và phải đeo đuổi một hành trình tranh đấu dài và cam go nhưng tất cả sẽ chẳng là gì với AT&T nếu so với việc tập đoàn này sẽ trở thành một đế chế truyền thông Internet mới, sở hữu hàng loạt kênh giải trí tiếng tăm như kênh truyền hình hàng đầu thế giới như HBO, CNN, TNT, hãng phim nổi tiếng Warner Bros, hãng sản xuất phim Harry Porter; Turner Broadcasting... Chưa hết, hòa hợp với Time Warner đồng nghĩa với việc AT&T đã đón đầu cái gọi là xu hướng hội tụ truyền thông mới: viễn thông và truyền thông.

Báo in - tiếp tục một năm buồn

Vẫn nằm trong vòng quay suy thoái không thể cưỡng lại, năm 2017 tiếp tục chứng kiến những tin tức ảm đạm từ kinh doanh báo in. Đúng vào năm tròn tuổi 50, Rolling Stone - tờ tạp chí nổi tiếng bậc nhất chuyên về âm nhạc, chính trị và văn hóa đại chúng, được ví là “Hòn đá tảng” trong làng báo chí âm nhạc thế giới – lại bị rao bán. Quyết định bán đi toàn bộ cổ phần kiểm soát tạp chí của ông Jann Wenner sau 50 năm thành lập cho thấy tạp chí đã đi đến điểm kịch trần của sự khó khăn.

Dù đã quyết định chuyển từ báo in sang báo điện tử, Rolling Stone vẫn rơi vào tình trạng sụt giảm thê thảm lượng phát hành. Ngày 29/9, nhật báo nổi tiếng Wall Street Journal (WSJ), thuộc Tập đoàn News Corp đã dừng bản in tại châu Âu, sau đó tại châu Á. Tháng 4, tập đoàn in lớn nhất Canada Transcontinental tiếp tục rút khỏi xuất bản báo chí khi công bố bán gần 100 tờ báo địa phương vì doanh thu quá thấp. Ngoài chuyện kinh doanh, làng báo in cũng chứng kiến sự mất mát lớn sau sự ra đi của Hugh Hefner- “cha đẻ” của Playboy và  Samuel Irving Newhouse Jr, Chủ tịch của Tập đoàn truyền thông Condé Nast.

Báo Công luận
Giám đốc ICIJ Gerald Ryle (Trái) và nhà báo Pháp Ge'rald Daret cùng thảo luận vụ hồ sơ Paradise. 
Nếu có tin vui nào cho làng báo năm 2017 có lẽ chỉ hai câu chuyện. Đó là việc năm 2017, cho dù máu của người làm báo vẫn đổ, vì những dòng tin, bức ảnh, thì con số 65 nhà báo bị thiệt mạng, đã khiến năm 2017 trở thành là năm “ít mất mát” nhất trong thập kỷ qua đối với giới báo chí. Bên cạnh đó, thành công của các nhà báo trong việc điều tra và công bố hồ sơ Paradise cũng là một “nốt nhạc vui” trong bản nhạc trầm buồn báo in năm qua.

Ngày 5/11/2017, hàng loạt trang web trên thế giới đồng loạt công bố hồ sơ Paradise do Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế cung cấp. Hồ sơ Paradise tiết lộ các nhân vật nổi tiếng, các nhà chính trị, các công ty và tập đoàn đa quốc gia đã tìm đến các “thiên đường thuế” để tránh phải nộp thuế cao ở nước sở tại.  Do số lượng tài liệu quá nhiều, phải đến hơn 13,5 triệu tập tin, báo Süddeutsche Zeitung liền chuyển cho Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Cũng như những lần xử lý tài liệu điều tra trước đây, ICIJ đã huy động 360 phóng viên thuộc 96 cơ quan báo chí của 67 quốc gia cùng tham gia xử lý dữ liệu một cách bí mật và cẩn trọng hết mức có thể.❏

Hà Trang

 

Tin khác

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo
Phát động cuộc thi báo chí về công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” tỉnh Ninh Bình năm 2024

Phát động cuộc thi báo chí về công tác sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ” tỉnh Ninh Bình năm 2024

(CLO) Thông qua cuộc thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng, mục tiêu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng “Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Nghề báo