Truyện tích về một vị Tông sư - Kỳ cuối

Thứ sáu, 03/04/2015 14:16 PM - 0 Trả lời

Truyện tích về một vị Tông sư - Kỳ cuối

(congluan.vn) - Sau khi thâu phục hai đệ tử giỏi và trở thành Huấn sư, Tông sư Minh Trí tiếp tục thâu nhận thêm hai đệ tử "cao tay" nữa. Từ đây ngài truyền thụ giáo pháp cho các đệ tử và khai lập Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPHVN)...
 
 
Báo Công luận 
 
Lời tiên tri
 
Đệ tử thứ 3 của Tông sư Minh Trí là Huấn sư Đinh Văn Ninh (1879 - 1965) pháp danh Như Tuyền, người xã Mỹ Thuận, tổng Phong Phú, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay - PV). Ông thông nho và y học, am tường Tam giáo. Năm 41 tuổi, nhờ cơ duyên đến, Tông sư đến tận nhà thuyết đạo, ông lãnh hội và xin thọ giáo quy y. Sau khi thọ giáo, ông cùng một số đệ tử khai khẩn đất hoang vùng Đồng Tháp Mười, tạo sinh kế để tín đồ chăm lo cuộc sống và thành lập nhiều hội quán khắp miệt Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long...
 
Báo Công luận 
 Huấn sư Như Tuyền - Đinh Văn Ninh
 
Riêng trường hợp thâu phục Huấn sư Chí Thiện, tục danh Nguyễn Văn Kiên (1881 - 1968), thường gọi sư Chín Kiên đã thêm phần thể hiện tài trí và đức độ một bậc Tông sư.
 
Số là sư Chín Kiên vốn dĩ em ruột mẹ của Huấn sư Nhan Văn Đống (sư Đống gọi Chín Kiên là cậu), người hay chữ nho, giỏi võ nghệ, thông quẻ dịch, làm nghề thầy thuốc Bắc. Ông miệng rộng trán cao, dáng người sang trọng, trực tính ôn hòa. Vốn dòng gia giáo, thâm nho nên tuy là ruột thịt nhưng lại không thích gần cháu Nhan Văn Đống vốn dĩ "đảng tử du phương".
 
 Truyện tích kể rằng, vâng lời thầy, sư Đống về khuyên cậu mình theo bổn đạo tu học nhưng cậu Chín Kiên một mực từ chối. Một ngày kia ông Chín Kiên bệnh nặng, tự mang hết sở học điều trị nhưng vô hiệu, mời đồng đạo nghề y cao tay cũng vô phương. Tông sư biết chuyện bảo sư Đống về trợ lực cứu cánh. Sư Đống xin thoái thác bởi trước đã không ưa, sau gọi mời nhập đạo cũng bị từ chối. Tông sư mới điểm chỉ: "Chú cứ đi đến đó tùy cơ ứng biến, mọi việc đã có nhân duyên, giống như tôi với chú trước đây vậy...". Sư Đống vâng lời và mang sở học từ Tông sư chỉ dạy giúp cậu Chín Kiên khỏi nạn. Cảm kích ân tình, khâm phục đức độ nên ông Chín Kiên sau khi an trí thê nhi đã tìm đến Tông sư thọ giáo học đạo. Không lâu ông tỏ ngộ và trở thành một trong những vị Huấn sư theo thầy hoằng hóa Phật pháp, nhất mực trung thành, xiển dương Phước - Huệ song tu đến ngày viên tịch. Đúng nghĩa "Nhất nhật chi sư chung thân chi phụ".
 
Báo Công luận 
Huấn sư Chí Thiện - Nguyễn Văn Kiên
 
Trường hợp một đệ tử "đặc biệt" khác của Tông sư Minh Trí mà mọi người vẫn gọi Đức bà Cô Năm (tức Diệu Thiện, tục danh Hồ Thị Mỹ (1880 - 1951)). Bà vừa là đệ tử Tông sư vừa vai cô lớn. Bởi từ năm 1920, tiếng lành về đức ngài càng lan xa và lúc bấy giờ ngài sống dưới ghe phiêu diêu đây đó bán khoai độ nhật, nhiều người tìm đến học đạo mà không có nơi đùm đậu. Đức bà thấy vậy hỷ lòng hiến đất cho ngài làm đạo. Không lâu sau, bà xin thọ giáo làm đệ tử và Tông sư không thể chối từ. Về vai vế vẫn giữ cô cháu, kính trọng như buổi đầu.
 
Báo Công luận 
 Đức bà Cô Năm
 
Có điển tích rằng, sau khi thâu nhận Đức bà Cô Năm làm đệ tử, thấy tín đồ mỗi lúc một đông nên Tông sư có ý tìm thêm đệ tử giỏi phò trợ. Liền đó Đức bà Cô Năm (lúc này đã phát Lục thông - PV) lên tiếng: "Người mà thầy bảy muốn nhận làm đệ tử tuy có tài nhưng lại là tay võ biền chọc trời khuấy nước, e rằng sau này sẽ gặp khó với y". Nói xong bà đọc ngay bài thi theo lối khoán thủ (Đức bà vốn không biết chữ - PV):
Nhang nêu chẳng dễ thắp
Văn phong thì bất cập
Đống lương võ thật tài
Tứ phương dường vỡ mật.
Không lâu sau, Tông sư đã thâu phục Nhan Văn Đống như đề cập ở kỳ trước.
 
Du sơn khai thị cho đệ tử
 
Năm 1921, thời cuộc bấy giờ loạn lạc, lòng người mê đắm non núi nhằm cầu cạnh các đạo sĩ ẩn dật. Dân gian còn cho rằng muốn tu đắc đạo thì phải lên non cao, vì chỉ có non cao mới linh thiêng và hiển linh những bậc siêu phàm xuất chúng. Trước, hầu dứt tâm mê tín đó của đệ tử và quần chúng, sau giúp các đệ tử thiền định thông giáo pháp nên Tông sư bảo bốn đệ tử (Đức bà Cô Năm trực chỉ ở nhà) chuẩn bị hành trang, lương khô, lộ phí để thầy trò nhàn du đăng trình lên Thiên Cẩm Sơn (Núi Cấm - An Giang) nổi tiếng linh thiêng lúc bấy giờ.
 
Núi Cấm buổi này chia làm 5 cấp, tuy chỉ cao hơn 700 mét so với mặt nước biển nhưng rừng núi hiểm trở, vách đá cheo leo, thú dữ muôn ngàn. Tuy vậy, đoàn người du sơn chưa lần chạm phải thú hung. Từng cấp, đoàn người viếng các am, động, cốc, cùng đàm đạo với các vị ẩn sĩ, đạo gia. Dụng ý Tông sư qua đó mở mang sở học cho học trò. Ví như cấp thứ 2, gặp một đạo sĩ lưu ẩn 20 năm, tu theo pháp môn Thiền định và Tịnh độ nhưng chưa tỏ ngộ hoặc chứng đắc phần nào. Đạo sĩ thổ lộ với Tông sư và mọi người: "Chẳng qua việc lỡ phải cam! Bây giờ lỡ có am, lỡ lên non núi, lỡ có huê lợi không đành bỏ đi. Bởi lúc trước nghe lầm tin lỡ rằng: Ở non cao mới tu thành Phật, giờ đặt chân đến mới hóa u mê...". Lời Đạo sĩ như thay lời giảng của Tông sư cho các đệ tử tỏ ngộ.
 
Báo Công luận 
 Tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á trên Núi Cấm  
 
Sau khi cả thảy lên tận đỉnh núi, xem như thỏa chí tò mò của các đệ tử thì Tông sư cho hạ sơn. Đến cấp thứ 3, ngài phân định mỗi người một cốc để nhập thất tọa thiền đúng 7 ngày đêm. Trải qua 7 ngày thiền định, các đệ tử được thông ngộ yếu chỉ những thiên kinh căn bản nhà Phật, Tông sư mới cho mọi người hạ sơn và phân công trách nhiệm mỗi người một vài tỉnh thành để truyền đạo.
 
Khai lập TĐCSPH Việt Nam
 
Sau nhiều năm cùng các đệ tử bôn ba đây đó thuyết pháp, truyền bá Lễ bái lục phương tông (Kinh Lễ bái lục phương của đức Thi - Ca - La - Việt), đến năm 1934, thấy cơ duyên đủ đầy, ngài cho thành lập TĐCSPH, mượn chùa Hưng Long làm hội quán (hiện nay vẫn còn trên đường Ngô Gia Tự - TP.HCM). TĐCSPH chính thức ra đời vào ngày 20/2/1934 do quan Thống đốc Nam Kỳ là Pierre André Michel Pagès ký giấy phép số 619. Liền đó, ngài cùng các đệ tử phát phái quy y (lá phái nhập đạo - PV) khắp Nam Việt.
 
Báo Công luận 
 Năm 1934, Tông sư Minh Trí thành lập TĐCSPH. Từ trái qua: Ông Lương Văn Đường - Hội trưởng, Tông sư Minh Trí và ông Lâm Văn Hậu - một vị đệ tử góp công lớn buổi đầu thành lập giáo hội.
 
Năm 1936, tròn 50 tuổi, ngài được toàn thể giáo hội và tín đồ tôn xưng là Tông sư của giáo hội. Cũng trong năm này, TĐCSPH đã khánh thành Hội quán Trung ương Tân Hưng Long Tự tại Phú Định - Chợ Lớn, nay là Tổ đình Hưng Minh Tự (số 45 Lý Chiêu Hoàng, P.10, Q.6 - TP.HCM). Đến năm 1950, Tông sư Minh Trí đề xướng Phước - Huệ Song Tu, dùng y đạo (tổ chức các phòng thuốc nam, châm cứu độ bệnh miễn phí - PV) thực hiện chủ nghĩa Từ bi bác ái.
 
Báo Công luận 
 Khánh thành Tân Hưng Long Tự năm 1936
 
Sau khi yên bề mọi việc giáo hội, ngài tiếp tục vân du khắp Nam Việt xem như tham thấu dân tình và... từ biệt. Tông sư Minh Trí liễu đạo ngày 23/8/1958, thọ 73 tuổi, nhục thân quàn tại Tổ đình Hưng Minh Tự.
 
Ngày 22 tháng 12 năm 1953, chính phủ Quốc gia Việt Nam xác định tính hợp pháp của Giáo hội bằng Nghị định số 83/MI/DAP, lúc này TĐCSPH có thêm hai từ Việt Nam ở cuối. Ngày 27 tháng 11 năm 2007 Giáo hội được nhà nước Việt Nam chính thức công nhận tư cách pháp nhân.
 
Báo Công luận 
 TĐCSPHVN hiện có 205 phòng thuốc nam hoạt động từ thiện,
khám chữa bệnh miễn phí cho người dân.
Hàng ngày phòng thuốc nam tại Tổ đình Hưng Minh Tự trung bình phát ra khoảng 2.000 thang thuốc. 
 
Từ đó, TĐCSPHVN với phương châm "Tu học hành thiện - ích nước lợi dân" đã trở thành một tông phái Phật giáo đặc trưng tín đồ Cư sĩ tại gia, lấy y đạo làm phương tiện tu phước, dùng pháp môn Tịnh độ làm tôn chỉ tu huệ. Một tông phái Phật giáo được đánh giá dễ học, dễ gần và phù hợp thời thế...
 
Báo Công luận 
 Mộ chỉ Tông sư Minh Trí tại Tổ đình Hưng Minh Tự
 
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam năm 2009 thì cả nước có gần 1,5 triệu tín đồ thuộc về giáo hội TĐCSPHVN cùng với 4.800 chức sắc, 350.000 hội viên, gần 900 lương y, huấn viên y khoa, y sĩ, y sinh, trên 3.000 người làm công việc chế biến thuốc Nam, hiện diện ở 24 tỉnh, thành phố phía Nam từ Khánh Hoà tới Cà Mau với 205 phòng thuốc nam phước thiện...
 
                                                                                                        Nguyễn Võ Nguyên Pháp
 

Tin khác

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

(CLO) Trong quá trình thi công dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Điều tra
Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

(CLO) Những năm qua, Công ty TNHH Quyết Thắng đã trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng... nhưng tỷ lệ tiết kiệm ngân sách sát mức 0%.

Điều tra
Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

(CLO) Mới đây, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã ra công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp giải quyết ngay các vấn đề phản ánh của người lao động, đặc biệt phải tổ chức trao quyết định nghỉ hưu cho bà Vy Thị Hồng Cứu.

Điều tra
Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

(NB&CL) Mặc dù người dân đã gửi đơn khiếu nại về việc bị Công ty CP Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập khai thác đá trên núi Thị Vải, tiểu khu Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chồng lấn trên 24 héc ta đất rừng phòng hộ, nhưng BQL Rừng phòng hộ Bà Rịa - Vũng Tàu suốt một thời gian dài vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

Điều tra
Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên lập trạm sản xuất bê tông trái phép?

Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội): Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên lập trạm sản xuất bê tông trái phép?

(NB&CL) Trên địa bàn phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Nguyên cho nhiều doanh nghiệp vào lắp đặt, sản xuất bê tông trái phép suốt nhiều năm nhưng chính quyền địa phương có dấu hiệu bao che, không quyết liệt xử lý, khiến dư luận nhân dân bức xúc.

Điều tra