Tuyết “SOS” và giấc mơ ngược chiều nước mắt

Thứ hai, 16/08/2021 07:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) 4 tuổi, Vi Thị Tuyết cùng chị gái 10 tuổi dắt díu nhau xuống làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Lần đầu trong đời hai đứa trẻ từ rừng xuống phố nhưng không phải được đi chơi công viên, mà là vào làng trẻ em mồ côi.

Cha mất khi còn ẵm ngửa, mẹ đi bước nữa, 4 tuổi, chị em Tuyết đã dắt díu nhau vào làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Ảnh: QD

Cha mất khi còn ẵm ngửa, mẹ đi bước nữa, 4 tuổi, chị em Tuyết đã dắt díu nhau vào làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Ảnh: QD

Nhà em hả? Tuyết trả lời mà như một câu hỏi rơi vào thinh không giữa lưng chừng núi rồi chỉ tay về phía mặt trời lặn. Nơi ấy là làng Hón Tỉnh, xã Thanh Sơn, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa). Cái tên làng như Tuyết nói, nghe thôi đã thấy hun hút buồn. Nỗi buồn cứ đằng đẵng bám theo Tuyết mãi khôn nguôi. Đến mức, chị em Tuyết chẳng muốn nhắc đến, mỗi khi có ai đó hỏi về quê, nơi tuổi thơ chỉ có nước mắt.

Cha mất khi còn ẵm ngửa, mấy năm sau, mẹ Tuyết, người đàn bà không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông đi thêm bước nữa, bỏ lại chị em Tuyết bơ vơ. 4 tuổi, Tuyết cùng chị gái 10 tuổi dắt díu nhau xuống làng trẻ em SOS Thanh Hóa. Lần đầu trong đời hai đứa trẻ từ rừng xuống phố nhưng không phải được đi chơi công viên, mà là vào làng trẻ mồ côi.

Dốc đời và tình người

Mẹ Hạnh – chị em Tuyết cứ nhắc đi nhắc lại người phụ nữ đã dành cả tuổi thanh xuân cho những đứa trẻ cơ nhỡ ở làng trẻ em SOS. Nếu không có làng trẻ em SOS và mẹ Hạnh, chị em Tuyết không biết sẽ xoay sở thế nào để vượt qua con dốc đầu tiên của cuộc đời.

Huyền, chị gái Tuyết nói, những đêm đầu tiên từ rừng về phố, chị em Tuyết khóc hết nước mắt. Huyền 10 tuổi, đang học lớp 5 đã phải vừa làm chị vừa làm mẹ. Nhưng cũng từ đây, chị em Tuyết mới bắt đầu có cảm giác gia đình từ những mảnh đời ghép lại.

Làng trẻ em SOS Thanh Hóa, nơi cưu mang chị em Vi Thị Tuyết. Ảnh: ĐB

Làng trẻ em SOS Thanh Hóa, nơi cưu mang chị em Vi Thị Tuyết. Ảnh: ĐB

Trong ngôi nhà chỉ có yêu thương ấy, chị em Tuyết đã lớn lên. Nhắc đến Tuyết, mẹ Hạnh (bà Đoàn Thị Hạnh, 57 tuổi) bảo, đó là một đứa trẻ đặc biệt. Bốn tuổi, là người dân tộc Thái, Tuyết chưa học nói tiếng Kinh nên giao tiếp rất khó, nói gì đến dạy học. Nhưng thời gian và sự yêu thương đã giúp Tuyết lớn dần lên. Cô bé cứng cỏi và có phần lỳ lợm nhưng rất chăm ngoan, vâng lời.

Tuyết bảo, mẹ Hạnh là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời em. Mẹ yêu thương nhưng vô cùng nghiêm khắc. Nhờ thế mà chị em Tuyết đã vượt qua được ký ức tuổi thơ dữ dội, để tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống ở phía trước, để mà ước mơ.

Ở làng trẻ SOS được 5 năm, hết lớp 10, chị gái Tuyết chuyển sang học nghề làm tóc rồi rời làng đi lấy chồng năm 18 tuổi. Dù rất thương em nhưng Huyền tin, ở bên mẹ Hạnh, Tuyết sẽ trưởng thành.

Đừng bao giờ bỏ cuộc

Đầu tháng 8/2021, Fanpape của trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) chia sẻ một tin vui: Vi Thị Tuyết, người dân tộc Thái, lớp 12C5 đạt 27,5 điểm xét tuyển đại học khối D66 (Văn: 8,75; GDCD: 9.75; Tiếng Anh: 9). Tuyết cũng lọt vào Top 7 thí sinh có điểm số cao nhất trường. Đáng chú ý trong những dòng giới thiệu về Vi Thị Tuyết, Fanpape Trường Tô Hiến Thành có ghi dòng chú thích: “sống trong làng trẻ em SOS”.

Cả cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiến Thành và ông Phan Văn Ẩm, Giám đốc làng trẻ em SOS Thanh Hóa đều khẳng định Tuyết là học sinh đầu tiên ở làng SOS Thanh Hóa đạt được điểm thi cao như thế.

Cô hiệu trưởng nói, hồi thi tuyển vào lớp 10, Tuyết chỉ vừa đủ điểm đậu, nhưng 3 năm học em đã có sự nỗ lực vượt bậc. Càng vui hơn khi em là học sinh người dân tộc thiểu số đạt được điểm số cao như vậy.

Như để chắc chắn hơn với thành tích đáng tự hào của Tuyết, ông Giám đốc làng trẻ em SOS Thanh Hóa còn thông tin thêm rằng, trước đây làng cũng có học sinh đạt điểm cao và đỗ vào trường đại học uy tín, nhưng cũng chỉ đạt 26 điểm. Chưa có học sinh nào đạt được 27,5 điểm như Tuyết.

Vi Thị Tuyết và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Huyền trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Vi Thị Tuyết và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Huyền trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Tuyết kể, thi xong em rất lo lắng. Nếu không đạt điểm cao để có cơ hội học đại học, rất có thể Tuyết lại đi theo con đường của chị gái mình: về quê, lấy chồng, sinh con…, rồi theo cái vòng luẩn quẩn ấy đến hết cuộc đời. Tuyết muốn ở lại thành phố, chinh phục ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm, người mẹ ở trường của Tuyết cho biết, em học khá đều các môn nhưng đặc biệt đam mê môn Tiếng Anh. Không có điều kiện đi học thêm ở trung tâm, Tuyết học bằng nhiều cách: nghe nhạc tiếng Anh, xem phim phụ đề tiếng Anh, học các lớp tiếng Anh nhân ái trong làng trẻ SOS.

Giờ thì Tuyết đã quyết định, sẽ xét tuyển vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Hồng Đức. Con đường phía trước sẽ còn nhiều gập ghềnh nhưng Tuyết đã sẵn sàng để tiếp tục vượt dốc. Giấc mơ đại học mới ở lưng chừng dốc đời nên lúc nào em cũng tự nhắc mình: đừng bao giờ bỏ cuộc. Mỗi khi buồn Tuyết hay đọc những câu chuyện, cuốn sách truyền cảm hứng để tiếp thêm năng lượng tích cực.

Nụ cười đã nở trên môi chị em Tuyết. Ảnh: TT

Nụ cười đã nở trên môi chị em Tuyết. Ảnh: TT

Tuyết bảo, cuộc sống cơ cực có khi lại là …cơ hội để mình nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác. Tuyết muốn đạt được một thành công gì đó để khẳng định: ước mơ chia đều cho tất cả. Và, cũng là để biết trân trọng những người đã cưu mang, yêu thương mình; biết sống đẹp, sống hướng thiện hơn.

Nghĩ thế nên Tuyết không bao giờ e ngại khi nói về “tuổi thơ dữ dội” của mình. Mới đây, gặp lại mẹ sau nhiều năm xa cách, Tuyết vừa giận vừa thương. Nhiều lúc, mẹ còn không nhớ Tuyết học lớp mấy. Mẹ vẫn sáng hái măng, chiều làm “phu” keo, vất vả lầm lũi nơi bìa rừng góc núi. Mẹ con gặp nhau, muốn trò chuyện, chị gái Tuyết phải làm …thông ngôn. Chỉ có nước mắt là có chung một “ngôn ngữ”. Bốn chị em mang bốn họ khác nhau được sinh ra bởi một người mẹ không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Sau Tuyết, còn hai em trai cùng mẹ khác cha, đứa còn nhỏ, đứa lớp 8. Một trong hai em vẫn đang trong làng trẻ em SOS, nơi từng cưu mang Tuyết và chị gái.

Huyền, chị gái cùng mẹ với Tuyết kể, trước kia, cứ mỗi lần có ai hỏi về gia đình, hai chị em không biết phải trả lời thế nào. Vừa đau buồn, vừa phức tạp. Giờ thì mọi chuyện đã qua, chị em Huyền xem như đó là sự trớ trêu của số phận. Điều quan trọng là vượt qua thử thách số phận và cả những định kiến của người đời để vươn lên. Huyền đã vững vàng hơn từ khi xây dựng gia đình, trở thành chỗ dựa cho các em. Còn Tuyết, câu chuyện về giấc mơ ngược chiều nước mắt vẫn đang được viết tiếp.

Tuyết đã quyết định theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh sau khi kết quả thi đạt 27,5 điểm. Ảnh: TT

Tuyết đã quyết định theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh sau khi kết quả thi đạt 27,5 điểm. Ảnh: TT

Dịp cuối năm học vừa rồi, Tuyết gọi điện cho tôi nói con không chụp ảnh kỷ yếu với lớp và xin phép nghỉ một buổi để đi bê tráp đám cưới kiếm tiền. Hỏi ra mới biết, Tuyết thiếu khoảng hơn 200 ngàn để đóng quỹ chụp ảnh. Biết chuyện, cô giáo và hội phụ huynh đã hỗ trợ để em được bằng bạn, bằng bè. Phải nói mãi, Tuyết mới chịu nhận. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Tuyết rất tự trọng, không bao giờ có tư tưởng nhờ cậy ai bao giờ.

(Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm Lớp 12C5, Trường THPT Tô Hiến Thành)

Quang Duy

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục