Trước đó, báo NB&CL đã có bài viết phản ánh sự bất cập về việc một lô đất được Thị xã Bà Rịa cấp Giấy CNQSDĐ từ năm 2002, nhưng mãi đến năm 2017 - tức sau 15 năm, Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ mới lên tiếng cho rằng lô đất trên nằm trong ranh giới chồng lấn với đất rừng phòng hộ(?).
Để làm rõ vấn đề trên, mới đây xét kiến nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc cấp Giấy CNQSDĐ trùng lên đất rừng phòng hộ tại Núi Dinh, Bà Rịa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Thanh Tịnh đã có văn bản số 2379/UBND-VP ngày 19/3/2018: “Giao Thanh tra tỉnh lập đoàn thanh tra xác minh về nguồn gốc việc cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Tình (nay đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Sửu); kết luận, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết đối với vụ việc của ông Nguyễn Văn Sửu theo quy định của pháp luật. Thời hạn báo cáo trong tháng 4 năm 2018”.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề trên, có một thông tin hết sức quan trọng cần thiết phải đề cập; đó là, tại công văn số 509/CV-SNN-TTr ngày 01/3/2018 do Giám đốc Sở NN&PTNT ký gửi UBND tỉnh BR-VT xuất hiện một nội dung cho thấy có thể có dấu hiệu khuất tất trong hoạt động quản lý đất rừng phòng hộ tại địa phương?
Cụ thể, công văn nói trên của Sở NN&PTNT cho biết: “Thời điểm năm 2002, khi UBND thị xã Bà Rịa cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Tình (sau đó chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Sửu) với hiện trạng mục đích sử dụng là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nhưng thực tế tại thời điểm đó diện tích đất này là đất rừng, đã được BQL Rừng phòng hộ giao khoán cho các hộ dân trồng cây tràm bông vàng, cây dầu từ năm 1995 để chăm sóc, bảo vệ bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước.
Đồng thời theo danh sách, hồ sơ trồng rừng, giao khoán đất rừng của Sở NN&PTNT đề cập cho thấy, qua lồng ghép sơ đồ thửa đất (thửa số 02, tờ bản đồ số 8, phường Kim Dinh) của ông Nguyễn Văn Sửu đã được cấp giấy CNQSDĐ diện tích 1,327ha với bản đồ giao khoán rừng, thì diện tích đất của ông Sửu chồng lấn lên đất của các hộ nhận khoán gồm: hộ bà Phạm Thị Thu là 0,43ha (hợp đồng khoán ngày 20/5/2003); hộ ông Trần Cao Đề 0,3ha (hợp đồng khoán ngày 11/7/2008) và hộ ông Bùi Đức Chính 0,34ha (hợp đồng khoán ngày 19/03/2007)”.
Thế nhưng, phản ánh với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sửu bức xúc nói rằng từ khi ông được chuyển nhượng và được cấp Giấy CNQSDĐ năm 2007 tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 8, phường Kim Dinh với diện tích 1,372ha đến nay chưa hề có bất kỳ ai đến trồng cây hoặc tranh chấp trên phần đất của mình.
“Kể cả nguồn gốc đất trước đây của ông Nguyễn Văn Tình xin khai hoang từ năm 1990, được chính quyền xã Long Hương xác nhận và có đóng thuế đất đầy đủ cho đến khi được cấp Giấy CNQSDĐ năm 2002 và sau này chuyển nhượng lại cho tôi năm 2007 cũng chưa hề có bất kỳ việc ai đó vào nhận khoán trồng cây trên đất của mình. Vì vậy việc xuất hiện danh sách khoán trồng cây bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của bà Thu năm 2003, ông Đề năm 2008, ông Chính năm 2007 trên phần đất của tôi là vô cùng bất hợp lý, liệu có phải họ phù phép ra danh sách này để lấy tiền ngân sách nhà nước không?” - ông Sửu đặt vấn đề.
Ông Sửu còn khẳng định: “Trên phần diện tích đất của tôi hiện có hơn 200 cây điều đã gần 30 năm tuổi, 10 cây mít, 20 cây xoài, cây tràm... Nếu là đất rừng hoặc giao khoán trồng cây giữ rừng thì làm gì có việc hàng trăm cây điều và cây ăn trái xuất hiện...”.
Như vậy, nếu lấy thông tin phản ánh của ông Sửu đối chiếu với danh sách giao khoán đất cho các hộ dân mà Sở NN&PTNT đã liệt kê thì thấy có thể đã có sự bất cập, khuất tất trong việc quản lý, giao khoán đất rừng phòng hộ với đất quản lý của địa phương? Bởi về nguồn gốc phần đất này, năm 2002 các cơ quan quản lý đất đai ở thị xã Bà Rịa đã xác định và cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Nguyễn Văn Tình (sau này chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Sửu) với mục đích sử dụng “đất trồng cây hàng năm khác”.
Trước đó nữa là năm 1990, ông Tình có đơn xin khai hoang và được chính quyền xã Long Hương lúc bấy giờ do ông Phó Chủ tịch xã Đỗ Văn Sào ký xác nhận vào ngày 2/7/1990, đến năm 1995 Chủ tịch xã Long Hương ra thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế đất. Từ đó ông Tình đã đóng thuế đất liên tục cho tới năm 2002 thì được thị xã Bà Rịa cấp Giấy CNQSDĐ.
Xuyên suốt quá trình từ khi xin khai hoang cho đến khi cơ quan quản lý đất đai thị xã Bà Rịa cấp Giấy CNQSDĐ không hề thấy có việc xác định nguồn gốc đất trên là “đất chồng lấn ranh giới với đất rừng phòng hộ”.
Đồng thời, việc xuất hiện những cái tên nhận giao khoán đất rừng như trong danh sách mà Sở NN&PTNT đã nêu trong công văn số 509/CV-SNN-TTr so với thực tế là có sự trái ngược và hết sức bất thường. Điều vô lý này - theo như cách mà ông Sửu đề cập thì rất cần thiết được thanh tra làm rõ!
Theo tìm hiểu của phóng viên, người ký Giấy CNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Tình năm 2002 (và sau này ký cho ông Nguyễn Văn Sửu năm 2007 tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 8, phường Kim Dinh với diện tích 1,372ha) cũng chính là ông Nguyễn Văn Trình, thời điểm ấy là Chủ tịch UBND thị xã Bà Rịa. Còn hiện nay, ông Trình là đương kim Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT!
Chính Kỳ