Văn mẫu và tư duy … kiểu mẫu

Thứ bảy, 28/08/2021 09:42 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hơn 30 năm sau ngày con chim non không được thả lên bầu trời xanh trong bài văn thi học sinh giỏi toàn quốc đến giờ, con chim ấy vẫn “bay theo” một chân trời cũ. Khoảng trời tư duy của học sinh vẫn bị đóng khung trong những bài văn kiểu mẫu.

van mau va tu duy kieu mau hinh 1

Văn mẫu - ảnh biếm họa của Tuổi trẻ Cười

Sáng 26/8, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu chia sẻ một câu chuyện trên trang cá nhân liên quan đến đề thi học sinh giỏi Văn toàn quốc lớp 5 cách đây hơn ba mươi năm. Đề bài: Em bắt được một con chim non, em mang nó về nhà, hãy viết tiếp câu chuyện.

Tác giả của “Bóng đè” kể: “Lúc đó tôi 9 tuổi gày gò tóc xoăn đã tự tin miệt mài giải đề thi bằng  một truyện ngắn có lớp có lang, ra khỏi phòng thi tự tin nói cười rằng thể nào mình cũng có giải. Nhưng sau khi nghe tôi kể lớp lang truyện, mặt thầy giáo tái đi. Tôi có thể nhìn thấy dưới làn da đó, niềm hy vọng đang dâng cao đột ngột phụt tắt. Em phải thả con chim, phải giải phóng để nó bay cao giữa bầu trời tự do. Thầy nói to như quát. Tôi đã không làm văn theo công thức. Tôi trượt. Đến cái giải khuyến khích cũng không được các thầy cô mẫu khuyến khích cho”.

Vậy nhà văn họ Đỗ đã viết gì lúc 9 tuổi?

“Nhân vật mang con chim về nhà, đan cho  chim chiếc lồng đẹp, bắt cào cào bắt giun cho chim ăn, để lồng chim cạnh giường mình, thức đêm canh mèo, chăm sóc yêu thương chim hết mực. Nhưng chim buồn, chim không lớn, chim không hót, chim ốm rồi chim chết. Lúc mang xác chim ra đồng chôn, nhìn xa xa bầu trời bao la nơi đàn cò đang sải cánh bay, tôi mới nhận ra chính mình đã giết chết chim non, nhận ra tự nhiên và tự do mới chính là thức ăn của chim. Tôi khóc, vừa đi vừa khóc đến hết truyện” – Đỗ Hoàng Diệu chia sẻ.

Theo nữ nhà văn, bài văn của chị viết tại kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm lớp 5 đã không theo mẫu, không “áp dụng” công thức.

Lẽ thường, khi gặp một đề bài như thế, muốn điểm cao, giải lớn, phải thả ngay chú chim ấy lên bầu trời tự do. Cùng với đó là một trang văn ca ngợi về khát vọng tự do, phá cũi sổ lồng. Đằng này, cô trò nhỏ 9 tuổi lại bắt chim nhốt vào lồng. Cho dù đó là cái lồng rất đẹp, cho dù bắt giun cho chim ăn, canh mèo và yêu thương chim hết mực đi chăng nữa thì việc để cho chim chết, rồi ân hận, rồi nhận ra thức ăn quan trọng nhất của chim là tự nhiên và tự do vẫn là …quá muộn. Tư duy lớp lang, tạo ra thân phận cho nhân vật như thế cũng chẳng thể động lòng người chấm bài. Dẫu là cuộc thi chọn học sinh giỏi thì cũng phải sáng tạo trên những đường ray. Phải truyền năng lượng tích cực bằng cách ngay lập tức thả con chim non về bầu trời rồi hãy …viết.

Tôi cảm nhận được tiếng thở dài của nhà văn đằng sau dòng Status buổi sáng mùa thu đẹp trời và chợt nhớ đến chính câu chuyện của mình.

Hồi đó, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi và cậu bạn thân cùng học chung theo bộ đề ôn thi tuyển sinh đại học. Tối nào nó cũng đọc lanh lảnh các bài văn mẫu, mỗi bài 4-5 lần. Sau đó gấp sách đọc thuộc lòng, đến đoạn nào không nhớ lại hé sách ra …đọc lại. Thậm chí, khi ngủ, nó cũng lẩm bẩm trong giấc mơ về năm sinh, năm mất của các nhà văn, số lượng đầu sách, tác phẩm của họ bao nhiêu, trước tác đã đẳng thân hay chưa? Thấy tôi có vẻ khó chịu với cách học “gạo”, nó cười: “hãy đợi đấy!

Ngày thi đại học năm ấy, đề thi rơi vào tác phẩm “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao. Thi xong cả hai chúng tôi đều khẳng định làm bài tốt. Nó còn khoe trúng tủ vì đề thi ra đúng vào bộ đề nó đã học.

Tôi hỏi, thế mày thích nhân vật Hoàng hay Độ? Nó bảo không phải chuyện thích ai, mà khi làm bài phải viết như thế nào để đúng và trúng. Vừa tranh luận với tôi nó đồng thời khẳng định đã làm sát 90% so với đáp án mẫu của bộ đề. Như để khẳng định cho việc sẽ đạt điểm cao, nó lại lanh lảnh đọc những đoạn đã “chép” từ văn mẫu vào bài thi cho tôi nghe. Còn tôi, vì thích nhân vật Hoàng nên đã để cho đôi mắt nhìn ngược với hệ quy chiếu thông thường. Kết quả, nó đạt 8 điểm văn và đậu đại học, tôi được 5 điểm, chính thức trượt vì…lạc đề. Giờ thì nó đã là một công chức mẫn cán, công việc không liên quan gì đến chữ nghĩa văn chương. Còn tôi giấc mộng văn chương vẫn đeo đuổi đến giờ.

Kể ra hai câu chuyện đó, tôi không có ý định biện minh cho lý do trượt đại học của mình. Bởi tất cả các cuộc thi trên thế giới này đều có …luật định. Văn chương cũng tựa như bóng đá. Đá đẹp, đá cống hiến mà không ghi bàn, không chiến thắng, không có cúp thì vẫn là kẻ thất bại, dù có thể mỹ miều rằng thất bại …vĩ đại đi chăng nữa thì vẫn mãi chỉ là kẻ về nhì.

Trở lại chuyện bài thi học sinh giỏi bị trượt của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Nếu năm ấy, cô bé 9 tuổi nhà quê họ Đỗ ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa thả con chim non lên trời rồi tán dương những điều kỳ diệu về bầu trời xanh tự do, về thông điệp môi trường và hòa bình theo mô-típ văn mẫu thì có thể đã xuất hiện một học sinh giỏi văn toàn quốc. Nhưng điều chắc chắn là rất khó để mươi năm sau đó, xuất hiện một nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, một hiện tượng gây sửng sốt của văn đàn Việt Nam. 

van mau va tu duy kieu mau hinh 2

Chia sẻ của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trên trang cá nhân về bài văn thi học sinh giỏi toàn quốc cách đây hơn 30 năm. Ảnh: QD

Con gái tôi 12 tuổi, cũng là học sinh giỏi văn ở trường, nghe chuyện của bố, cháu bảo: bác Diệu ấy, nếu đề thi ấy, giờ đi thi vẫn làm bài theo cách ấy thì vẫn sẽ trượt là cái chắc. Té ra, hơn 30 năm sau ngày con chim non không được thả lên bầu trời xanh trong bài văn thi học sinh giỏi toàn quốc đến giờ, con chim ấy vẫn “bay theo” một chân trời cũ. Khoảng trời tư duy của học sinh vẫn bị đóng khung trong những bài văn kiểu mẫu.

Chả thế mà năm cháu học lớp 3, đọc bài văn tả bố của cháu, suýt nữa tôi hoang tưởng rằng, mình là “ông bố quốc dân”. Bởi, tôi bằng xương, bằng thịt là ông bố ham vui, lười biếng việc nhà. Vậy mà đi vào trang văn học trò, tôi bỗng chốc trở thành một trụ cột, một mẫu hình người đàn ông của gia đình. Mẹ cháu đọc bỗng phì cười nhưng rồi vẫn kịp buông thõng một câu không đầu không cuối: "đừng tưởng đỏ là chín".

Thế nên, mới đây có học sinh tả thực cảnh sinh hoạt buổi tối của gia đình đã trở thành trò cười cho cộng đồng mạng. Là bởi cháu nói thật: bố ôm điện thoại chơi điện tử, mẹ dành điều khiển tivi xem phim ngôn tình, cả nhà không ai nói chuyện với ai. Cuộc sống thời 4.0 đã giết chết những thứ tình cảm nguyên thủy của con người. Điều ấy lẽ ra phải được suy nghĩ, trăn trở bằng thái độ nghiêm túc. Nhiều khi người lớn đang bị “lạc đời” nhưng lại nghĩ trẻ em “lạc đề”.

Đem chuyện văn mẫu trao đổi với một giáo viên dạy văn THPT, người từng là một sinh viên sư phạm ngữ văn tốt nghiệp loại giỏi của một trường đào tạo giáo viên uy tín, tôi thực sự ngỡ ngàng. Rằng,  kể cả ở bậc THPT, hiện tượng này cũng không hiếm.

“Các anh chỉ nêu lên hiện tượng mà chưa lý giải được đâu là căn nguyên xâu xa. Hồi mới ra trường, tôi cũng nghĩ như anh, văn học là nhân học, dạy văn là dạy người, người có chữ, ắt có nghĩa…đại khái thế. Lúc đó tôi có cảm giác như mình đang được trao truyền một sứ mệnh đưa văn chương đến gần hơn với cuộc sống của các em, thổi bùng lên khát khao, đam mê văn học cho các em. Nhưng thực tiễn không hẳn như thế. Số lượng học sinh học văn vì đam mê, vì có năng khiếu thật sự ngày càng hiếm. Học văn cũng như bất kỳ môn học khác, ví von một chút là để … đặt hàng cho tương lai” – cô giáo tâm sự.

Theo nhiều giáo viên dạy văn, với cách dạy, cách ra đề, cách thi cử hiện nay, nếu không học mẫu và dạy mẫu, rất khó để đạt kết quả tốt. Kết quả ở đây là điểm, trong đó thi cử luôn là thước đo quan trọng nhất cho cả thầy, cả trò và nhà trường. Đam mê không có mẫu số chung nhưng kết quả, thành tích thì đều có thể nhìn thấy được.

Học văn bây giờ cũng có nhiều sự lựa chọn đầu vào tuyển sinh đại học, do đó, số lượng học sinh có năng khiếu văn chương lựa chọn thành giáo viên, thành người viết văn, nghiên cứu văn học chuyên nghiệp không có nhiều. Giáo viên muốn định hướng nghề nghiệp theo sở trường của học sinh cũng khó. Nhiều thầy cô bị biến thành “thợ dạy” với một mục đích duy nhất là tạo ra những sản phẩm có kết quả tốt đều. Một lớp học sinh chuyên văn có thể không có ai sau này thành nhà văn nhưng nhất định phải đảm bảo tỷ lệ 100% đỗ đại học. Và vì thế, đừng bất ngờ nếu hôm nay, một học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia hoặc một thủ khoa môn văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT nhưng 4 năm sau trở một nhân viên ngân hàng hay một công chức hành chính.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò. Nhưng chấm dứt bằng cách nào khi mà từ sách vở, thi cử đến phương pháp dạy vẫn theo một khuôn mẫu định sẵn. Khi mà thành tích học văn, dạy văn không phải là hướng đến tinh thần, cốt cách làm người mà phải lượng hóa thành những con số đỗ đạt?

Văn mẫu, suy cho cùng không còn là chuyện lỗi về mặt kỹ thuật trong nhà trường mà là chuyện lỗi hệ thống tư duy giáo dục. Hiện tượng này đã kéo dài quá lâu, đủ sức để ăn sâu bén dễ trong tư duy nhận thức xã hội chứ không còn là chuyện riêng của nhà trường.

Để văn chương phải là mục đích của cuộc sống chứ không phải là “đơn đặt hàng” của cuộc sống, cần những thay đổi ở tầm vĩ mô.

Nếu dạy văn, học văn vẫn loanh quanh trong giới hạn khuôn đúc kiểu mẫu, sẽ chỉ cho ra lò những sản phẩm na ná nhau, đừng bao giờ chờ đợi những chú chim dám chết để khiến cho bầu trời xanh hơn. Và rồi, đừng bất ngờ, nếu mươi năm nữa, sẽ xuất hiện lớp nhà văn minh họa cho cuộc sống chứ không phải viết văn để thay đổi cuộc sống.

Quang Duy

Bình Luận

Tin khác

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục
Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

(CLO) Theo lãnh đạo trường THCS Lạc Nghiệp (Lâm Đồng), nguyên nhân ban đầu dẫn tới việc nữ sinh bị bạn đánh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Giáo dục