Sự thật chính là tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí

Thứ hai, 25/03/2019 10:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Báo chí không còn con đường nào khác là phải trở về với những giá trị nền tảng truyền thống. Và việc kiểm chứng, tôn trọng sự thật sau giai đoạn choáng ngợp trước cơn bão mạng xã hội, cơn lốc số hóa là cách để báo chí níu giữ niềm tin nơi công chúng.

Kiểm chứng thông tin - nút thắt sống còn đối với báo chí

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất, mà hãy đưa tin có kiểm chứng...Thực tế, kiểm chứng thông tin là nút thắt sống còn đối với báo chí, chưa bao giờ cần kíp như thời điểm hiện nay, khi mà môi  trường thông tin đang trở nên nhiễu loạn.

Việc kiểm chứng, tôn trọng sự thật sau giai đoạn choáng ngợp trước cơn bão mạng xã hội, cơn lốc số hóa là cách để báo chí níu giữ niềm tin nơi công chúng (Ảnh: internet)

Việc kiểm chứng, tôn trọng sự thật sau giai đoạn choáng ngợp trước cơn bão mạng xã hội, cơn lốc số hóa là cách để báo chí níu giữ niềm tin nơi công chúng (Ảnh: internet)

Tôi cũng đã từng đặt ra câu hỏi: Tốc độ hay sự thật, đâu mới là mục tiêu cuối cùng của báo chí hiện nay? Trong bộn bề những áp lực của công nghệ số, của việc chạy đua với tin tức, với sự thay đổi chóng mặt của thị hiếu công chúng, có đôi lúc tưởng như, chúng ta đang bị ngập lụt với ngồn ngộn thông tin, thật giả lẫn lộn. Người làm báo dường như không còn đủ tỉnh táo, không còn đủ quỹ thời gian cho những bài viết toàn diện về sự kiện, những góc nhìn đủ sâu sắc để thuyết phục. Trong làn sóng số hóa, các tờ báo bị cuốn vào cơn lốc câu view, sốc, sex, sến quá đà đã khiến cho người làm báo chạy theo một thứ sức mạnh ảo tưởng, vô hinh chung thiêu đốt giá trị bản thân.

Đâu đó đã có những tin tức cẩu thả, sự buông tay, chặc lưỡi...dù rằng, chúng ta đã có nhiều sự trả giá, tưởng như đang tự đào hố chôn mình. Rõ ràng là, câu chuyện kiểm chứng thông tin đã từng phải đặt ra nhiều năm trở lại đây vì có quá nhiều những cú vấp của báo chí khiến công chúng giật mình. Nhưng sợi dây kinh nghiệm rút mãi vẫn chưa hết để rồi năm nào cũng có sự cố về chuyện thông tin chưa được kiểm chứng đã đưa lên mặt báo. Các tờ báo cải chính, bị xử phạt, bị đình chỉ...vẫn là chuyện không hiếm. Thậm chí trong bối cảnh, đã có lúc tin đồn lấn át cả những phân tích lý tính, cán cân sự thật chênh vênh và người làm báo vừa như tác nhân gây tội, vừa như nạn nhân của thông tin không rõ nguồn gốc. Đáng lo ngại hơn nữa là sự lây lan của căn bệnh thiếu kiểm chứng thông tin đang trở thành một thứ virut chết người, giết chết niềm tin nơi bạn đọc vào báo chí chính thống.

Cứ hình dung, một tin tức được phát ra ở một tờ báo, ngay lập tức các báo khác lấy lại, thậm chí xào lại mà không nghi ngờ, không đặt ra câu hỏi, liệu thông tin ấy có chính xác? Điều này tai hại hơn nữa khi chính những người cầm bút, không biết từ khi nào đã tự cho mình một đặc quyền cung cấp thông tin không cần kiểm chứng, không cần có mặt tại sự kiện. Chính những người làm báo dường như đang bị cuốn theo guồng máy tự động với việc cập nhật tin bài, tận tụy quá mức với chức năng cung cấp thông tin mà quên đi trách nhiệm định hướng dư luận xã hội, quên đi đạo đức nghề nghiệp, quên cả uy tín, giá trị của niềm tin nơi công chúng.

Sự thiếu kiểm chứng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, đã đang và tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người làm báo. Không chỉ trong các vấn đề liên quan đến tiêu cực chống tham nhũng, các sự kiện giải trí liên quan đến thông tin cá nhân của các ngôi sao, người đẹp mà ngay cả với những con người nhân danh cái tốt, cái đẹp, việc tử tế...cũng cần những ngòi bút tỉnh táo, kiểm chứng một cách có trách nhiệm hơn trước khi đặt bút viết. Thế nên mới có nhiều nhà báo nói rằng, viết về người tốt việc tốt còn khó hơn viết về vấn đề tiêu cực.

Câu chuyện “lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối” luôn là dòng chảy truyền thống, quan trọng trên mặt báo nhưng để ngòi bút luôn tỉnh táo, đặt “tâm” đúng chỗ cũng không phải là chuyện dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Làm thế nào để nhà báo tỉnh táo trước...việc tử tế. Cách nào để kiểm chứng “lòng tốt”? vẫn nên là câu hỏi thường trực với người làm báo chân chính.

Gần đây nhất phải kể đến câu chuyện đáng tiếc mà báo Tuổi trẻ online vừa phải đính chính và xin lỗi bạn đọc về sự đưa thông tin chưa được kiểm chứng. Rõ ràng, hành xử như Tuổi trẻ rất đáng hoan nghênh nhưng cũng là bài học không nhỏ cho những sơ suất của cơ quan báo chí, cho bản thân tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam. Dù mục đích chỉ đơn thuần là mong muốn cung cấp cho công chúng thông tin một cách nhanh nhất nhưng sự cố này cũng đáng phải ngồi lại để nhận thấy, giá trị được mất của việc đưa tin nhanh.

Cuối năm 2018, những dòng đính chính trên báo Tuổi trẻ cứ ám ảnh tôi: “Hôm nay 12-11, Tuổi Trẻ Online (TTO) có đăng bản tin "Bộ phim "Chau, beyond the lines" có sao trên đại lộ Danh vọng". Trong đó, bản tin cho rằng bộ phim tài liệu về hoạ sĩ Lê Minh Châu được gắn sao trên đại lộ Danh vọng và Lê Minh Châu trở thành người Việt đầu tiên có tên trên đại lộ này. Từ hiểu lầm với hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của hoạ sĩ và thiếu kiểm chứng, toà soạn đã đăng một bản tin không đúng. Dù đã kịp thời cập nhật bản tin chính xác, nhưng chúng tôi cảm thấy không thể tha thứ cho mình về sai sót nghiệp vụ này. Mong bạn đọc lượng thứ và tiếp tục đồng hành cùng Tuổi Trẻ”. Rõ ràng, bất cứ thông tin dù nhỏ nhất cũng dễ dàng trở thành “cái bẫy” kéo chúng ta xuống vũng bùn. Dù là sự việc đáng tiếc nhưng đây cũng là một cách xử lý rất nghiêm túc, tôn trọng độc giả của tờ báo có thương hiệu lớn trong lòng công chúng nhiều năm qua.

Hành trình níu giữ niềm tin của công chúng bằng con đường của sự thật

Để kiểm chứng, thẩm định nguồn tin, nhà báo cần phải vận dụng linh hoạt các phương pháp thu thập, xử lý, xác minh lại thông tin trong quá trình tác nghiệp (Ảnh: internet)

Để kiểm chứng, thẩm định nguồn tin, nhà báo cần phải vận dụng linh hoạt các phương pháp thu thập, xử lý, xác minh lại thông tin trong quá trình tác nghiệp (Ảnh: internet)

Trách nhiệm càng lớn, uy tín càng cao thì việc gìn giữ uy tín càng cần phải cẩn trọng. Tôi rất thấm thía điều mà Bộ Trưởng Bộ TTTT khẳng định: Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính chúng ta. Đã đến lúc chúng ta cùng phải nhìn lại, đây là câu chuyện không của riêng ai, đó phải là sự cộng hưởng trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến lãnh đạo tờ báo, đến từng cá nhân phóng viên. Nếu cứ mãi ở tâm thế của người  “truyền tin” đơn thuần, cứ sống với khẩu hiệu “nhanh là thắng” thì chúng ta đang trở thành một phiên bản mạng xã hội kém chất lượng hơn cả chính nó. Chuyện kiểm chứng thông tin không phải là mới nhưng rõ ràng là điều mà không phải cơ quan báo chí nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí sự bối rối trước nguồn tin, kiểm chứng như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thấu đáo. 

Trong những lúc người dân chưa biết tin vào đâu, thông tin nào là chính xác, vai trò của báo chí là phải ngay lập tức cung cấp cho công chúng thông tin chính xác từ nguồn tin cậy, được kiểm chứng một cách khách quan. Đó chính là điều mà không một phương tiện truyền thông nào làm được ngoài báo chí. Câu chuyện này cần phải được đặt ra từ tư duy của người đứng đầu trong một cơ quan báo chí cho đến mỗi người làm báo. Báo chí tạo niềm tin xã hội thì phóng viên phải là người được tin cậy nhất. Để tăng niềm tin của xã hội vào những người làm báo, cần lấy lại thương hiệu cho người làm báo, và "việc này chỉ có thể là chính chúng ta làm, không ai ngoài chúng ta cả".

Dĩ nhiên, để kiểm chứng, thẩm định nguồn tin, nhà báo cần phải vận dụng linh hoạt các phương pháp thu thập, xử lý, xác minh lại thông tin trong quá trình tác nghiệp. Nhiều đồng nghiệp cho rằng, việc am hiểu pháp luật và có kiến thức sâu rộng về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội sẽ là cơ sở để nhà báo phân tích, đánh giá nguồn tin. Đặc biệt, đã là phóng viên thì phẩm chất không thể không có, đó là có sự hoài nghi đối với mỗi thông tin và thông tin nào cũng cần phải xác minh, thẩm định trước khi viết bài đưa lên mặt báo.

Có thể nói rằng, MXH đang mất uy tín vì Fake News, đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng thì đây chính là mảnh đất, là cơ hội cho báo chí. Cơ hội trao tay, có lí do gì không nắm lấy? Không có con đường nào khác trong hành trình níu giữ niềm tin của công chúng bằng con đường của sự thật, cung cấp thông tin có kiểm chứng, có nguồn tin đáng tin cậy. Đến thời điểm này, tôi đã có câu trả lời cho riêng mình rằng, “sự thật chính là mục tiêu cuối cùng của báo chí”!

Hà Vân 

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn