Vật liệu xây dựng “đua giá”, các nhà thầu “chịu trận”

Thứ năm, 26/05/2022 09:34 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo số liệu khảo sát từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, gần như tất cả loại vật liệu xây dựng đều đang “leo thang". Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng và bất động sản.

Xi măng, thép “đua giá”

Kể từ đầu năm cho tới nay, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng liên tục điều chỉnh tăng giá sản phẩm. Trong đó, xi măng và thép là 2 mặt hàng tăng giá mạnh nhất.

Theo báo cáo của Hiệp hội xi măng Việt Nam, tính tới đầu tháng 5/2022, các doanh nghiệp xi măng đã 2 lần điều chỉnh tăng giá. Lần đầu là cuối tháng 3, đầu tháng 4, với mức tăng khoảng 100.000 - 150.000 đồng/tấn.

Lần thứ 2 diễn ra vào đầu tháng 5, với mức tăng thêm 60.000 - 80.000 đồng/tấn, như vậy, chỉ trong 5 tháng, giá xi măng đã tăng thêm hơn 200.000 đồng/tấn, đây là mức tăng rất cao, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu và thị trường bất động sản.

vat lieu xay dung dua gia cac nha thau chiu tran hinh 1

Theo lý giải của Hiệp hội xi măng, từ sau xung đột Nga - Ukraine, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng.

Để ổn định sản xuất, bảo đảm duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp xi măng tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán xi măng.

Ngoài yếu tố nêu trên, thị trường xi măng trong nước còn có hiện tượng giá bán ở các thị trường miền Nam thường cao hơn rất nhiều so với giá bán ở các thị trường miền Bắc, khoảng 3% - 5%.

Điều này là do thị trường xi măng nội địa còn vấp phải khó khăn khi giá xi măng giữa các khu vực không đồng đều. Sự phân bổ vùng nguyên liệu không đồng đều cũng kéo theo hệ quả là sự tập trung của quá nhiều nhà máy sản xuất ở miền Bắc và miền Trung do điều kiện nguyên liệu thuận lợi, tạo ra sự chênh lệch về cung cầu lớn giữa các khu vực.

Trong khi đó, thị trường miền Nam lại thiếu hụt nguồn cung xi măng và phải sử dụng xi măng được vận chuyển từ hai miền còn lại với chi phí vận chuyển tương đối cao. Điều này dẫn đến việc giá xi măng tại miền Nam đang ở mức tương đối cao so với miền Bắc và miền Trung.

Không chỉ giá xi măng, thép cũng là một trong những vật liệu xây dựng có tốc độ tăng thẳng đứng trong thời gian qua. Nguyên nhân cũng vẫn là do chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng cao, khiến các doanh nghiệp sản xuất thép phải điều chỉnh giá bán để cân đối lại lợi nhuận.

Ghi nhận từ thị trường thực tế, có thể thấy, giá các mặt hàng sắt thép bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 3. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ 16,5 lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Bước sang tháng 4, giá thép xây dựng vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện giá thép xây dựng các loại khoảng 18.600 - 20.600 đồng/kg. Như vậy, giá thép xây dựng các loại trung bình trong quý I/2022 khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.

Theo dự báo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (Virac), trong quý II/2022, giá thép tiếp tục “neo” cao do giá quặng, giá năng lượng vẫn ở mức cao.

 Cũng theo nhận định của Virac, trong quý II/2022, nhu cầu sử dụng thép nội địa sẽ tăng rất mạnh, do các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và các đường cao tốc khác đang được triển khai.

Đồng thời, các dự án bất động sản tiếp tục được triển khai trong 2022 cũng là động lực tăng trưởng cho tiêu thụ thép nội địa trong thời gian tới.

Bất động sản và các nhà thầu “chịu trận”

Theo số liệu khảo sát từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tính đến tháng 3/2022, không chỉ sắt thép tăng đến 40% mà gần như tất cả loại vật liệu xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều “leo thang”.

Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng và bất động sản.

 Theo Virac, thị trường nhà ở, bất động sản năm 2022 sẽ rất khắc nghiệt. Cơn sóng tăng giá bất động sản sẽ càng khó giảm khi mà các chi phí đầu vào không có dấu hiệu hạ nhiệt.

vat lieu xay dung dua gia cac nha thau chiu tran hinh 2

Đặc biệt, trong thời điểm đầu năm, giá vật liệu xây dựng lại có dấu hiệu tăng “nóng”. Trong chi phí xây dựng 1m2 căn hộ, vật liệu xây dựng chiếm đến khoảng 60%, nên giá vật liệu xây dựng tăng sẽ kéo theo giá thành căn hộ tăng.

Có thể thấy, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng”, báo cáo của Virac nhấn mạnh.

 Không chỉ ngành bất động sản gặp khó khăn, với việc giá vật liệu xây dựng vẫn “neo” ở mức cao, doanh nghiệp ngành xây dựng cũng đối mặt với thách thức khi đưa ra giá chào thầu.

Virac nhận xét: Quá trình đàm phán vì thế bị kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với những công trình đã nhận hợp đồng thì đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Không chỉ nhà thầu, các chủ đầu tư cũng phải “vật lộn” với nỗi lo tăng giá vật liệu xây dựng.

Không ít dự án sẽ phải chấp nhận ngừng hoặc dời kế hoạch khởi công khi thị trường định hình được mặt bằng giá nguyên vật liệu mới. Hệ lụy dẫn đến là lực lượng lao động, các kỹ sư, công nhân vừa chưa kịp vui mừng sau thời gian nghỉ dịch giờ lại phải mất việc, hoặc thu nhập không theo kịp cơn “bão giá” này.

Đồng tình với nhận định này, trong báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản quý I/2022, Bộ Xây dựng cũng nhận định giá vật liệu xây dựng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Bộ Xây dựng, hiện Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công làm nhu cầu thép xây dựng trên thị trường tăng đột biến.

Cụ thể, nhu cầu về vật liệu xây dựng càng tăng cao khi nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2022 như dự án sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc Bắc – Nam và các tuyến vành đai khác.

Việc tăng giá vật liệu xây dựng được dự báo sẽ gây tác động khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng cao”, Bộ Xây dựng nêu.

Chặn đà tăng của vật liệu xây dựng

Để hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương vào cuộc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn thị trường này.

Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có Công văn số 2360, yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Xây dựng có trách nghiệm nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Bộ đã có đề xuất về các sắc thuế nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng phôi thép và sản phẩm thép, đã được thông qua tại Nghị định 101/2021.

Cụ thể, tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép.

Bên cạnh đó, giảm thuế nhập khẩu một số mã hàng thép xây dựng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao để bình ổn giá cả mặt hàng thép trong nước.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng đáng kể dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga vào năm 2024. Trong năm nay, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, tăng mạnh so với dự báo 2,6% trong tháng 1.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

(CLO) Việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

(CLO) Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng của Nga trên đảo Sakhalin do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của Tokyo, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

(CLO) UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát, sỏi BTM8-ĐC (thôn Thanh Trước, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My).

Thị trường - Doanh nghiệp