Về miền ký ức Tây Nguyên!

Chủ nhật, 12/03/2017 10:45 AM - 0 Trả lời

Nói về văn hóa dân gian Ê Đê, M’Nông- 2 đại diện tiêu biểu cho văn hóa bản địa Tây Nguyên, đã có nhà nghiên cứu bày tỏ quan điểm: Văn hóa cũng như mọi thứ khác trên mặt đất này đều có sự biến đổi theo thời gian, có thứ phát triển ngày càng rực rỡ hơn, có thứ mai một dần. Đó là quy luật. Văn hóa bản địa Tây Nguyên cũng vậy… Vẫn biết thế nhưng đứng trước một Tây Nguyên ngày nay tôi cứ tiếc mãi và thấy nhiều cái mất nhanh chóng quá!

(NB&CL) Nói về văn hóa dân gian Ê Đê, M’Nông- 2 đại diện tiêu biểu cho văn hóa bản địa Tây Nguyên, đã có nhà nghiên cứu bày tỏ quan điểm: Văn hóa cũng như mọi thứ khác trên mặt đất này đều có sự biến đổi theo thời gian, có thứ phát triển ngày càng rực rỡ hơn, có thứ mai một dần. Đó là quy luật. Văn hóa bản địa Tây Nguyên cũng vậy… Vẫn biết thế nhưng đứng trước một Tây Nguyên ngày nay tôi cứ tiếc mãi và thấy nhiều cái mất nhanh chóng quá!

Đi tìm miền đất Bazan

Còn nhớ, vào cuối những năm 90 của thập kỷ 20, anh bạn tôi, một người đam mê Tây Nguyên đến mức mê dại, sau khi tốt nghiệp trường báo đã có một việc làm đến “hãi hùng”: tốt nghiệp tuần trước, tuần sau anh đã chạy khắp nơi, gặp tất cả các người bạn, lập sổ nợ để vay lấy 2 cây vàng. Số tiền huy động được anh dùng mua máy ảnh, mua phim và giắt lưng phần còn lại để làm lộ phí trên đường đến Tây Nguyên.

Hơn tháng trời bặt vô âm tín, đến mức gia đình suýt phải tìm đến nhà đài để nhờ loan tin “kiếm trẻ lạc” thì anh mới sồng sộc về. Người ngợm, trang phục trông… Tây Nguyên lắm rồi, chỉ trừ chiếc quần là chưa được “khố hóa” nữa thôi. Anh về, tài sản sau chuyến đi đánh đổi bằng 2 cây vàng này là 10 kỳ phóng sự hay đến không cần bình luận và hàng trăm bức ảnh với vẻ đẹp mê hồn. Nhờ chuyến đi này, anh đã được một báo có tiếng “đặc cách” nhận vào.

Báo Công luận

Trong “gia tài” ảnh chụp bằng phim hồi ấy của anh, tôi nhớ nhất là những thiếu nữ Tây Nguyên, những người con gái của các tộc người Ê Đê, M’Nông, Gia Rai trên miền đất ấy. Họ đẹp một cách chất phác, đơn giản và mặn nồng như những thứ nắng, thứ gió của cái vùng đất hết sức đặc thù là bazan này vậy. Ảnh của anh hồi ấy, đâu cũng thấy thiếu nữ đậm đà với các sắc phục. Thiếu nữ trong ngày hội buôn, hội bon. Thiếu nữ đi dưới ráng chiều bên một vệ đường đất đỏ vàng rực hoa cúc quỳ. Thiếu nữ với đôi lông mày rậm vút, phô hàm răng ngà bên những tán cà phê, rừng cao su… Tựu trung lại thiếu nữ với những bộ trang phục thổ cẩm theo lời kể của anh là có thể bắt gặp ở mọi nơi trên khắp cái miền đất từng một thời được gọi là Cao nguyên Trung phần đầy kỳ bí và hấp dẫn này.

Sau hơn 20 năm, theo bước chân dữ dội một thời của anh bạn đồng nghiệp, tôi vào Tây Nguyên. Thủ phủ Tây Nguyên, Thành phố Buôn Ma Thuột đón tôi không được như suy nghĩ mình đã sắp đặt. Nhà xây, cây xanh… hiện đại na ná các phố thị khác bủa vây tôi. Mùa mưa nhưng năm nay Tây Nguyên lại kiệm mưa.

Bức bối nằm trong căn phòng nghỉ mà điều hòa để đến dưới ngưỡng 26 độ vẫn còn hầm hập nóng, tôi ngoắc điện thoại quở trách anh bạn. Bên kia, lúng túng một lúc, theo lời “tường trình” và khái quát của tôi về Tây Nguyên sau 20 năm, anh chỉ biết ú ớ mà kêu lên: Vậy à? Thay đổi dữ quá nhỉ! Tiếc nhỉ v.v…

Là miền đất mà cây cơ nia là tượng trưng cho núi rừng và cả con người nơi đây nhưng tôi không hiểu sao cây này lại không được người ta đưa vào quy hoạch làm cây xanh trồng cho thành phố. Đây là một loài rất rộng tán, rễ và thân cành thì bền chặt. Thế nhưng xà cừ, bằng lăng và phượng lại là những thứ được đem vào trồng.

Thèm nhìn thấy bóng dáng và hình ảnh của một cây cơ nia, tôi phải ngoắc xe lai đi tìm. Lòng vòng mãi, về tận khu vườn thực nghiệm Ea Kmat, sát gần Sân bay Buôn Ma Thuột, anh xế mới nhoài người thảng thốt chỉ vào một cây không to lắm rồi nói: Cơ nia đó! Cái cây cơ nia mà anh xe lai đã dày công chở tôi đi tìm ấy may chăng đã còn lại vì nó quá xâu xia và lại nằm ở một mom đất mà người ta chả làm được gì nên đã may mắn còn sót lại.

Người Tây Nguyên, đặc biệt người Ê Đê - dân tộc đông nhất ở đây đã trìu mến gọi người con gái, thiếu nữ bằng cái tên Âmnê. Chả cần hiểu âm và vần, nhưng khi phát âm từ Âmnê đã thấy nó gần gũi, trong trẻo và thân thiết lắm rồi.

[caption id="attachment_153236" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Những Âmnê hồn nhiên và có nét đẹp hết sức bản sắc với trang phục truyền thống này ngày nay đã rất hiếm ở Tây Nguyên.[/caption]

Như anh bạn đồng nghiệp, tôi lại đi tìm những Âmnê để hy vọng sẽ ghi được ít dáng hình thiếu nữ. Gần 3 ngày, từ Buôn Ma Thuột, tôi lên Krông Ana, xuyên sang Buôn Jun của huyện Lắk, sang Buôn Hồ, vòng qua Ea Tul, rồi Cư M’ga về theo một vòng khép kín mà chả thấy và chả ghi được một Âmnê nào mặc quần áo truyền thống cả.

Lại kêu than, anh bạn thổ dân làm báo ở đây bảo: Đấy là “cái giá” phải trả cho một sự lãng mạn đến mơ hồ về Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột ngày nay. Thích có ảnh thiếu nữ với sắc phục truyền thống hả, hãy lên vào ngày tổ chức lễ hội nhé. Nếu không vào ngày tổ chức này thì phải… thuê. Từ 200 – 300 ngàn mới có một Âmnê mặc sắc phục và thời gian chụp cũng chỉ có khoảng 1 -2 tiếng.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện của anh Toàn, cán bộ văn phòng xã Ea Tul khi hỏi về thiếu nữ và sắc phục tại một buôn có tới 99% là người Ê Đê. Anh Toàn bảo, không có đâu. Giờ thiếu nữ ở đây từ 25 tuổi trở lại chả ai có quần áo và chả ai thích mặc “thứ quần áo” ấy. Cứ ra chợ thôi. Áo phông, quần bò, áo sơ mi giờ là “trang phục” của thiếu nữ Ê Đê nơi đây.

Ea Tul là xã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Để bảo lưu và giữ nghề, một Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm cũng đã được đầu tư dựng lên ở đây. Nhưng theo người dân thì đã lâu lắm Hợp tác xã này không hoạt động vì ít người còn yêu thích nghề này. Sản phẩm làm ra lại rất khó bán. Cả xã hiện chỉ còn bà H’sơi Niê là còn thích làm dệt tại nhà. Nhưng sản phẩm bà làm ra cũng chỉ đem đi chỗ khác bán vì những Âmnê của xã không còn thích vải thổ cẩm và những bộ váy áo truyền thống nữa.

Miền ký ức?

Tây Nguyên đang mai một bản sắc là cái có thật. Bảo tồn và phát huy bản sắc đang là việc cần phải làm tại đây. Như quan điểm của nhà báo lão làng Đặng Bá Tiến, phóng viên thường trú Báo Lao động, người đã cả đời gắn bó, lăn lộn và hiểu biết Tây Nguyên thì: Văn hóa Tây Nguyên đang có những biến đổi sâu sắc và có nhiều cái đáng lo.

Đấy là việc đầu tư có nơi, có lúc chưa trúng, chưa đúng, hiệu quả thấp, thậm chí có việc làm phản tác dụng. Cách làm của cán bộ văn hóa có nơi, có người còn mang tính áp đặt, do thiếu hiểu biết, thậm chí là cố tình bịa tạc, không xuất phát từ cái tâm đối với văn hóa Tây Nguyên…

[caption id="attachment_153237" align="aligncenter" width="640"]Báo Công luận Bà H’sơi Niê là một trong những người hiếm hoi còn lại ở Ea Tul khi còn thường xuyên dệt thổ cẩm.[/caption]

Giữa mai một và bảo lưu này, PGS - TS Đỗ Hồng Kỳ cho biết: Đã có nhiều lo lắng cho vấn đề này bởi đã từng xảy ra trong quá trình thực hiện nhiều dự án, chương trình, ở nhiều địa phương. Ví như việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn làng. Các nhà quản lý đã không tham khảo ý kiến của chính đồng bào, không tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để công trình vừa đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào, vừa bảo đảm được tính truyền thống, tính khoa học từ khâu thiết kế, trang bị bên trong, đến việc tổ chức sinh hoạt, nội dung sinh hoạt… Vì thế nhiều nơi đồng bào “không ưng cái bụng”, không đến nhà văn hóa cộng đồng để sinh hoạt, rất lãng phí. “Chối” nhất là việc phục dựng một số sinh hoạt văn hóa dân gian phần lớn đã không giao cho đồng bào tự làm mà cán bộ văn hóa từ tỉnh, huyện xuống buôn làng áp đặt cách làm.

Ánh điện sáng lóa, loa điện chói tai, không còn ánh lửa của củi rừng cháy bập bùng, không gian linh thiêng, huyền ảo cũng mất đi… Vì thế đồng bào mặc cảm, dửng dưng, thậm chí quay lưng, xem nghi lễ đang được tổ chức là “của cán bộ”, “của Nhà nước” chứ không phải của mình, cho mình.

Nhiều chương trình văn nghệ trong các lễ hội lớn của địa phương đã không mời được các nhà đạo diễn, các nhà chuyên môn giỏi, am hiểu văn hóa Tây Nguyên, nên họ đã đưa vào những nội dung gây phản cảm với đồng bào. Chẳng hạn như múa chim grứ, xưa nay đồng bào chỉ dùng trong đám ma, nay trong một số lễ hội rất vui nhộn lại được đưa vào trong chương trình khai mạc…

Thương nhớ Tây Nguyên, trong tâm trạng của mình, Nhà thơ Văn Công Hùng, người cả đời sống với phố núi Pleiku ngậm ngùi: “Các lễ hội dân gian tự giác không còn nữa. Chả hiểu thế nào mà càng bảo tồn thì càng… hết. Cũng như nhà rông ấy, càng bảo tồn thì càng trơ tôn với bê tông sắt thép ra. Nó chỏi vô cùng với những ngôi làng hiền hòa trữ tình lúp xúp trên các triền đồi, các vực suối. Bây giờ muốn tổ chức gì thì Nhà nước lại phải đổ tiền vào rồi “thuê” làm. Mà làm kiểu ấy thì nhạt lắm!”...

Bài và ảnh: Song Nguyên   

Tin khác

Triển lãm, quảng bá sản phẩm doanh nhân trẻ Ninh Bình năm 2024

Triển lãm, quảng bá sản phẩm doanh nhân trẻ Ninh Bình năm 2024

(CLO) Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Lễ hội Hoa Lư năm 2024, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức Triển lãm gian hàng thương mại, dịch vụ quảng bá sản phẩm doanh nhân trẻ Ninh Bình năm 2024, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Đời sống
TP HCM sẽ đốn hơn 400 cây xanh để xây Metro số 2

TP HCM sẽ đốn hơn 400 cây xanh để xây Metro số 2

(CLO) Có tổng cộng 453 cây xanh hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến Metro số 2. Trong đó, có 449 cây xanh do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM quản lý. Còn lại 4 cây xanh do quận 10 quản lý. 

Đời sống
Thành kính lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Hà Tĩnh

Thành kính lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 18/4 (10/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng, TX Hồng Lĩnh long trọng tổ chức Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2024.

Đời sống
Hải Phòng xếp hạng thứ hai về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023

Hải Phòng xếp hạng thứ hai về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023

(CLO) Hải Phòng xếp thứ hạng hai về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 với kết quả đạt 91,81%, tăng 1,72% so với năm 2022.

Đời sống
Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

(CLO) Thành phố Hải Phòng vừa chi 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đời sống