Việt Nam thống nhất - một tất yếu của giá trị tinh thần

Thứ năm, 26/04/2018 07:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chiến thắng 30/4/1975, đất nước ta được thống nhất, non sông thu về một mối. Đó là một kết cục tất yếu bởi tuy có sự chia cắt đất nước ở nhiều giai đoạn lịch sử nhưng đó chỉ là sự phân chia về lãnh thổ, địa lý, còn về tình cảm, tinh thần thì luôn là một khối thống nhất, bởi người Việt Nam ta dù ở bất cứ nơi đâu đều là con Lạc, cháu Hồng, cùng tập tục, truyền thống. Điều này được thể hiện rõ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Không biết tự bao giờ mà rất nhiều những làn điệu dân ca của Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên đã ngấm rất sâu vào trái tim của người dân cả nước. Nếu người xứ Bắc tự hào có dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan ghẹo Phú Thọ, Vĩnh Yên, các làn điệu chèo miền đồng bằng, các điệu hò ở Thanh Hoá, hát ví dặm Nghệ - Tĩnh và hàng trăm làn điệu dân ca của nhiều dân tộc ít người vùng cao Việt Bắc, Tây Bắc... thì họ còn rất mê đắm những điệu lý, hò ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và luôn bị cuốn hút vào những âm hưởng dân ca vùng đất đỏ núi rừng Tây Nguyên. 

Nhưng làn điệu Lý kéo chài, lý cái mơn, lý con sáo, lý chiều chiều, cây ngô đồng, rồi hò mái nhì, mái đẩy ở Huế... từ bao đời đã tỏ rõ sức sống trong nhiều thế hệ người Việt Nam. Không thể kể hết. Chỉ biết đó là cả kho tàng vô cùng phong phú dân ca các vùng địa lý phía Nam đã trở nên rất đỗi thân quen như là hơi thở, cuộc sống của người dân xứ Bắc. Trong các liên hoan ca nhạc, nhất là chuyên về dân gian đã được thực hiện trên đất Bắc kể từ năm 1954 mà thiếu vắng các làn điệu dân ca phía Nam thì kể như mất hẳn sức hấp dẫn, bữa tiệc âm nhạc ấy trở nên thiếu vị, giảm sút sức lôi cuốn.

Ngoài dân ca thì dân vũ cũng là một loại hình nghệ thuật dân gian được người Việt ta rất ưa thích. Những điệu kéo chài, chàm rông, đoa pụ (đội nước), rông chiêng, rồi múa của người Vân Kiều, Pa-Kô luôn làm mê đắm lòng người. Các nghệ sĩ nhân dân trong lĩnh vực múa như Đặng Hùng (Thuận Hải), Y BRơm (Tây Nguyên), Thái Ly, Phùng Nhạn, Thuý Quỳnh, Minh Tiến... đã có nhiều công sức và thành tựu trong việc nâng cao nhiều điệu dân vũ trở thành những tác phẩm múa đặc sắc.

Báo Công luận
Âm nhạc luôn là một dòng chảy không hề chia cắt trong tâm hồn người Việt. 

Việt Nam ta chẳng những thống nhất về non sông bờ cõi mà về dân tộc, lịch sử văn hóa cũng luôn là một khối thống nhất suốt mấy ngàn năm. Sự đa dạng về phong tục, tập quán từng vùng, từng địa phương tạo nên sự phong phú, hấp dẫn nhưng về nếp cảm, nếp nghĩ cũng như mọi khát vọng về hoà bình, hạnh phúc của người Việt thì ở đâu cũng chỉ là một. 

Đó là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, Tổ quốc, yêu lao động, sáng tạo, đức tính nhân hậu, vị tha, luôn "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng", "lá lành đùm lá rách". Người Việt bình dị mà đậm đà, chân phương mà tinh tế, luôn trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tất cả những phẩm chất, những đặc điểm tâm lý nhất quán ấy của đồng bào các dân tộc, các địa phương trên đất Việt đều được biểu hiện rất rõ trong kho tàng văn nghệ dân gian nói chung, dân ca, dân vũ nói riêng.

Những giá trị tinh thần phi vật thể ấy luôn trường tồn trong tâm linh người Việt Nam, không điều gì, thế lực nào có thể phá huỷ. Đó là lẽ tự nhiên đã được chứng minh qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Cũng thật độc đáo và thú vị khi càng ở vào những thời điểm cam go, khốc liệt nhất của cuộc đương đầu giữa dân tộc ta với kẻ thù xâm lược, những bài ca, vần thơ cùng các tác phẩm văn nghệ lại nở rộ. Và từ miền Nam, không hiểu bằng con đường nào, những tác phẩm hay nhất đã đến được với người dân "đàng ngoài". 

Thật là "hữu xạ tự nhiên hương", giống như ánh sáng sẽ lan toả, mùi thơm không thể đậy lại mà mất đi được, mưa sẽ thấm vào lòng đất cũng như không khí chuyển động mạnh sẽ tạo thành gió bão. Những năm tháng khói lửa chiến tranh mịt mùng, giữa bom rơi đạn nổ, từ chiến trường khốc liệt, những bài ca sâu sắc nhất làm nức lòng người của các nhạc sĩ cách mạng đã xuất hiện và bay ra miền Bắc. 

Ngày ấy, chúng ta vẫn gọi đó là những sáng tác từ tuyến đầu Tổ quốc. Làm gì có in ấn, xuất bản, cũng đâu phải được thu và phát trên làn sóng, càng không có những sân khấu hoành tráng ánh điện như hôm nay mà hàng trăm, ngàn những bài hát hay nhất đã bay ra Bắc, đậu lại trong trái tim hàng triệu con người để cổ vũ, động viên họ vượt qua muôn ngàn gian khó, hoàn thành sứ mạng "hậu phương lớn". 

Đời sống tinh thần mỗi người Việt sẽ còn mãi mãi ghi nhớ âm điệu vừa ngọt ngào, thiết tha, lại vừa hào hùng, sôi động của rất nhiều bài hát hay đã được vút lên từ miền Nam để bay ra miền Bắc: Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng); Qua sông (Phạm Minh Tuấn); Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ); Giải phóng miền Nam, Hành khúc giải phóng (Huỳnh Minh Siêng)... Qua 30 năm chiến đấu, âm điệu lạc quan chiến thắng luôn là âm điệu chủ đạo bay vút lên ở tất cả các bài ca "từ tuyến đầu".

"Miền Nam luôn trong trái tim tôi". Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Đó là một tình cảm hết sức tự nhiên như của những người trong một gia đình vậy. Có lẽ chính vì thế mà mọi sản phẩm tinh thần có giá trị từ miền Nam, đặc biệt là âm nhạc - loại hình nghệ thuật có nhiều ưu thế trong việc lan toả vào công chúng - đều nhanh chóng đến được với miền Bắc, dẫu có phải "qua núi biếc trập trùng bao la, qua núi mây che mờ quê ta" nhưng vẫn "tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha".

Chiến thắng lịch sử 30/4 thống nhất đất nước là một sự kiện cuối cùng mang tính tất yếu. Bởi tình cảm, tâm linh dân tộc Việt Nam trong lịch sử luôn là sự thống nhất, đồng tâm được thể hiện trong các giá trị tinh thần luôn sáng đẹp như ngọc, không lớp bụi nào có thể che mờ.

TS Nguyễn Đình San

Tin khác

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

(CLO) Mới đây, Ban quản lý ba thôn (Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống làng Tiếu Mai. Hoạt động sẽ diễn ra trong ba ngày (18-20/4/2024).

Đời sống văn hóa
Sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024

Sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024

(CLO) 500 quả pháo hoa tầm cao và 150 giàn pháo hoa tầm thấp sẽ được bắn 15 phút trong đêm tổ chức Chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Hấp dẫn các hoạt động và trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư 2024

Ninh Bình: Hấp dẫn các hoạt động và trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư năm 2024 đã diễn ra các hoạt động và trò chơi dân gian như: Hội trại thanh niên; Hội thi kéo chữ "Thái Bình"; Hội thi chọi gà.

Đời sống văn hóa