Xu hướng không thể khác của báo chí quốc tế

Thứ hai, 20/06/2016 13:56 PM - 0 Trả lời

Việc gần 400 nhà báo toàn cầu hợp lực điều tra suốt 1 năm trời để rồi khai thác thành công về bí mật “Hồ sơ Panama” khiến thế giới rúng động là bằng chứng cho thấy đã đến lúc báo chí điều tra quốc tế buộc phải rẽ sang một hướng đi mới: hợp tác, liên kết, cùng chia sẻ và xử lý thông tin...

(NBCL) Việc gần 400 nhà báo toàn cầu hợp lực điều tra suốt 1 năm trời để rồi khai thác thành công về bí mật “Hồ sơ Panama” khiến thế giới rúng động là bằng chứng cho thấy đã đến lúc báo chí điều tra quốc tế buộc phải rẽ sang một hướng đi mới: hợp tác, liên kết, cùng chia sẻ và xử lý thông tin. Nói một cách khác, thời của báo chí điều tra xuyên biên giới đã đến, bắt buộc phải đến.

[caption id="attachment_104106" align="aligncenter" width="800"]anh4 Thủ tướng Iceland phải từ chức vì áp lực của vụ Hồ sơ Panama. Ảnh: Internet[/caption]

“Một cây làm chẳng nên non”

Người có công đầu trong việc tiếp cận nguồn tài liệu “Hồ sơ Panama” được cho là phóng viên điều tra người Đức Frederik Obermaier – người đang làm cho tờ Suddeutsche Zeitung. Frederik Obermaier từ lâu đã được biết tới tại Đức như một cây bút điều tra khét tiếng, từng tham gia điều tra nhiều vụ bê bối lớn, thành viên của ICIJ (Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế), từng được tạp chí Medium Magazin bình chọn là một trong 30 nhà báo tiêu biểu nhất trong 30 năm qua…. Có lẽ chính danh tiếng ấy đã khiến Frederik Obermaier đã được người sở hữu “Hồ sơ Panama” tin tưởng chọn cung cấp thông tin.

Theo Frederik Obermaier, cuối năm 2014 anh nhận được tin nhắn của một người tự xưng là John Doe và hỏi anh có thích thú với những tài liệu mà anh ta đang nắm giữ hay không. Tuy nhiên, không phải đơn giản chỉ một cú gật đầu là Frederik Obermaier được John Doe cung cấp thông tin ngay. John Doe từ chối gặp mặt trực tiếp hay cung cấp bất kỳ thông tin gì về cá nhân mình và đòi hỏi bất kỳ điều gì. Cái mà John Doe yêu cầu nhiều nhất là thông tin phải được cung cấp cho công chúng và nguồn thông tin phải được bảo đảm an toàn. Các cuộc nói chuyện giữa hai bên phải được mã hóa và xóa ngay sau đó, thậm chí điện thoại, ổ cứng của laptop dùng để liên lạc với nguồn tin cũng bị phá hỏng. Phải mất đến vài tháng, sau khi trải qua đủ các bước: làm quen, thăm dò, hiểu biết và đủ độ tin tưởng nhau, Frederik Obermaier mới được “người bí ẩn” đồng ý trao gửi tài liệu mật.

Tuy nhiên, khi tài liệu được chuyển tới, Frederik Obermaier, đồng sự và ban biên tập của Süddeutsche Zeitung choáng váng vì lượng thông tin được cung cấp quá khổng lồ: 11,5 triệu tài liệu trong đó có 4,8 triệu email – 2,6 terabyte dữ liệu. Lượng thông tin này lớn gấp nhiều lần so với tổng dung lượng thông tin kết hợp của vụ rò rỉ điện tín ngoại ngoại giao Mỹ cho tổ chức Wikileaks vào năm 2010, vụ cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ tài liệu tình báo Mỹ vào năm 2013, vụ rò rỉ hồ sơ thuế của thiên đường thuế Luxembourg vào năm 2014 và vụ tiết lộ danh sách hơn 100.000 khách hàng của Ngân hàng HSBC vào năm ngoái. Không những thế, phần lớn các thông tin có trong hồ sơ được cung cấp lại thuộc hàng “vô cùng nhạy cảm” khi liên quan đến rất nhiều nhân vật thuộc hàng nguyên thủ quốc gia hoặc có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị thế giới.

Tại Đức, Suddeutsche Zeitung là một trong những tờ báo uy tín, quyền lực và có sức ảnh hưởng hàng đầu. Với đội ngũ phóng viên điều tra tinh nhuệ và khá hùng hậu, Suddeutsche Zeitung từng hợp tác với nhiều đơn vị báo chí, thông tấn để điều tra và phanh phui một số vụ việc lớn, điển hình như vụ ngân hàng HSBC chi nhánh Thụy Sĩ năm ngoái giúp các khách hàng giàu có trốn thuế hay bê bối thuế liên quan tới 340 công ty đa quốc gia ở Luxembourg bị phát giác hồi năm 2014.

Tuy nhiên ngay khi tiếp nhận Hồ sơ Panama, Suddeutsche Zeitung đã nhận ra rằng những dữ liệu mà họ có là một kho thông tin đồ sộ mà không một hãng thông tấn hay cơ quan báo chí nào có thể một mình xử lý, xác minh và điều tra một cách thấu đáo. Tổng biên tập Wolfgang Krach của Süddeutsche Zeitung cho biết: “Chỉ xét đến lượng dữ liệu và nội dung thôi cũng đã thấy quy mô khổng lồ. Ngay từ tài liệu đầu tiên, chúng tôi đã thấy dữ liệu liên quan đến nhiều người trên toàn thế giới. Trên cơ sở đó, chúng tôi sớm nhận ra rằng đây không phải là một vụ điều tra mà chúng tôi có thể tự đảm nhận một mình được”.

“Một cây làm chẳng nên non”, quyết không để bỏ lỡ cơ hội làm nên chuyện, Suddeutsche Zeitung quyết định tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức báo chí.

Nỗ lực hợp tác báo chí lớn chưa từng có

Tổ chức báo chí đầu tiên mà Suddeutsche Zeitung muốn cùng làm việc trong dự án Hồ sơ Panama là Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists- ICIJ). Với họ, ICIJ không chỉ là nơi duy nhất tập hợp được lượng lớn phóng viên điều tra giỏi nhất mà trên hết ICIJ là tổ chức hiếm hoi có kinh nghiệm dày dạn trong việc phối hợp thực hiện các cuộc điều tra xuyên quốc gia. ICIJ là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1997 với trụ sở tại Mỹ và 195 phóng viên điều tra đến từ hơn 65 quốc gia trên thế giới. Trong nhiều năm qua, ICIJ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui các vụ bê bối lớn trên thế giới, góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ trốn hoặc gian lận thuế như "Offshore Leaks” năm 2013, “LuxLeaks” năm 2014 và “SwissLeaks” năm 2015. Bên cạnh đó, các vấn đề mà ICIJ tập trung điều tra còn có tội phạm xuyên quốc gia, tham nhũng và trách nhiệm giải trình của những người nắm quyền lực.

[caption id="attachment_104105" align="aligncenter" width="800"]Một ê kíp các nhà báo Ấn Độ từ tờ The Indian Express tham gia dự án Hồ sơ Panama. Ảnh: Internet Một ê kíp các nhà báo Ấn Độ từ tờ The Indian Express tham gia dự án Hồ sơ Panama. Ảnh: Internet[/caption]

Rất may mắn cho Suddeutsche Zeitung khi gần như lập tức họ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ lãnh đạo ICIJ. Với những trải nghiệm đáng giá đã có từ việc triển khai những dự án báo chí điều tra như thế này, ICIJ nhanh chóng vạch ra hai việc “cần làm ngay”: Thứ nhất, tuyển một đội ngũ lớn các nhà báo điều tra. Họ có trách nhiệm phân tích dữ liệu trong vòng nhiều tháng. Tiếp theo là xử lý bằng công nghệ những tài liệu đó và chia sẻ chúng một cách an toàn. Toàn bộ công việc trên mất nhiều tháng để quét và lọc dữ liệu trước khi tải chúng lên không gian làm việc ảo (plate-forme) (được lập để giúp các nhà báo thành viên từ các nước cùng thảo luận).

Theo kế hoạch đó, ICIJ đã đứng ra thành lập một đội điều tra với gần 400 phóng viên điều tra cực giỏi nghề đến từ hơn 100 cơ quan báo chí trên khắp thế giới. Những đối tác báo chí bao gồm The Guardian và BBC của Anh, El Confidencial từ Tây Ban Nha, Le Monde của Pháp, Falter và ORF của Áo, Sonntagszeitun của Thụy Điển và L’Espresso từ Italy, nhật báo Achentina La Nación, các đài truyền hình Đức NDR và WDR, các kênh truyền hình Mỹ Fussion và Univision hay các báo Miami Herald và Charlotte Observer, tuần báo Thụy Sĩ Sonntagszeitung, tuần báo Áo Falter hay kênh truyền hình Áo ORF… Nhiều tờ báo từng có thời gian hợp tác với ICIJ trong các dự án điều tra về "thiên đường trốn thuế" khác.

Đội phóng viên điều tra này được đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy của Marina Walker, Phó Giám đốc ICIJ, một cựu phóng viên điều tra người Argentina. Marina Walker có hơn 20 năm trong nghề báo, từng phanh phui các vụ án tham nhũng về môi trường, khai khoáng, buôn lậu thuốc lá… và từng hợp tác trong vụ tung thông tin về các tài liệu trốn thuế trong Ngân hàng HSBC, chi nhánh tại Thụy Sĩ. Bà cũng đã giành nhiều giải thưởng báo chí quốc tế ở 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có giải thưởng George Polk của Đại học Long Island, giải phóng viên điều tra, biên tập viên điều tra, giải của CLB báo chí quốc tế, Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp xã hội và giải thưởng của Ủy ban Châu Âu.

Hỗ trợ Marina Walker trong việc điều hành và lập kế hoạch tung tài liệu dự án Hồ sơ Panama sao cho chuẩn, nhanh và hiệu quả là Giám đốc ICIJ Gerard Ryle. Gerard Ryle là người Australia và từng kinh qua nhiều vị trí phóng viên, biên tập viên, chủ bút ở nhiều tờ báo khác nhau tại Australia và Ireland, trong đó có một loạt tờ báo nổi tiếng như The Sydney Morning Herlad, The Age. Ông có ít nhất 4 lần được vinh dự trao tặng các giải thưởng báo chí cao quý của Australia và từng là Phó Tổng biên tập tờ The Canberra Times và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về nghề báo…

Theo bà Walker, việc đòi hỏi một lượng lớn các phóng viên cùng cơ quan truyền thông toàn cầu là điều cần thiết. Với rất nhiều quốc gia, công ty và cá nhân dính líu tới vụ trốn thuế có tên trong tài liệu, việc tìm các nhà báo địa phương với kiến thức tại nơi sở tại là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông Gerard Ryle cũng giải thích “Nếu như bạn muốn tìm hiểu tài liệu về Brazil, tất nhiên bạn phải kiếm một phóng viên người Brazil”.

Gần 400 phóng viên đến từ hơn 100 quốc gia, cùng xử lý 11,5 triệu tài liệu- một cuộc điều tra báo chí lớn chưa từng có và chưa có tiền lệ đã mở ra.

Thành công đáng kinh ngạc

Tuy nhiên, để số lượng khổng lồ các nhà báo đến từ nhiều quốc gia khác nhau tác nghiệp nhịp nhàng, hiệu quả thì việc điều hành “cỗ máy” điều tra Dự án Hồ sơ Panama không hề là việc dễ dàng. Theo các chuyên gia truyền thông, thành công đáng kinh ngạc của Dự án Hồ sơ Panama đến từ việc vận dụng một cách hiệu quả những tiến bộ công nghệ trong nghề báo và khâu bảo mật thông tin.

Do tính nhạy cảm của dữ liệu, nhóm điều tra quốc tế của ICIJ đã phải áp dụng thêm một số biện pháp an ninh và tất cả các phóng viên tham gia nhóm điều tra đều phải trao đổi qua các kênh liên lạc được mã hóa. Các chuyên viên công nghệ thông tin của ICIJ đã xây dựng một công cụ tìm kiếm tùy chỉnh để nhóm điều tra có thể chia sẻ thông tin một cách bí mật trên khắp thế giới. Ngoài ra, một hệ thống chat (nói chuyện qua mạng) thời gian thực cũng ra đời, giúp các nhà báo trao đổi với nhau dễ dàng hơn. Nhiều thuật toán thông minh được tạo ra giúp tìm kiếm mối liên quan giữa những cái tên đã được đề cập trong tài liệu.

Phần mềm chuyển dữ liệu bản cứng thành các dữ liệu định dạng kỹ thuật số cũng tỏ ra rất hiệu quả. Các thành viên của đội phóng viên điều tra bay tới Munich, Đức, để phối hợp với hai phóng viên Bastian Obermayer và Frederik Obermaier của Suddeutsche Zeitung tham gia dự án. Họ dạy hai nhà báo Bastian Obermayer và Frederik Obermaier cách chuyển giao các file dữ liệu lớn một cách an toàn và gửi một cách vô danh dưới dạng ổ cứng qua dịch vụ chuyển phát. Các phóng viên khác thì gặp riêng nhau tại Washington, Munich, London, Johannesburg và Lillehammer nhằm thảo luận phương hướng, trọng tâm của điều tra cũng như phân công nhiệm vụ, còn cuộc gặp ở Munich là để thảo luận kết quả điều tra và sắp xếp kế hoạch đăng tin bài. Một số cuộc họp có số thành viên tham dự lên đến trên 100 người.

[caption id="attachment_104107" align="aligncenter" width="800"]Các nhà báo phân tích dữ liệu Hồ sơ Panama tại văn phòng ICIJ. Ảnh: Internet Các nhà báo phân tích dữ liệu Hồ sơ Panama tại văn phòng ICIJ. Ảnh: Internet[/caption]

Khó khăn của cuộc điều tra là nội dung dữ liệu quá lớn với thông tin liên quan đến 240.000 công ty và mỗi công ty có một thư mục (folder) dữ liệu. Mỗi folder như vậy có khi chứa tổng cộng đến 3.000 file và để đọc hết nội dung folder phải mất cả tuần. Số lượng quá lớn cũng như tính phức tạp của chúng khiến các nhà báo không thể chỉ đơn giản tiếp cận theo các cách thông thường. Trong khoảng thời gian bí mật điều gần một năm, từ tháng 6/2015 - 4/2016, ICIJ đã huy động một đội ngũ nhà báo cùng các chuyên gia dữ liệu hàng đầu giúp sàng lọc cũng như giải thích dữ liệu. Họ xây dựng hẳn một hệ thống máy tính hiện đại, có thể sánh ngang với mạng lưới của các cơ quan tình báo, hãng luật hay những tập đoàn lớn, để phục vụ cho công tác xử lý, phân tích, đánh giá thông tin.

Tuy nhiên, điều đáng khâm phục và ngạc nhiên nhất về dự án Hồ sơ Panama là vấn đề bảo mật thông tin. Nên nhớ, dự án này tập hợp tới gần 400 phóng viên đến từ hơn 100 quốc gia. “Chúng tôi đã làm mọi thứ để giữ bí mật và thật ngạc nhiên là hoàn toàn không có bất cứ rò rỉ thông tin nào trong nhóm 400 phóng viên này. Chưa bao giờ có một vụ điều tra với quy mô lớn như thế này trước đây và điều này thật đáng kinh ngạc. Đây là vụ hợp tác điều tra tốt nhất từ trước đến nay”, Tổng biên tập Suddeutsche Zeitung Wolfgang Krach thốt lên như vậy. Sheila Coronel, giáo sư tại Đại học Báo chí Columbia cũng thán phục khả năng phân chia công việc, trao quyền tự chủ và tính độc lập cho các đơn vị, cá nhân của Dự án để không những có thể khai thác hiệu quả nguồn tư liệu để tìm ra được những thông tin quan trọng, có ý nghĩa với độc giả, mà còn bảo mật thông tin đến tận sau cùng. Trong suốt hai năm, kể từ năm 2014 khi Sueddeutsche Zeitung có được thông tin về Mossack Fonseca đến thời điểm công bố ngày 3/4/2016 trên các trang báo, tuy có sự tham gia của hàng trăm nhà báo trên toàn thế giới nhưng Hồ sơ Panama được bảo mật tới giờ phút cuối cùng, và chỉ những thông tin đã qua xử lý mới được công bố.

Mở ra xu hướng hợp tác điều tra báo chí xuyên biên giới

Hồ sơ Panama tạo nên cơn địa chấn lớn không chỉ trên chính trường, mà còn trong địa hạt truyền thông, dự án này đã tạo ra một con đường mới, một triển vọng mới. Không chỉ phanh phui mức độ gian lận khủng khiếp làm chấn động thế giới, vụ việc còn cho thấy sức mạnh của báo chí và khả năng tập hợp các nhà báo trên toàn thế giới, qua đó khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới giữa các tòa soạn báo trong một thế giới toàn cầu hóa. Như nhận định của Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản quốc tế (WAN-IFRA) thì Hồ sơ Panama đã tạo ra cơ hội đưa hợp tác điều tra báo chí xuyên biên giới lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, nói là một chuyện và bắt tay thực hiện được hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Với Dự án Hồ sơ Panama, Suddeutsche Zeitung đã thực sự là tờ báo hiếm hoi dám đi tiên phong trong việc mở ra một hướng đi mới: hợp tác, liên kết trong điều tra báo chí. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng không phải chỉ có Suddeutsche Zeitung mới nhận ra rằng trong bối cảnh ngành báo chí điều tra nói riêng và truyền thông nói chung đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì bất kì một tờ báo nào, dù hùng mạnh và uy tín đến đâu cũng không đủ sức tiến hành điều tra riêng rẽ trước một dự án lớn như Panama.

Tuy nhiên, có lẽ hiện tại chỉ mới Suddeutsche Zeitung mới dám phá bỏ nguyên tắc tưởng chừng như bất di bất dịch của bất kì cơ quan báo chí nào: độc quyền thông tin. Từ trước tới này độc quyền thông tin chính là nguồn sống quan trọng nhất của bất cứ một hãng thông tấn báo chí nào, và nếu có hợp tác cũng chỉ là giữa một vài hãng truyền thông. Việc những tờ báo lớn nhất của Mỹ như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post từ chối tham gia dự án cho thấy vẫn rất nhiều tờ báo duy trì quan điểm về độc quyền và bảo mật thông tin.

Nhưng rõ ràng thực trạng ngày càng khó khăn của báo chí điều tra nói riêng, báo chí nói chung chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại quan điểm về độc quyền thông tin. Thực tế đáng buồn là báo chí điều tra mang lại những lợi ích vô cùng lớn nhưng chính phủ tại nhiều nước lại không hỗ trợ báo chí điều tra. Phóng viên điều tra là nghề rất nguy hiểm nhưng nghề này lại chưa được tưởng thưởng xứng đáng. Chưa kể, việc đào tạo nhân lực cho mảng báo chí điều tra luôn kì công và tốn kém hơn cả. Ai đó đã ví von kỹ năng điều tra báo chí rất cao, phải mất 10.000 giờ kinh nghiệm mới có thể thuần thục, không khác gì đào tạo một võ sĩ quyền Anh. Đối với nghề báo, muốn trở thành phóng viên điều tra, trước tiên phải là nhà báo giỏi. Nếu không nhận được sự hỗ trợ, việc đào tạo phóng viên đang trở nên quá tầm với với nhiều tòa soạn. Và vì thế, đội ngũ phóng viên điều tra cũng trở nên thui chột dần, ngày cả tại các cơ quan báo chí lớn.

Khó khăn tự thân là vậy, chưa kể các phi vụ điều tra ngày càng trở nên tinh vi, “khó nhằn”. Thế nên, chắc chắn, dù muốn hay không, sẽ có nhiều tờ báo đi theo con đường Süddeutsche Zeitung đã đi: hợp tác điều tra báo chí. Nói như Tổng biên tập Wolfgang Krach của Süddeutsche Zeitung: Tôi hoàn toàn tin chắc rằng đây là điểm khởi đầu có tiếng vang đối với hình thức mới của báo chí xuyên biên giới. Nói một cách hình tượng lớn, như nhà báo Luke Harding của nhật báo danh tiếng Anh quốc The Guardian: Ai cũng gặp khó khăn, nhưng nếu cùng nắm tay nhau chúng ta sẽ làm được những điều tuyệt vời.

Hà Trang

Tin khác

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo
Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

(CLO) Chiều 17/4, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

Nghề báo
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho xây dựng kinh tế xanh

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho xây dựng kinh tế xanh

(CLO) Ngày 17/4, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”.

Nghề báo
Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023: Mùa giải có kỷ lục về số lượng tác phẩm

Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023: Mùa giải có kỷ lục về số lượng tác phẩm

(CLO) Chiều 16/4, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia chủ trì buổi khai mạc.

Nghề báo
Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

(CLO) Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào nhận quyết định điều động lên tỉnh mới chia tách, nay được về dự kỷ niệm ngày thành lập Báo Lai Châu, bao cảm xúc ùa về. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên ấy gian khổ nhưng thấm đẫm ân tình đồng nghiệp.

Nghề báo