Thông đường băng cho đặc khu “cất cánh”?

Thứ năm, 24/05/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 23/5, QH thảo luận tại hội trường về dự luật Đặc khu HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 của UBTBQH.

Những điểm “đột phá” cả về thể chế kinh tế và hành chính

Bám sát và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần, nội dung các quy định của Hiến pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Luật Đơn vị HCKTĐB được xây dựng theo hướng mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách mới, bảo đảm vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế, đột phá cả về thể chế kinh tế và hành chính. 

Những cơ chế, chính sách này có thể vượt quy định của các Luật hiện nay, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB phải có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.

Đơn vị HCKTĐB sẽ chỉ có một quy hoạch tổng thể, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm bảo đảm việc xây dựng và phát triển đơn vị HCKTĐB phù hợp với định hướng, mục tiêu, lợi thế so sánh của từng khu, hạn chế tối đa sự phát triển tự phát; bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ giữa hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực với nhau.

Dự thảo Luật quy định về nội dung, nguyên tắc, quy trình lập, điều chỉnh, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch đơn vị HCKTĐB theo hướng tích hợp các quy hoạch liên quan. Đặc biệt, điểm “mới”“mở” của Dự thảo Luật là cho phép thuê tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài xây dựng quy hoạch đơn vị HCKTĐB để bảo đảm chất lượng và tầm nhìn dài hạn của quy hoạch.

Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có sự phân biệt đối xử khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB. Dự thảo Luật quy định nhà đầu tư được lựa chọn pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế để điều chỉnh hợp đồng dân sự, thương mại, kinh doanh có yếu tố nước ngoài; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác tại Tòa án nước ngoài, loại trừ một số tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng có các chính sách thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch các chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như: hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động Việt Nam; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động…

Ngoài cơ chế, chính sách áp dụng chung, các Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển các ngành, nghề ưu tiên, phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đặc khu. 

Báo Công luận
 

Trao quyền và trách nhiệm mạnh mẽ hơn cho Trưởng đặc khu

Tại Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB.

Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính (không xác định cấp chính quyền địa phương tại ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nên không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB); đơn vị HCKTĐB được tổ chức các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới; Trưởng Khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng Đơn vị HCKTĐB, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.

Quy định này thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu…

Có thể nói, thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW. Mô hình này cũng được tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế (như Khu hợp tác Tiền Hải thuộc Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc, thành phố quốc tế tự do Jeju của Hàn Quốc, thành phố Dubai của UAE). 

Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương án này là việc quy định chính quyền địa phương với thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng với các cơ quan chuyên môn giúp việc nhưng không phải là một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND nên có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB; tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan đại diện hành chính của UBND đơn vị HCKTĐB; đơn vị HCKTĐB được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính… 

Phương án này ít gây xáo trộn nhưng quy định này chưa tạo được bước đột phá và đặc biệt; tổ chức bộ máy và nhân sự của chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB chưa tinh gọn…

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước khác như Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quân đội, công an, tài chính, bảo hiểm, chi nhánh ngân hàng nhà nước theo hướng tinh gọn với thẩm quyền hiệu lực, hiệu quả để thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực của mình. 

Cụ thể hóa cơ chế để triển khai

Trước đó, tại Hà Nội, hội thảo “Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” đã được tổ chức nhằm làm rõ hơn về đạo luật đang rất được chú ý - Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt, thường còn gọi là Luật Đặc khu. Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc thành lập các đặc khu ở Việt Nam cũng như sự ra đời của Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ông cho rằng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập, mở cửa, hạn chế của mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay, Chính phủ đã nghiên cứu mô hình đặc khu, dự kiến được xây dựng ở 3 nơi là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tại đây, Việt Nam mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với thể chế, chính sách vượt trội, nhằm cạnh tranh và thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo sân chơi quốc tế ngay trên lãnh thổ của mình.

Ông cũng cho biết các đặc khu được định hướng phát triển 2 mục tiêu chính. Thứ nhất giúp tạo cực tăng trưởng và lan tỏa ra toàn nền kinh tế, thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực có tính cạnh tranh, theo xu thế. Đặc khu cũng là nơi đáng sống, thịnh vượng về kinh tế, công bằng, bảo vệ môi trường.

Thứ hai, đặc khu sẽ tạo ra sân chơi mới với chính sách vượt trội cho khởi nghiệp, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghệ cao, hậu cần, cảng biển, sân bay, thương mại dịch vụ…

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của mô hình đặc khu và nói rằng “việc ban hành luật là đương nhiên”. Vấn đề còn lại là thực thi luật, triển khai thực hiện ra sao là vấn đề rất quan trọng. “Việc ban hành luật là đương nhiên, nhưng chúng ta cần cụ thể cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, đưa được chính sách vào thực tiễn”, ông nói.

Khánh An

 

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn