Tự hào Chiến thắng Đường 9 Khe Sanh nửa thế kỷ nhìn lại

Thứ sáu, 20/07/2018 07:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cách đây 50 năm, vào ngày 20/1/1968, quân và dân các dân tộc huyện Hướng Hóa đã sát cánh cùng các quân đoàn, sư đoàn, binh chủng, các đơn vị chủ lực, đồng loạt tấn công các cứ điểm của địch ở Khe Sanh. Sau 170 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường, quân và dân ta đã giành chiến thắng hoàn toàn.

Báo Công luận

Nhà bảo tàng Đường 9- Khe Sanh. 

 

Thị trấn Khe Sanh, thủ phủ của huyện Hướng Hóa, nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những “mắt thần” của phòng tuyến Mắc Namara - một phòng tuyến mà địch giăng ra rất kiên cố từ Cửa Việt đến Lao Bảo hòng chặn cắt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Vì tầm quan trọng đó, từ năm 1962, quân Mỹ và ngụy đã thiết lập ở đây một căn cứ không quân - lục quân, với lực lượng hùng hậu lên tới 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ. Còn dọc phòng tuyến Mắc Namara, địch tập trung tới 40% các tiểu đoàn bộ binh và xe tăng, xe thiết giáp mà Bộ chỉ huy quân sự Mỹ có trong tay trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Về phía ta, ngay từ giữa năm 1966, trên cơ sở đánh giá tầm quan trọng của khu vực Đường 9 - Khe Sanh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Quân khu Trị Thiên, mở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh với mật danh là Mặt trận B5, có nhiệm vụ thu hút và giam chân địch càng lâu càng tốt để tạo điều kiện cho Mặt trận Miền Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, một lần nữa khu vực đường 9 - Khe Sanh lại được xác định là hướng tiến công và đòn chính của bộ đội chủ lực nhằm “nghi binh, lừa địch”, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế và Trị Thiên.

Đúng 2h sáng ngày 21 tháng 1 năm 1968, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công các cứ điểm Chi khu quân sự Hướng Hóa, Làng Vây, Tà Cơn. Lúc đầu địch có chút hoang mang, nhưng sau đó đánh trả quyết liệt. Nhưng với tinh thần anh dũng và bất khuất, trải qua 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, đến ngày 9/7/1968, quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, buộc Mỹ phải chịu thất thủ. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 17.000 tên địch, trong đó có 1.300 tên Mỹ, bắt sống hàng trăm tên khác; tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Mỹ, một chiến đoàn dù và tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc biệt ngụy, 39 đại đội Mỹ - ngụy; bắn rơi và phá hủy 480 máy bay các loại, phá hủy hàng trăm xe quân sự, hơn 60 khẩu pháo, phá hủy hơn 50 kho xăng, đạn, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn lương thực.

Chiến thắng Khe Sanh đã đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến thắng Khe Sanh đã góp phần quan trọng buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang, ngồi vào vòng đàm phán ở Paris, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Khe Sanh chính là kết quả của những nhân tố rất cơ bản tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp đánh bại những nỗ lực quân sự khổng lồ của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh độc lập, sáng tạo của Đảng ta. Đó còn là ý chí, nghị lực, sức mạnh của những người lính xung trận với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng; là sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ và tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc miền tây Quảng Trị một lòng chung thủy với cách mạng, với Bác Hồ. Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là bản hùng ca của dân tộc ta, của quân đội ta, cũng là niềm tự hào của quân và dân Quảng Trị và huyện Hướng Hóa anh hùng.

Báo Công luận

Chiếc máy bay vận tải CH-47 trưng bày trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn. Đây là loại máy bay chuyên vận chuyển người, vũ khí và lương thực trong những năm lính Mỹ tham chiến ở Khe Sanh. 

 

Chiến dịch kết thúc, Khe Sanh - Hướng Hóa không chỉ hồi sinh trên đống tro tàn của bom đạn mà đang vươn lên thật mãnh liệt. Con đường số 9 - Khe Sanh giờ đây đã trở thành một đại lộ xuyên Á, tạo sự phát triển cho 6 quốc gia tại tiểu vùng sông Mê Kông. Những chiến địa ác liệt năm xưa như Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Vây… giờ cũng đã trở thành những địa chỉ đầu tư phát triển hấp dẫn. Hệ thống di tích chiến thắng Khe Sanh đã trở thành một điểm đến hòa bình, thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi năm. 

Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; tiềm năng, thế mạnh của địa phương từng bước được phát huy; Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được xây dựng kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Một đô thị vàng Lao Bảo; một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây. Các công trình thuỷ điện Quảng Trị, điện gió Hướng Linh đã minh chứng cho ý chí, khát vọng biến khó khăn thách thức thành tiềm năng lợi thế “ngăn thác lũ”, “biến gió Lào” thành điện năng; nhiều nhà máy đã được mọc lên như: Nhà máy Săm lốp Camel, Nhà máy Nước uống tăng lực Superhorse, Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hoá… cùng các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội đã được đầu tư xây dựng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng núi phía Tây của tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục được đầu tư và có bước phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, chương trình giảm nghèo bền vững được quan tâm đúng mức; công tác chăm sóc người có công với cách mạng được chú trọng; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Mối quan hệ kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới được duy trì và tăng cường, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và đã đạt được kết quả tích cực. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, Hướng Hóa được Đảng, Nhà nước  phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Báo Công luận
 

Hệ thống hầm hào của lính Mỹ được phục dựng tại sân bay Tà Cơn

 

Còn nhớ, những năm 70 của thế kỷ trước, khi hàng chục vạn quân Sài Gòn tràn qua Lao Bảo thực hiện cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, máu lửa ngút trời, thì nhà thơ Liệt sĩ Ngô Kha ở Huế đã viết bài thơ Cho những người nằm xuống, tiên tri về Lao Bảo: một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo / một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây.. . Sự tiên đoán đó bây giờ đã thành sự thật! Lao Bảo đã trở thành một đô thị vàng. Vàng ở đây gồm cả hai nghĩa: đẹp và giàu có.

50 năm đã trôi qua nhưng  những chiến công Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 mãi là bản anh hùng ca bất tử về sự hy sinh, lòng dũng cảm vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là bài học kinh nghiệm quý báu trong xây công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bài và ảnh Nguyễn Văn Thanh

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương