Ban hành Quy tắc ứng xử trong trường học, có được như kỳ vọng?

Thứ hai, 07/05/2018 08:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện buồn xảy ra ở trường học khiến cho dư luận không khỏi hoang mang. Trước sự việc đáng tiếc đó, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để soạn Bộ quy tắc ứng xử trong trường học với hy vọng sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm học tới.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề ra yêu cầu ban hành “Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông” vào thời điểm trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Bộ trưởng cho rằng đây sẽ là "giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới. Nhắc lại một số sự việc xảy ra gần đây thể hiện sự thiếu văn hóa ứng xử trong nhà trường. 

Vẫn còn một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử. Cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, thiếu dân chủ, thành kiến, trù dập, chèn ép buộc học sinh phải học thêm... làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Một số nhà giáo thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thân thể, bạo hành học sinh; chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp và phụ huynh. Một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực, độc đoán, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây mất dân chủ nghiêm trọng, lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng... làm giảm sút động lực phấn đấu của cán bộ, nhà giáo và niềm tin xã hội. nhiều người làm giáo dục nhận định dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên, rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững. 

Thực trạng hiện nay chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phươnh hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác. 

Báo Công luận
Một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội.  (Nguồn ảnh: Internet)

Thêm vào đó, thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được ban hành kịp thời, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình triển khai tại cơ sở nhưng một số ít quy định, trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Chia sẻ về vấn đề trên TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục của trường Đại học Giáo dục, trường Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Ở trong trường học có rất nhiều các bộ quy tắc ứng xử, tuy nhiên tại sao những bộ quy tắc ứng xử đó lại chưa có hiệu quả và dẫn tới có nhiều hành vi được thực hiện trong trường và không theo những bộ quy tắc ứng xử đó. 

Bộ quy tắc ứng xử trong học đường là giá trị để truyền tải đến các giáo viên, cán bộ nhà trường, học sinh với những cách ứng xử khác nhau và những giá trị này không thể truyền tải được qua cá nhân, một cái bản nội quy hay một môn học nào mà nó phải là một bản thống nhất ở trong nhà trường". Cũng theo TS Trần Thành Nam, giá trị tôn trọng nếu như tất cả mọi người đều có được trong quy tắc ứng xử ở nhà trường, thể hiện giá trị trong hành vi. Những giá trị tôn trọng ấy phải được giáo viên thể hiện qua những hành vi ứng xử của mình. Cán bộ cũng thể hiện qua hành vi ứng xử của mình, các môn học cũng đều có sự khẳng định và góp phần củng cố lại những giá trị đó, thậm trí cả môi trường gia đình. 

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai ba đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu và ban soạn thảo xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường phổ thông bám sát, khai thác những kết quả nghiên cứu này để có cơ sở thực tiễn cho quá trình xây dựng. Dự thảo đặt ra mục tiêu hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường để nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo. 

Ba mục tiêu cụ thể được đề ra trong dự thảo là: Đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc thù của lĩnh vực GD-ĐT. Đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng và liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau. Đến năm 2020 có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Đội thiếu niên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025... 

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường dạy “người” thời gian qua đã được làm rất tốt nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn. Trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông. Bộ trưởng yêu cầu quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố “phong trào”. Cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, bảo đảm các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh… Trong giai đoạn đầu thì cũng cần phải có những hành động cụ thể, hành vi cụ thể để qua đó có những chế tài, hoặc những hình thức kiểm tra. 

Tất cả những bộ quy tắc ứng xử đều dựa trên những quy tắc ứng xử nền tảng và từ đấy mới quy được ra trách nhiệm của học sinh của giáo viên và của các bên liên quan. Đối với phụ huynh, ở nhà cũng cần nắm được những giá trị mà giáo viên, nhà trường đang hướng tới để củng cố cho học sinh, nếu thống nhất được như thế mới thực sự đi vào hiệu quả./.

Huyền Thu

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục