Ngân hàng và nỗi lo về vốn nội bộ

Thứ năm, 16/08/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s có báo cáo đánh giá về tình hình hoạt động của các ngân hàng Việt Nam. Theo báo cáo, tổ chức này tỏ ra lo ngại nguồn vốn nội bộ sẽ không đủ để đáp ứng nhanh chóng tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Sụt giảm vốn

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính đến ngày 31/5/2018, vốn tự có của khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 252.472 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 giảm 0,86%. Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có tổng vốn tự có là 315.340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 8,50%.

Theo tính toán của Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng cho vay thì  các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019. Nếu không tăng vốn bên ngoài được, Moody’s ước tính, tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng thuộc khu vực tư nhân được xếp hạng sẽ giảm xuống còn 8% vào cuối năm 2019 thay vì mức 9,4% vào cuối năm 2017. Trong khi đó, thực tế các ngân hàng có vốn nhà nước được xếp hạng đã sụt giảm ở mức độ 6,1% thay vì 6,9% đã đạt được ở giai đoạn trước.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của nguyên tắc chung và các luật ngân hàng về giám sát ngân hàng (Basel II), nhất là khối các NHTM nhà nước. Những áp lực trên đã thúc đẩy các NHTMCP đẩy mạnh hoạt động tăng vốn qua nhiều hình thức.

Có chuyên gia cho rằng, khá lâu kể từ đợt tăng vốn để tuân thủ mức pháp định giai đoạn 2008-2011, thị trường ngân hàng mới chứng kiến một đợt tăng vốn mạnh như thời gian qua. Nổi bật là VPBank, thông qua kế hoạch tăng vốn tới 70% lên mức 25.200 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) tăng 50% lên 7.500 tỷ đồng, SeABank tăng 65% lên 9.000 tỷ đồng...

Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng có may mắn hoàn thành được mục tiêu tăng vốn, dù đã triển khai trong nhiều năm qua. Đặc biệt theo quy định, khối NHTM nhà nước không được dùng lợi nhuận của mình để tăng vốn, do vậy, tốc độ tăng trưởng vốn tự có của nhóm này chậm hơn, thậm chí trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu sụt giảm.

Báo Công luận
 Nếu không thực hiện tăng vốn tự có, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 khó trở thành hiện thực (Ảnh: TL).
Giữ lợi nhuận để tăng vốn?

Có thể nói, vấn đề tăng vốn trở nên cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống ngân hàng, nhất là bối cảnh hiện nay, các cú sốc có thể đến từ bên ngoài. Nếu không có bộ đệm tốt, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn xoay sở ứng phó. Hiện 4 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng khoảng 1/2 tổng tài sản và 40% hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng. Do đó nếu các ngân hàng này không tăng được vốn, thậm chí giảm sẽ đưa cả hệ thống vào rủi ro. Thống kê của NHNN cho biết, tại thời điểm cuối tháng 5/2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của khối NHTM nhà nước chỉ là 9,39%, thấp nhất trong hệ thống. Nếu áp dụng quy định khắt khe của Basel II chắc chắn các ngân hàng trên khó có thể đáp ứng được quy định.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nhà nước phải tạo điều kiện cho các NHTM tăng vốn và đây cũng là thực hiện một trong những nội dung quan trọng của Đề án 1058 tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Trong đề án nêu rõ cần tạo điều kiện có phương án cho các NHTM nhà nước tăng vốn. Việc cho phép các ngân hàng này giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là một trong những biện pháp đó.

Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đang hướng các NHTMCP có vốn nhà nước vươn tầm khu vực. Vì thế, theo nhiều chuyên gia tài chính, nếu không thực hiện được tăng vốn tự có, mục tiêu trên khó có thể trở thành hiện thực. Trước những thách thức đặt ra, các chuyên gia cho rằng, về phía nhà nước nên cân đối tính toán thứ tự ưu tiên tăng vốn trong bối cảnh hiện nay thay vì gây áp lực thu ngân sách. Trong năm 2018, hoạt động kinh doanh ngân hàng đều khả quan, lợi nhuận tiếp tục khởi sắc… Đây là cơ hội thuận lợi cho các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Đức Minh

Tin khác

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

(CLO) Agribank triển khai chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm và nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ.

Tài chính - Bảo hiểm
Ngành thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ các sàn thương mại điện tử

Ngành thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ các sàn thương mại điện tử

(CLO) Trong 2 năm cơ quan thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử.

Tài chính - Bảo hiểm
FPT Retail (FRT) doanh thu Quý 1/2024 đạt 9.042 tỷ đồng

FPT Retail (FRT) doanh thu Quý 1/2024 đạt 9.042 tỷ đồng

(CLO) Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu đạt 9.042 tỷ đồng, lãi sau thuế đã dương trở lại.

Tài chính - Bảo hiểm
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

(CLO) Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Sabeco (SAB) doanh thu Quý 1 tăng 15% so với cùng kỳ

Sabeco (SAB) doanh thu Quý 1 tăng 15% so với cùng kỳ

(CLO) Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1 cho thấy doanh thu Sabeco (SAB) tăng trưởng 15,6% lên mức 7.184 tỷ đồng. Lãi gộp tăng 10% đạt 2.100 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm