Cần nhận diện được các mối nguy để phòng tránh

Thứ tư, 13/06/2018 09:35 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bị hack tài khoản Facebook, mail; bị giả mạo trên mạng xã hội; bị theo dõi vì sử dụng dịch vụ định vị; bị đe dọa bằng tin nhắn; bị lôi gia đình, người thân vào đe dọa, nói xấu… đó là những nguy cơ mất an toàn của nhà báo khi tác nghiệp trong môi trường số được nhà báo Nguyễn Bá – Phó Tổng biên tập báo điện tử Infonet nhận diện.

Khi hoạt động trong môi trường số, nhà báo cũng như bất cứ cá nhân nào rất dễ bị tình trạng mất an toàn đe dọa. Phần lớn các nhà báo là những người ít am hiểu và chịu khó học hỏi về công nghệ, do đó những nguy cơ mất an toàn như tình trạng bị lộ mật khẩu tài khoản hộp thư, mật khẩu Facebook… dễ xảy ra - cá biệt hơn có cả tình trạng bị lộ cả mật khẩu CMS. Tuy nhiên, những nguy cơ mất an toàn có tính kỹ thuật này dễ dàng có thể khắc phục nếu nhà báo được trang bị một số kỹ năng bảo mật cơ bản và các biện pháp kỹ thuật của các Tòa soạn.

Với đặc thù nghề nghiệp của nhà báo thì nguy cơ mất an toàn đến từ tác nghiệp thường đa dạng và khó để ý hơn nhiều. Nhà báo có điều kiện tiếp cận nhiều thông tin, có thể nắm giữ những thông tin ít người có, có những nguồn tin bí mật… vì thế trở thành mục tiêu của việc tấn công chiếm đoạt email, tài khoản mạng xã hội, kiểm soát điện thoại di động nhằm chiếm đoạt, kiểm soát các thông tin mà nhà báo nắm giữ.

Cũng bởi đặc thù của báo chí nên những phát ngôn, thông tin của nhà báo trên MXH thường có độ tin cậy cao, có tác động đến cộng đồng. Do vậy, nhà báo trở thành mục tiêu của việc hack, giả mạo tài khoản Facebook và các tài khoản mạng xã hội khác.

Báo Công luận
Nhà báo Nguyễn Bá – Phó Tổng biên tập báo điện tử Infonet

Các đối tượng xấu khi chiếm được tài khoản mail, hoặc tài khoản Facebook, ngoài việc lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, có thể dùng chính tài khoản thật của nhà báo để đưa tin không đúng, hoặc tấn công các cá nhân, tổ chức khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức bị tấn công mà trước hết ảnh hưởng đến chính các nhà báo có tài khoản bị chiếm đoạt. Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp nhà báo bị mất tài khoản mail, mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) nhưng chỉ mới có việc lợi dụng để nhờ mua thẻ cào, chứ chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng các tài khoản thật đó để đưa thông tin sai lạc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, hoặc nói xấu cơ quan, tổ chức khác. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể diễn ra hoặc đã diễn ra nhưng đã được phát hiện và khắc phục ngay.

Trường hợp thứ 2, là lập các Facebook giả mạo để đăng các tin tức giả mạo, hoặc lan truyền những điều không đúng sự thật. Tình trạng này xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua và có nhiều nhà báo đã phải lên tiếng cải chính và yêu cầu xử lý các tài khoản Facebook giả mạo. 

Đơn cử như trường hợp nhà báo Lại Văn Sâm. Trên Facebook hiện nay có rất nhiều tài khoản mang tên Lại Văn Sâm và hàng chục Fanpage mang tên MC nổi tiếng này. Có trang lên tới 350 nghìn người theo dõi. Tuy nhiên, năm 2017, nhà báo Lại Văn Sâm đã lên tiếng khẳng định, ông chưa từng lập trang Facebook nào và cũng sẽ không bao giờ mở tài khoản trên mạng xã hội. Không chỉ nhà báo Lại Văn Sâm, nhiều biên tập viên nổi tiếng khác của VTV như Hoài Anh, Tùng Chi, Trần Quang Minh…. cũng bị giả mạo Facebook.

Đáng lo ngại là, trên các trang Facebook giả mạo đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng lượng xem, like và chia sẻ lại rất lớn. Có những status có hơn 230 nghìn lượt like và trên 120 lượt chia sẻ, 140.000 lượt chia sẻ, tạo ra những luồng phát tán thông tin dễ làm người đọc hiểu nhầm, hiểu sai. Thậm chí, có những Facebook giả còn tấn công uy tín cá nhân của người khác, đăng tin về cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo gây hiểu lầm với người đọc rằng đó là thông tin được đưa ra từ Facebook của những nhà báo có uy tín. Điều đó cho thấy rằng, nếu những Facebook giả mạo nhà báo, đăng những thông tin thất thiệt về tình hình đời sống xã hội, về hoạt động người dân, về sản phẩm, dịch vụ, cao hơn nữa là về uy tín cán  bộ, về các vấn đề an ninh quốc gia thì thiệt hại là rất lớn.

Một mối nguy thứ ba đối với nhà báo trong môi trường số đó là bị tấn công cá nhân vào Facebook của chính mình và của người thân. Ví dụ khi nhà báo viết về một vấn đề mà ảnh hưởng đến lợi ích của tổ chức, cá nhân nào đó, thì hộp thư, tài khoản Facebook của họ và thậm chí là người thân rất dễ bị khủng bố bằng comment chửi rủa, nói xấu, nhắn tin đe doạ… Việc này cũng đã từng xảy ra đối với một số phóng viên của Infonet. 

Chỉ vì một sơ suất của tòa soạn, lập tức sau đó, trên Facebook của các phóng viên này bị tấn công bằng coment chửi rủa, tin nhắn đe dọa. Thậm chí đối tượng xấu còn đưa cả Facebook cá nhân và số điện thoại lên các trang xấu, kích động các đối tượng quá khích đe dọa và tấn công họ. Tòa soạn đã phải gửi thông tin đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý và bảo vệ. Thậm chí còn phải đề nghị phóng viên đổi số điện thoại và tạm đóng Facebook một thời gian.

Báo Công luận
 Nhà báo Nguyễn Bá – Phó Tổng biên tập báo điện tử Infonet

Một nguy cơ khác nữa đó là nguy cơ bị theo dõi do sử dụng smart phone và các ứng dụng như Facebook, Instagram… có liên quan đến chức năng định vị. Khi đó, mình đi đâu làm gì, từ các số điện thoại của mình, tài khoản Facebook các đối tượng theo dõi có thể biết mình đang ở đâu, làm gì. Với những nhà báo làm điều tra, phản ánh tiêu cực rất dễ dàng bị lộ nếu không cẩn thận. Đối tượng có thể khoanh vùng từ định vị và biết vị trí tác nghiệp, hoạt động của nhà báo và từ đó có thể có những hành vi đe dọa an toàn của nhà báo.

Vậy trước những nguy cơ ấy, nhà báo cần phải làm gì? Trước hết nhà báo phải nhận diện được những nguy cơ đối với mình trong quá trình tác nghiệp để có biện pháp phòng tránh. Nhà báo phải tự bảo vệ mình bằng việc tìm hiểu công nghệ, làm chủ thiết bị của mình và phải chủ động khả năng phòng chống tấn công quy mô nhỏ, chẳng hạn như biết chặn tin nhắn, khóa tài khoản mạng xã hội, cài đặt chế độ như “một mình” hoặc giới hạn người xem thông tin, ảnh...

 Trên Facebook không nên đăng thông tin về đối tượng của mình đang điều tra, không nên đăng hộ chiếu, vé đi chơi, địa điểm đến... để đối tượng xấu có thể dễ dàng phát hiện ra... 

Sau nữa là xác lập nguyên tắc tác nghiệp và làm việc. Nhà báo lập Facebook nhưng phải xác lập mục đích sử dụng. Nếu lập Facebook để làm việc thì phải nhận diện được các nguy cơ tiềm ẩn và có các biện pháp đề phòng.

Về lâu dài, tôi nghĩ các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cơ quan nhà nước nên có cơ chế giúp đỡ nhà báo, tòa soạn báo trước các nguy cơ bị tấn công. Ví dụ như đưa các danh mục Facebook, mail của nhà báo, tòa soạn báo vào hệ thống bảo mật khác nhau, chống việc tấn công, hack. 

Cùng với đó đưa số điện thoại của nhà báo hoặc nhà báo đăng ký số điện thoại vào diện có thể kiểm tra được người gọi đến, nhắn tin đến… Cần cơ chế phối hợp cơ quan quản lý nhà nước với báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam với cơ quan pháp luật để tăng cường bảo vệ cơ quan báo chí.

An Vinh (Ghi)

 

Tin khác

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo