Dù mệt, dù xa và mưa gió chúng tôi cũng không sợ...

Thứ tư, 25/07/2018 14:43 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Điểm xa nhất mà nhóm phóng viên vào được là xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn nơi đã bị cách ly hơn 3 ngày gần như bị xóa sổ hoàn toàn nhà cửa của người dân. Mất hơn 5 tiếng di chuyển cho quãng đường chưa đến 10km, do đường chính nước lũ về quá siết nên không thể di chuyển được, cách duy nhất là băng cắt qua ngọn đồi, đi xuyên rừng mới đến được. Đôi bàn chân của ai hầu như cũng phồng rộp do đi ủng và bị nước ngấm vào…”.

Đó là một trong số rất nhiều những khó khăn, thách thức trên hành trình tác nghiệp để kịp thời đưa những thông tin nóng hổi tới khán giả cả nước, của nhóm phóng viên Ban Thời sự VTV tại vùng lũ Yên Bái trong những ngày tháng 7 vừa qua…

Tinh thần đoàn kết và sự lạc quan của bà con vùng lũ đã truyền thêm động lực cho chúng tôi!

Nhớ lại hành trình tác nghiệp trong gần một tuần vừa qua, phóng viên Ngô Quý Thông trải lòng: Chuyến đi vừa rồi đến mảnh đất Yên Bái thực sự đã để lại quá nhiều kỷ niệm và nỗi ám ảnh cho nhóm phóng viên của Ban Thời sự (VTV). Khác với trận lũ quét năm ngoái tại huyện Mù Cang Chải, hay cũng tại thị trấn Nghĩa Lộ huyện Văn Chấn, năm nay lũ về lớn hơn, trải dài và rộng hơn và đáng buồn nhất là số người thiệt mạng quá nhiều.

Báo Công luận
Cảnh hoang tàn khi cơn lũ quét qua. Ảnh: TL 
Lũ về quá nhanh, quá khốc liệt đã để lại nỗi ám ảnh quá lớn và vượt quá sức tưởng tượng với người dân Yên Bái. Là một tỉnh nghèo, đa phần các hộ dân nơi cơn lũ đi qua đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ngày thường vốn đã thiếu ăn thiếu mặc, nay mất hết cả nhà cửa cơ nghiệp còn khó khăn hơn. Tuy nhiên điều khiến chúng tôi bất ngờ đó là tinh thần đoàn kết và sự lạc quan của bà con vùng lũ.

Bản 10, Xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn điểm đầu tiên chúng tôi đến quay vào sáng ngày 21/7,  thay vì những cảnh đau buồn khóc lóc là hình ảnh bà con cùng nhau xắn tay dọn dẹp hiện trường. Nhà nào bị hư hỏng nhiều nhất thì bà con trong bản tập trung đến làm giúp đầu tiên. Nơi rốn lũ, những nếp nhà sàn bên những mảnh ruộng xanh tươi ngày nào, giờ chỉ trơ lại đá, sỏi.

Không có sự ỷ laị vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, ngay người dân trong bản đã tự cứu nhau ra khỏi hậu quả của thiên tai bão lũ. Chia sẻ với nhóm phóng viên khi đi kiểm tra những thiệt hại của bà con, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, có lẽ bão lũ đã quá quen thuộc với người dân Yên Bái, nên giờ bất cứ người dân nào cũng đã tập và có sự chuẩn bị để sống chung với nó. Trừ những nhà có người thân thiệt mạng thì hầu hết bà con đều đang dùng hết sức của mình để xây dựng lại cuộc sống mới.

Báo Công luận
Ê-kíp của Ban Thời sự (VTV) tại điểm lũ Yên Bái. Ảnh: NVCC 
Tuy nhiên sự tiếc nuối là điều khó tránh khỏi, và là tâm trạng chung của bà con. Nhà nào cũng cố vớt vát những đồ dùng, vật dụng ra khỏi bùn đất, từ tivi, xe máy đến những thứ nhỏ nhất như quyển vở, cái bút. Nhiều bà con tâm sự rằng làm được như vậy cũng khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đỡ đau buồn hơn là không tìm được thứ vật dụng nào gắn bó với mình.

Mặc dù tinh thần là thế nhưng những ảnh hưởng về kinh tế và hạ tầng của Yên Bái vừa qua là cực kỳ nghiêm trọng. Gần 600 tỷ đồng thiệt hại là con số quá lớn với một tỉnh miền núi. Đường giao thông và hệ thống ngầm tràn tại 4 xã của huyện Văn Chấn và 2 xã của huyện Văn Yên gần như đã bị xóa sổ. Nhiều diện tích đất nông nghiệp của bà con nước lũ đã lấp hết giờ chỉ còn bùn thải và hàng vạn khối đất đá.

Báo Công luận
Đường chính sạt lở, PV phải băng cắt qua đồi, đi xuyên rừng mới đến được nơi tác nghiệp . Ảnh: NVCC
Sợ nhất là không có sóng để chuyển tin, bài về cho kịp...

Phóng viên Ngô Quý Thông chia sẻ: Đường hỏng là một thử thách rất lớn cho bất cứ phóng viên nào vào ghi hình. Chuyện đến muộn hơn so với dự định là điều khó tránh khỏi. Ngày làm việc đầu tiên do đường quốc lộ 37 nối từ trung tâm thành phố Yên Bái lên thị trấn Văn Chấn bị sạt lở và ngập lụt quá nhiều nên nhóm phóng viên phải đổi lịch trình đi đường tắt sang hướng nông trường chè Trần Phú. Không ngờ đường tắt cũng bị cây đổ và nhiều điểm sạt lở liên tục diễn ra. Cây đổ thì vẫn vác dao ra chặt và đi được nhưng đất sạt thì không còn cách nào khác. Chờ đợi từ 4h sáng đến 5h30 mới có xe của thanh tra giao thông huyện Văn Chấn cho đoàn đi nhờ đến điểm hẹn để làm chương trình. Lịch lên sóng lúc 6h5ph nhưng đã bị lùi hơn 30 phút do cả nhóm đến muộn. Hầu hết trong lịch trình di chuyển của ê kip từ Văn Chấn đi Văn Yên, về thành phố Yên Bái lần nào cũng gặp cảnh sạt lở. Cảnh xuống hùn nhau kê lốp ủn xe qua lầy là chuyện như cơm bữa.

Báo Công luận
Phóng viên Ngô Quý Thông dẫn tin tại hiện trường. Ảnh: NVCC 
Trong những ngày tác nghiệp vừa qua gần như lịch sinh học của cả nhóm đã thay đổi, không còn ngủ 8 tiếng mà giờ chỉ còn 3-4 tiếng, vì phải đưa tin từ 5h30 đến hết bản tin 19h. Tuy nhiên cả nhóm hầu hết vẫn là những người trẻ tuổi, sự nhiệt huyết  cùng sự yêu nghề đã giúp mọi người đều vượt qua những thử thách.

Điểm xa nhất mà nhóm phóng viên vào được là xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn nơi đã bị cách ly hơn 3 ngày gần như bị xóa sổ hoàn toàn nhà cửa của người dân, chúng tôi đã mất hơn 5 tiếng di chuyển. Quãng đường chưa đến 10km nhưng đường chính nước lũ về quá siết nên không thể di chuyển được, cách duy nhất để đến được là băng cắt qua ngọn đồi, đi xuyên rừng mới đến được. Tất cả anh em trong đoàn đều đi người không, các loại thiết bị máy móc, tư trang đều được các chiến sĩ của quân khu 2 mang hộ mà còn cảm thấy mất hết sức lực sau cuộc hành trình. Đôi bàn chân của ai hầu như cũng phồng rộp do đi ủng và bị nước ngấm vào. Đôi lúc chỉ muốn đi chân đất cho thoải mái nhưng không thể đi nổi khi đi vào bùn lầy và dẫm vào đá, sỏi. Nếu không có sự giúp đỡ của các anh quân đội bằng những đôi tất thì hành trình vào bản có lẽ sẽ phải dừng lại giữa chừng.

Báo Công luận
Đôi bàn chân của ai hầu như cũng phồng rộp do đi ủng và bị nước ngấm vào. Ảnh: NVCC 
Vào đến nơi mới thấy không hề có sóng điện thoại do hệ thống điện và viễn thông hầu hết đã hư hỏng, nên không biết làm cách gì để có thể gửi bài ra được, đây là điều chúng tôi “sợ” nhất. Nhưng sự may mắn một lần nữa giúp chúng tôi khi các chiến sĩ thuộc sư 316 quân khu 2 có mang thêm máy phát tín hiệu của Viettel lên hiện trường. Dù chậm và phải chờ đợi nhưng dù sao cũng hạnh phúc khi gửi được về.

Với quan điểm của chúng tôi, khi thực hiện các tin bài về mưa lũ, phản ánh những khó khăn của đời sống bà con, và những mất mát thiết hại cũng là một cách để ủng hộ cho bà con. Nên cả nhóm ai cũng cố gắng phấn đấu để làm thật tốt nhiệm vụ đó, không sợ mệt, không sợ xa, không sợ mưa gió.

Mùa mưa lũ năm 2018  mới bắt đầu đến cơn bão số 3. Nhưng từ đầu năm tới nay, những trận mưa đá, giông lốc đã khiến quá nhiều người thiệt mạng và mất hết nhà cửa, hoa mầu cũng như hệ thống hạ tầng các địa phương. Trong khi biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng rõ rệt và khắc nghiệt, những trận lũ ống, lũ quét có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả truyền thông để nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai cho người dân? Làm thế nào để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, và trang bị kỹ năng ứng phó? Đây là một nhiệm vụ mà không chỉ nhóm phóng viên chúng tôi mà có lẽ nhiều phóng viên khác cũng đang tìm câu trả lời…”, phóng viên Ngô Quý Thông trăn trở...

Ngọc Lành (Ghi)





Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo