Mỗi bài báo là một hành trình

Thứ hai, 19/02/2018 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chuyên sâu về mảng phóng sự, nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) với thâm niên 17 năm nghề báo, đã tích lũy được một “gia tài” khá lớn các bài báo và sách phóng sự điều tra. Anh được đánh giá là một nhà báo dồi dào về bút lực và có cái nhìn nhân văn khi lựa chọn đề tài cho các trang viết của mình.

+ Đồng nghiệp nhớ đến Phùng Nguyên với dáng vẻ lúc nào cũng đủng đỉnh, không cuống cuồng vội vã, bình thản viết… Điều này, dường như không giống lắm với hình dung về công việc của một phóng viên chuyên mảng phóng sự điều tra?

- Tôi không biết hình dung về công việc của một phóng viên chuyên mảng phóng sự điều tra của người khác là như thế nào, nhưng với tôi thì cách tác nghiệp cũng rất linh hoạt và nói chung phù hợp với những đề tài mà mình theo đuổi. Tôi cũng đã từng phải “cuống cuồng, vội vã” khi làm tin thời sự, hay những bài viết tường thuật về Quốc hội, về thiên tai, bão lũ... Nhưng với mảng đề tài phóng sự vốn cần tư liệu sâu, cần nhiều chi tiết, cần những thông tin mang tính phát hiện cao, mà nếu mình “vội vã” thì sẽ khó có thể nhìn thấy, khó có thể cảm nhận và khám phá. Người ta hay hình dung về nhà báo như những người chạy đua với thời gian để có những thông tin kịp thời nhất, nhưng cũng có những nhà báo lùi lại phía sau, có đủ một khoảng lặng, một khoảng cách đủ để họ nhìn thấy những góc khuất. Tôi tin phía sau thông tin vẫn là thông tin, mà thông tin ấy chỉ có thể có được nếu biết ngẫm ngợi, quan sát kỹ, lật đi, lật lại trong một tâm thế tĩnh chứ không phải động. Tôi viết nhiều phóng sự về số phận con người, nếu lướt qua nhân vật của mình một cách vội vã thì làm sao có thể hiểu về họ, viết về họ ở chiều sâu chứ không phải chỉ bề nổi. Người ta nói “mỗi con người là một cuốn sách, nếu anh biết cách đọc”, cách đọc nào thì cũng phải cần thời gian…

Báo Công luận
 

+ Tự nguyện ép mình vào mảng phóng sự và túc tắc đeo đuổi. Tự nguyện “đứng về phe nước mắt” để từng bài báo, trang sách lại trĩu nặng những nỗi đau của phận người. Để có được một “gia tài” khá lớn các bài báo và sách phóng sự điều tra như hiện nay, quả là một hành trình không hề dễ dàng với NB Phùng Nguyên?

- Tôi cảm thấy nghề báo luôn là một hành trình không dễ dàng và cũng không bao giờ tới đích cả. Với tôi, mỗi bài báo là một hành trình, như leo qua một ngọn núi, hết ngọn núi này lại đến ngọn núi khác, “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Tôi thích câu hạnh phúc là một hành trình chứ không phải điểm đến. Tôi muốn sống với bài báo của hôm nay, tôi không phải ở tuổi ngồi thống kê xem “gia tài” của mình đã có những gì, dù đã ra 5 tập sách phóng sự nhưng bài báo hay nhất sẽ là bài báo tôi chưa viết, nhân vật hay nhất là nhân vật tôi sẽ gặp. Nhưng nếu có lúc nào đó ngoảnh lại con đường đã qua, tôi cảm thấy may mắn vì cuộc đời đã cho mình gặp được nhiều số phận éo le, được viết về “phe nước mắt” như một lẽ tự nhiên chứ không phải một lựa chọn. “Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời; Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”, và khi được viết về những số phận phi thường, những cuộc đời đặc biệt, ngòi bút của mình cũng nhờ đó mà thăng hoa. Tôi luôn tin “những nơi cay đắng là nơi thật thà”, khi mình tìm đến nơi cay đắng, mình gặp sự thật thà, sự thật thà đó giúp tôi có những bài phóng sự đi sâu vào lòng người nhưng bản thân mình cũng trải qua những cơn “vật vã”, cảm giác như mình đau cùng nỗi đau của họ, đôi khi sợ số phận họ “ám” vào mình. Cái khó trên hành trình này là giữ được ngọn lửa trong lòng, nếu mất đi điều đó thì câu chữ trở nên vô hồn, nhưng nếu không tiết chế được nó thì nó sẽ thiêu cháy mình.

 

+ Anh từng nói: Đạo đức của người làm báo nhiều khi là kỹ năng phát hiện ra những yếu tố, những góc nhìn nhân văn trong đề tài và thể hiện đề tài ấy. Vậy anh đã biến kỹ năng đó vào thực tế công việc của mình ra sao?

- Vừa rồi, mạng xã hội phẫn nộ vì một nhà báo ví làn da rám nắng của tân Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam người dân tộc Ê Đê với một bộ phận nhạy cảm của con vật. Đó là điều không thể chấp nhận được, nhà báo đó phải lên tiếng xin lỗi. Nhưng nếu ở góc nhìn nhân văn, có thể thấy làn da của tân hoa hậu Hoàn vũ có vẻ đẹp riêng, nó nói lên nhiều điều về cuộc đời, về quê hương và dân tộc của cô ấy. Khi còn làm phóng viên báo Tiền Phong, theo dõi cuộc thi hoa hậu Việt Nam, tôi đã từng viết về một cô gái có làn da rám nắng như thế, cũng người dân tộc Ê Đê, cũng thi hoa hậu và lọt vào tốp 10. Tôi khai thác làn da rám nắng của cô gái ấy như một vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất Tây Nguyên nắng gió và bằng chứng của một tuổi thơ vất vả, phải đầu trần, chân đất làm lụng trên nương rẫy. Khi đọc bài báo của tôi, cô ấy đã khóc vì xúc động. Cũng là một làn da đó, nhưng nhìn ở góc nhìn nhân văn sẽ đưa tới những đề tài mang tính nhân văn, và đó là yếu tố quan trọng để có những phóng sự nhân văn. Nhân văn không phải là thứ gì đó cao xa, mơ hồ, mà nó thể hiện rõ trong cách chọn góc nhìn để viết, thậm chí cách chọn từ ngữ để viết. Đề tài báo chí dĩ nhiên phải mới lạ, hấp dẫn, nhưng nếu nó không được nâng đỡ bởi yếu tố nhân văn thì tác phẩm sẽ trở nên tầm thường.

Báo Công luận
NB Phùng Nguyên nhận Giải B Giải BCQG lần thứ XI. 
+ Nhà báo có quyền chọn đề tài, góc độ phản ánh. Vậy, con người nhà báo trong anh sẽ thế nào khi đứng trước ranh giới mỏng manh của việc khai thác các yếu tố giật gân câu khách, hay lựa chọn hướng phát triển nhân văn cho các bài viết của mình?

- Bản thân tôi đã đứng trước ranh giới mong manh của việc khai thác các yếu tố giật gân câu khách và chọn hướng phát triển nhân văn cho các bài viết của mình, nhiều khi như đi trên dây, sẩy chân là vực thẳm. Trên thực tế viết về cái gì chỉ đơn giản là sự lựa chọn của người viết, họ chọn yếu tố giật gân câu khách vì cho rằng nó hấp dẫn và nhiều người đọc, còn chọn hướng phát triển nhân văn thì ít “view” hơn. Có một thời báo chí bùng nổ kiểu viết “câu view” kiểu “tiền tình tù tội, cướp giết hiếp” như một sự lựa chọn trong cuộc chiến cạnh tranh thông tin đầy khốc liệt. Nhưng thử hỏi có tờ báo nào làm theo cách đó mà trở thành tờ báo hàng đầu, có bài báo nào chọn góc độ đề tài đó mà đi vào lòng bạn đọc?

Tôi từng viết nhiều về tội ác, viết nhiều về những người tù, thậm chí là tử tù. Nhưng vào khám tử tù để viết về tội ác của tử tù thì còn gì lạ nữa, còn gì nhân văn nữa? Vào khám tử tù, tôi cố gắng tìm cái phần “người” còn ẩn khuất, tìm sự sám hối, tìm những le lói chút “thiên lương” trong những kẻ giết người không ghê tay. Vì thế tôi có được những đề tài mới lạ mà mang tính nhân văn như phóng sự về tử tù xin được hiến xác, phóng sự về chuyện tình cảm động của trùm ma túy, phóng sự về người tù viết tiểu thuyết ôm mộng văn chương…

Tôi chọn như thế chẳng phải vì mình tài năng gì, chỉ đơn giản đó là lựa chọn của tôi, một sự lựa chọn mà tôi thấy không thể khác. Tôi nghĩ rằng sự lựa chọn đề tài khai thác yếu tố giật gân câu khách hay phát triển nó theo hướng nhân văn không chỉ đơn giản là viết một bài báo, mà có liên quan đến vấn đề văn hóa, đến nền tảng đạo đức xã hội. Nếu cả một xã hội chỉ đọc những tin bài  “tiền, tình, tù tội, cướp, giết, hiếp” thiếu yếu tố nhân văn trong đó thì xã hội sẽ ra sao? Báo chí không nên tầm thường hóa bạn đọc mà phải nâng họ lên bằng cách tự nâng hàm lượng nhân văn và trí tuệ trong từng tác phẩm. Báo chí phải ẩn ác giương thiện, chứ không phải chỉ phơi bày cái ác mà thờ ơ với cái thiện.

+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

 Ngọc Lành

 (Thực hiện)

 

Tin khác

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo