Một ngòi bút xông xáo của báo chí cách mạng

Thứ năm, 13/09/2018 15:44 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đỗ Đức Dục là một nhà yêu nước, nhà hoạt động chính trị có đóng góp quan trọng trong thời kỳ đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông còn là một nhà văn, nhà báo cách mạng xuất sắc. Trong trái tim của các thế hệ nhà báo Việt Nam, trong lịch sử báo chí Việt Nam, Đỗ Đức Dục chiếm một tình cảm, một vị trí đáng kính trên cả ba phương diện: người viết báo, người thầy và người quản lý.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của ông cũng như nhân Kỷ niệm 25 năm ngày ông mất (24/9/1993 – 24/9/2018), Viện Văn học phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức một Hội thảo Trưng bày hiện vật, tư liệu về nhà báo Đỗ Đức Dục (Hà Nội, 13/9/2018).

Đỗ Đức Dục sinh ra và lớn lên tại làng Xuân Tảo, nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ LiêmHà Nội, từ Nho học, chuyển sang Tây học tại Trường Albert Sarraut, trường Bưởi, rồi tốt nghiệp hạng ưu Cử nhân Luật Viện Đại học Đông Dương năm 1938.

Dù học gì, làm việc gì thì chí hướng yêu nước, cứu nước, hoài vọng phát triển văn hóa Việt Nam, với ông, trước sau chỉ một.

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, trí thức trẻ Đỗ Đức Dục hăng hái tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, gia nhập nghề báo và làm chủ bút tạp chí Thanh nghị, cổ súy cho tự do, dân chủ và mở mang dân trí nước nhà. Năm 1944, ông là chủ bút báo Độc lập - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam. Đây là thời điểm báo Độc lập vừa mới ra đời và Đỗ Đức Dục trở thành ngòi bút xông xáo của báo chí cách mạng. Từ 1945-1960, ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng và là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng... Học viên lớp ấy có Bành Châu, Trần Vũ (sau này là đạo diễn điện ảnh); Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Hải Như… (nhà văn);  Lý Thị Trung, Mai Cương, Thép Mới,  Trần Kiên,  Mai Thanh Hải (nhà báo)...  đều là những cây bút có tiếng. Trò giỏi ắt công thầy lớn.

Báo Công luận
Cán bộ nhân viên báo Độc lập tại ATK trong kháng chiến chống Pháp.  
Sau tác phẩm đăng báo đầu tiên là một truyện ngắn kể về một mối tình lãng mạn, đăng trên tờ Hà Nội báo ra  đầu năm 1937, ngòi bút của thầy giáo Đỗ Đức Dục khi xuất hiện ở Tri tânThanh nghị mới thật sự tung phá. Những tư liệu được lưu giữ tại gia đình nhà báo và lời tự bạch trong cuốn Hồi ký của ông, cho thấy một Đỗ Đức Dục say mê làm báo, sớm có những nhận thức và hành động cách mạng sâu sắc. Đó cũng chính là lý do ông rời bục giảng sang làm báo: “Việc dạy học cũng chỉ hãn hữu mới tạo cơ hội cho tôi tác động chính trị đến đám học sinh. Tôi ý thức được rằng viết báo, làm báo mới thật sự là phương tiện hiệu quả để hoạt động chính trị, “làm chính trị”. Về điểm này, tôi vẫn tự cho là mang “dòng máu làm báo” trong người vì tôi đã sớm có ý hướng làm báo. Ngay từ lúc học lớp nhất trường sơ học (tương đương với lớp năm, lớp sáu trường phổ thông ngày nay), tôi đã làm báo tay với mấy bạn cùng bàn. Đến khi học năm thứ ba, thứ tư trường Bưởi, tôi lại cùng một số bạn đồng khóa ra tờ báo tay lấy tên là báo Thanh Niên. Thật ra làm báo tay như vậy dưới thời Pháp thuộc cũng là một việc liều lĩnh. Nếu nhà trường biết có thể bị đuổi học mà không chừng có khi phải vào tù…”

Báo Công luận
 
Khi làm Thư ký Tòa soạn báo Thanh nghị, ông viết nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, nhất là xã hội và văn hóa. Có lúc ông còn kiêm cả lược thuật tin tức thế giới tại chuyên mục “Việc quốc tế” với bút danh Đ.Đ.D., việc viết và dịch một số tác phẩm văn học hay sáng tác một số truyện ngắn và thơ với nhiều bút danh khác nhau như Như Hà, Trọng Đức, Tảo Hoài… Lao động ngòi bút của ông cho thấy sức đọc, sức viết và phạm vi càn lướt rất ấn tượng của người thanh niên trí thức họ Đỗ. Viết nhiều thể loại, từ nghị luận đến phóng sự, tạp văn, phê bình văn học, đặc biệt những bài luận chiến sắc bén, Đỗ Đức Dục được ví như con dao pha trên báo Độc lập, tờ báo mà ông đã gắn bó nhiều năm trong và sau kháng chiến chống Pháp. “Tôi như “con dao pha” của tờ báo, có khi phải viết ngay bên máy in để bổ sung tờ báo vào giờ chót, trước khi báo lên khuôn. Tôi đặc biệt chú ý đến các vấn đề thời sự, chính trị và qua những bài xã luận, nhằm cổ động lòng yêu nước của thanh niên, sự quan tâm của họ đến vận mệnh của đất nước, nhất là từ sau khi quân nhật đặt gót lên Đông Dương, chuyển tình thế nước ta vào một cục diện mới đầy dự báo” - Đỗ Đức Dục từng trải lòng.

Một khảo sát đã được công bố cho biết trong thời gian từ 1941 – 1945, Đỗ Đức Dục có trên 80 bài đăng trên báo Thanh nghị và sau đó từ 1945 – 1988, ông có khoảng 340 bài đăng trên báo Độc lập. Đó chắc chắn là những con số chưa đầy đủ và bị hạn chế bởi năm tháng và những điều kiện đặc thù khách quan ảnh hưởng tiêu cực đến công tác lưu trữ, sưu tầm, tập hợp các tờ báo, bài báo này.

Nhiều bài báo của ông giành được sự quan tâm của người đọc, hầu hết đều là những bài có tính nghị luận, hoặc những phóng sự, phê bình văn học dồi dào tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật: “Trước thời cục” (Thanh nghị, 1944); “Giải thích bản Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp” (Thanh nghị, 1946); “Ba năm dân chủ (Độc lập, 1948); “Quan hệ giữa chính trị và chuyên môn” (1949); “Chính sách khôi phục kinh tế” (1955); “Mặt trận nhân dân trong cách mạng dân chủ mới Việt Nam” (1949); “Tầm quan trọng lịch sử của Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Việt Nam lần thứ hai” (Độc Lập, 1950). Đảng Dân chủ Việt Nam phải làm gì trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công” (Độc lập, 1950); “Hai tác dụng lớn của việc thực hiện chính sách ruộng đất”(1953); “Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, giáo dục chính trị cho các tầng lớp Đảng” (Độc lập, 1953)…

Báo Công luận
 
Sau 1954, Đỗ Đức Dục tiếp tục thu hút sự chú ý với các bài viết liên quan đến công việc thường xuyên của báo chí như “Đẩy mạnh việc nâng cao kiến thức phổ thông cho quần chúng” hay vấn đề xây dựng nhà văn hóa “Kiên quyết dựa vào lực lượng quần chúng để xây dựng nhà văn hóa” (Tập san Văn hóa, 1958) hoặc đề cập, phân tích kỹ những vấn đề lớn như “Chính sách khôi phục kinh tế, Người trí thức trong cuộc thống nhất văn hóa tư tưởng giữa hai miền” (Độc lập, 1976); “Thanh niên trí thức Việt Nam đi vào cuộc Cách mạng tháng 8 như thế nào” (Tạp chí Xưa và Nay, 1995)…

Tiếp thu quan điểm làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thành tựu báo chí tiến bộ Phương Tây; trên cương vị là Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và là thành viên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm; Đỗ Đức Dục cùng với những tác phẩm báo chí của mình đã góp phần xây dựng những nguyên lý nền tảng của báo chí cách mạng Việt Nam, thắp lên sự dũng cảm, mở ra những tầm nhìn xa rộng để sánh bước cùng báo chí thế giới.

Bế mạc khóa học làm báo đầu tiên trong rừng sâu Việt Bắc năm 1949, bài diễn văn ông để lại cho đến nay vẫn nguyên tính thời sự: “...Nghề viết báo đòi hỏi hơn đâu hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời. Muộn một ngày là đã trở nên lạc hậu, chậm một bước là dễ dàng bị đào thải. Ở nghề nào còn có thể giấu giiếm được phần nào sự vụng về, dung túng được phần nào sự thấp kém, chứ ở nghề viết báo thì vụng về thấp kém nó bày ngay ra trước mắt mọi người. Và người viết báo phải luôn luôn chịu đựng muôn nghìn phê bình khắt khe của dư luận, của độc giả. Nếu không có một tấm lòng tha thiết yêu nghề thì nhất định không đủ can đảm mà thu nhận những lời phê bình của đủ các hạng độc giả phức tạp ở bốn phương, không đủ nhẫn nại mà luôn luôn học tập cầu tiến được...”.

Bản lĩnh, sự cầu tiến và tấm lòng tha thiết yêu nghề đã tạo nên một Đỗ Đức Dục - người thầy, người làm báo, người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hóa!

Trần Kim Hoa

 

Tin khác

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo