“Nghề báo không có nghỉ hưu”

Chủ nhật, 11/02/2018 15:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân- nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo TP. HCM - cây bút phóng sự nổi tiếng với chất văn trào phúng đã ở cái tuổi ngoài lục tuần, nghỉ hưu khá lâu nhưng vẫn chưa một ngày ngừng làm báo. Ông đi đến đâu cũng có tác phẩm báo chí gửi cho các báo.

Trong buổi trả lời phỏng vấn cuối năm với chủ đề 1 năm nhìn lại của những người làm báo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn giữ phong thái làm báo của thủa nào.  Ông chia sẻ: “Tôi sẽ còn viết đến khi không còn viết được nữa… với tôi làm báo cứ như đi chơi, mà đi chơi vẫn cứ làm việc”.  Lúc nào nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng giữ phong thái riêng, rất bay bổng và nhiều những suy nghĩ về nghề về đời…

Viết báo là cái nghiệp chứ không chỉ là… nghề

+ Được biết, nhà báo đã về hưu được 3 năm rồi! Nhưng dường như độc giả vẫn thấy ngòi bút phóng sự của anh không ngừng “bay bổng” trên rất nhiều các tờ báo tên tuổi. Vậy đâu là nguồn động lực, cảm hứng để anh quay về với nghề với nhiều tác phẩm như vậy, sau một thời gian làm TBT hình như ít viết hơn?

- Tôi chưa hề rời khỏi nghề, tôi viết mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi khi tôi thấy cần… Tôi gắn bó với nghề như cuộc sống thường ngày của mình. Nghề báo không có... nghỉ hưu. Tôi về hưu theo quy định nên rời khỏi các chức vụ nhưng chưa bao giờ rời cây bút bàn phím. Nói cách nào đó là "rửa tay nhưng không gác kiếm". Nghề gắn bó với tôi từ nhỏ, từ tranh vẽ, thơ, truyện... tôi đều có tác phẩm đăng từ năm 13-14 tuổi.  Và đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn coi đây là nguồn động lực trong cuộc sống của mình. Viết để trải lòng với đời, với nghề, với cuộc sống và tôi sẽ còn viết đến khi không viết được nữa. Đối với tôi viết là cái nghiệp chứ không chỉ là cái nghề. Khi viết báo, tôi thấy mình được sống đúng nghĩa, tôi được hưởng thú vui của nghề, những cái tôi đã chiêm nghiệm, tôi thấy nó hữu ích và cần cho cuộc sống của tôi, của nhiều người và vì thế mà tôi cứ viết. Nếu đến lúc tôi có thể ngừng viết báo, chắc là lúc tôi không làm việc gì nữa!

Báo Công luận
 Nhà báo  Huỳnh Dũng Nhân.

+ Trước nguyên là Tổng biên tập của Tạp chí Nghề Báo thì anh có thường xuyên “nhập vai” phóng viên để viết bài như bây giờ không?

- Đã là nhà báo dù làm chức vụ gì thì vẫn là nhà báo. Tôi vẫn viết, vẫn chụp, vẫn đi dạy các trường báo chí đều đặn trong khi làm quản lý. Và nghề báo có cái đặc biệt là nhiều khi đi làm “cứ như đi chơi, mà đi chơi vẫn cứ làm việc”. Tôi làm báo là làm việc, là sống, là trách nhiệm, là niềm đam mê. Không cần cảm hứng vẫn làm báo. Nhưng dù sao thêm cảm hứng nữa thì tuyệt. Thí dụ tháng cuối năm vừa rồi tôi vẫn viết khoảng 20 bài cả phóng sự, tản mạn, thơ, lý luận báo chí... cho các báo.

Còn một việc thú vị nữa là viết facebook. Tôi coi đó là tờ báo cá nhân mà tôi vừa chụp, viết, biên soạn, đăng những bài của mình (tôi không chạy theo trào lưu mà chỉ đăng sản phẩm riêng tư của mình và những gì tôi thấy vui, lạ, nhân văn...)

Làm báo dễ hơn khi có intenet và cũng khó hơn khi có internet

+ Trong thời gian cộng tác với các báo, anh có những chiêm nghiệm gì về công việc của phóng viên trước thời anh vẫn còn đương nhiệm và so với hiện tại?

- Công việc của nhà báo thời chúng tôi khác với bây giờ. Làm báo bây giờ dễ hơn vì có Internet, nhưng cũng khó hơn chính vì có Internet. Làm báo bây giờ lại có một khó khăn kinh khủng nữa là có "đối thủ" mạng xã hội rất mạnh, đó là một điều trước kia chưa từng nghĩ tới. Đôi lúc tôi nghĩ bây giờ mà bắt đầu làm báo chắc tôi không làm nổi.

Khi mạng xã hội đã lan truyền không kiểm soát thì mức độ nguy hiểm của nó sẽ rất lớn nếu vấn đề bị đẩy đi quá xa, bị sai lệch và biến tướng. Do vậy, báo chí cần phải kiểm soát được mạng xã hội, kịp thời định hướng dư luận theo đúng vấn đề. Báo chí nên phát huy đúng vai trò của mình: Thông tin kịp thời, nhanh nhạy, ngăn chặn kịp thời, đẩy lùi tiêu cực. Không bị động trước mạng xã hội mà phải biến “sức ép”  đó thành động lực để lăn xả  trên mọi mặt trận để bao quát sự việc toàn diện và định hướng dư luận một cách đúng đắn và hữu ích nhất.

Báo Công luận
 

Tôi làm Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo nhiều người cho là một quyết định sai lầm

+ Khi đã có nhiều thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống qua những tác phẩm báo chí, khác hẳn với thời gian anh còn đương nhiệm chức tổng biên tập, anh phải “căng cơ”, bận ngày đêm chạy các số báo. Vậy có những gì anh còn tiếc nuối, dang dở muốn làm khi còn làm tờ Nghề báo?

- Khi tôi chuyển từ báo Lao Động sang làm Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo nhiều người cho là một quyết định sai lầm. Có người cho là tôi ham chức quyền. Nhưng thú thật là tôi có ý muốn thử sức "làm báo" chứ không chỉ "viết báo". Tôi muốn làm tờ báo theo quyền hạn và khả năng của mình. Nhưng quả thật làm một tờ báo mà phải lo từ A đến Z không hề đơn giản. Thành công cũng có mà sai sót cũng có. Có nhiều ý kiến cho rằng tôi về làm quản lý là đáng tiếc cho một cây bút chuyên viết phóng sự. Có người còn nói thẳng là tôi hồn nhiên quá, lãng mạn quá, nghệ sĩ quá, không làm lãnh đạo được. Có lẽ cũng không sai. Nhưng nhìn lại tôi vẫn thấy tôi vẫn làm được một số việc hữu ích mà những người "chín chắn, nghiêm túc " vì lý do nào đó ít chịu làm. Khi tôi nghỉ hưu thì tôi có thời gian viết và đi dạy nhiều hơn, sống cho mình và cho gia đình nhiều hơn.

Báo Công luận
 

Báo chí đang rơi vào thế bị động…

+ Từ tờ Nghề báo anh đã có nhiều trải nghiệm hơn về các góc độ của nghề. Anh có nhìn nhận gì về xu hướng báo chí tương lai?

- Nghề báo khác nhiều quá. Và xu hướng thì cũng khó nói trước. Chắc chỉ có thể nói là thị trường và mạng xã hội đã làm cho báo chí rơi vào thế bị động rất nhiều và không dễ gì thay đổi ngay được. Chỉ có điều, đứng trước tình hình như hiện nay thì mỗi người làm báo đều phải nhận thức rõ những điều thuận lợi, khó khăn do mạng xã hội đưa lại để chủ động với thông tin. Người làm báo phải có kỹ năng nắm bắt thông tin nhanh nhất để xử lý thông tin kịp thời trước khi thông tin đã bị biến tướng khi đưa lên mạng xã hội. Và đối với thông tin từ mạng xã hội đưa lại, nhà báo cũng phải là người có kỹ năng kiểm chứng thông tin chính xác nhất, nhanh nhất để kiểm soát thông tin một cách hiệu quả. Tránh nhiều trường hợp đi sau mạng xã hội để thông tin bị sai lệch và người làm báo phải đi giải quyết hậu quả. Dẫn đến vai trò của báo chí sẽ không được bạn đọc coi trọng, và báo chí luôn ở thế bị động trước độc giả!

Minh Minh (Thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo