Khẳng định vai trò và trách nhiệm của người làm báo

Thứ ba, 01/01/2019 19:25 PM - 0 Trả lời

(CLO) Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. từ ngày 01/01/2019. Đây là cơ sở, căn cứ quan trọng để người làm báo Việt Nam thực hiện khi sử dụng mạng xã hội.

Cần thiết và thiết thực cho người làm báo

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam ra đời, là cơ sở quan trọng để người làm báo Việt Nam có những căn cứ thực hiện trong sử dụng mạng xã hội. Việc Quy tắc được ban hành và có hiệu lực là căn cứ khen thưởng những người thực hiện đúng, tốt. Đồng thời là cơ sở để răn đe, xử lý vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Hội Nhà báo Việt Nam, trước khi ban hành Quy tắc, qua các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin rộng rãi, để xin ý kiến góp ý xây dựng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó có các buổi hội thảo, toạ đàm (được tổ chức tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam), nhất là lồng ghép với những hoạt động công tác hội của Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhất là từ những người làm báo.

Báo Công luận
Họp báo công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người làm báo, Quy tắc còn khuyến khích người làm báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, có trách nhiệm, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội. Bởi hiện nay rất cần những tiếng nói chính trực, kịp thời, đúng đắn của người làm báo.

Tuy vậy, đến nay vẫn còn một số ý kiến nói rằng, Quy tắc đã làm mất đi quyền tự do ngôn luận, quyền dân chủ hay Quy tắc đặt ra những quy định mang tính “mơ hồ, trừu tượng”, hoặc cứ để cho mọi người “tự do ngôn luận”. Đó là một số ý kiến của một vài cá nhân, chỉ là những luận điệu mang tính mập mờ hoặc đánh tráo các khái niệm, nội dung, hoặc cố ý hiểu sai, nhằm gây “nhiễu” thông tin về nội dung của Quy tắc.

Vài năm qua, người làm báo, cơ quan báo chí đã phải “nhường sân” cho mạng xã hội, bởi “tốc độ” thông tin trên mạng xã hội. Nay, người làm báo khi thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình là cung cấp thông tin đúng, đủ, chính xác, trung thực, khách quan…người làm báo sẽ giành lại vai trò của báo chí trong việc đăng tải, cung cấp thông tin. Đó cũng là góp phần ổn định và an toàn thông tin trên mạng xã hội.

Phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm người làm báo

Trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ, thông tin luôn ở tình trạng “thật, giả lẫn lộn”, cái tốt được lan truyền nhanh, nhưng cái xấu, tiêu cực còn lan truyền nhanh hơn. Thực tế cho thấy, trên mạng xã hội có những thời điểm, dù thông tin đưa ra không đúng, chưa được xác minh, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, các nội dung đã được chia sẻ rất nhanh theo khuynh hướng một chiều, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chính những lúc như thế, rất cần sự tham gia tích cực của những người làm báo, với tư cách cá nhân trên mạng xã hội, đưa ra những thông tin chính xác, khách quan, đã được kiểm chứng để tạo ra một luồng đúng để chống lại luồng dư luận không đúng, để định hướng thông tin và hạn chế những tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Với ý nghĩa đó, vai trò, vị trí của các nhà báo trên mạng xã hội cũng rất gần với nhà báo hoạt động trong thực tế. Để thực hiện đưa ra nguồn tin chính xác, người làm báo cần phải ra hiện trường, trên thực địa để cảm nhận, đánh giá và đưa ra những thông tin mang tính định hướng thông tin cho dư luận xã hội.

Người làm báo tham gia sử dụng mạng xã hội, cái cốt lõi là sự chính trực, trung thực, khách quan... là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Do vậy, khi nhà báo viết trên các ấn phẩm chính thức hay khi tham gia mạng xã hội, thì vẫn là con người đó, trái tim, khối óc đó, phải luôn luôn bảo vệ các giá trị tốt đẹp, chống cái xấu, cái ác, vì lợi ích thiết thân của người dân, lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc.

Người làm báo sử dụng mạng xã hội không hoàn toàn đơn thuần như một “cư dân mạng”. Nhà báo ngoài tư cách công dân, với chức trách và nhiệm vụ của mình, còn là người dẫn dắt và định hướng dư luận. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội cũng cần nghiêm túc, chuẩn mực như khi tác nghiệp báo chí. Dù ở bất cứ đâu, sứ mệnh, bổn phận vẫn là người làm báo, người cung cấp thông tin, chính xác, truyền toả cách nhìn, nhận thức đúng đắn cho xã hội.

Nội dung của Quy tắc đã nêu rõ, những việc/điều nên làm và những việc/điều không nên làm để người làm báo Việt Nam có một “hành lang” an toàn khi tác nghiệp cũng như khi xử dụng mạng xã hội. Quy tắc này dành cho những người làm báo chí cách mạng Việt Nam, những người có vai trò định hướng thông tin, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải những người “nhân danh báo chí”, để trục lợi cho cá nhân hoặc mục đích xấu khác.

Những việc/điều nên làm trong Quy tắc, đó cũng chỉ là trách nhiệm của công dân, những công dân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo đúng nghĩa của một công dân yêu nước, muốn xây dựng và bảo vệ đất nước. Còn riêng, đối với người làm báo, cần phải làm đúng, đủ vai trò của người làm báo khi chuyển tải thông tin tới người đọc. Vai trò, trách nhiệm của người làm báo đã được khẳng định rõ trong việc định hướng thông tin để xây dựng niềm tin, trách nhiệm của người làm báo với nhân dân, góp phần xây dựng đất nước của nhân dan, do nhân dân, vì nhân dân.

Quy tắc đã nêu rõ những điều mà ai ai là công dân, có đủ năng lực hành vi đều cần làm, còn người làm báo, cần làm tốt hơn một công dân bình thường, bởi họ, những người làm báo Việt Nam, là những chiến sĩ cách mạng.

Những việc/điều nên làm, người làm báo nào cũng có thể làm đúng, đủ, tốt, chỉ có những người mạo danh, người làm báo Việt Nam mới không muốn làm, đó cũng chỉ là một số nhỏ, những kẻ “bút đã tà” là khó thực hiện mà thôi.

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam ra đời, cùng với Luật An ninh mạng (đều có hiệu lực ngày 01/01/2019) sẽ cũng góp phần thiết thực cho người dân, nhất là người làm báo Việt Nam thực hiện đúng khi sử dụng mạng xã hội, Quy tắc đã thực sự đi vào “cuộc sống” người làm báo Việt Nam.

Người làm báo Việt Nam thực hiện quy định sử dụng mạng xã hội, đó cũng chính là họ (người làm báo) tự bảo vệ bản thân, góp phần thực hiện vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của người làm báo trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

“Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam”

CHƯƠNG II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội

1. Sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước.

2. Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

3. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân.

4. Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

Điều 4. Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội

1. Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật.    

2. Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác.

3. Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.  

4. Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội.

5. Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền.

6. Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc.

7. Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội.

8. Sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang mạng xã hội khi chưa được phép.

Hương Giang

namlm

Tin khác

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội